Tuesday, November 19, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNguyên tắc cấm đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ lực...

Nguyên tắc cấm đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ lực trong luật quốc tế và vụ TQ sử dụng vũ lực đánh chiếm phi pháp đá Gạc Ma của Việt Nam

Ngày 14/3/1988, Trung Quốc cho tàu hộ vệ tên lửa và binh lính tấn công, xâm chiếm cụm đá Gạc Ma – Cô Lin – Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bắn chìm 2 tàu vận tải HQ 604, HQ 605, thảm sát 64 cán bộ chiến sĩ Việt Nam, chiếm trái phép bãi đá Gạc Ma của Việt Nam. Hành động này của Trung Quốc không chỉ vi phạm luật pháp quốc tế mà còn coi thường Hiến chương Liên hợp quốc.

Tượng đài kỷ niệm các chiến sĩ đã anh dũng hy sinh ở đá Gạc Ma

Vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực trong luật quốc tế

Vũ lực thông thường được hiểu là vũ lực quân sự, vũ lực do vũ khí, khí tài. Có ý kiến cho rằng vũ lực bao gồm cả vũ lực chính trị và kinh tế, ví dụ như sử dụng cấm vận kinh tế, sức ép chính trị. Tuy nhiên, có vẻ cách hiểu rộng này không được chấp nhận. Và việc sử dụng cấm vận kinh tế hay sức ép chính trị để tác động vào toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị nên được xem xét trong khuôn khổ nguyên tắc cấm can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác.

Trong Ý kiến tư vấn về Tính hợp pháp của việc đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ khí hạt nhân, Tòa ICJ giải thích rằng việc một quốc gia tuyên bố sẽ sử dụng một loại vũ khí nào đó (có thể là vũ khí hạt nhân) để tự vệ nếu bị tấn công có được xem là “đe dọa sử dụng vũ lực” theo Điều 2(4) hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Tòa cho rằng tiêu chí xác định nằm ở việc quốc gia đe dọa sử dụng cái gì; nếu việc sử dụng vũ lực theo cách thức nhất định là vi phạm Điều 2(4) thì việc đe dọa sử dụng vũ lực theo cách thức đó sẽ là “đe dọa” vi phạm Điều này. Nói nôm na, nếu nước A đe dọa thực hiện việc A, mà việc A đó được xác định là sử dụng vũ lực theo Điều 2(4) nếu xảy ra, thì việc đe dọa sẽ cấu thành “đe dọa sử dụng vũ lực” bị cấm ở Điều 2(4). Trong vụ này, Tòa cho rằng chính sách răn đe hạt nhân có hay không có cấu thành đe dọa sử dụng vũ lực theo Điều 2(4) phụ thuộc vào “cách sử dụng vũ lực cụ thể được dự trù” theo chính sách đó có nhằm chống lại toàn vẹn lãnh thổ, độc lập chính trị hay Mục đích của Liên hợp quốc hay không, hay liệu khi được sử dụng như một biện pháp quốc phòng thì có nhất thiết vi phạm nguyên tắc cần thiết và tương xứng hay không.

Nguyên tắc cấm đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ lực

Nguyên tắc cấm đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ lực được xem là nguyên tắc có tầm quan trọng bậc nhất trong tất cả các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Luật pháp nói chung được đặt ra để con người có thể sống với nhau trong xã hội một cách hòa bình, hay ít nhất không xung đột một mất một còn. Nếu vũ lực được sử dụng một cách không hạn chế, thì từ thời điểm đó luật pháp chỉ là trò cười, một đống giấy lộn mà thôi. Luật pháp quốc tế cũng là luật pháp và do đó cũng tương tự như thế. Sau hai cuộc thế chiến, đặc biệt là Chiến tranh Thế giới thứ 2, con người đã phải chịu đựng “nỗi đau đớn không nói thành lời” hai lần trong cuộc đời ngắn ngủi của họ. Do đó, vũ lực cần phải được hạn chế mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn, không chỉ bằng quy định mà còn bằng một cơ chế bảo đảm và giám sát thực hiện hiệu quả. Và để đáp ứng suy nghĩa đó, Hiến chương Liên hợp quốc năm 1945 đã quy định nguyên tắc cấm đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ lực là một trong những nguyên tắc của Tổ chức này, giao cho Hội đồng Bảo an trách nhiệm chính yếu để giám sát thực thi nhằm bảo đảm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.

