So với các nước có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, Trung Quốc là nước đã sử dụng vũ lực xâm chiếm nhiều đảo, đá của Việt Nam nhất. Hiện tại, Trung Quốc đã chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và 7 đá, bãi cạn ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Chính vì vậy, chính sách quốc phòng, cũng như chiến lược biển của Việt Nam ở Biển Đông là một trong những vấn đề được chuyên gia, học giả Trung Quốc đặc biệt chú ý, theo dõi.
Tàu ngầm của Kilo của Việt Nam
Những điểm nhấn trong chính sách biển của Việt Nam
Giới học giả Trung Quốc đang tìm cách xuyên tạc chủ chương, chính sách của Việt Nam ở Biển Đông, nhằm biện minh cho am mưu và tham vọng của Bắc Kinh đối với khu vực này. Theo đó, họ xuyên tạc cho rằng:
Thứ nhất, “thúc đẩy” việc xây dựng đảo, đá. Đến cuối năm ngoái Bloomberg tiết lộ, Việt Nam đã tăng cường xây dựng được khá nhiều công trình trên Đá Tây thuộc quần đảo Trường Sa. Thực ra chẳng riêng gì Đá Tây, theo thống kê của tổ chức Sáng kiên Minh bạch hàng hải châu Á, từ 2014 đến nay, Việt Nam đã bồi đắp được 0,49 km2 trên 10 đảo nhỏ ở Biển Đông. Do nguyên nhân nguồn lực tài chính và kỹ thuật (còn thiếu thốn, khó khăn), nên hầu hết các công trình xây dựng Việt Nam tiến hành trên các đảo, bãi đá đều dùng sức người khuân vác. Nói như truyền thông quốc tế, quy mô các công trình xây dựng của Việt Nam “rất nhỏ”, cho nên họ “hầu hết đều có thái độ phê phán Trung Quốc và đồng tình với Việt Nam trong việc xây dựng đảo”. Tuy nhiên Trung Quốc không thể xem thường Việt Nam, cách thức xây dựng theo kiểu “kiến tha lâu có ngày đầy tổ” diễn ra suốt mấy chục năm, nên khả năng kiểm soát của Việt Nam với các đảo, đá ngày càng mạnh. Ngoài ra, Việt Nam cũng áp dụng một loạt “thủ đoạn chiếm lĩnh và củng cố”. Trên 29 điểm đảo, đá ở Trường Sa, Việt Nam có 2 đội quân. Một đội quân chính quy, phân bố từ vài chục người đến cả trăm người trên các đảo, đá tùy quy mô lớn nhỏ của các cấu trúc địa lý. Đội quân thứ hai chủ yếu là phụ nữ, trẻ em và người gia hình thành một tổ chức dân sự. Đây là chiến thuật quân đội chiếm lĩnh đến đâu cho dân theo sinh sống đến đó. Hơn nữa nhiều tỉnh thành của Việt Nam đều “kết nghĩa” với 1 hoặc một vài đảo, đá để cung cấp trợ giúp cho quân dân trên đảo, từ chi phí sinh hoạt, điện thoại cho đến thăm hỏi…để duy trì tính ổn định của dân số trên đảo. Đồng thời cáo buộc cho rằng “Việt Nam đường như đã chuẩn bị cho chiến tranh nhân dân trên Biển Đông”.
Thứ hai, Việt Nam tăng cường “khống chế” các vùng biển tranh chấp. Tháng 6/2018, các hoạt động của Việt Nam tại bãi Tư Chính đã gây “phiền phức” cho quan hệ Việt – Trung, đây là một hành động có ảnh hưởng tương đối lớn của Việt Nam trên Biển Đông. Những năm gần đây, Việt Nam liên tục lấy “lý do quản lý hoặc khai thác vùng đặc quyền kinh tế và ngư trường truyền thống” để đưa các tàu cá, tàu khảo sát, tàu du lịch và thúc đẩy hoạt động khai thác tài nguyên ra phía trước, với các tàu Cảnh sát biển, Kiểm ngư hộ tống phía sau, tiến ra khu vực Hoàng Sa, Trường Sa. Việt Nam tuyên truyền nhất quán rằng, mỗi một tàu cá đều là một bia chủ quyền di động. Trước đây, tàu cá của Việt Nam tương đối nhỏ, động cơ yếu, trang bị kém nên không có năng lực đánh bắt tầm xa. Chính phủ Việt Nam đã ra các “chính sách cổ vũ, hỗ trợ tài chính và kỹ thuật” cho ngư dân, nâng cao đáng kể năng lực đánh bắt xa bờ cho ngư dân. Hơn nữa, Việt Nam còn có ý nâng cao năng lực phi xung đột vũ trang, với các tàu được chế tạo mới họ đặc biệt quan tâm đến khả năng (đối phó với việc bị tàu Trung Quốc có mũi thép nhọn) đâm húc, năng lực đối kháng, ngoài ra còn trang bị pháo cho các tàu Cảnh sát biển.
