Để thực hiện âm mưu độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc không ngừng tiến hành các hoạt động phi pháp ở trong khu vực. Hành động của Bắc Kinh đã khiến cộng đồng quốc tế xích lại gần nhau, cùng chung tay đối phó với Trung Quốc. Việc các nước tiến hành chiến dịch tuần tra tự do hàng hải (FONOP) ở Biển Đông là một trong những minh chứng cụ thể về những nỗ lực này.
Tự do hàng hải trong khu vực Biển Đông ảnh hưởng đối với các nước
Về kinh tế: Khu vực châu Á – Thái Bình Dương là một khu vực đang phát triển, có thị trường lớn; hàng hóa xuất khẩu chủ yếu là nông sản, may mặc, thủ công mỹ nghệ… qua các nước châu Âu, châu Mỹ; nhập khẩu thiết bị kỹ thuật công nghệ cao từ các nước phát triển. Trong quá trình vận chuyển hàng hóa, các nước thường sử dụng đường biển vì nó có ưu điểm về kinh tế so với các loại hình vận chuyển khác.
Trong khu vực, một số nước có nền kinh tế phụ thuộc sống còn vào tuyến đường biển (Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc …), cụ thể: Nhật Bản hàng năm có khoảng 70% lượng dầu mỏ nhập khẩu và 45% khối hàng hoá xuất khẩu đi qua khu vực Biển Đông; Trung Quốc có 29/39 tuyến đường biển, 60% hàng hóa xuất khẩu và 70% lượng dầu mỏ nhập khẩu được vận chuyển bằng đường biển qua Biển Đông, năm 2010 thương mại biển TRUNG QUốC chiếm 9,87% GDP; xuất khẩu hàng hóa các nước Đông Nam Á chiếm 55%, các nước công nghiệp mới 26%, Australia 40%. Vì vậy, những nước này đều tập trung phát triển ngành vận tải đường biển và quan tâm đến vấn đề tự do hàng hải, đặc biệt là tự do hàng hải ở khu vực Biển Đông.
Đối với một số nước trên thế giới như Mỹ, Ấn Độ, Australia…, thị trường xuất nhập khẩu của những nước này chủ yếu là Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản; hàng hóa vận chuyển từ khu vực Trung Đông, Ấn Độ Dương đều phải qua khu vực Biển Đông. Vì vậy, nếu xảy ra xung đột ở vùng biển này, các loại tàu biển phải chạy dọc theo đường mới hoặc vòng qua phía Nam Australia, khi đó cước phí vận tải tăng mạnh, gây ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế của các nước.
Về quân sự: Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải tại Biển Đông vẫn chưa được giải quyết; nạn cướp biển và khủng bố trong khu vực Biển Đông ở mức cao. Vì vậy, vùng biển này hết sức quan trọng đối với tất cả các nước trong khu vực về địa hình, chiến lược, an ninh, giao thông hàng hải và kinh tế.
Ngoài ra, tự do hàng hải trong khu vực Biển Đông còn có ý nghĩa lớn về mặt quân sự đối với Mỹ và các nước đồng minh, vì: (1) Đồng minh của Mỹ trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương (Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Australia, Philippines, Singapore) đều có mối liên hệ mật thiết với Biển Đông; (2) Tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực nhằm kiềm chế Trung Quốc; (3) Có tuyến đường ngắn nhất để Mỹ chuyển quân từ Hạm động Thái Bình Dương qua Ấn Độ Dương đến Trung Đông, Tây Á (từ Biển Đông chạy qua eo Malacca);(4) Đảm bảo an ninh hàng hải cho các tàu thương mại của Mỹ và các nước đồng minh.
Về chính trị: Biển Đônng còn có liên hệ và ảnh hưởng đến khu vực khác, nhất là Trung Đông. Vì vậy, vấn đề tự do hàng hải ở Biển Đông bị một nước hoặc một nhóm nước khống chế sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích an ninh, chính trị, kinh tế của các nước khu vực.
