Saturday, January 11, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaTQ đang tìm cách kiểm soát cảng Subic của Philippines

TQ đang tìm cách kiểm soát cảng Subic của Philippines

Đài CNBC đưa tin, các quan chức Philippines, bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana, đã bày tỏ quan ngại về sự hiện diện của Trung Quốc trong khu vực và sợ rằng Bắc Kinh có thể mua quân cảng Subic để gia tăng năng lực kiểm soát Biển Đông.

Vị trí địa chiến lược quan trọng của cảng Subic

Cảng vịnh Subic được đánh giá là một trong các vị trí xung yếu chiến lược bởi nó nằm ở vị trí trung tâm Thái Bình Dương, hướng thẳng ra biển Đông, có thể kiểm soát được đường lối giao thương hàng hóa, xuất nhập dầu mỏ của Trung Quốc từ Trung Đông. Vịnh chỉ cách bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham 124 hải lý. Đây là khu vực tranh chấp giữa Philipinnes và Trung Quốc trên Biển Đông và hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc. Với lực lượng hải quân mạnh đồn trú ở Subic, Mỹ có thể hoàn toàn kiểm soát mọi động tĩnh của Trung Quốc trên biển Đông.

Vịnh Subic ăn sâu vào đường bờ phía Tây Nam đảo Luzon của Philippines theo trục Bắc-Nam khoảng 8 hải lý (15 km) và có chiều rộng khoảng 3,5 hải lý (6,5 km). Về phía biển, vịnh được giới hạn bởi mũi Sampaloc và mũi Mayagao cách nhau gần 6 hải lý (11 km) theo trục Bắc Đông Bắc – Nam Tây Nam. Đường bờ biển phía Tây của vịnh tương đối thẳng, định hình rõ với địa hình cao ở phía sau trong khi đường bờ phía Đông thì thấp và rậm rạp cây cối. Độ sâu của vịnh giảm dần từ 60 m (cửa vịnh) đến 13,7 m (gần đầu vịnh). Từ tháng 10 đến tháng 4, vịnh chịu ảnh hưởng của gió mùa đông bắc với tốc độ gió trong ngày từ 7,7 đến 10,3 m/s. Đảo Grande chia đường vào vịnh thành hai luồng riêng biệt, trong đó chỉ có luồng phía Tây đảo là dành cho tàu thuyền lưu thông. Với địa hình như vậy vịnh Subic cho phép mọi loại tàu mặt nước kể cả tàu sân bay cũng như tàu ngầm có thể neo đậu.

Trong quá khứ, Tây Ban Nha lập căn cứ đồn trú tại vịnh Subic từ nửa sau thập niên 1860. Từ năm 1901 đến năm 1902, Mỹ duy trì căn cứ Hải quân Vịnh Subic tại đây. Sau khi trải qua những trận chiến trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Mỹ giành quyền kiểm soát vịnh từ tay Nhật Bản. Ngày 14 tháng 3 năm 1947, Thỏa ước Căn cứ Quân sự được ký kết cho phép Mỹ thuê 16 căn cứ và khu vực dành cho quân sự bao gồm vịnh Subic trong khoảng thời gian là 99 năm.

Trong chiến tranh Việt Nam, căn cứ trở thành trạm hậu cần kỹ thuật cho Hạm đội 7. Từ con số trung bình 98 chuyến tàu ghé thăm cảng mỗi tháng trong năm 1964 vượt lên đến con số trung bình 215 chuyến vào năm 1967, với khoảng 30 tàu luôn có mặt ở cảng bất cứ thời điểm nào. Một con số kỷ lục được lập là vào tháng 10 năm 1968 có đến 47 tàu trong cảng.

Vào năm 1991, Philippines quyết định thu hồi cảng trước thời hạn bất chấp sự phản đối của Mỹ. Ngày 24 tháng 11 năm 1992 , cờ Mỹ hạ xuống tại Subic lần cuối cùng.

Thời gian gần đây, Philippines bị Trung Quốc kéo vào những căng thẳng trên biển Đông. Do đó, Mỹ muốn mượn thời điểm này để quay lại căn cứ Subic. Nhưng phía Philippines hiện tại chỉ mới cho phép các tàu chiến Mỹ vào bảo dưỡng, tiếp tế tại Subic mà chưa cho phép đóng căn cứ tại đây.

Mối lo ngại về việc Trung Quốc thao túng cảng Subic

Cảng Subic gồm hai bộ phận, cảng thương mại và quân cảng. Hiện tại, phần cảng khai thác thương mại do công ty Hanjin Heavy Industries & Construction Philippines quản lý. Đây là công ty liên doanh giữa Philippines và Hàn Quốc, còn phần diện tích quân cảng không được tập trung đầu tư hiện đại. Công ty này đã tuyên bố phá sản hồi đầu tháng này sau khi không thể thanh toán khoản nợ hơn 400 triệu USD từ các ngân hàng Philippines, trở thành một trong những vụ vỡ nợ lớn nhất trong lịch sử nước này.

Hanjin Philippines đã yêu cầu chính phủ Philippines giúp tìm các nhà đầu tư sẵn sàng tiếp quản các hoạt động của nhà máy đóng tàu và hỗ trợ nhân viên của họ, theo thông tấn chính thức PNA của Philippines. Công ty này còn có khoản vay 900 triệu USD từ các ngân hàng Hàn Quốc chưa được thanh toán. Việc vỡ nợ của công ty liên doanh này đã khiến chính phủ Philippines phải tìm kiếm các nhà đầu tư sẵn sàng tiếp quản các hoạt động của cảng này, cũng như các nhà máy đóng tàu và hàng nghìn công nhân tại đây. Hiện hai công ty Trung Quốc đã bày tỏ quan tâm đến việc tiếp quản nhà máy đóng tàu, nhưng các quan chức Philippines đã lên tiếng chống lại động thái này.

Thượng nghị sĩ Grace Poe đã kêu gọi một cuộc điều tra để xác định sự cần thiết của việc thiết lập các pháp lý và quy định đối với quyền sở hữu nước ngoài đối với một tài sản quốc gia chiến lược ở Vịnh Subic, theo truyền thông địa phương.

Bộ trưởng Quốc phòng Lorenzana gần đây cho biết rằng ông đã gặp Tổng thống Rodrigo Duterte để thảo luận về triển vọng Hải quân Philippines mua lại doanh nghiệp đóng tàu này. Theo ông Lorenzana, các công ty từ Mỹ, Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng bày tỏ sự quan tâm. Quan chức này cho rằng Manila cũng có thể cho thuê phần lớn cổ phần cho một thực thể bên ngoài trong khi vẫn giữ cổ phần thiểu số.

Mỹ sẽ ngăn chặn Trung Quốc thâu tóm cảng Subic

Cảng Subic từng là căn cứ hải quân lớn nhất của Mỹ ở khu vực những năm 90 thế kỷ trước. Sau đó, các căn cứ này bị đóng cửa và Philippines chuyển vùng cảng này trở thành một đặc khu kinh tế.

Hiện tại, các tàu chiến của Mỹ vẫn đang qua lại khu vực này một cách thường xuyên. Năm 2015, thậm chí đã có những ý kiến cho rằng Washington và Manila đã tiến rất gần đến thỏa thuận tái thiết lập căn cứ quân đội Mỹ.

Tuy nhiên sau khi Tổng thống Duterte lên nắm quyền, mọi kế hoạch đã bị thay đổi toàn bộ. Ông Duterte được cho là người có quan điểm thân thiết với chính quyền Bắc Kinh hơn. Tổng thống này theo đuổi chiến lược “xây dựng, xây dựng, đại xây dựng” áp dụng với cơ sở hạ tầng của quốc gia này. Bản thân ông Duterte đã có những thỏa thuận hợp tác với Bắc Kinh mà tổng giá trị khoản vay và tài trợ lên tới 24 tỷ USD từ năm 2016. Song các khoản giải ngân của Trung Quốc vẫn được cho là nhỏ giọt và kế hoạch đại công trường của ông Duterte vẫn đang dậm chân tại chỗ. Tháng 11/2018, Philippines vẫn tiến hành hàng loạt những hoạt động thân thiết với Trung Quốc nhằm tìm kiếm các cơ hội đầu tư, giải ngân mới mẻ hơn.

Thực chất, chính sách thân thiết với Trung Quốc này của ông Duterte không được lòng quan chức Manila, đặc biệt là các tướng lĩnh quân sự. Họ lo ngại Bắc Kinh sử dụng sức mạnh kinh tế của mình làm bàn đạp thao túng Manila và tìm kiếm các cơ hội xâm phạm chủ quyền biển đảo của quốc gia này.

Do đó, việc Trung Quốc có khả năng thâu tóm Subic sẽ càng khiến cho mâu thuẫn của giới chức Philippines với Tổng thống Duterte sâu sắc hơn. Thậm chí, những lo ngại về việc ông Duterte sẽ có những tác động nhằm giúp các tập đoàn Bắc Kinh thuận lợi trong việc thâu tóm cảng Subic.

Tuy nhiên, hiện tại, Mỹ đang thực hiện hàng loạt biện pháp nhằm gia tăng hiện diện quân sự ở Biển Đông để kìm chế Trung Quốc. Việc “viên ngọc quý” Subic đứng trước nguy cơ bị Bắc Kinh kiểm soát sẽ khiến Washington không thể ngồi yên. Nếu khéo léo tận dụng, Philippines có thể tìm kiếm các nguồn lợi đầu tư từ nguồn tiền của Mỹ, thay vì phải kêu gọi ở Trung Quốc. Trong ván bài này, dường như, Philippines đang nắm quyền chủ động.

RELATED ARTICLES

Tin mới