Ngoài được quy định tại Điều 2(4) Hiến chương, nguyên tắc này còn tồn tại trong tập quán quốc tế. Trong phán quyết kinh điển của mình trong Vụ Nicaragua v Mỹ năm 1986, Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) đã lần đầu tiên công nhận nguyên tắc này là một quy phạm tập quán quốc tế, ràng buộc tất cả các quốc gia trên thế giới. Hơn nữa, có thể do tầm quan trọng không thể chối cãi của nguyên tắc mà nguyên tắc cấm sử dụng vũ lực còn được công nhận là một quy phạm mệnh lệnh bắt buộc chung (quy phạm jus cogens) – một trong những quy phạm hiếm hoi được xem có giá trị pháp lý cao nhất, vượt trên và không chấp nhận bất kỳ sự vi phạm nào (có thể ví quy phạm jus cogens như quy phạm hiến định trong hệ thống pháp luật quốc gia). Tóm lại, về mặt pháp lý, cộng đồng quốc tế đã xác lập và gia cố nguyên tắc này bằng tất cả các biện pháp có thể để bảo đảm đây là một nguyên tắc cứng, bất khả xâm phạm, không thể vượt qua trong luật pháp quốc tế.

Về mặt thể chế giám sát thực thi, cộng đồng quốc tế sau Chiến tranh Thế giới thứ 2 đã học được bài học từ Hội quốc liên, và xây dựng một cơ chế an ninh tập thể hiện quả hơn hẳn – Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Hội đồng có thể xem là thiết chế có quyền lực nhất trên thế giới, có quyền “sinh, sát” đối với những vấn đề quan trọng nhất và kể cả sự tồn vong của chế độ một quốc gia. Nếu chỉ từ kết quả của 70 năm tồn tại không có chiến tranh thế giới thứ 3, Hội đồng Bảo an đã hoàn thành và thực thi tốt vai trò của mình. Ở những góc độ khác đánh giá có thể khác nhau.

Nội dung của nguyên tắc cấm đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ lực

Điều 2(4) Hiến chương quy định “các Quốc gia thành viên hạn chế việc đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của các quốc gia khác hoặc trái với các Mục đích của Liên hợp quốc.” Về mặt câu chữ, Điều 2(4) chỉ yêu cầu các quốc gia “hạn chế” (refrain) và việc sử dụng vũ lực chỉ bị hạn chế nếu mục đích của nó là nhằm xâm phạm chống lại “sự toàn vẹn lãnh thổ”, “độc lập chính trị” hoặc “trái với Mục đích của Liên hợp quốc”. Qua thực tiễn của Liên hợp quốc, nghĩa vụ hạn chế đã được chuyển hóa thành nghĩa vụ cấm và việc cấm sử dụng vụ lực cũng không bị hạn chế vào những mục đích theo câu chữ của Điều 2(4) dù giải thích theo cách rộng hay hẹp. Tóm lại, hiện trạng luật pháp quốc tế hiện nay cấm việc đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế giữa các quốc gia với nhau.