Thứ ba, tăng cường ý thức chủ quyền quốc gia cho dân chúng. Việt Nam thông qua một loạt động thái từ lập pháp đến thực thi chủ quyền nhằm tăng cường chủ quyền với các đảo, đá chiếm đóng. Những việc này được họ triển khai một cách vững chắc từng bước, kiên trì lâu dài. Năm 2007 Việt Nam thông qua Chiến lược biển đến năm 2020, nâng chiến lược biển lên tầm quyết sách, ý chí quốc gia của Đảng, Nhà nước, tạo nền tảng cho các chính sách về hoạt động trên biển và giải quyết các vấn đề trên biển. Năm 2009 Việt Nam thông qua Luật Dân quân tự vệ, luật quy định dân quân biển có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông. Năm 2012 Việt Nam thông qua Luật Biển Việt Nam. Năm 2015 Việt Nam thông qua Luật Trưng cầu dân ý để “đặt nền móng cho sau này có thể mượn cớ ý dân, gây áp lực với Trung Quốc” trên Biển Đông. Năm 2016 Đại hội 12 Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục nhấn mạnh việc bảo vệ chủ quyền của Việt Nam với các đảo, đá và quyền lợi biển. Đồng thời Việt Nam còn thông qua giáo dục, triển lãm, tuyên truyền…để tăng cường ý thức chủ quyền cho dân chúng; Thông qua hoạt động du lịch, quyên tặng, tổ chức đoàn thăm hỏi, phỏng vấn nghiên cứu ra các đảo, Việt Nam đã nâng cao sự tham dự của các giới trong xã hội vào vấn đề Biển Đông, duy trì mức độ quan tâm của dân chúng đến Biển Đông.
Thứ tư, tạo dựng thanh thế quốc tế. Quốc tế hóa là một “thủ đoạn” quan trọng của Việt Nam trong chiến lược Biển Đông và họ đã làm rất thành công. Việt Nam có ý tạo dư luận quốc tế để tăng thêm tính phức tạp của vấn đề Biển Đông, dùng dư luận quốc tế để kiềm chế Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo Việt Nam “tận dụng mọi cơ hội và địa điểm thích hợp” để kêu gọi tôn trọng luật pháp quốc tế, tự do hàng hải. Giới học thuật, ngoại giao Việt Nam cũng làm cho nổi đình nổi đám. Bắt đầu từ 2010, Việt Nam dẫn đầu trong việc tổ chức các hội thảo quốc tế về tranh chấp trên Biển Đông. Thậm chí tại các hội nghị không liên quan gì đến Biển Đông, Việt Nam cũng tổ chức các triển lãm về chủ quyền lịch sử trên Biển Đông. Trên lĩnh vực khai thác dầu khí, Việt Nam đã đặc biệt mời gọi các doanh nghiệp nước ngoài vào cùng khai thác. Giới chuyên gia Trung Quốc nhận định, trên phương diện chiếm quyền thượng phong ngôn luận, quyền phát ngôn trong dư luận quốc tế, Việt Nam đã làm tốt hơn Trung Quốc. Tờ Sankei Shimbun của Nhật Bản từng đăng bài “Nhật Bản nên lấy mô hình ngoại giao của Việt Nam làm kiểu mẫu” của trưởng văn phòng đại diện báo này tại Trung Quốc. Bài viết cho rằng, Việt Nam hoàn toàn không thua Trung Quốc ở tầm cao ngoại giao và trí tuệ, Nhật Bản nên lấy Việt Nam làm hình mẫu, điều này cho thấy rất rõ vấn đề.
