Với tham vọng “vượt trên Anh Quốc trong 10 năm và Mỹ trong 15 năm”, cuộc vận động Đại nhảy vọt (Great Leap Forward) tại Trung Quốc trong những năm 1958-1962 đã trở thành một cuộc “Đại thụt lùi” và “Đại nạn đói” (Great Chinese Famine), gây ra cái chết của hàng chục triệu thường dân. Tuy nhiên, phần lịch sử này cho đến nay vẫn là một góc khuất mà không phải người Trung Quốc nào cũng biết đến.
Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) ngày 2/3 cho biết, nhân dịp kỷ niệm 60 năm Đại nạn đói, một nhóm những người Trung Quốc quan tâm đến nạn đói của đất nước mình trước đây, đã kêu gọi chính quyền Bắc Kinh đương nhiệm “hãy đối mặt với sự thật lịch sử”. Trong đó, có nhà văn người Mỹ gốc Hoa, Vương Bình.
Đại nhảy vọt là chiến dịch của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) do Mao Trạch Đông phát động trong những năm 1958-1962, với mục tiêu phát triển nhanh chóng quốc gia nông nghiệp trở thành một xã hội công nghiệp cộng sản hiện đại. Các hoạt động canh tác cá nhân bị nghiêm cấm, bị dán nhãn phản cách mạng và bị đàn áp.
Người dân buộc phải bỏ bê ruộng vườn để làm việc trong những công xưởng luyện thép, trong khi các mục tiêu và thành tích sản lượng được phóng đại tới mức “hoang đường”, như “đạt sản lượng thóc lúa 75 tấn trên một héc ta”, “tăng gấp đôi sản lượng thép”.
Một số nhà khoa học thậm chí còn đăng tải bài báo ủng hộ những tuyên bố không đúng sự thật này. Theo cách đó, toàn xã hội Trung Quốc trở thành “nói dối tập thể” trong suốt những năm của Đại nhảy vọt.
Kết quả của của chiến dịch Đại nhảy vọt là một nạn đói khủng khiếp, cướp đi sinh mạng của hàng chục triệu người. Tuy nhiên, ĐCSTQ lại tuyên truyền rằng số lượng người chết khổng lồ này là do “3 năm thiên tai”, nhà văn Vương Bình cho biết.
Nhà văn Vương Bình quay video nói lên ba đề xuất của ông đối với Bắc Kinh về Đại nạn đói. (Ảnh: chụp màn hình từ video của VOA).
Ông Vương Bình cùng với một số người bạn học cũ của ông, họ cùng viết một lá thư ngỏ, và xuất hiện công khai gửi đến chính quyền Bắc Kinh. Trong thư, họ đề xuất ba yêu cầu được nói rằng đó cũng là 3 yêu cầu của người dân Trung Quốc.
Yêu cầu đầu tiên là thành lập Đài tưởng niệm nạn đói ở Trung Quốc xây tại Tín Dương, tỉnh Hà Nam, hoặc ở Giáp Biên Câu, Cửu tuyền, tỉnh Cam Túc. Yêu cầu thứ hai, là thiết lập Ngày tưởng niệm nạn đói, đề nghị phải thực hiện ngay vào Tiết Thanh minh. Thứ ba là chính phủ dỡ bỏ lệnh cấm đối với tác phẩm của tác giả Dương Kế Thằng có tiêu đề: “Mộ bia: Những ký ức chân thật về nạn đói ở Trung Quốc trong những năm 1960”.
Tác phẩm “Mộ bia” của tác giả Dương Kế Thằng – bị cấm xuất bản tại Trung Quốc. (Ảnh: chụp màn hình video của VOA)
Theo dữ liệu, trong nạn đói, thành phố Tín Dương, tỉnh Hà Nam đã có khoảng 1,05 triệu người chết đói, nhiều thôn làng chết sạch không còn một ai. Ở tỉnh Cam Túc, hơn 3.000 trí thức được gọi là “cánh hữu” trong tỉnh đã bị giam giữ, hầu hết trong số họ đã chết vì quá đói, và chỉ còn 500 người may mắn sống sót.