Quan điểm của các nước về tự do hàng hải ở Biển Đông
Quan điểm của Mỹ: Trong vấn đề tranh chấp chủ quyền và tự do hàng hải ở Biển Đông, Mỹ luôn phản đối các tuyên bố chủ quyền, hành động gây hấn và phát triển quân sự của Trung Quốc. Thái độ của Mỹ về tranh chấp tại Biển Đông tương đối nhất quán: Trung lập trong tranh chấp về chủ quyền và ủng hộ tự do lưu thông hàng hải; phản đối các hành động bá chiếm, tự phân định ranh giới các vùng biển; kêu gọi các nước tuân thủ luật pháp quốc tế, phản đối việc đe doạn sử dụng hoặc sử dụng vũ lực của bất kỳ bên nào, phản đối bất kỳ sự can thiệp trái phép nào vào các hoạt động kinh tế; kêu gọi Trung Quốc và các nước ASEAN tuân theo tinh thần của tuyên bố chung về ứng xử Biển Đông (DOC) và tự kiềm chế. Tuy nhiên, trước những thái độ tự do lưu thông hàng hải của các nước trên thế giới. Mỹ đã có những phản ứng cứng rắn hơn và có những biện pháp kiềm chế Trung Quốc (tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực Biển Đông, tiến hành tập trậ với các nước trong khu vực…). Giai đoạn hiện nay Mỹ thường: (1) Ủng hộ thiết lập cơ chế an ninh vùng để ngăn chặn hành động dùng vũ lực; (2) Tiếp tục đảm bảo sự hiện diện quân sự và tham gia gây ảnh hưởng đến các sự kiện xảy ra trong vùng; (3) Giữ vai trò người cân bằng lực lượng bên ngoài bằng cách hỗ trợ những nước khác yếu hơn trong khu vực làm đối trọng với sự gia tăng quyền lực của đối thủ tiềm năng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Ấn Độ: Ấn Độ luôn giữ lập trường trung lập trong vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, kêu gọi các nước giải quyết vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hòa bình và trên cơ sở luật pháp quốc tế và Luật Biển 1982 (UNCLOS). Tuy nhiên, thời gian gần đâ, Ấn Độ và VN tăng cường hợp tác quân sự và khai thác dầu khí tại Biển Đông đã gặp phải sự phản đối của TRUNG QUốC. Phía Ấn Độ đã có thái độ cứng rắn và bày tỏ sự ủng hộ mạnh đối với tự do hàng hải trong vùng biển quốc tế, bao gồm cả Biển Đông. Ấn Độ cho rằng thăm dò dầu khí là một lĩnh vực quan trọng trong tiến trình hợp tác với VN, Ấn Độ hợp tác với VN căn cứ trên luật lệ, công ước và chuẩn mực quốc tế, ủng hộ các nước sử dụng các biện pháp hòa bình và dựa trên luật pháp quốc tế giải quyết tranh chấp chủ quyền khu vực Biển Đông.
Australia: Quan điểm của Australia cũng như một số nước khác trong khu vực là cần tạo ra một cơ cấu để có thể kiểm soát và kiềm chế được các xung đột ở Biển Đông. Australia cũng như nhiều nước khác có quyền lợi gián tiếp liên quan đến những sự kiện tại Biển Đông, nhưng Australia phải chịu ảnh hưởng lớn từ Trung Quốc và Mỹ đối với vấn đề tranh chấp ở Biển Đông nên rất khó để Australia can thiệp vào những xung đột nhỏ trên biển. Tuy nhiên, tại Hội nghị Tham vấn bộ trưởng 2011 (AUSMIN), Mỹ và Australia đã cùng ra thông cáo chung phản đối sử dụng vũ lực trong tranh chấp Biển Đông; tái khẳng định tự do hàng hải, duy trì hòa bình- ổn định, tinh thần tôn trọng quốc tế và giao thương hợp pháp không bị cản trở tại Biển Đông là lợi ích quốc gia của Australia cũng như với cộng đồng quốc tế.