Thứ năm, Việt Nam biết “tận dụng tối đa các cơ chế quốc tế”. Có học giả Việt Nam xem luật pháp quốc tế và ASEAN là 2 cơ chế để kiềm chế Trung Quốc. Giống như những người tí hon trong tác phẩm “Những cuộc phiêu lưu của Gulliver” muốn trói chặt Gulliver, Việt Nam định dùng pháp lý và tổ chức khu vực để buộc chân Trung Quốc. Được biết Việt Nam đã nghiên cứu các biện pháp pháp lý để giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ít nhất được 10 năm. Hiện tại Việt Nam chưa kiện Trung Quốc ra cơ quan tài phán quốc tế, đại khái là Việt Nam lên kế hoạch trước, rồi sẽ hành động sau. Ngoài ra Việt Nam đặt kỳ vọng vào ASEAN và Việt Nam là một thành viên có ảnh hưởng trong khối, luôn luôn có nhiều “tiểu xảo” trong ASEAN hòng “thúc đẩy khối này ngày càng cứng rắn với Trung Quốc”.
Thứ sáu, tạo ra “mặt trận thống nhất quốc tế”. Trong năm 2018 Việt Nam đã có “khá nhiều trò” trong lĩnh vực này. Hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ vừa kết thúc chuyến thăm Việt Nam; Ấn Độ vừa kết thúc cuộc tập trận chung 16 nước, Việt Nam là một quan sát viên tích cực, một trong những hạng mục quan trọng của cuộc tập trận này là phong tỏa trên biển; Hải quân Việt Nam đưa vào biên chế 2 tàu hộ vệ Gepard do Nga chế tạo; Đại tướng Yamazaki Koji, Tham mưu trưởng Lực lượng Tự vệ mặt đất Nhật Bản thăm Việt Nam, tiếp tục thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương mật thiết; từ 2016 trở lại đây, nhiều chiến hạm Australia đã cập cảng Cam Ranh… Giới học giả Bắc Kinh xuyên tạc, Việt Nam muốn thông qua việc xây dựng quan hệ với 5 nước lớn để cân bằng với các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, đó là các quan hệ Việt – Mỹ, Việt – Nhật, Việt – Nga, Việt – Ấn và Việt – Australia.
Thứ bảy, Việt Nam tiếp tục dùng sức mạnh để bảo vệ các vùng biển. Những năm qua, ngân sách quốc phòng của Việt Nam tăng mạnh, từ 1,3 tỉ USD năm 2006 tăng lên 4,6 tỉ USD năm 2015, tăng trưởng 258%. Trong các quân binh chủng, Hải quân Việt Nam tăng trưởng mạnh nhất. Từ 2011 đến 2015, tàu chiến nhập khẩu của hải quân Việt Nam chiếm 44% giá trị nhập khẩu quốc phòng của Việt Nam. Ước tính trong vài năm tới Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì quỹ đạo tăng trưởng này.
Thực tế khác xa so với những gì giới học giả Trung Quốc nghĩ
Đầu tiên, Việt Nam củng cố các công trình cơ sở hạ tầng trên quần đảo Trường Sa là nhằm mục đích nâng cao năng lực phòng thủ và phục vụ đời sống dân sinh, hoàn toàn hợp pháp và chính đáng trên lãnh thổ của mình. Hơn nữa, những công trình cơ sở hạ tầng này hoàn toàn không đe dọa đến tự do hàng hải cũng như an ninh của các quốc gia khác. Đây là nhận thức chung của tất cả các nước trong và ngoài khu vực, thể hiện qua các tuyên bố chính thức, chứ không riêng Việt Nam. Hoạt động này khác về bản chất so với việc Trung Quốc đảo hóa, quân sự hóa các cấu trúc địa lý trên 2 quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, mà họ cưỡng đoạt và chiếm đóng trái phép. Quy mô và tính chất các pháo đài quân sự Trung Quốc dựng lên ở Biển Đông gây lo ngại cho phần còn lại của thế giới có lợi ích hợp pháp trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.