Hàng chục triệu người dân Trung Quốc bị chết vì đói trong thời kỳ Đại nhảy vọt, mà không phải là thiên tai tự nhiên như Bắc Kinh tuyên truyền. (Ảnh: hulianwang)
Bao nhiêu người đã chết vẫn còn là con số tranh cãi
Hiện tại, có nhiều ý kiến tranh cãi khác nhau về số người dân chết vì bị ĐCSTQ bỏ đói năm ấy là bao nhiều người, đa số mọi người cho rằng là khoảng 40 triệu người.
Ông Dương Kế Thằng, vốn là cựu phóng viên cấp cao của tờ báo nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã, kiêm Phó Chủ tịch tạp chí “Yanhuang Chunqiu Yang”, ông cho biết, sau 10 năm điều tra thống kê, từ năm 1958 – 1962, Trung Quốc có tới 36 triệu người chết đói.
Tài liệu thống kê số người chết đói trong phong trào Đại nhảy vọt là 35 triệu người. (Ảnh: chụp màn hình từ video của VOA)
Chuyên gia lịch sử người Hà Lan, Frank Dikotter, vào năm 2010 cho xuất bản cuốn sách “Đại nạn đói của Mao” mô tả có khoảng 45 triệu người đã chết trong thời kỳ nạn đói diễn ra.
Còn ông Trần Nhất Tư, cựu Sở trưởng Sở nghiên cứu cải cách thể chế Trung Quốc, người đang lưu vong ở Hoa Kỳ sau Vụ thảm sát sinh viên, trí thức tại Quảng trường Thiên An Môn), khẳng định một con số tương tự. Ông Trần cho biết, theo yêu cầu của nguyên Tổng Bí Thư Triệu Tử Dương, ông đã điều tra và ước tính số người chết đói trong cuộc vận động Đại nhảy vọt là khoảng 45 triệu người.
ĐCSTQ đóng cửa kho lương, mặc dân sống chết
Có hai lý do chính khiến hàng chục triệu người dân Trung Quốc chết đói, không phải lúc đó Trung Quốc thiếu lương thực mà là do chính quyền Bắc Kinh không mở ngân khố cứu trợ, và cũng không chịu tiếp nhận viện trợ từ nước ngoài.
Thay vì làm ruộng, trồng hoa màu, nông lại phải đi nung thép, bỏ phế lương thực ngoài đồng. (Ảnh: uwgbcommons.org)
Ông Trương Thụ Phiên, cựu Ủy viên Sở Hành chính thành phố Tín Dương, tỉnh Hà Nam, cho biết: “Có rất nhiều người chết vì đói ở khu vực Tín Dương, không phải vì không có lương thực, tất cả các kho lương thực lớn nhỏ đều chất đầy lương thực”.
Thư ký của Trương là ông Dư Đức Hồng, cũng xác nhận vào thời điểm đó họ không được mở kho lương. Ông cho biết: “Chúng tôi vẫn còn 550 nghìn tấn trong toàn khu vực, nhưng đó là kho lương của nhà nước, không thể động vào được”.
Báo cáo sai sự thật về sản lượng lúa mạch trên tờ Renminricheng. (Ảnh: chụp màn hình)
Đồng thời, ĐCSTQ cũng đã từ chối viện trợ từ nước ngoài. Khi Hoa Kỳ đề nghị cung cấp 5 triệu tấn lúa mì cho Trung Quốc, đại sứ Vương Bính Nam chuyển lời của Chủ tịch Mao Trạch Đông lúc đó nói rằng: Nếu Hoa Kỳ cần sự giúp đỡ của Trung Quốc, Trung Quốc sẵn sàng thắt lưng buộc bụng viện trợ một ít lúa mì và gạo.