Saturday, April 27, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaMalaysia yêu cầu TQ xác định cái gọi là “quyền sở hữu”...

Malaysia yêu cầu TQ xác định cái gọi là “quyền sở hữu” ở Biển Đông

Trả lời phỏng vấn đài ABS-CBN, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad (7/3) cho rằng Trung Quốc nên xác định rõ “cái gọi là quyền sở hữu” của họ ở khu vực Biển Đông đang tranh chấp, để các nước có tuyên bố chủ quyền khác có thể bắt đầu khai thác lợi ích trong vùng biển giàu tài nguyên này.

Theo Thủ tướng Mahathir, các nước liên quan cần yêu cầu Trung Quốc về việc xác định yêu sách chủ quyền của họ và “quyền sở hữu” hay “cái gọi là quyền sở hữu” mà họ tuyên bố có nghĩa là gì, để chúng ta có thể tìm ra phương cách có được một số lợi ích từ đó; nhấn mạnh dù yêu sách của Trung Quốc có là gì, thì điều quan trọng nhất là Biển Đông nói riêng phải được mở cửa cho hàng hải.

Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad được cho là người theo chủ nghĩa dân tộc, có quan điểm, chủ trương bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia. Liên quan vấn đề Biển Đông, ông Mahathir Mohamad cho rằng Biển Đông nên là một vùng biển hợp tác, kết nối và xây dựng cộng đồng, không phải là nơi đối đầu hay xung đột; Không phải đe dọa quân sự mà tham vấn ngoại giao mới là chìa khóa để xử lý và giải quyết bất cứ tranh chấp liên quốc gia nào ở Đông Á cũng như những nơi khác; Tất cả các nước, dù lớn hay nhỏ, đều được hoan nghênh đóng vai trò xây dựng trong một cộng đồng Đông Á rộng mở thông qua sự hội nhập và tạo thành thị trường lớn hơn, nhưng lợi ích của các nước yếu hơn phải được tôn trọng, bảo vệ và hoàn thiện.

Xu hướng chính sách của Malaysia xoay quanh một số vấn đề: (1) Bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của Malaysia ở Biển Đông; (2) Thúc đẩy phối hợp với các nước liên quan tranh chấp chủ quyền trong khu vực và kêu gọi ASEAN đóng vai trò dẫn dắt và chủ động trong việc xử lý mọi tình huống trên Biển Đông. (3) Tìm cách thúc đẩy sự cạnh tranh giữa các nước lớn trong cả lĩnh vực chiến lược và kinh tế. Điều này được thể hiện bằng việc Malaysia cam kết duy trì sự trung lập và kêu gọi sự tham gia của tất cả các tác nhân, đồng thời nhấn mạnh vai trò của việc tham vấn, củng cố vai trò trung tâm của ASEAN cũng như mở rộng chủ nghĩa đa phương của tổ chức khu vực này trên nhiều tầng nấc. (4) Tăng cường hợp tác, giao lưu hải quân với các nước trong khu vực và trên thế giới nhằm thúc đẩy sự tin cậy chính trị, nâng cao năng lực hải quân và khả năng ứng phó với những tình huống đột xuất trên biển. (5) Tìm cách ngăn chặn các hoạt động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông.