Trong Vụ Nicaragua và Mỹ, Tòa ICJ đã nêu cụ thể những hành vi có thể được xem là sử dụng vũ lực, bao gồm tấn công vũ trang; đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ lực xâm phạm biên giới quốc tế; để buộc giải quyết tranh chấp; trả đũa bằng vũ lực; sử dụng vũ lực ngăn chặn các dân tộc thực thi quyền bình đẳng và tự quyết; tổ chức hay khuyết khích tổ chức các nhóm vũ trang không chính quy, bao gồm cả lính đánh thuê, tấn công vào lãnh thổ nước khác; hoặc tổ chức, xúi giục, hỗ trợ, tham gia vào các cuộc bạo động dân sự, hoạt động khủng bố ở nước khác; dung dưỡng cho các hoạt động có tổ chức trong lãnh thổ của mình để thực hiện các hành vi trên. Trong vụ này, Tòa cho rằng Mỹ đã vi phạm nguyên tắc cấm đe dọa sử dụng và sử dụng vũ lực khi: tấn công bằng không quân và hải quân vào lãnh thổ, cảng biển, các đường ống dầu và kho dầu, và tàu tuần tra của Nicaraqua trong khu vực cảng biển, và huấn luyện, vũ trang, trang thiết bị và tài trợ tài chính và cung cấp nhóm vũ trang chống chính phủ (contra forces), đã khuyến khích, hỗ trợ và trợ giúp các hoạt động quân sự và bán quân sự chống lại Nicargua, đã đặt mìn ở nội thủy và lãnh hải của Nicaragua.

Ngoại lệ theo Hiến chương

Mặc dù vậy nguyên tắc này không phải không có ngoại lệ. Các quốc gia vẫn được phép sử dụng vũ lực ít nhất trong hai trường hợp. Thứ nhất, việc sử dụng vũ lực vì tự vệ chống lại một cuộc tấn công vũ trang là được phép (quyền tự vệ) theo Điều 51. Quyền tự vệ bao gồm tự vệ cá nhân và tự vệ tập thể và đây là quyền tự nhiên của tất cả mọi quốc gia không chỉ theo quy định ở Điều 51 mà còn theo tập quán quốc tế. Các biện pháp vũ lực được sử dụng để tự vệ phải thỏa mãn điều kiện về tính cần thiết (necessity) và tính tương xứng (proportionality). Thứ hai, các quốc gia có thể sử dụng vũ lực nếu Hội đồng Bảo an cho theo theo thẩm quyền của cơ quan này quy định tại Chương VII Hiến chương. Điều 39 và 42 của Chương VII trao cho Hội đồng Bảo an quyền lực gần như không có giới hạn về việc xác định khi nào sử dụng vũ lực và biện pháp sử dụng vũ lực nào được sử dụng.

Đây là hai ngoại lệ được chấp nhận rộng rãi và không một quốc gia nào phủ nhận hay phản bác chúng (có tranh cãi thì cũng chủ yếu liên quan đến nội hàm của hai ngoại lệ mà không phải về sự tồn tại của chúng). Trong bối cảnh hiện nay khác rất nhiều so với bối cảnh năm 1945 khi Hiến chương được viết ra, hai ngoại lệ này cũng đang phát triển để đáp ứng hiện trạng của việc sử dụng vũ lực. Những vấn đế hiện nay như (a) việc sử dụng vũ lực của các nhóm vũ trang phi-quốc gia, (b) tấn công mạng, (c) trách nhiệm bảo vệ (R2P), (d) tự vệ phủ đầu, tự vệ phòng ngừa,…

Tuy nhiên thực tiễn thì luôn phong phú hơn lý thuyết. Các quốc gia và những luật sư chính phủ của họ rất sáng tạo; những ngoại lệ khác đôi khi được viện dẫn: can thiệp nhân đạo và sự đồng ý của quốc gia liên quan. Can thiệp nhân đạo (humanitarian intervention) có thể hiểu là việc một quốc gia sử dụng vũ lực để can thiệp vào một quốc gia khác nhằm mục đích loại trừ một thảm họa nhân đạo ở quốc gia bị can thiệp. Cách thức áp dụng và những điều kiện cụ thể để viện dẫn can thiệp nhân đạo gần đây được nêu trong quan điểm pháp lý của Chính phủ Anh về khả năng sử dụng vũ lực chống lại Syria khi có cáo buộc nước này sử dụng vũ khí hóa học năm 2013. Theo tài liệu quan điểm này, can thiệp nhân đạo có thể được tiến hành và tiến hành hợp pháp theo luật pháp quốc tế, nếu thỏa mãn 03 điều kiện: Có bằng chứng thuyết phục, được toàn thể công đồng quốc tế công nhận rộng rãi về sự tồn tại của thảm họa nhân đạo cần thiết phải được loại trừ ngay; Hoàn cảnh của vụ việc rõ ràng và khách quan là không có bất kỳ biện pháp thay thế nào ngoài sử dụng vũ lực – sử dụng vũ lực là biện pháp cuối cùng khả thi; và việc sử dụng vũ lực ở mức cần thiết tối thiểu và tương xứng để loại trừ thảm họa nhân đạo đó.