Nhật Bản: Nhật Bản là một quốc đảo, 45% hàng hóa xuất khẩu phải vận chuyển qua Biển Đông. Ngoài ra, tuy Nhật Bản không có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nhưng hiện Nhật Bản và Trung Quốc còn tranh chấp về chủ quyền đảo Điếu Ngư. Vì vậy, chính phủ Nhật Bản luôn đặc biệt quan tâm đến vấn đề tự do thương mại hàng hải; phản đối các hành động gây hấn và các hoạt động quân sự của Trung Quốc tại Biển Đông. Nhật Bản cho rằng, liên minh Mỹ – Nhật sẽ là nền tảng cho hoàn bình và ổn định tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Philippines: Philippines là một trong 5 nước có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Chính phủ Philippines luôn có thái độ cứng rắn và phản đối mạnh với các tuyên bố, hoạt động quân sự, khai thác dầu khí, đáng bắt cá của TRUNG QUốC. Tuy mới kết thúc chuyến thăm Trung Quốc nhằm giảm bớt những căng thẳng tại Biển Đông và thúc đẩy phát triển kinh tế giữa hai nước, Tổng thống Benigno Aquino vẫn đưa ra lập trường cứng rắn về tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, đồng thời đặt ra mục tiêu tìm kiếm viện trợ quân sự từ Mỹ để củng cố vị thế trong khu vực; Philippines cho rằng một số nước lớn như Mỹ, Nhật Bản … có vai trò quan trọng đảm bảo hòa bình, ổn định và tự do hàng hải trong khu vực.
Singapore: Singapore không liên quan đến tranh chấp chủ quyền Biển Đông. Trước đây Singapore thường thể hiện thái độ trung lập, không đưa ra những tuyên bố trực tiếp về vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, tự do hàng hải có ảnh hưởng trực tiếp đến Singapore, Bộ Ngoại giao Singapore đã ra thông cáo kêu gọi Trung Quốc làm rõ tuyên bố chủ quyền của nước này ở Biển Đông và thể hiện thái độ quan tâm sâu sắc đến mọi vấn đề làm ảnh hưởng tự do hàng hải trên các tuyến đường biển quốc tế, trong đó có Biển Đông.
Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Bruney: Đều lên tiếng ủng hộ tự do hàng hải trong khu vực Biển Đông; kêu gọi các nước thực hiện DOC và ký kết COC; có các hành động đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực; giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán hòa bình và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hành động tuyên bố chủ quyền theo đường “lưỡi bò”, thực hiện nghiêm túc các tuyên bố chung đã ký kết giữa ASEAN và Trung Quốc.
Tuy nhiên, một số nước ASEAN không liên quan đến lợi ích trực tiếp đến khu vực Biển Đông như Myanmar, Lào, Camphuchia đều né tránh đề cập đến vấn đề Biển Đông do tính toán lợi ích trong quan hệ với Trung Quốc và Mỹ. Thời gian gần đây, cùng với việc Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng kinh tế chính trị đối với một số nước này, Myanmar đã ông khai ủng hộ lập trường của Bắc Kinh trong việc giải quyết tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông và vấn đề tự do hàng hải.
Mỹ và các nước đồng minh liên tục tiến hành FONOP ở Biển Đông
Mỹ liên tục cử tàu chiến tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông: (1) Tháng 12/2017, Mỹ đã triển khai tàu trinh sát Henson từ căn cứ tại Manilia, Philipines (cách đảo Phú Lâm 128 hải lý về phía Đông Nam) tuần tra đảm bảo tự do hàng hải tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. (2) Ngày 17/01/2018, Mỹ triển khai tàu khu trục USS Hopper đi vào vùng 12 hải lý quanh đảo Hoàng Nham/Scarborough. Phía Trung Quốc cho rằng tàu USS Hopper đã xâm phạm chủ quyền và gây ảnh hưởng tới lợi ích quốc gia của Trung Quốc đồng thời tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với các tàu thuyền và công dân Trung Quốc hoạt động gần bãi cạn Scarborough; đe dọa “sẽ đưa ra những biện pháp cần thiết để bảo vệ vững chắc chủ quyền”. (3) Ngày 24/3, Hải quân Mỹ cử tàu khu trục Mustin tiến hành hoạt động tự do hàng hải trong phạm vi 12 hải lý gần Đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. (4) Ngày 27/5/2018, Mỹ triển khai 02 chiến hạm là Antiem (CG54) mang tên lửa hành trình và tàu khu trục USS Higgins (DDG-76) tiến vào khu vực 12 hải lý quanh đảo Cây, đảo Lincon, đảo Tri Tôn và đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. (5) Ngày 26/6/2018, Mỹ triển khai tàu sân bay USS Ronald Reagan với hơn 70 máy bay các loại tuần tra trên Biển Đông sau đó cập cảng Manila của Philippines. (6) Ngày 30/9, Hải quân Mỹ đã điều tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Decatur di chuyển trong phạm vi 12 hải lý quanh Đá Gaven và Đá Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhằm thực hiện nhiệm vụ tuần tra tự do hàng hải và thách thức những tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông, đồng thời thể hiện cam kết của Mỹ về việc duy trì các quyền sử dụng vùng biển và không phận quốc tế theo đúng quy định. (7) Ngày 29/11, Hải quân Mỹ điều tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Chancellorsville đã tiến hành tuần tra tự do hàng hải tại Hoàng Sa, thách thức các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc. (8) Ngày 7/1, Hải quân Mỹ đã cử tàu khu trục trang bị tên lửa hành trình lớp Arleigh Burke USS McCampell tuần FONOP trong khu vực 12 hải lý quanh đảo Cây, Lincoln và Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhằm thể hiện thái độ cứng rắn và quyết tâm chống lại các tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông, cũng như đáp trả các tuyên bố khiêu khích mới đây của Trung Quốc. (9) Ngày 11/2, Mỹ đã cử hai tầu khu trục hạm có gắn tên lửa hành trình USS Spruance và USS Preble tuần tra vùng 12 hải lý bãi đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hiện đang bị Trung Quốc chiếm giữ, bồi đắp phi pháp thành đảo nhân tạo. Đá Vành Khăn là một rạn san hô vòng thuộc cụm Bình Nguyên của quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đá này nằm cách đảo Sinh Tồn Đông 57 hải lý (105,6 km) về phía Đông và cách đảo Vĩnh Viễn 51 hải lý (94,5 km) về phía Nam. Đá Vành Khăn nằm trong số 7 bãi đá ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp và ngang nhiên bồi đắp thành đảo nhân tạo trong vài năm gần đây.
Các nước đồng minh của Mỹ cung tăng cường hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông. Ngoài Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản và Australia cũng tằng cường các hoạt động tuần tra trong khu vực Biển Đông: (1) Tháng 1/2018, Hải quân Hoàng gia Anh điều tàu HMS Sutherland với 220 thành viên thủy thủ đoàn đã lên đường tới châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có đi qua Biển Đông để thực hiện sứ mệnh tuần tra đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông, khu vực mà Trung Quốc đang gia tăng các hoạt động quân sự hóa khiến cộng đồng quốc tế không khỏi quan ngại. Trước đó, tàu khu trục HMS Sutherland và Type 23 của Hải quân Hoàng gia Anh (3/2018) cũng đã tiến hành tuần qua hàng hải ở Biển Đông, sau khi tham gia huấn luyện với Hải quân Australia. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson cho biết Mỹ, Anh, Australia và các nước khác đang tăng cường “khẳng định giá trị của mình” ở Biển Đông. Việc Anh điều tàu đến Biển Đông để góp phần duy trì hòa bình và an ninh ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và cho thấy sự ủng hộ của họ đối với quy tắc dựa trên luật pháp quốc tế. Cũng trong năm 2018, Anh đã đưa các tàu chiến gồm tàu khu trục nhỏ chống ngầm Sutherland, tàu HMS Albion và HMS Argyll tới Biển Đông. Theo đó, tàu đổ bộ HMS Albion thuộc Hải quân Hoàng gia Anh (31/8) đã di chuyển qua quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng đã bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép) nhằm khẳng định quyền tự do hàng hải và phản bác các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại Biển Đông. Các nguồn tin cho biết Trung Quốc đã điều một tàu khu trục và hai trực thăng để thách thức hành động của tàu HMS Albion nhưng hai bên vẫn bình tĩnh trong cuộc chạm trán này. Mặc dù tàu chiến của Anh không đi vào vùng 12 hải lý xung quanh quần đảo Hoàng Sa, song hành động của họ thể hiện rằng Anh không công nhận những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc trong khu vực. (2) Tàu sân bay Queen Elizabeth của Anh và các chiến hạm Australia (7/2018) đãẽ tham gia một hoạt động tuần tra hàng hải trên Biển Đông nhằm thách thức yêu sách chủ quyền của Trung Quốc. (3) Tháng 5/2018, Pháp đã cho tàu đổ bộ tấn công Dixmude và một tàu hộ vệ đi qua Biển Đông, gần một số bãi đá nhân đạo do Trung Quốc xây dựng phi pháp trong khu vực Trường Sa. Trong khi đó, Không quân Pháp (8/2018) đã triển khai 3 máy bay chiến đấu Rafale B, 1 máy bay vận tải quân sự A400M và 1 máy bay tiếp nhiên liệu C135 tới thực hiện cuộc diễn tập quân sự Sứ mệnh Pegase cùng lực lượng không quân các quốc gia châu Á gồm Indonesia, Malaysia, Singapore và Ấn Độ. Trong quá trình triển khai kế hoạch, các máy bay của Pháp đã bay trên vùng trời phía Nam của Biển Đông nhằm khẳng định quyền tự do hàng hải và hàng không trong khu vực. (4) Bộ Quốc phòng Nhật Bản (26/8 – 10/2018) đã điều ba tàu khu trục đến Biển Đông và Ấn Độ Dương. Trước đó, Bộ Quốc phòng Nhật Bản (13/9) đã cử tàu ngầm điện-diesel SS-596 Kuroshio, lớp Oyashio cùng tàu sân bay trực thăng JS Kaga đã tiến hành cuộc tập trận trên Biển Đông. Đây là một phần trong các hoạt động của lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản (JMSDF).
Các nước tuyên bố sẽ tiếp tục tự do hàng hải ở Biển Đông bất chấp phản ứng của Trung Quốc
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence (16/11/2018) khẳng định Biển Đông không thuộc về bất cứ một nước nào và Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động tự do hàng hải và hàng không ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép cũng như các lợi ích quốc gia của Mỹ yêu cầu. Thời gian qua, Mỹ đã tiến hành một loạt hoạt động thực thi tự do hàng hải ở những khu vực còn tranh chấp ở Biển Đông. Việc này đã chọc giận Trung Quốc do Bắc Kinh cho rằng những hoạt động đó đe dọa chủ quyền của họ. Trước đó, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ John Sullivan (27/9/2018) lên tiếng khẳng định cam kết của Mỹ trong việc duy trì tự do hàng hải và tôn trọng luật quốc tế ở Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly cho biết bà có dự định thảo luận với Australia về việc cải thiện các hoạt động phối hợp tại Biển Đông, nhằm đảm bảo quyền tự do hàng hải trong khu vực này. Bà Parly cho biết Pháp không nghiêng về bên nào trong tranh chấp Biển Đông nhưng sẽ tiếp tục cho tàu đi qua vùng biển này. Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly cho biết Pháp sẽ cử một nhóm công tác hàng hải đi cùng trực thăng và tàu biển của Anh ghé thăm Singapore, sau đó “tiến vào một số khu vực ở Biển Đông”. Dù không chỉ đích danh Trung Quốc nhưng bà Parly dường như nhấn mạnh tàu Anh và Pháp sẽ đi qua vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền trái phép. Bà Florence Parly cho biết bằng cách thực thi hoạt động tự do hàng hải với các đồng minh và bạn bè, Paris đã góp phần thiết lập trật tự dựa trên những quy tắc ở Biển Đông.
Bộ Quốc phòng Anh cũng cho biết tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh sẽ được triển khai đến Biển Đông để tham gia một cuộc tuần tra tự do hàng hải, nhằm đối phó vớicác yêu sách chủ quyền của Trung Quốc. Dự kiến hoạt động này sẽ được thực hiện từ năm 2021, sau khi tàu HMS Queen Elizabeth được trang bị đầy đủ vũ khí, cũng như được thử nghiệm xong. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Gavin Williamson nhấn mạnh rằng, Anh cùng với Pháp và Australia muốn đảm bảo quyền tự do qua lại ở Biển Đông; cho biết Anh đã gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng tự do hàng hải là điều quan trọng sống còn đối với London. Tư lệnh Hải quân Hoàng gia Anh, Đô đốc Philip Jones (22/8) cho biết, Anh sẽ khẳng định quyền tự do hàng hải trên biển Đông, bất chấp phản ứng gần đây của Bắc Kinh cho rằng London có hành vi khiêu khích.
Thủ tướng Australia Malcolm Turnbul cho biết, Tập đoàn công nghiệp quốc phòng BAE của Anh đã được chọn để cung cấp 9 tàu chiến mới thuộc lớp Hunter, trong chương trình trị giá 35 tỷ AUD (khoảng 25,74 tỷ USD) cho Hải quân Hoàng gia Australia. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson cho biết Anh và Australia sẽ hợp tác để triển khai tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đến Thái Bình Dương và sẽ có những cuộc tuần tra chung với các tàu chiến của Australia. Trong khi đó, Ngoại trưởng Julie Bishop cũng khẳng định, Australia sẽ tiếp tục các hành động mà nước này đã làm trong thời gian qua như cử tàu và máy bay đến vùng biển quốc tế ở Biển Đông” và có thể là sẽ nâng tầng xuất của sự xuất hiện này.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (11/2018) đã tái khẳng định mục tiêu duy trì tự do hàng hải ở Biển Đông, khu vực vận chuyển hàng hóa quan trọng cho các quốc gia Đông Nam Á. Người phát ngôn Phủ Tổng thống Philippines Salvador Panelo cho biết, cả hai nhà lãnh đạo đã thảo luận các vấn đề tồn đọng trên Biển Đông, trong đó Tổng thống Duterte nhấn mạnh cam kết của Philippines trong việc duy trì các nguyên tắc tự do hàng hải và hàng không, tự do thương mại và các hoạt động hợp pháp khác, thực hiện sự tự kiềm chế, cũng như giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình.
Thượng viện Canada (24/4) đã thông qua bản kiến nghị của nghị sĩ đảng Bảo thủ chỉ trích hành vi gây hấn của Trung Quốc tại Biển Đông. Kiến nghị “lên án hành vi thù địch và leo thang” của Trung Quốc tại Biển Đông, đồng thời kêu gọi toàn bộ các bên liên quan đến những tranh chấp tại Biển Đông đảm bảo quyền tự do hàng hải và hàng không trong khu vực, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển.
Biện pháp đối phó của Trung Quốc về FONOP
Với việc tuyên bố có chủ quyền đối với 80% Biển Đông; tăng cường sức mạnh và trang bị quân sự; có nhiều hoạt động “khiêu khích” các nước trong khu vực Biển Đông, va chạm tàu Philippines, cắm mốc và xây dựng các căn cứ đồn trú quân sự trên Biển Đông…) đã làm cho tranh chấp trên Biển Đông căng thẳng hơn. Tuy nhiên, Trung Quốc luôn sử dụng “giọng điệu” tôn trọng và đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông, đồng thời cho rằng các tuyến hàng hải trên vùng biển xung quanh Trung Quốc, cũng như các vùng biển lân cận, không bị cản trở; tàu bè tiếp tục được tự do đi lại trên các tuyến hàng hải này.