Từ khi lên cầm quyền đến nay, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã có nhiều tuyên bố, hành động cụ thể khẳng định sẽ làm hết sức để bảo vệ chủ quyền, lợi ích của Malaysia ở Biển Đông và phản đối các hành động phi pháp, đe dọa sử dụng vũ lực hay quân sự hóa trong khu vực, cụ thể: (1) Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad (14/8) tuyên bố Malaysia “ủng hộ việc các tàu biển, kể cả chiến hạm, di chuyển qua Biển Đông, nhưng phản đối việc triển khai lực lượng đóng quân tại đó”; lên tiếng cảnh báo việc quân sự hóa trong khu vực tranh chấp ở Biển Đông có thể sẽ gây nên chạy đua vũ trang không lành mạnh. Ông Mahathir cũng tố cáo Mỹ can thiệp vào các tranh chấp thuần túy của châu Á với việc thường xuyên cho tàu chiến, máy bay triển khai hoạt động cũng như việc Trung Quốc cho tàu tuần tra trong vùng. Ian Storey, chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông, cho rằng ông Mahathir sẽ cứng rắn với các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông hơn so với người tiền nhiệm, vốn bị coi là nhượng bộ Bắc Kinh và Malaysia sẽ quyết tâm cao để bảo vệ quyền chủ quyền, quyền tài phán của nước này trên Biển Đông. (2) Ông Mahathir Mohamad tuyên bố, Trung Quốc cần tôn trọng quyền tự do đi lại trên Biển Đông của tàu bè tất cả các nước và Trung Quốc chớ nên gây căng thẳng không cần thiết ở vùng biển này. (3) Ngoài ra, ông Mahathir Mohamad cũng đang tìm cách giảm sự ảnh hưởng của Trung Quốc đối với nền kinh tế Malaysia bằng cách tăng cường hợp tác với các nước (ASEAN, Mỹ và Nhật Bản) và xem xét, hủy một dự án do các công ty Trung Quốc tài trợ. Hành động này của Malaysia có thể sẽ góp phần thúc đẩy nước này có thái độ cứng rắn hơn với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Trong chuyến thăm Trung Quốc 5 ngày (17-21/8), Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã tuyên bố hủy bỏ dự án đường sắt cao tốc và hai đường ống dẫn năng lượng trị giá 22 tỷ USD với Trung Quốc.Theo tính toán của các chuyên gia, chỉ riêng việc phá vỡ hợp đồng dự án Đường sắt bờ biển phía Đông (ECRL), phía Malaysia sẽ phải bồi thường cho các công ty Trung Quốc khoảng 5,5 tỷ USD.

Trước đó, tờ New Straits Times của Malaysia (2/3) đăng bài viết cho rằng Malaysia có quyền yêu sách ở quần đảo Trường Sa. Bài viết cho rằng theo luật biển, Malaysia có quyền yêu sách lãnh thổ trong phạm vi biên giới hợp pháp của mình ở Biển Đông, bao gồm các đảo, bãi cạn, bãi ngầm của quần đảo Trường Sa. Theo Chuẩn đô đốc đã nghỉ hưu Tan Sri K. “Bob” Thanabalasingam của Hải quân hoàng gia Malaysia, các yêu sách của nước này là “không thể bác bỏ được, trừ những khu vực có chồng lấn yêu sách với các nước láng giềng” bởi các yêu sách của Malaysia hoàn toàn phù hợp với Công ước Luật Biển 1982. Ông Thanabalasingam cho rằng, yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc là phi pháp vì không có điều khoản nào trong luật nói về quyền lịch sử. Theo ông Thanabalasingam, các yêu sách của Trung Quốc rất nực cười vì họ mở rộng ra đến tận vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia, gần với lãnh hải của Sabah và Sarawak. “Thậm chí, nếu quay trở lại cách đây 100 hay 1000 năm, họ chưa bao giờ thực thi yêu sách của mình”. Theo một chuyên gia phân tích quốc phòng, Malaysia tỏ ra nghiêm túc trong vấn đề Trường Sa từ khi Thủ tướng Mahathir lên nắm quyền nhiệm kỳ đầu tiên.

Phát biểu tại Bộ Quốc phòng ngày 21/2 vừa rồi, Thủ tướng Mahathir cho rằng, với vị trí chiến lược, Malaysia phải đối mặt với nhiều đe dọa từ các cường quốc, và đây là lúc nước này “cần thực hiện chính sách ngoại giao phù hợp mà không phải đánh đổi chủ quyền”. Martin A. Sebastian, Giám đốc Trung tâm An ninh biển và Ngoại giao thuộc Viện Biển Malaysia, ủng hộ quan điểm của Thủ tướng Mahathir, cho rằng Malaysia đã xây dựng các căn cứ quân sự ở Trường Sa từ những năm 1980-1990 để khẳng định chủ quyền của mình; dù hiện nay các nước xây dựng tại các đảo nằm trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia, Kuala Lumpur sẽ duy trì nguyên trạng để cùng tồn tại hòa bình. Ông Sebastian cũng cho biết, Malaysia nên bảo vệ các nguồn sinh vật biển ở Biển Đông, đồng thời kêu gọi các cơ quan chức năng chống lại hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp ở Trường Sa vì điều này sẽ gây xói mòn và tổn hại môi trường.

RELATED ARTICLES

Tin mới