Sunday, November 17, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaBản tin Biển Đông ngày 14/03/2019

Bản tin Biển Đông ngày 14/03/2019

Bản tin Biển Đông ngày 14/03/2019.

Khẩu chiến giữa Mỹ và Trung Quốc xung quanh vấn đề Biển Đông

Ngày 14/3, theo The Diplomat, trong phát biểu tại Houston, bang Texas, Mỹ ngày 13/3, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã chỉ trích các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông. Ngoại trưởng Pompeo cho rằng, “bằng cách cản trở sự phát triển ở Biển Đông bằng các biện pháp ép buộc, Trung Quốc đã ngăn cản các nước thành viên ASEAN tiếp cận nguồn trữ lượng năng lượng có thể tái tạo trị giá hơn 2,5 nghìn tỷ USD”. Trong khi đó, Chính phủ Mỹ đề cao an ninh năng lượng đối với các quốc gia Đông Nam Á. Ông Pompeo nói, “chúng tôi muốn các nước trong khu vực được tiếp cận với nguồn tài nguyên năng lượng của chính họ. Chúng tôi muốn giúp họ. Chúng tôi muốn tạo ra mối quan hệ đối tác. Chúng tôi muốn giao dịch minh bạch, không phải các bẫy nợ. Chúng tôi thăm dò một cách có trách nhiệm”.

Ngay lập tức, tại cuộc họp báo cùng ngày, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng lên tiếng phản bác phát biểu trên của Ngoại trưởng Mỹ Pompeo. Ông Lục Khảng cho rằng Trung Quốc và các nước liên quan cần giải quyết các tranh chấp biển, đảo ở Biển Đông một cách công bằng, hợp lý, thông qua tham vấn hữu nghị trên cơ sở luật pháp quốc tế; và trong khi chờ đợi giải quyết các tranh chấp, các nước liên quan nên gác lại bất đồng và tìm cách để cùng phát triển. Trung Quốc đã trao đổi với các nước liên quan thông qua cơ chế tham vấn ngoại giao và các kênh trao đổi nội bộ. Ông Lục Khảng khẳng định điều này nhằm phục vụ lợi ích của các nước trong vực – những nước có thể quản lý và giải quyết các bất đồng theo cách của mình, cùng đề cao hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng của khu vực. Đồng thời, ông Lục cho rằng một nước ngoài khu vực nào đó đã nhiều lần khuấy động rắc rối hòng phá vỡ sự hòa hợp, khẳng định những nỗ lực như vậy là vô trách nhiệm đối với các nước trong khu vực này.

Mỹ đưa máy bay và tàu chiến đến Biển Đông

Ngày 13/3, CNN đưa tin, Mỹ đã điều hai máy bay ném bom B-52 Stratofortress từ căn cứ không quân Andersen tiến hành hoạt động huấn luyện thường xuyên gần các đảo tranh chấp ở Biển Đông. Đây là lần thứ hai trong tháng 3/2019 Mỹ thực hiện hoạt động này. Người phát ngôn Không quân Thái Bình Dương Mỹ cho biết, “việc máy bay Mỹ hoạt động thường xuyên ở Biển Đông là nhằm ủng hộ các đồng minh, đối tác và một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và mở”.

Theo Washington Post ngày 13/3, một tàu mang cờ của Hải quân Mỹ đã đi qua Biển Đông để đến Vịnh Manila của Philippines. Hạm trưởng Eric Anduze, chỉ huy tàu USS Blue Ridge của Mỹ cho biết, chuyến thăm này là khẳng định mới nhất về liên minh chặt chẽ Mỹ – Philippines. Ông Anduze cũng nói thêm rằng, các hoạt động của Mỹ “an toàn và chuyên nghiệp”, Mỹ “đi thuyền, bay và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp cho phép”. Theo Phó Đô đốc Phil Sawyer, Tư lệnh Hạm đội 7 của Mỹ đóng tại Nhật Bản, chuyến thăm Manila của tàu Blue Ridge củng cố thêm cam kết của Washington về một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và mở.

Trung Quốc là mối đe dọa ngày càng tăng đối với an ninh quốc gia Mỹ

Theo Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 13/3, phát biểu tại Hội thảo Chương trình quốc phòng do McAleese và các cộng sự tài trợ tại Washington, Phó Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Alan R. Shaffer cho rằng Trung Quốc đang xây dựng quân đội của mình theo cách gây đe dọa đối với lợi ích của Mỹ và các đồng minh tại khu vực Tây Thái Bình Dương, đặc biệt là tại Biển Đông. Ông Shaffer cho biết, các tên lửa DF21 và DF26 của Trung Quốc có khả năng nhắm đến các tàu trong khu vực và cả các mục tiêu đất liền, trong đó có căn cứ Guam của Mỹ. Trung Quốc cũng cũng phát triển máy bay thế hệ thứ 5 hiện đại, mở rộng hải quân lên đến 300 tàu, trong đó có tàu sân bay. Thứ trưởng phụ trách lục quân Ryan D. McCathy cũng lưu ý các mối đe dọa từ Trung Quốc như hệ thống siêu thanh và hệ thống máy bay không người lái. Các đại biểu tại Hội thảo cũng chỉ ra, bên cạnh vấn đề quân sự, Trung Quốc cũng là mối đe dọa đối với Mỹ trên các vấn đề như vượt trội về công nghệ số, kiểm soát mạng 5G, kiểm soát không gian… Theo Đô đốc Hải quân John M. Richardson, 1/3 lượng thương mại quốc tế đi qua Biển Đông mà một số đảo Trung Quốc đã chiếm và xây dựng các căn cứ quân sự. Do vậy, Hải quân Mỹ có mặt ở đây là nhằm bảo đảm các luồng lưu chuyển này không bị cản trở; điều này quan trọng với nền kinh tế Mỹ cũng như đối với kinh tế của toàn thế giới.

RELATED ARTICLES

Tin mới