Nếu nhìn qua mục đích và điều kiện tiến hành can thiệp nhân đạo, chúng ta có thể sẽ gật đầu với nhau về tính chính đáng của can thiệp nhân đạo và nghĩ rằng luật pháp quốc tế nên ghi nhận ngoại lệ này vì sự tốt đẹp chung của nhân loại và nhân phẩm của con người. Tuy nhiên, quy định về can thiệp nhân đạo như trên nhìn ban đầu có vẻ chặt chẽ và hợp lý nhưng khả năng bị lạm dụng vẫn tồn tại, do thiếu cơ chế khách quan đánh giá các điều kiện nêu trên. Ai sẽ là người đánh giá về sự tồn tại của thẩm họa nhân đạo, vũ lực là biện pháp cuối cùng hay mức độ sử dụng vũ lực.

Vụ Trung Quốc sử dụng vũ lực xâm chiếm đá Gạc Ma của Việt Nam

Đầu tháng 3/1988, Hải quân Trung Quốc huy động lực lượng của hai hạm đội xuống khu vực quần đảo Trường Sa, tăng số tàu hoạt động ở đây thường xuyên có từ 9 đến 12 tàu chiến, gồm: tàu khu trục tên lửa, 7 tàu hộ vệ tên lửa, 2 tàu pháo, 2 tàu đổ bộ; tàu hỗ trợ gồm 3 tàu vận tải LSM, tàu đo đạc, tàu kéo và một pông-tông lớn.

Trước sự bành trướng ngang ngược của quân Trung Quốc, Quân chủng Hải quân Việt Nam xác định, Gạc Ma giữ vị trí quan trọng, nếu để Trung Quốc chiếm giữ sẽ khống chế đường tiếp tế của ta cho các căn cứ tại quần đảo Trường Sa. Vì vậy, Thường vụ Đảng uỷ Quân chủng Hải quân Việt Nam hạ quyết tâm đóng giữ Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao. Quân chủng Hải quân Việt Nam điều 3 tàu vận tải mang khí tài, vật liệu xây dựng đóng giữ các bãi đá Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao.

Ngày 12/3/1988, tàu HQ 605 (thuộc Lữ đoàn 125), do ông Lê Lệnh Sơn làm thuyền trưởng, xuất phát từ Đá Đông đến đóng giữ đảo Len Đao. Sau 29 giờ vượt sóng to, gió lớn, Tàu HQ 605 đến Len Đao và cắm cờ Tổ quốc lên đảo (lúc 5h ngày 14/3/1988), khẳng định chủ quyền và quyết tâm bảo vệ đảo của ta.

Tiếp đó, 9h ngày 13/3/1988, tàu HQ 604 do ông Vũ Phi Trừ làm thuyền trưởng và tàu HQ 505 do ông Vũ Huy Lễ làm thuyền trưởng, xuất phát từ đảo Đá Lớn tiến về Gạc Ma, Cô Lin. Phối hợp với hai tàu HQ 604 và HQ 505 có hai phân đội công binh (70 người) thuộc Trung đoàn 83, 4 tổ chiến đấu (22 người) thuộc Lữ đoàn 146, do ông Trần Đức Thông, Phó Lữ đoàn trưởng chỉ huy và 4 chiến sĩ đo đạc của Đoàn đo đạc và biên vẽ bản đồ (Bộ Tổng Tham mưu).

Tại Gạc Ma vào ngày 14/3/1988, một phân đội của Trung đoàn Công binh 83 và bộ phận của Lữ đoàn 146 đã đổ bộ lên đảo cắm cờ Việt Nam, đồng thời, đang vận chuyển vật liệu dựng nhà C3. Sáng hôm đó, Trung Quốc cho lính lên tranh chấp với ta. Khi giật cờ không được, chỉ huy quân Trung Quốc đã dùng súng ngắn bắn thẳng vào đầu Thiếu úy Trần Văn Phương, sỹ quan chỉ huy của Lữ đoàn 146. Đồng chí Nguyễn Văn Lanh, chiến sỹ của Trung đoàn Công binh 83 đã quyết tâm giữ lá cờ Tổ quốc. Khi không giật được, lính Trung Quốc đã dùng lưỡi lê đâm vào vai anh Lanh đến khi gục xuống. Trước khi ngã xuống, các chiến sỹ Việt Nam đã hành động rất anh dũng. Thiếu úy Trần Văn Phương trước khi bị bắn đã hô: “Thà hi sinh chứ không chịu mất đảo, hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân”. Các chiến sỹ của ta lúc đó đã nắm tay nhau đứng vòng quanh quyết bảo vệ lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, dùng xà beng dụng cụ lao động chống trả lại những hành động hung hãn của Trung Quốc. Không thể phá vỡ được vòng tròn bất tử của các chiến sỹ Hải quân Việt Nam, Trung Quốc rút quân lên tàu rồi hạ pháo 100 ly, 37 ly 2 nòng xả đạn dã man sát hại gần hết số cán bộ chiến sỹ của Trung đoàn 83 lắp dựng nhà và cán bộ chiến sỹ của Lữ đoàn 146 ra giữ đảo. Trong trận chiến đơn phương do Trung Quốc gây ra đã có tổng số 64 cán bộ chiến sỹ đã hy sinh ở cả 3 đảo trong đó, có 26 chiến sỹ của Trung đoàn Công binh 83

Trong khi đó, tại đảo Cô Lin, 6h ngày 14/3/1988, tàu HQ 505 đã cắm hai lá cờ lên đảo. Khi tàu HQ 604 của ta bị chìm, Thuyền trưởng tàu HQ 505 Vũ Huy Lễ ra lệnh nhổ neo ủi bãi. Phát hiện thấy ta cơ động lên bãi, hai tàu của Trung Quốc quay sang tấn công tàu HQ 505. Bất chấp hiểm nguy, tàu HQ 505 chạy hết tốc độ, trườn lên được hai phần ba thân tàu thì bốc cháy. 8h15 ngày 14/3, bộ đội trên tàu HQ 505 vừa dập lửa cứu tàu, bảo vệ đảo, vừa đưa xuồng đến cứu vớt cán bộ, chiến sĩ của tàu HQ 604 vừa bị Trung Quốc đánh chìm. Cán bộ, chiến sĩ của Tàu HQ 505 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền ở đảo Cô Lin. Cho đến nay, là cờ đỏ sao vàng của Việt Nam vẫn phấp phới tung bay trên đảo Cô Lin.

Ở hướng đảo Len Đao, 8h20 ngày 14/3, tàu của Trung Quốc bắn chìm tàu HQ 605 của ta. Cán bộ, chiến sĩ của tàu HQ 605 phải dìu nhau bơi về đảo Sinh Tồn (đến 6h ngày 15/3 mới đến đảo). Tại Len Đao, sau trận chiến Gạc Ma, chúng ta đấu tranh kiên quyết, khiến Trung Quốc lui quân, ta bảo vệ thành công Len Đao đến hôm nay.

Kết luận:

Trung Quốc với tư cách là một trong năm nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Song Bắc Kinh không phải tấm gương cho các nước học tập, trái lại, nước này thường xuyên sử dụng vũ lực để xâm chiếm lãnh thổ, lãnh hải của nước khác. Điển hình là việc Trung Quốc ngang nhiên dùng vũ lực xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa và 7 bãi cạn ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông. Hành động coi thường Hiến chương Liên hợp quốc, vi phạm trắng trợn các quy định của luật pháp quốc tế của Bắc Kinh cần được lên án.

RELATED ARTICLES

Tin mới