Saturday, November 16, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaDư luận lên án mạnh mẽ việc tàu TQ tiếp tục đâm...

Dư luận lên án mạnh mẽ việc tàu TQ tiếp tục đâm chìm tàu cá của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa

Mặc dù bị dư luận các nước thời gian quan lên án, chỉ trích mạnh mẽ, song Trung Quốc vẫn hành động ngang ngược và tiếp tục xảy ra các vụ tàu cá Việt Nam khi hoạt động trong các ngư trường truyền thống đã bị tàu Trung Quốc đâm chìm, trong đó mới nhất là vụ việc diễn ra hôm 6/3 trong khu vực đảo Đá Lồi thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Tàu TQ xâm phạm và đâm chìm tàu cá Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nguồn: Reuters.

Khoảng 10h10 ngày 6/3, khi đang hoạt động tại tọa độ 16015′ N – 111038′ E trong khu vực đảo Đá Lồi thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, tàu cá của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi (Việt Nam) mang số hiệu QNg 90819 đã bị một tàu Trung Quốc mang số hiệu 44101 đâm chìm. Sau khi bị đâm, tàu cá QNg 90819 chỉ còn nổi phần mũi, 5 ngư dân phải bám vào phần mũi tàu. Đến 12h14 cùng ngày, 5 ngư dân trên đã được tàu cá QNg 90620 TS tiếp cận cứu vớt an toàn và rời khu vực tiếp tục đi đánh bắt hải sản.

Tàu cá Việt Nam thường xuyên bị tàu Trung Quốc xuôi đuổi và tấn công khi đánh bắt trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông. Vụ việc xảy ra tương tự hôm 30/7/2017 tại địa điểm cách Đông Nam đảo Cù Lao Xanh, Bình Định 145 hải lý, tàu Bình Định số hiệu 96101 TS đã bị tàu vỏ sắt Trung Quốc đâm vào mạn phải rồi bỏ chạy, làm một ngư dân bị thương nhẹ, tàu hư hỏng nặng. Hôm 21/4/2018, hai tàu cá của Trung Quốc mang số hiệu 45103 và 46001 đã đâm chìm tàu cá QNg 90332 TS của Việt Nam ở vùng biển cách đảo Linh Côn thuộc quần đảo Hoàng Sa khoảng 7 hải lý về phía Đông Nam. Đến hôm 24/5/2018, khi đang đánh bắt tại vùng biển cách đá Bạch Quy thuộc quần đảo Hoàng Sa khoảng 7 hải lý về hướng Tây Nam, tàu cá Quảng Ngãi số hiệu QNg 96798 TS của Việt Nam tiếp tục bị tàu hải cảnh Trung Quốc số hiệu 31102 đâm chìm. Các vụ việc tương tự như trên cũng thường xuyên xảy ra đối với ngư dân các nước trong khu vực khi họ đánh bắt cá trong vùng ngư trường truyền thống của mình. Tại Philippines, điển hình là vụ một ngư dân Philippines đã thiệt mạng và bốn người mất tích khi tàu của họ bị một tàu Trung Quốc đâm chìm ngoài khơi tỉnh Pangasina (6/2012). Năm 2014, một tàu cảnh sát biển Trung Quốc cũng đã phun vòi rồng để xuôi đuổi tàu cá Phillippines tại Bãi cạn Scarborough. Năm 2015, Chính quyền Philippines tiếp tục tố cáo tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã đâm hỏng ba tàu cá Philippines tại khu vực Bãi cạn Scarborough. Tại Indonesia, nước này cũng ghi nhận tàu cá và tàu cảnh sát biển Trung Quốc thường xuyên xâm phạm, xuôi đuổi và tấn công tàu cá và lực lượng chấp pháp của Indonesia tại quần đảo Natuna, nằm trong Khu vực đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia. Tháng 3/2016, lực lượng tuần duyên Indonesia đã bắt giữ tàu cá Kway Fey của Trung Quốc cùng 8 thuyền viên đánh bắt trái phép ở vùng biển Natuna. Tuy nhiên, khi lực lượng chấp pháp Indonesia đang lai dắt tàu cá này, một tàu hải cảnh của Trung Quốc đã can thiệp, đe dọa và yêu cầu tàu Indonesia thả tàu Kway Fey trong vòng 30 phút. Phía Chính phủ Indonesia sau đó đã ra tuyên bố phản đối mạnh mẽ hành động của Trung Quốc.

