Wednesday, January 8, 2025
Trang chủQuân sựNguy cơ chiến tranh hạt nhân hủy diệt giữa Ấn Độ và...

Nguy cơ chiến tranh hạt nhân hủy diệt giữa Ấn Độ và Pakistan

Giới phân tích lo ngại về nguy cơ vũ khí hạt nhân được sử dụng nếu hai quốc gia Nam Á để xung đột leo thang thành chiến tranh tổng lực.

Căng thẳng biên giới giữa New Delhi và Islamabad trở nên sôi sục sau khi không quân Ấn Độ ném bom nhiều mục tiêu trong lãnh thổ Pakistan hôm 26/2 để trả đũa vụ khủng bố khiến 45 binh sĩ thiệt mạng hồi giữa tháng 2. Không quân Pakistan điều tiêm kích đáp trả, làm bùng nổ cuộc không chiến hôm 27/2 trên bầu trời khu vực tranh chấp Kashmir, khiến một tiêm kích MiG-21 Ấn Độ bị bắn rơi, phi công bị bắt làm tù binh.

Tình hình tại Kashmir đã hạ nhiệt đáng kể sau khi Pakistan trao trả phi công tù binh, nhưng vẫn xảy ra những vụ pháo kích và chạm súng lẻ tẻ giữa quân đội hai nước. Giới quan sát cảnh báo xung đột có thể leo thang thành chiến tranh quy mô lớn, gây hậu quả cực kỳ thảm khốc nếu các bên liên quan không kiềm chế, nhất là khi Pakistan có thể tung vũ khí hạt nhân để bù đắp chênh lệch về sức mạnh quân sự truyền thống với Ấn Độ, theo National Interest.

Theo bảng thống kê Chỉ số Sức mạnh châu Á do Viện Lowey, Australia công bố năm 2018, chi tiêu quốc phòng hàng năm của Ấn Độ là 48,4 tỷ USD, vượt xa mức 9,7 tỷ USD của Pakistan. Với dân số đông thứ hai thế giới, Ấn Độ sở hữu lực lượng quân đội vượt trội với gần 2,8 triệu binh sĩ chính quy và bán vũ trang, trong khi các lực lượng vũ trang của Pakistan chỉ có tổng cộng chưa đầy một triệu người.

Về lục quân, Ấn Độ có 1,4 triệu binh sĩ thường trực với hơn 3.565 xe tăng chiến đấu chủ lực, 3.100 xe chiến đấu bộ binh, 336 thiết giáp chở quân và 9.719 khẩu pháo các loại. Lục quân Pakistan chỉ có gần 654.000 người, trang bị 2.496 xe tăng, 1.605 xe bọc thép và 4.472 khẩu pháo, trong đó có 375 lựu pháo tự hành.

“Dù quân số lớn hơn, tiềm lực lục quân Ấn Độ thường bị hạn chế bởi vấn đề hậu cần, bảo dưỡng cũng như thiếu thốn về đạn dược”, Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (IISS) của Anh nhận xét trong báo cáo công bố đầu năm nay.

Tiêm kích đa năng Su-30MKI của Ấn Độ. Ảnh: IAF.

Tiêm kích đa năng Su-30MKI của Ấn Độ. Ảnh: IAF

Không quân Ấn Độ có 127.000 binh sĩ và 889 chiến đấu cơ, đa phần mua từ Nga, lớn hơn đáng kể so với Pakistan, nước có 433 chiếc, chủ yếu là tiêm kích mua từ Mỹ và Trung Quốc. Pakistan cũng có 7 máy bay cảnh báo sớm, nhiều hơn ba chiếc so với Ấn Độ.

“Không quân Pakistan đang tích cực hiện đại hóa, đồng thời cải thiện khả năng tấn công chính xác và năng lực tình báo, trinh sát và giám sát (ISR)”, IISS đánh giá.

Về hải quân, Ấn Độ có một tàu sân bay, 16 tàu ngầm, 27 tàu khu trục và hộ vệ hạm, 106 tàu tuần tra xa bờ và gần bờ, 75 chiến đấu cơ, 67.700 binh sĩ gồm không quân hải quân và thủy quân lục chiến.  Trong khi đó, hải quân Pakistan có quy mô nhỏ hơn đáng kể khi chỉ có 9 khinh hạm, 8 tàu ngầm, 17 tàu tuần tra và 8 phi cơ.

