Trung Quốc được xem là nhân tố đang tác động lớn đến chính sách đối ngoại của Philippines trong quan hệ đồng minh với Mỹ, đặc biệt là sau khi Tổng thống Rodrigo Duterte lên nắm quyền năm 2016. Mối quan hệ tay ba này cũng đã đóng vai trò nhất định đối với diễn biến tình hình Biển Đông thời gian qua.
Philippines lạnh nhạt Mỹ, ngày càng nồng ấm với TQ
Mỹ và Philippines vốn là đồng minh truyền thống của nhau ở khu vực. Hai nước đã cóHiệp ước phòng thủ chung (MDT) ký năm 1951, vốn được xem là nền tảng cho mối quan hệ đồng minh chiến lược Mỹ – Philippines. Tuy nhiên, dưới thời Tổng thống Duterte quan hệ này đang có sự dịch chuyển ngày càng cách xa nhau, với những biểu hiện:
Một là, trong chính quyền Philippines, ngày càng có nhiều ý kiến kêu gọi đánh giá lại Hiệp ước MDT, vốn đã tồn tại gần 70 năm qua. Đề xuất này được chính Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đưa ra hồi tháng 01/2019. Phía Philippines cho rằng việc MDT quy định “mỗi bên thừa nhận rằng một vụ tấn công vũ trang trên Thái Bình Dương vào kia sẽ gây nguy hiểm cho hòa bình và an toàn của bên còn lại, và tuyên bố rằng mỗi bên sẽ hành động để đối phó với những mối đe dọa chung theo cách phù hợp với các quy trình hiến pháp”. Điều này có nghĩa là Mỹ phải được quốc hội nước này chấp thuận nếu có bất kỳ cuộc can thiệp quân sự lớn nào trên danh nghĩa của Philippines. Hai năm trước, chính Mỹ đã từ chối can thiệp quân sự khi Philipines và Trung Quốc đối đầu nhau nhiều tháng ở bãi cạn Scarborough mà Trung Quốc đến nay vẫn chiếm đóng trái phép.
Hai là,quan hệ Mỹ – Philippines đi xuống, trong khi quan hệ Philippines – Trung Quốc ngày càng mạnh mẽ. Sau Phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế về vụ kiện Biển Đông (7/2016), Chính quyền của Tổng thống Philippines Duterte đã thực hiện chính sách đảo chiều từ chỗ đối đầu căng thẳng, sang thắt chặt quan hệ song phương gần gũi hơn với Trung Quốc. Philippines lúc này đã gác lại Phán quyết để thúc đẩy hợp tác khai thác chung để đổi lại những lợi ích kinh tế từ Trung Quốc. Tổng thống Philippines Duterte và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ca ngợi quan hệ hai nước đang bước vào thời kỳ “trăng mật”. Ông Duterte gọi Trung Quốc là “người bạn thân thiết nhất” của Philippines. Hai bên đã trao đổi hàng loạt chuyến thăm cấp cao song phương trong năm 2018. Trong khi đó, mối quan hệ Philippines – Mỹ lại có xu hướng nguội lạnh bởi sự tham gia ít ỏi của Mỹ trong sự phát triển của Philippines và đời sống quan hệ chính trị ở khu vực khi có sự xuất hiện của Philippines và Trung Quốc. Trong bài phát biểu trước các binh sĩ tại tỉnh Bulacan hôm 11/01/2019, Tổng thống Duterte cho biết ông không đồng ý tiếp tục mua vũ khí từ Mỹ vì Chính quyền Tổng thống Donald Trump dọa sẽ áp lệnh trừng phạt với những nước mua trang thiết bị quân sự từ Nga. Ngoài ra, ông Duterte cũng chỉ trích việc Mỹ phản đối Philippines có giao dịch với Trung Quốc và lên án Manila về chiến dịch chống ma túy đẫm máu. “Nếu chúng ta mua (vũ khí) từ Trung Quốc hoặc Nga, chúng ta sẽ bị liệt vào danh sách cấm vận, chúng ta không thể giao thương với Nga. Do vậy, đừng kỳ vọng tôi sẽ mua vũ khí từ Mỹ”, Tổng thống Duterte nói. Tổng thống Philippines Duterte cũng từng cam kết sẽ chấm dứt các cuộc tập trận chiến đấu với quân đội Mỹ và sự hiện diện của quân đoàn Mỹ ở phía nam nước này, đồng thời nỗ lực khôi phục quan hệ với Trung Quốc. “Tôi sẽ vạch ra một hải trình mới cho Philippines và sẽ không phụ thuộc vào Hoa Kỳ”, ông Duterte tuyên bố vài ngày sau khi đắc cử.
