Saturday, January 11, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaTQ duy trì mức tăng ngân sách quốc phòng năm 2019

TQ duy trì mức tăng ngân sách quốc phòng năm 2019

Người phát ngôn Quốc hội Trung Quốc Trương Nghiệp Toại (4/3) cho biết, Trung Quốc sẽ sẽ duy trì “mức tăng phù hợp và hợp lý” về chi tiêu quốc phòng cho năm 2019.

Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng

Theo ông Trương Nghiệp Toại, Trung Quốc duy trì mức tăng phù hợp và hợp lý về chi tiêu quốc phòng nhằm đáp ứng nhu cầu bảo vệ an ninh quốc gia và cải cách quân đội theo đặc tính Trung Quốc; khẳng định “chi tiêu quốc phòng hạn chế” của Trung Quốc “không gây ra mối đe dọa cho bất kỳ nước nào” và cho rằng việc một quốc gia có gây ra mối đe dọa quân sự cho các quốc gia khác hay không phụ thuộc vào chính sách đối ngoại và quốc phòng của họ, chứ không phải chi tiêu quốc phòng của họ tăng bao nhiêu

Được biết, Trung Quốc gia tăng ngân sách quốc phòng ở mức 1 con số kể từ năm 2016 sau 5 năm liên tiếp tăng ở mức 2 con số và trở thành quốc gia có chi tiêu quốc phòng lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Mỹ. Năm 2018, Trung Quốc tăng chi tiêu quốc phòng 8,1% so với năm 2017, lên 1.110 tỉ nhân dân tệ (165 tỉ USD), mức tăng cao nhất trong 3 năm trong bối cảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình muốn phát triển quân đội nước này thành lực lượng “đẳng cấp thế giới”.

Sự quan ngại của cộng đồng quốc tế

Trung Quốc biện minh rằng chi tiêu quốc phòng của nước này ít hơn 1,5% GDP. Tuy vậy, với quy mô của nền kinh tế Trung Quốc, chi tiêu quốc phòng của nước này trong điều kiện tuyệt đối là khá cao. Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc là bình thường, hợp lý và phù hợp với tham vọng của họ. Guo Xiaobing, Phó giám đốc tại Viện Quan hệ Quốc tế Trung Quốc đương đại (CICIR) đã phác thảo các mối đe dọa mà Trung Quốc sẽ đối mặt, bao gồm an ninh hàng hải, chống khủng bố, cứu trợ thiên tai và gìn giữ hòa bình. Ông Guo cũng cho rằng Bắc Kinh đã cố gắng minh bạch chi tiêu quốc phòng khi đề cập trong báo cáo tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 19 vào năm ngoái.

Mặc dù mọi thứ có vẻ hợp lý với Bắc Kinh nhưng các nước láng giềng sẽ có nhiều lo ngại về cân bằng quân sự trong khu vực. Một số quốc gia quan ngại tăng chi tiêu quốc phòng khiến quân đội Trung Quốc có thể trở nên hung hăng hơn. Những dấu hiệu gần đây làm trầm trọng thêm mối quan ngại này.

Đáng chú ý, giới chuyên gia, học giả quốc tế nhận định, ngân sách quốc phòng thực tế của Trung Quốc lớn hơn nhiều so với con số mà nước này công bố. Yoichi Shimada, giáo sư tại Đại học Fukui, Nhật Bản nói chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc có thể nhiều hơn những gì mà họ công bố. Ngoài vấn đề tăng ngân sách, thì sự phức tạp ngày càng tăng của quân đội Trung Quốc là điều đáng báo động.

Mỹ cũng đưa ra những quan ngại về sự thiếu minh bạch trong ngân sách quốc phòng của Trung Quốc. Phó đô đốc Phillip Sawyer, Tư lệnh Hạm đội 7 nhấn mạnh ý định không rõ ràng của Trung Quốc có thể phá vỡ an ninh, ổn định và tự do thương mại trong khu vực. Đô đốc Scott Swift, chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương cho rằng ngân sách quốc phòng của Trung Quốc thiếu sự minh bạch và ý định của Bắc Kinh không thực sự rõ ràng.

Bên cạnh đẩy mạnh phát triển quốc phòng trong nước, Bắc Kinh đang tích cực mở rộng căn cứ nước ngoài. Trung Quốc đã vận hành căn cứ nước ngoài đầu tiên ở Djibouti, thiết lập chổ đứng gần 100 năm tại cảng Hambantota ở Sri Lanka, ngay sát nách Ấn Độ. Bắc Kinh cũng chi hàng trăm triệu USD để dẹp bỏ sự phản đối của người dân địa phương nhằm xây cảng nước sâu ở Gwadar, Pakistan. Không có nhiều cuộc chạy đua vũ trang giữa Trung Quốc và các nước láng giềng vì, Trung Quốc quá mạnh để các nước trong khu vực có thể cạnh tranh với họ. Ngoài ra, những lo ngại về chi tiêu quốc phòng ngày càng tăng của Trung Quốc có thể khiến khu vực mất đi sự ổn định và thịnh vượng vốn có.

Đặc biệt, Bắc Kinh dường như đi quá nhanh và bỏ qua những quan ngại của các nước láng giềng hơn là lắng nghe và cố làm dịu họ. Giáo sư Shimada kết luận rằng con số mới về ngân sách quốc phòng của Trung Quốc tiếp tục khoét sâu thêm những lo ngại cũ về sức mạnh ngày càng tăng của quân đội Trung Quốc.

Trung Quốc dùng ngân sách quốc phòng làm gì?