Thứ hai, bãi Tư Chính nằm hoàn toàn trong thềm lục địa phía Nam Việt Nam, không liên quan đến quần đảo Trường Sa và không có tranh chấp. Mọi hoạt động thăm dò, khai thác tài nguyên của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa nước mình hoàn toàn phù hợp Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982. Khu vực bãi Tư Chính là của Việt Nam, giới học giả Trung Quốc lập luận biến các vùng biển không tranh chấp thành có tranh chấp chỉ là âm mưu, thủ đoạn hiện thực hóa “đường lưỡi bò” đã bị Phán quyết Trọng tài 12/7/2016 bác bỏ một cách thuyết phục.
Thứ ba, việc tuyên truyền ý thức bảo vệ chủ quyền và các quyền, lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông là rất cần thiết, thường xuyên, lâu dài. Huống hồ Trung Quốc dựa vào nguồn lực tài chính dồi dào, họ không tiếc tiền thành lập các viện nghiên cứu, tổ chức các hội thảo, vận động hành lang, lợi dụng mọi cơ hội và tổ chức quốc tế để tuyên truyền cho đường lưỡi bò và cái gọi là “chủ quyền lịch sử” trên Biển Đông đã bị Tòa trọng tài bác bỏ.
Thứ tư, Việt Nam có đầy đủ các bằng chứng lịch sử có giá trị pháp lý để khẳng định chủ quyền với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam không dựa vào các tài liệu lịch sử thuần túy, bởi đối phương vốn đủ chiêu trò, thừa mưu mẹo để làm giả các tư liệu này, quan trọng hơn là họ tìm cách vô hiệu hóa các hệ quy chiếu pháp lý quốc tế để bảo vệ cho lập luận “chủ quyền lịch sử” của mình ở Biển Đông.
Thứ năm, về việc tăng ngân sách quốc phòng và khả năng phòng thủ, đó là việc cần phải làm. Nếu nhìn vào quy mô và kích thước ngân sách quân sự của Trung Quốc, thì 10 nước Đông Nam Á cộng lại cũng chưa bằng một phần của họ. Nhưng thế mạnh của Việt Nam nằm ở chính nghĩa, với tinh thần giặc đến nhà đàn bà cũng đánh và nói phải củ cải cũng nghe, phòng thủ trong khả năng có thể và đặt trong tổng thể chiến lược đối ngoại, đối nội chứ không phải chạy đua với Trung Quốc về vũ khí.
Chính sách quốc phòng của Việt Nam
Bộ Quốc phòng Việt Nam đã nhiều lần khẳng địnhViệt Nam thực hiện chính sách quốc phòng mang tính chất hoà bình, tự vệ, thể hiện ở chủ trương không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực trong các quan hệ quốc tế, giải quyết mọi bất đồng và tranh chấp với các quốc 19 gia khác bằng biện pháp hoà bình. Việt Nam chủ trương từng bước hiện đại hoá quân đội, tăng cường tiềm lực quốc phòng chỉ nhằm duy trì sức mạnh quân sự ở mức cần thiết để tự vệ.
Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển với chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá các mối quan hệ quốc tế theo phương châm: Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế. Việt Nam mong muốn mở rộng quan hệ quốc phòng song phương với tất cả các quốc gia.
Việt Nam chủ trương không tham gia các tổ chức liên minh quân sự, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ của mình để chống lại nước khác. Việt Nam kiên quyết lên án và chống lại hành động khủng bố dưới mọi hình thức.
Một số chủ trương, giải pháp quản lý, bảo vệ biển đảo của Việt Nam
Trong vấn đề Biển Đông, Việt Nam kiên trì với chủ trương giải quyết bằng biện pháp hòa bình. Quan điểm của Việt Nam là phải kiên quyết giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Đồng thời cũng phải giữ được sự ổn định chính trị trong nước và môi trường hòa bình, ổn định với các nước trong khu vực, trên thế giới để xây dựng và phát triển đất nước.
Việt Nam có ba mặt giáp Biển Đông với bờ biển dài 3.260km, gần 3.000 đảo lớn, nhỏ, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bởi vậy, an ninh biển đảo có tầm quan trọng đặc biệt đối với Việt Nam, tác động to lớn đến sự phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước. Đối với biển và hải đảo nước ta hiện nay, trên khía cạnh an ninh truyền thống thì nguy cơ lớn nhất là tranh chấp chủ quyền lãnh thổ. Cùng với đó, các vấn đề an ninh phi truyền thống nhập cư trái phép; buôn lậu, gian lận thương mại trên biển; biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và cạn kiệt tài nguyên biển.
