Giới chức Argentina cho biết, một tàu tuần duyên của Argentina (2/3) đã nổ súng vào một tàu đánh cá của Trung Quốc được cho là đang đánh bắt bất hợp pháp tại vùng lãnh hải của Argentina.
Giới chức Argentina cho hay, tàu Trung Quốc đánh bắt trái phép ở nơi cách Vịnh San Jorge, phía nam nước này, 358km. Khi bị cảnh cáo, tàu Trung Quốc đã tắt đèn, quay lại vùng lãnh hải quốc tế. Sau khi bị tàu Mantilla truy đuổi, tàu cá Trung Quốc di chuyển nguy hiểm về phía tàu Argentina khiến lực lượng tuần duyên phải nổ súng cảnh cáo.
Trong khi đó, truyền thông Trung Quốc cho hay, vụ việc xuất phát từ thực tế rằng các công ty đánh bắt Trung Quốc không được cung cấp thông tin về biên giới Argentina nên chỉ dựa vào hải đồ quốc tế hay sử dụng, vốn không nhất quán với những tuyên bố về lãnh thổ của Argentina. Cục Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc (MOA) cũng cho biết công ty quản lý tàu Hua Xiang 801 đã gửi đại diện tới Argentina để điều tra vụ việc. Trung Quốc cho biết nước này hy vọng Argentina cung cấp tọa độ biên của biểu đồ địa lý vùng đặc quyền kinh tế của mình nhằm ngăn chặn các sự cố tương tự xảy ra lần nữa. Trung Quốc cũng hy vọng Argentina không sử dụng vũ lực trong các tình huống tương tự bởi có thể gây nguy hiểm cho các thành viên thủy thủ đoàn Trung Quốc.
Trước việc tàu cá Trung Quốc liên tục xâm phạm lãnh hải và đánh bắt trộm hải sản, Argentina đã có nhiều biện pháp cứng rắn để “trị” những tàu cá phi pháp của Bắc Kinh. Năm 2016, lực lượng tuần duyên Argentina từng đánh chìm một tàu cá Trung Quốc bị cáo buộc đánh bắt phi pháp trong lãnh hải của Argentina. Hay gần đây, năm tàu đánh cá Trung Quốc bị Argentina ban hành trát bắt quốc tế vì đánh bắt bất hợp pháp trong lãnh hải Argentina. Bộ trưởng An ninh Argentina Patricia Bullrich thông báo, cơ quan chức năng nước này đã phạt tàu đánh cá Jing Yuan 626 của Trung Quốc 9 triệu peso (khoảng 400.000 USD) vì đánh bắt bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia Nam Mỹ này. Tàu đánh cá Jing Yuan 626 bị phát hiện khai thác trái phép trong vùng biển của Argentina ngày 21/2 vừa qua, nhưng đã phớt lờ cảnh báo của lực lượng biên phòng Argentina và chạy thoát ra hải phận quốc tế với sự trợ giúp của một số tàu đánh cá khác mang cờ Trung Quốc.
Trước đây, Bắc Kinh tuyên bố sẽ trấn áp mọi hoạt động đánh bắt cá xa bờ trái phép và mang yếu tố hình sự, không hỗ trợ về chính trị hay ngoại giao nếu tàu cá Trung Quốc vi phạm EEZ nước khác. Tuy nhiên, hành động và tuyên bố của Trung Quốc là không nhất quán. Trong những năm gần đây, tàu Argentina nhiều lần chạm trán tàu cá Trung Quốc. Vào ngày 14/3/2016, tàu tuần tra lớp Mantilla của Argentina đã nổ súng và đánh chìm tàu cá Lu Yan Yuan Yu 010 của Trung Quốc. May mắn không có người nào thiệt mạng. Trước đó, vào tháng 2/2018, lực lượng bảo vệ bờ biển Argentina cũng nổ súng vào tàu cá Jing Yuan 626 của Trung Quốc “hoạt động bất hợp pháp tại EEZ của Argentina”. Tàu Argentina sau đó rượt đuổi tàu Jing Yuan 626 suốt 8 giờ.
Trung Quốc có hoạt động đánh bắt cá lớn nhất và vươn xa nhất trên thế giới, với 2.500 tàu cá hoạt động gần 17 triệu giờ chài lưới trong năm 2016, từ vùng duyên hải phía Nam của Trung Quốc, tàu cá Trung Quốc còn “vươn vòi” đến tận châu Phi, châu Mỹ và cả Nam Cực và không phải lúc nào cũng được chào đón tại các vùng biển xa nhà. Năm ngoái, tàu cá Trung Quốc bị bắt giữ ở Senegal, Guinea, Sierra Leone và Guinea-Bissau vì đánh bắt trái phép.
Theo giới phân tích, sự hoành hành của tàu cá Trung Quốc ở các vùng biển xa nhà không chỉ làm gia tăng căng thẳng thông qua xung đột với ngư dân và lực lượng nước ngoài mà còn làm gia tăng gánh nặng lên nguồn tài nguyên cá của thế giới. Bắc Kinh đang có kế hoạch đẩy mạnh hoạt động của đội tàu đánh cá biển xa giữa lúc tài nguyên của các vùng biển gần bờ cạn kiệt. Theo Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, đội tàu cá được sự tài trợ của nhà nước này dự định tăng sản lượng đánh bắt thường niên từ 2 triệu tấn năm 2016 lên 2,3 triệu tấn năm 2020. Số liệu thống kê của Liên Hiệp Quốc cho thấy khoảng 90 triệu tấn cá được đánh bắt trong môi trường tự nhiên trên thế giới năm 2016.
Kế hoạch nói trên dẫn đến nỗi lo của cộng đồng quốc tế về sự sụt giảm số lượng các loài cá và bùng nổ hoạt động trái phép của tàu cá Trung Quốc tại những vùng biển có chủ quyền. Một vấn đề gây tranh cãi khác là chuyện Bắc Kinh trợ giá nhiên liệu cho đội tàu cá Trung Quốc – được đưa ra tranh luận tại hội nghị bộ trưởng Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ở Argentina hồi tháng 12/2017. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn khăng khăng không chịu chấm dứt hành động trợ giá này. Trước thềm hội nghị nói trên, theo tờ Financial Times, Bắc Kinh cho biết sẽ khống chế số lượng tàu cá xa bờ ở mức 2.000 chiếc vào năm 2020, tức tăng thêm khoảng 100 chiếc so với con số hiện nay. Dù vậy, điều này không ngăn các công ty đánh cá Trung Quốc đưa tàu lớn hơn vào hoạt động.