Việc Mỹ đột ngột thay đổi lập trường, đòi Triều Tiên phi hạt nhân hóa toàn bộ và đưa ra các yêu cầu quá cao với Bình Nhưỡng trong cuộc gặp tại Hà Nội đã khiến cuộc gặp kết thúc mà không ra được thỏa thuận gì.
Phát biểu trong một diễn đàn ở Hàn Quốc ngày 12-3, ông Moon Chung In – cố vấn cấp cao về đối ngoại của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, cho rằng cả Mỹ và Triều Tiên đều có lỗi khi cuộc gặp thượng đỉnh lần 2 kết thúc mà không có thỏa thuận.
Nhưng Washington phải chịu trách nhiệm lớn hơn cho việc này. Bởi lẽ, trước cuộc gặp ở Hà Nội, có nhiều chỉ dấu và tín hiệu sau các cuộc đàm phán Mỹ – Triều ở cấp thấp hơn cho thấy Washington đã đồng ý phi hạt nhân hóa theo từng giai đoạn.
Ông Moon dẫn ra một bài phát biểu của đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun tại Đại học Stanford (Mỹ). Trong đó, ông Biegun cho biết Washington sẽ theo đuổi các lộ trình đàm phán và tuyên bố chung.
Tuy nhiên tại Hà Nội, phái đoàn ông Trump đã lật ngược lại mọi thứ và gây sức ép để đạt được một thỏa thuận toàn diện – cách mà cố vấn Moon gọi là “chiến lược được ăn cả, ngã về không”.
“Người Mỹ đưa ra yêu cầu quá cao với Triều Tiên để đạt một thỏa thuận lớn trong khi Chủ tịch Kim Jong Un tự tin có thể thuyết phục được Tổng thống Trump những thứ mà ông ấy muốn có cho việc đóng cửa tổ hợp hạt nhân Yongbyon” – Hãng tin Reuters dẫn tiết lộ của ông Moon.
Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối cho biết có liên lạc với Triều Tiên sau thượng đỉnh lần 2 tại Hà Nội hay không. Nhưng theo một tuyên bố của ông Biegun ngày 11-3, các nỗ lực ngoại giao “vẫn còn sống”.
Ông Moon cho rằng để thu hẹp khoảng cách Mỹ – Triều, tổng thống Hàn Quốc có thể sẽ bí mật gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên rồi bay sang Mỹ gặp ông Trump như đã từng làm trước thượng đỉnh lần một ở Singapore.
Cách đây không lâu, Đài CNN của Mỹ đã dẫn các nguồn tin riêng tiết lộ những giờ phút cuối cùng bên trong khách sạn Metropole ở Hà Nội, nơi diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều.
Trong lúc Tổng thống Trump chuẩn bị rời khách sạn Metropole để trở về KS Marriott cho cuộc họp báo của phía Mỹ, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son Hui đã vội vã đến gặp phái đoàn Mỹ, mang theo một tin nhắn đặc biệt của Chủ tịch Kim Jong Un.
Trong đó Triều Tiên đồng ý dỡ bỏ cơ sở hạt nhân Yongbyon – trái tim của chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng – đổi lấy việc Mỹ ủng hộ dỡ bỏ một số lệnh cấm vận Triều Tiên do Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc áp đặt giai đoạn 2016 – 2017.
Tuy nhiên, tin nhắn của ông Kim Jong Un không làm thỏa mãn người Mỹ, bởi họ muốn biết chính xác quy mô dỡ bỏ cơ sở này là bao nhiêu và liệu Bình Nhưỡng có đồng ý với cách hiểu của Washington hay không.
Bà Choe lại một lần nữa rời đi để hỏi ý kiến lãnh đạo và nhanh chóng trở lại cùng câu trả lời rằng chủ tịch Kim nói việc dỡ bỏ bao gồm tất cả những gì có trong khu vực Yongbyon. Nhưng câu trả lời đó vẫn không đủ sức lay chuyển nhà lãnh đạo Mỹ.
“Chúng tôi cần nhiều hơn thế” – ông Trump khẳng định trong cuộc họp báo sau đó tại KS Marriott.
Cố vấn Moon bình luận rằng một thỏa thuận có lẽ đã được ký nếu Triều Tiên cam kết chấm dứt chương trình làm giàu uranium ở những cơ sở khác chứ không riêng gì Yongbyon đã quá nổi tiếng.