Về an ninh truyền thống, cho đến nay, trên Biển Đông, chúng ta còn tồn tại bốn vấn đề lớn liên quan đến chủ quyền lãnh thổ chưa giải quyết được và cần phải giải quyết, đó là: bảo vệ chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa; bảo vệ chủ quyền và giải quyết hòa bình tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Trường Sa giữa 5 nước 6 bên, gồm Việt Nam, Trung Quốc, Malaysia, Philipines, Brunei, Đài Loan (Trung Quốc); phân định ranh giới các vùng biển theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) và xác định ranh giới ngoài của vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Cùng với đó, những nhân tố gây mất ổn định, xâm phạm chủ quyền, an ninh vùng biển Việt Nam vẫn đang diễn ra gay gắt; nguy cơ xung đột vũ trang, tranh chấp trên biển, đảo và thềm lục địa của nước ta vẫn chưa được loại trừ do đang tồn tại những nhận thức khác nhau về chủ quyền; có những yêu sách chủ quyền trái với thông lệ và luật pháp quốc tế; áp đặt tư duy chủ quan, nước lớn trong các hoạt động ở Biển Đông như đẩy mạnh việc xây đắp phi pháp các đảo nhân tạo, cải tạo các đảo đã chiếm đóng trái phép, nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng trên Biển Đông; tăng cường các hoạt động chống phá, mở rộng vùng hoạt động kinh tế;… Những hoạt động này đe dọa và ảnh hưởng không chỉ đối với an ninh quốc phòng của Việt Nam mà cả an ninh, an toàn của nhiều nước trong khu vực.
Về an ninh phi truyền thống, tình hình an ninh hàng hải khu vực Biển Đông thời gian qua diễn biến rất phức tạp và có chiều hướng gia tăng các vụ việc nghiêm trọng, gây thiệt hại về người, tài sản và ảnh hưởng lớn đến môi trường an ninh trên biển. Theo thống kê của Lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam, từ đầu năm 2014 đến nay đã có 2 tàu vận tải biển của Việt Nam bị cướp biển tấn công; 3 vụ xô xát trên vùng biển Vịnh Thái Lan giữa ngư dân Việt Nam với tàu Thái Lan và Campuchia; 71 tàu cá Việt Nam bị bắt giữ trên các vùng biển giáp ranh với Indonesia, Thái Lan, Campuchia và Malaysia; nhiều tàu thuyền nước ngoài đã tấn công, đâm, gây thiệt hại cho tàu cá của ngư dân Việt Nam trên vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Trong thời gian tới, tình hình Biển Đông có thể diễn biến theo một trong các khả năng sau: Thứ nhất, các quốc gia vẫn theo đuổi chính sách riêng theo nhận thức của mình; Thứ hai, tình trạng căng thẳng, va chạm xảy ra nhiều nhưng không dẫn đến đối đầu quân sự; Thứ ba, cục diện căng thẳng và hòa dịu đan xen nhưng phức tạp và khó lường; Thứ tư, tăng cường đối thoại, tìm giải pháp nhưng khó thực chất; Thứ năm: không loại trừ có va chạm trên biển và nếu không kiểm soát tốt sẽ neo thang thành xung đột. Trong số đó, khả năng thứ 3 là cao hơn, sẽ không có giải pháp toàn diện, dứt điểm trong vòng 5 – 10 năm tới cũng như sẽ không có chiến tranh hoặc xung đột lớn xảy ra trên Biển Đông.
Về lập trường, Việt Nam có chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời được hưởng các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, thềm lục địa theo đúng UNCLOS 1982. Lập trường của Việt Nam cũng kiên định giải quyết các tranh chấp chủ quyền biển đảo bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC 2002).
Để giải quyết tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, Việt Nam cho rằng các bên liên quan cần tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982, Tuyên bố DOC, Tuyên bố Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông, hướng tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) để giải quyết các vấn đề tranh chấp. Đây là nội dung đặc biệt quan trọng vì trong lúc lập trường của các nước còn khác xa nhau thì UNCLOS 1982 sẽ là cơ sở pháp lý, là chuẩn mực để các bên đối chiếu, điều chỉnh lại yêu sách của mình cho phù hợp và giải quyết các bất đồng, tranh chấp trên biển.