Trước việc Mỹ và đồng minh liên tục tiến hành FONOP ở Biển Đông, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố “không một tàu hay máy bay quân sự nào có thể khiến Trung Quốc lung lạc quyết tâm bảo vệ lãnh thổ”. Trong khi báo chí, truyền thông Trung Quốc ra sức chỉ trích việc Mỹ và đồng minh điều máy bay đến Biển Đông và biển Hoa Đông; cho rằng “Mỹ đang nỗ lực gia tăng sức ép trong vấn đề thương mại với Trung Quốc bằng việc triển khai các máy báy ném bom B-52 tới Biển Đông”. Tuy nhiên, điều đó không thể làm thay đổi thực tế rằng máy bay Mỹ vẫn đang hoạt động bình thường ở Biển Đông: (1) Bộ Quốc phòng Trung Quốc (27/5) cũng ra một thông cáo ngắn, ngang nhiên cho rằng việc Mỹ điều tàu chiến đi qua vùng biển trong phạm vi 12 hải lý quanh các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa là hành động “khiêu khích”. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng ra tuyên bố “phản đối quyết liệt” việc Mỹ điều tàu chiến đi vào khu vực 12 hải lý quanh quần đảo Hoàng Sa. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lục Khảng lớn tiếng yêu cầu Mỹ “dừng ngay những hành động khiêu khích xâm phạm chủ quyền và đe dọa an ninh Trung Quốc”. (2) Bộ Ngoại giao Trung Quốc (31/8) chỉ trích việc tàu chiến HMS Albion của Hải quân Anh đi vào khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam; cho rằng tàu chiến Anh “đi vào vùng lãnh hải Tây Sa của Trung Quốc mà không được phép của Chính phủ Trung Quốc”. Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngang nhiên cho rằng “Trung Quốc có quyền đưa ra những biện pháp cần thiết để phản ứng trước việc máy bay và tàu thuyền nước ngoài tới gần hoặc xâm phạm vùng không phận và vùng biển gần các hòn đảo của Trung Quốc”. (3) Hải quân Trung Quốc (30/9) điều tàu khu trục Type 052C lớp Lữ Dương theo dõi, áp sát và liên tục phát ra yêu cầu tàu USS Decatur của Mỹ phải rời khu vực 12 hải lý quanh đá Gaven và đá Côlin (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép). Sau đó, tàu chiến Trung Quốc đã chắn trước mũi tàu Mỹ với khoảng cách chưa đến 41 m, buộc khu trục hạm Decatur đổi hướng để tránh va chạm. Vẫn như thường lệ, Bộ Quốc phòng Trung Quốc lại ra tuyên bố ngang ngược khẳng định Trung Quốc “có chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ không thể chối cãi” trên các đảo và vùng nước quanh các đảo này và tình hình Biển Đông đang tiến triển tốt nhờ nỗ lực hợp tác của Trung Quốc với các nước Đông Nam Á. Theo Bộ này “phía Mỹ liên tục đưa tàu quân sự trái phép vào vùng nước gần các đảo Nam Hải, đe dọa nghiêm trọng an ninh và chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, gây tổn thất nghiêm trọng cho quan hệ quân sự Trung – Mỹ và gây hại nghiêm trọng cho an ninh và sự ổn định của khu vực”; đồng thơig tuyên bố Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện các bước cần thiết để bảo vệ an ninh và chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng ra tuyên bố, kêu gọi Mỹ chấm dứt các hành động “khiêu khích” và “lập tức chỉnh sửa các sai phạm”.
Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc có thể được coi là vẫn bế tắc trong việc “đáp trả” FONOP của Mỹ và các nước. Giới học giả Trung Quốc đã đưa ra một số “kiến nghị” đối với chính quyền Bắc Kinh trong việc đối phó FONOP ở Biển Đông. Theo đó, Trung Quốc có 3 lựa chọn: (i) Duy trì nguyên trạng: nếu các tàu chiến Mỹ tiếp tục thực hiện FONOP một cách định kỳ, Trung Quốc phản ứng theo cách cũ, thì Mỹ sẽ chiến thắng. Cho đến nay, vụ tàu USS Decatur ngày 30/9/2018 có lẽ là vụ duy nhất Trung Quốc hành động ngăn chặn trên thực tế, nhưng sau đó Bộ Ngoại giao hay Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng không hề nói gì về nỗ lực này, cho thấy Bắc Kinh từ bỏ cơ hội công khai những gì được coi là xua đuổi thành công. (ii) Phản ứng gay gắt: thậm chí nếu Trung Quốc đối mặt với các hoạt động FONOP của Mỹ bằng bạo lực, bao gồm tiếp cận nguy hiểm, va chạm, hoặc thậm chí xung đột nhỏ, việc ngăn chặn FONOP vẫn không khả thi. Điều này sẽ chỉ dẫn đến so sánh tương quan sức mạnh quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ. Trong bối cảnh hiện nay Mỹ tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Washington sẽ không nhượng bộ trước áp lực quân sự của Trung Quốc. Thậm chí trong trường hợp xảy ra xung đột, căng thẳng dâng cao ở Biển Đông sẽ tạo cơ hội cho Mỹ và các đồng minh để củng cố sự hiện diện của mình ở khu vực. (iii) Thỏa hiệp lẫn nhau: Trung Quốc và Mỹ có thể tối đa hóa lợi ích chung bằng cách tham vấn, thỏa hiệp lẫn nhau về các quy định liên quan đến tự do hàng hải. Ở cấp độ kỹ thuật, các hoạt động FONOP của Mỹ ở Biển Đông chủ yếu nhằm vào các yêu sách quá đáng của Trung Quốc, bao gồm đường cơ sở thẳng; yêu cầu tàu chiến xin phép trước khi vào lãnh hải; kiểm soát an ninh ở vùng tiếp giáp; quyền tài phán đối với các hoạt động quân sự nước ngoài ở vùng đặc quyền kinh tế; quyền tài phán đối với không phận phía trên vùng đặc quyền kinh tế; các đảo nhân tạo ở Trường Sa và yêu sách lãnh hải xung quanh các đảo này. Ngoại trừ điểm cuối mà Trung Quốc coi là vấn đề chủ quyền lãnh thổ, các tranh chấp đều xuất phát từ khác biệt trong cách hiểu và diễn giải các quy định của luật biển đương đại. Khi Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng toàn cầu với các dự án như sáng kiến “Vành đai, Con đường” và được hưởng lợi từ các hoạt động phối hợp phát triển, Bắc Kinh có thể nhận thấy lợi ích từ khái niệm tự do hàng hải. Điều này có thể tạo cơ hội cho Trung Quốc và Mỹ đàm phán về tranh chấp liên quan đến FONOP.
Việt Nam tôn trọng các quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế
Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ năm 1974, sau đó thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”, đặt trụ sở trên đảo Phú Lâm từ tháng 7/2012 nhằm thâu tóm các quần đảo ở Biển Đông, trong đó có Trường Sa và Hoàng Sa.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần nữa nhấn mạnh Việt Nam tôn trọng các quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông của các quốc gia phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982, đồng thời đề nghị các quốc gia đóng góp thiết thực và có trách nhiệm vào việc duy trì trật tự, hòa bình và thượng tôn pháp luật ở Biển Đông. Với tư cách là quốc gia thành viên của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 và là quốc gia ven Biển Đông, Việt Nam khẳng định lập trường nhất quán về quyền tự do hàng hải, hàng không được thực hiện phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982.