Tuy nhiên, Ấn Độ và Pakistan đều sở hữu vũ khí hạt nhân, điều luôn khiến các cường quốc trên thế giới lo ngại. Hiệp hội Các nhà khoa học Mỹ (FAS) ước tính New Delhi có khoảng 130 đầu đạn hạt nhân, trong khi con số này của Islamabad là 140. Cả hai nước đều không tham gia ký Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân năm 1968, cũng như nằm trong số các nước thường xuyên thử vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Tên lửa đạn đạo Shaheen-II của Pakistan trong cuộc duyệt binh hôm 23/3/2018. Ảnh: AFP.

Tên lửa đạn đạo Shaheen-II của Pakistan trong cuộc duyệt binh hôm 23/3/2018. Ảnh: AFP.

Hai quốc gia Nam Á đều có tên lửa đạn đạo đủ sức mang đầu đạn hạt nhân, có thể phát động các cuộc tấn công chiến lược phủ đầu trên không và trên bộ. Ấn Độ đang biên chế 9 loại tên lửa đạn đạo khác nhau, trong đó mạnh nhất là mẫu Agni-III với tầm bắn 5.000 km. Đây cũng là một trong 5 nước trên thế giới sở hữu tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa hành trình, có thể bí mật đánh trúng mục tiêu từ khoảng cách 700 km.

Trong khi đó, nhờ sự hỗ trợ của Trung Quốc, Pakistan đã phát triển được các loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung có thể tấn công mọi mục tiêu của Ấn Độ, với chủ lực là dòng Shaheen-II có tầm bắn xa nhất lên tới 2.000 km.

Pakistan hồi năm 2011 xác nhận đã có năng lực hạt nhân chiến thuật với các đầu đạn cỡ nhỏ đạt tầm bắn 50-100 km, dùng để đối phó các cuộc tấn công thông thường quy mô nhỏ của Ấn Độ. Việc bổ sung vũ khí hạt nhân chiến thuật giúp Islamabad hạ thấp ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân, đối phó học thuyết triển khai lực lượng nhỏ xâm nhập lãnh thổ Pakistan để tránh leo thang căng thẳng của New Delhi.

Tương quan sức mạnh quân sự giữa Ấn Độ và Pakistan. Bấm vào ảnh để xem đầy đủ.

Tương quan sức mạnh quân sự giữa Ấn Độ và Pakistan. Bấm vào ảnh để xem đầy đủ.

Theo bảng xếp hạng đánh giá sức mạnh quân sự năm 2018 của trang Global Firepower có trụ sở tại Mỹ, Ấn Độ xếp thứ 4 thế giới về tiềm lực quân sự tổng thể, trong khi Pakistan đứng thứ 17.

“Bị áp đảo về quân số và trang bị, Pakistan nhiều khả năng sẽ phát động các cuộc tấn công phủ đầu quy mô nhỏ nhằm chiếm lợi thế trước khi Ấn Độ kịp tham chiến. Tuy nhiên, Islamabad sẽ khó lòng so sánh với New Delhi trong một cuộc chiến tổng lực dài hơi. Điều này có thể buộc Pakistan sử dụng vũ khí hạt nhân nếu chiến sự bùng nổ, dẫn tới nguy cơ một cuộc chiến tranh hủy diệt”, chuyên gia Kyle Mizokami nhận định.

Phần lớn các chuyên gia nhận định rằng các chính trị gia hai nước sẽ nỗ lực hết mình để tình hình không vượt tầm kiểm soát đến mức làm nổ ra chiến tranh hạt nhân. Tuy nhiên, trong bối cảnh Mỹ vẫn im lặng trước diễn biến căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan, một số nhà quan sát vẫn lo ngại rằng kịch bản xấu nhất vẫn có thể xảy ra khi thiếu một cường quốc đóng vai trò “hạ nhiệt” trong tình huống khủng hoảng.

RELATED ARTICLES

Tin mới