Tuy nhiên,cũng phải nói rằng trong xã hội Philippines hiện nay, tình cảm của người dân đối với Mỹ vẫn còn rất sâu đậm. Theo một cuộc khảo sát hồi tháng 3/2018, cho thấy có tới 75% người Philippines nói rằng họ “có lòng tin” ở Mỹ hơn so với 14 quốc gia khác trong cuộc thăm dò, theo sau là Canada và Nhật Bản. Mặc dù xếp hạng tín nhiệm của Trung Quốc đã tăng lên từ cấp độ âm đến trung lập, tăng 20 điểm so với mức -13 điểm vào tháng 9/2017. Dù vậy đa số người Philippines tham gia cuộc khảo sát cho biết họ cảm thấy “trung lập” về Trung Quốc. Thậm chí, một bộ phận còn tẩy chay quan hệ với Trung Quốc. Tiêu biểu trong số đó là một vài cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc trong năm ngoái, khi người dân tức giận về việc Trung Quốc đe dọa, tấn công ngư dân của họ ở Biển Đông và nhận dịp kỷ niệm ngày Tòa trọng tài ra Phán quyết (7/2016).
Năm 2019, Mỹ điều chỉnh chính sách theo hướng tập trung hơn đối với Philippines?
Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang diễn ra quyết liệt ở mọi cấp độ,cùng với hoạt động quân sự hóa, gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ở Biển Đông, Mỹ không thể đứng nhìn để một đồng minh của mình là Philippines xích lại gần với Trung Quốc. Mỹ đã cho thấy những sự điều chỉnh: Một là, quân đội Mỹ và Philippines đồng ý gia tăng hoạt động quân sự vào năm 2019 trong lúc Trung Quốc bày tỏ quan ngại về máy bay B-52 của Mỹ trên Biển Đông. Hôm 28/9/2018, quân đội Philippines cho biết hoạt động chung về an ninh và quốc phòng với Mỹ, bao gồm các cuộc diễn tập chiến đấu thường niên, sẽ được tăng cường trong năm 2019, thể hiện quan hệ đang tiếp tục vững mạnh giữa hai nước. Các quan chức cấp cao quân đội Mỹ đồng ý tăng số hoạt động an ninh chung lên 281 hoạt động trên các lĩnh vực chống khủng bố, an ninh hàng hải và cứu trợ nhân đạo. Đại tá Noel Detoyato, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Philippines cho biết, hai nước có 261 hoạt động chung trong năm 2018. Trước đó, hôm 27/9/2018, Tham mưu trưởng quân đội Philippines Carlito Galvez và Đô đốc Philip Davidson, chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, đã chủ trì hội nghị thường niên của lực lượng liên quân tại trụ sở quân đội ở thủ đô Manila, Philippines.
Hai là, trong chuyến thăm Philippines hôm 1/3 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố tuyên bố sẽ ủng hộ Philippines và các quốc gia khác trong khu vực “để các tuyến đường biển kinh tế cực kỳ quan trọng này được mở và Trung Quốc không đặt ra mối đe dọa đóng cửa chúng”. Cụ thể, Mỹ sẽ can thiệp nếu Philippines bị tấn công ở Biển Đông trong bối cảnh quân sự hóa Trung Quốc đang gia tăng. Theo đó, bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào vào lực lượng, máy bay hoặc tàu công cộng của Philippines ở Biển Đông sẽ kích hoạt nghĩa vụ phòng thủ lẫn nhau theo Điều 4 của Hiệp ước phòng thủ lẫn nhau giữa Mỹ và Philippines. Ông Mike Pompeo cũng lên tiếng chỉ trích rằng hoạt động xây dựng đảo và các hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông đang đe dọa chủ quyền, an ninh và kinh tế xã hội của Philippines, cũng như của Mỹ. Đây là lần đầu tiên Mỹ công khai tuyên bố ý định của Washington trong việc phòng thủ bảo vệ đồng minh tại Biển Đông.
Ba là, Mỹ đã tăng cường hiện diện thường xuyên hơn ở Biển Đông thông qua chiến dịch đảm bảo tự do hàng hải, hàng không. Chỉ từ đầu năm 2019 đến nay, Mỹ đã điều ít nhất 3 lần tàu chiến tới Biển Đông. Tháng 1, Mỹ điều tàu USS McCampbell đã tuần tra trong vùng 12 hải lý ở quần đảo Hoàng Sa (Việt Nam). Tháng 2, Mỹ điều 2 tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS Spruance và USS Preble đi ngang qua khu vực nằm trong vùng 12 hải lý quanh các đảo ở quần đảo Trường Sa (Việt Nam) để “bảo vệ tự do hàng hải”. Người phát ngôn hạm đội 7 của Mỹ nhấn mạnh hoạt động này nhằm “thách thức các tuyên bố hàng hải thái quá” trong lúc tàu Mỹ vẫn “tuân thủ luật pháp quốc tế” khi đi vào vùng biển quốc tế. Chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cho biết Mỹ sẽ tiếp tục duy trì hoạt động tự do hàng hải tại Biển Đông và sẽ cùng các đối tác và đồng minh thực hiện nhiệm vụ. Số lần Mỹ lên tiếng chỉ trích các hoạt động quân sự hóa, mở rộng đảo của Trung Quốc ở Biển Đông cũng nhiều hơn.
Giới phân tích dự báo trong năm 2019, Mỹ sẽ tập trung nhiều hơn vào khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, trong đó có khu vực Biển Đông, nhằm làm tươi mới các quan hệ đồng minh cũ như Philippines, Thái Lan và tìm kiếm đối tác mới trong khu vực để đối phó với sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc.