Friday, January 10, 2025
Trang chủQuân sựVũ khí TQ có thể giúp Pakistan chặn đòn không kích Ấn...

Vũ khí TQ có thể giúp Pakistan chặn đòn không kích Ấn Độ

Tổ hợp phòng không tầm trung HQ-16 đủ sức đối phó với đòn tập kích bằng chiến đấu cơ và tên lửa, không thua kém nguyên mẫu Buk-M2 Nga.

Bộ Quốc phòng Ấn Độ hôm 5/3 cho biết chiến đấu cơ F-16 Pakistan đã phóng nhiều tên lửa đối không tầm trung AIM-120 AMRAAM về phía đội hình tiêm kích Ấn Độ trong trận không chiến hôm 27/2, nhưng động tác chiến thuật kịp thời và chuẩn xác của phi công Su-30MKI đã khiến các quả đạn trượt mục tiêu.

Điều này cho thấy các máy bay hiện đại của không quân Ấn Độ có thể qua mặt phi cơ hiện đại nhất trong biên chế Pakistan. Giới quan sát cho rằng để đối phó với các cuộc tập kích đường không trong tương lai, Pakistan có thể áp dụng chiến thuật phi đối xứng, đặc biệt là sử dụng tổ hợp phòng không tầm trung HQ-16 để lập vùng cấm với máy bay Ấn Độ, theo Military Watch.

HQ-16 được Trung Quốc phát triển từ năm 2005 dựa trên hệ thống phòng không Buk-M2 của Nga và được đưa vào biên chế quân đội Trung Quốc năm 2011. Pakistan trở thành khách hàng nước ngoài duy nhất sở hữu phiên bản xuất khẩu của HQ-16 mang định danh LY-80 với hợp đồng mua 6 tổ hợp trị giá 373 triệu USD hồi năm 2014.

Đây được coi là giải pháp phòng thủ tầm trung linh hoạt và hiệu quả nhằm đối phó các cuộc tập kích của chiến đấu cơ, tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình. Dù được phát triển từ nền tảng Buk-M2, hệ thống HQ-16 được ứng dụng nhiều công nghệ mới và có uy lực vượt trội nguyên mẫu do Nga chế tạo.

Việc sử dụng ống phóng thẳng đứng giúp HQ-16 có thể khai hỏa trong khu vực có nhiều vật cản, gồm cả vị trí giữa các tòa nhà cao tầng trong thành phố, đồng thời đủ sức tấn công được nhiều mục tiêu từ mọi hướng, thay vì chỉ một hướng cố định.

Xe phóng đạn của tổ hợp LY-80 ở trạng thái triển khai. Ảnh: Twitter.

Xe phóng đạn của tổ hợp LY-80 ở trạng thái triển khai. Ảnh: Twitter.

Khác với khung gầm bánh xích của Buk-M2, toàn bộ hệ thống HQ-16 được đặt trên khung gầm bánh lốp. Điều này giúp các khẩu đội HQ-16 có khả năng triển khai và thu hồi nhanh, cho phép thay đổi vị trí ngay sau khi bắn để tránh bị phản kích, tăng đáng kể khả năng sống sót trong chiến đấu. Tuy nhiên, tổ hợp này không có xe phóng đạn kết hợp radar dẫn bắn (TELAR), đòi hỏi nhà sản xuất phải đặt bệ phóng và radar trên các xe vận tải riêng biệt.

HQ-16 ứng dụng cơ cấu phóng lạnh tương tự tổ hợp S-300 Nga, trong đó quả đạn được đẩy khỏi ống bằng liều phóng sơ cấp, sau đó mới kích hoạt động cơ chính. Thiết kế này cắt giảm đáng kể nhu cầu bảo dưỡng và tiết kiệm chi phí vận hành.

Trung Quốc không công bố thành phần chính xác của HQ-16, nhưng dường như mỗi tổ hợp được chia thành ba trận địa với 12 xe phóng và tối đa 72 tên lửa sẵn sàng chiến đấu. Mỗi quả đạn có tầm bắn tối đa khoảng 45 km.

Radar mảng pha quét điện tử thụ động (PESA) IBIS 150 có thể phát hiện mục tiêu từ khoảng cách 140 km và ở độ cao 20 km, đồng thời phát tín hiệu nhận diện địch ta (IFF), đánh giá mức độ nguy hiểm, tính toán đường bay và cung cấp tham số mục tiêu cho radar điều khiển hỏa lực. Radar dẫn bắn có thể phát hiện tối đa 6 mục tiêu cùng lúc, điều khiển đồng thời 8 tên lửa tới 4 mục tiêu trong số đó.

Hệ thống LY-80 khai hỏa trong một cuộc tập trận năm 2017. Ảnh: Twitter.

Hệ thống LY-80 khai hỏa trong một cuộc tập trận năm 2017. Ảnh: Twitter.

Các hệ thống LY-80 đang được Pakistan triển khai để bảo vệ căn cứ quân sự quan trọng và một phần thủ đô Islamabad. Khi được đặt ở khu vực tranh chấp Kashmir gần biên giới Ấn Độ, LY-80 được coi là giải pháp phù hợp nhất để ngăn các cuộc xâm nhập và tập kích đường không của đối phương, nhất là khi nó có thể sống sót nhờ khả năng cơ động cao.

Ngoài khả năng lập vùng bảo vệ sát biên giới, LY-80 cũng có thể yểm trợ không quân Pakistan bằng cách phát hiện mục tiêu Ấn Độ và dẫn đường cho tiêm kích đánh chặn. “Sự xuất hiện của LY-80 tại Kashmir có thể ảnh hưởng đáng kể tới cán cân sức mạnh tại khu vực này”, chuyên gia quân sự Tyler Rogoway nhận xét.

RELATED ARTICLES

Tin mới