Với việc duy trì mức ngân sách quốc phòng như hiện nay, Trung Quốc sẽ tập trung đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị cho quân đội. Theo đó:

Đầu tiên, Trung Quốc sẽ ưu tiên Hải quân: Bắt nguồn từ tham vọng tại Biển Đông và Biển Hoa Đông, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã tập trung phát triển lực lượng Hải quân. Trong năm 2019, dự kiến tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc mang tên Type 001A sẽ gia nhập hạm đội Hải quân PLA. Hàng không mẫu hạm Type 001A là tàu sân bay đầu tiên do Trung Quốc tự sản xuất, có thể chở theo 32 chiến đấu cơ J-15. Tàu sân bay Type 001A sở hữu radar băng tần S cùng anten kích thước lớn và đường băng dạng uốn cong. Hàng không mẫu hạm Type 001A, giống nhóm tàu sân bay của Mỹ, sẽ được hộ tống bởi các tàu ngầm, tàu khu trục nhằm thực hiện nhiệm vụ giám sát và tấn công mục tiêu trên bộ, trên không và trên đất liền. Hải quân Trung Quốc có quy định rằng tàu sân bay mới khi đi vào hoạt động sẽ được đặt tên theo một tỉnh của nước này, như hàng không mẫu hạm Liêu Ninh trước đó. Do vậy, tàu sân bay Type 001A dự kiến sẽ nhận tên chính thức khi “nhập ngũ”.

Một “tân binh” khác của Hải quân Trung Quốc là tàu khu trục Type 055, đã được thử nghiệm từ tháng 8/2018. Tàu khu trục 12.000 tấn trang bị tên lửa dẫn đường này được đánh giá là một trong những chiến hạm đáng gờm nhất trên thế giới, chỉ đứng sau “đồng nghiệp” Type Zumwalt của Hải quân Mỹ. Hiện tại, Trung Quốc đã đóng được 3 tàu khu trục Type 055 và đang thi công chiếc thứ 4.

Bên cạnh đó, Hải quân Trung Quốc sắp tới sẽ “chào đón” tàu ngầm Type 095. Theo nhiều báo cáo, tàu ngầm này không tạo tiếng ồn như tiền nhiệm Type 093B. Chiếc tàu ngầm Type 095 đầu tiên đã được thi công vào đầu năm 2018 và dự kiến có tổng cộng 8 tàu sẽ được đóng. Tàu Type 095 sở hữu hệ thống đẩy không khí độc lập mới (AIP) tạo điều kiện để tàu ngầm này duy trì hoạt động dưới mặt nước trong nhiều tháng.

Thứ hai, tăng cường không quân: Trung Quốc đã thử nghiệm chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 FC-31 từ năm 2012. Nhiều khả năng FC-31 sẽ đi vào hoạt động chính thức từ năm 2019 hoặc 2020. FC-31 có thể thay thế dòng J-15 để hoạt động trên các tàu sân bay của nước này.

Ngoài ra, các tàu sân bay của Trung Quốc vẫn thiếu hụt máy bay quân sự đảm nhận nhiệm vụ cảnh báo sớm và trinh sát. Do vậy, nhiều khả năng máy bay trinh sát cảnh báo sớm thế hệ mới của Trung Quốc JK-600 sẽ sớm hoạt động trên bầu trời. JK-600 đã được trang bị hệ thống radar quét mảng pha điện tử chủ động (AESA) hiện đại. Một “chiến binh” khác sắp được phiên chế cho Không quân Trung Quốc là máy bay ném bom chiến lược H-20. Đài Sputnik đưa tin, chiếc H-20 sẽ thay thế cho loạt chiến đấu cơ có tuổi H-6K. Có rất ít thông tin công khai về H-20, song dựa trên video do Tập đoàn sản xuất máy bay Xian (đơn vị sản xuất H-20) tung ra thì máy bay ném bom này có thiết kế khá tương đồng với chiếc B-2 Spirit của Mỹ. H-20 sẽ gia nhập “nhóm 20” của Không quân Trung Quốc gồm tiêm kích J-20, máy bay vận tải cỡ lớn Y-20, trực thăng Z-20. Nhiều nhà quan sát cho rằng con số “20” đồng nghĩa với việc những máy bay quân sự này sẽ đi vào hoạt động từ năm 2020.

Thứ ba, tập trung phát triển tên lửa liên lục địa mới. Trong năm 2019, quân đội Trung Quốc có nhiều khả năng sẽ nhận tên lửa chiến lược phóng từ tàu ngầm JL-3. Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) cho biết JL-3 có thể mang theo 10 phương tiện tấn công nhiều mục tiêu độc lập (MIRV) chứa đầu đạn hạt nhân. JL-3 hiện trong quá trình thử nghiệm và có thể tấn công mục tiêu cách xa 12.000km. Với phạm vi hoạt động tầm xa như vậy, JL-3 có khả năng vươn tới lãnh thổ Mỹ trong khi tàu ngầm chở tên lửa này vẫn nằm trong lãnh hải Trung Quốc. JL-3 sử dụng nhiên liệu rắn và là phiên bản phóng từ tàu ngầm của tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41 vốn đi vào hoạt động từ nửa đầu năm 2018. Khi được hoàn thiện, JL-3 được coi có năng lực tương đương với tên lửa Trident II D-5 (Mỹ) và Bulava của Nga. Dự kiến, JL-3 được trang bị trên tàu ngầm năng lượng hạt nhân Type 096.

RELATED ARTICLES

Tin mới