Trung Quốc đã triển khai tàu cảnh sát biển, “dân quân biển” tiến hành tuần tra, giám sát các hoạt động đánh cá trong khu vực Biển Đông mà nước này tuyên bố là “thuộc vùng biển Trung Quốc”. Các nước nhiều lần lên án việc Trung Quốc triển khai lực lượng tàu chấp pháp tuần tra định kỳ, nhiều trong số này thậm chí được cử ra đồn trú tại các khu vực xung quanh các đảo, đá do nước này chiếm đóng. Hay việc đơn phương ban hành lệnh cấm bắt cá hàng năm, không chỉ áp dụng cho tàu cá của Trung Quốc mà còn ngang nhiên áp dụng cho tất cả các tàu cá các nước, chủ yếu là nhằm vào Việt Nam và Philippines. Không những vậy, Trung Quốc sử dụng các tàu cá vỏ sắt, tàu cá trang bị vũ khí được mạnh danh là lực lượng dân quân biển của Trung Quốc để vừa hoạt động núp bóng đánh cá, song cũng làm nhiệm vụ cảnh giới, ngăn cản, hành hung tàu cá Việt Nam và các nước khi cần thiết.

Giới chuyên gia và người dân các nước đều cho rằng việc Trung Quốc ngăn cản,đe dọa và xuôi đuổi tàu cá các nước hoạt động ở Biển Đông là hoàn toàn phi pháp, ngang ngược. Hành động xuôi đuổi, tấn công tàu cá các nước, trong đó có nhiều ngư dân trên tàu là rất đáng bị lên án vì còn là vấn đề nhân đạo. Những hành động trên của Trung Quốc trái ngược hoàn toàn với các tuyên bố của Trung Quốc về việc cam kết “không sử dụng vũ lực” để giải quyết tranh chấp và các đánh giá của Trung Quốc cho rằng tình hình Biển Đông đang ổn định, phát triển.

Mặc dù vấp phải sự phản đối, lên án của các nước, song Trung Quốc vẫn nhiều lần cho rằng hành động của mình là hợp pháp và bình thường. Phát biểu tại buổi họp báo thường kỳ hôm 03/01/2019, Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng đã ngang nhiên cho rằng việc tàu Trung Quốc đâm tàu cá Việt Nam tại Biển Đông thời gian qua là hành động chấp pháp bình thường. 

Bộ Ngoại giao Việt Nam nhiều lần phản đối và bác bỏ lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông của Trung Quốc, đồng thời lên án mạnh mẽ việc tàu Trung Quốc xuôi đuổi, đe dọa và tấn công tàu cá Việt Nam. Việt Nam khẳng định “có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa cũng như các quyền hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam được xác định phù hợp với UNCLOS”. Hành động của Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa, vi phạm các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam trên các vùng biển của mình, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS”, đi ngược lại tinh thần của Tuyên bố của các bên ở Biển Đông (DOC), trái với thoả thuận về nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, không phù hợp với thoả thuận quan trọng lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được về kiểm soát tốt bất đồng trên biển. Quy chế của Trung Quốc cũng không có lợi cho việc duy trì môi trường hoà bình, ổn định, hợp tác ở Biển Đông và xu thế phát triển tốt đẹp của quan hệ Việt Nam và Trung Quốc, cũng như nỗ lực của các nước trong việc đàm phán, xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử (COC) hiện nay.

RELATED ARTICLES

Tin mới