Ngày 23/4 tới, Trung Quốc sẽ tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập lực lượng Hải quân Trung Quốc (1949-2019), trong đó tâm điểm là việc nước này sẽ tổ chức buổi duyệt tàu chiến quốc tế với sự tham gia của một số nước khu vực. Giới quan sát cho rằng, đây sẽ là dịp để Trung Quốc phô trương sức mạnh quân sự và thể hiện mưu đồ vươn lên trở thành cường quốc biển.
TQ ưu tiên phát triển Hải quân cho những toan tính chiến lược
Hải quân Trung Quốc được thành lập vào năm 1949. Trước thập niên 1990, Hải quân Trung Quốc đóng vai trò thứ yếu so với Lục quân. Đến thập niên 1970, khi ngân sách quốc phòng Trung Quốc dành cho hải quân lên đến 20% ngân sách quốc gia, thì Hải quân Trung Quốc mới bắt đầu có bước phát triển. Đến nay, Lực lượng Hải quân Trung Quốc có ba hạm đội, gồm: Hạm đội Bắc Hải, có Bộ Tư lệnh đặt tại Thanh Đảo thuộc tỉnh Sơn Đông. Hạm đội này có khu vực trách nhiệm vùng vịnh Bột Hải và Hoàng Hải. Hạm đội Đông Hải, có Bộ Tư lệnh Hạm đội đặt tại Ninh Ba, thuộc tỉnh Chiết Giang. Hạm đội Nam Hải, có Bộ Tư lệnh Hạm đội đặt tại Trạm Giang thuộc tỉnh Quảng Đông. Hạm đội này có trách nhiệm kiểm soát vùng Nam Hải.
Trung Quốc gia tăng ngân sách quốc phòng ở mức một con số kể từ năm 2016 sau 5 năm liên tiếp tăng ở mức 2 con số và trở thành quốc gia có chi tiêu quốc phòng lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Mỹ. Năm 2018, Trung Quốc tăng chi tiêu quốc phòng 8,1% so với năm 2017, lên 1.110 tỉ nhân dân tệ (165 tỉ USD), mức tăng cao nhất trong 3 năm trong bối cảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình muốn phát triển quân đội nước này thành lực lượng “đẳng cấp thế giới”, với ưu tiên dành cho lực lượng hải quân. Dự kiến tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc mang tên Type 001A, là tàu sân bay đầu tiên do Trung Quốc tự sản xuất, có thể chở theo 32 chiến đấu cơ J-15 sẽ gia nhập hạm đội Hải quân PLA trong năm nay. Tàu sân bay Type 001A sở hữu radar băng tần S cùng anten kích thước lớn và đường băng dạng uốn cong. Hàng không mẫu hạm Type 001A, giống nhóm tàu sân bay của Mỹ, sẽ được hộ tống bởi các tàu ngầm, tàu khu trục nhằm thực hiện nhiệm vụ giám sát và tấn công mục tiêu trên bộ, trên không và trên đất liền. Hải quân Trung Quốc cũng đã biên chế tàu khu trục Type 055 từ tháng 8/2018, được trang bị tên lửa dẫn đường này được đánh giá là một trong những chiến hạm đáng gờm nhất trên thế giới, chỉ đứng sau “đồng nghiệp” Type Zumwalt của Hải quân Mỹ. Hiện tại, Trung Quốc đã đóng được 3 tàu khu trục Type 055 và đang thi công chiếc thứ 4.
Các phương tiện, thiết bị của Hải quân Trung Quốc hiện nay gồm 02 tàu sân bay (Liêu Ninh, 001A Sơn Đông); 14 tàu khu trục gồm 4 khu trục hạm 956/ 956EM Hạng Sovremenny, 1 Khu trục hạm 051B hạng Luhai (Lữ Hải), 2 khu trục hạm 051C hạng Luzhou (Lữ châu), 2 khu trục hạm 052b hạng Luyang (Lữ Dương), 5 Khu trục hạm 052C hạng Luyang II (Lữ Dương 2); 28 khinh hạm gồm 2 tàu Loại 052 hạng Luhu (Lữ Hộ), 11 tàu loại 051 Lớp Luda (Lữ Đại), 13 tàu Loại 054A Lớp JiangkaiII (Giang Khải), 2 tàu Loại 054 Lớp JiangkaiI (Giang Khải); 35 tàu hộ vệ tên lửa gồm 10 tàu Loại 053H3 Lớp Jiangwei II (Giang Vỹ), 4 tàu Loại 053H2G Lớp Jiangwei (Giang Vỹ), 21 tàu Loại 053 Lớp Jianghu (Giang Hộ); 65 tàu tàu tên lửa gồm 6 tàu Loại 037-II Lớp Houjian, 30 tàu Loại 343M Houxin (Hậu tần), 83 tàu Loại 021 Lớp Houbei (Hồ bắc) và hơn 100 chiếc tàu ngầm thông thường.
Quá trình phát triển của Hải quân TQ gắn liền với việc nước này mở rộng ảnh hưởng và chủ quyền phi pháp ở Biển Đông
Sự phát triển của Hải quân Trung Quốc được dư luận biết đến song song với hoạt động quân sự hóa, bồi đắp đảo ở Biển Đông thời gian qua. Trung Quốc đã từ âm thầm đến công khai tiến hành mở rộng hoạt động bồi đắp và xây dựng đảo ở cả quy mô và mức độ vô cùng lớn. Tại Hoàng Sa, các hình ảnh vệ tinh đều cho thấy Trung Quốc đã và đang tiếp tục xây dựng các cơ sở quân sự đồ sộ, quy mô trên Đảo Bắc, Đảo Cây và đảo Phú Lâm. Tại Đảo Bắc, Trung Quốc đã triển khai san ủi mặt đất và có thể chuẩn bị xây một cảng biển mà các nhà chuyên môn tin là nó được sử dụng để yểm trợ cho các cơ sở quân sự. Đáng chú ý nhất là tại đảo Phú Lâm, hoạt động bồi đắp, xây dựng quy mô của Trung Quốc đang dần biến đảo này trở thành tiền đồn do thám và thu thập thông tin tình báo phục vụ tham vọng mở rộng các căn cứ quân sự của nước này gần đảo Hải Nam. Tại Trường Sa, Trung Quốc đã nhiều lần công khai về hoạt động bồi đắp, xây dựng, quân sự hóa tại các đảo nhân tạo. Tại đá Chữ Thập, theo Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ), các hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang tiếp tục thúc đẩy giai đoạn kế tiếp của việc xây dựng các hạ tầng cần thiết cho các căn cứ hải quân và không quân lớn hơn. Từ đầu năm 2018 đến nay, Trung Quốc đã lắp đặt hệ thống rađa ở phía Bắc đá Chữ Thập. Ý định của Trung Quốc muốn biến thực thể nhân tạo này thành một tiền đồn lưỡng dụng phục vụ cả mục đích dân sự lẫn quân sự như đảo Phú Lâm ở quần đảo Hoàng Sa. Tổng diện tích các công trình xây dựng trên Chữ Thập lên tới hơn 110.000m2, bao gồm các nhà chứa máy bay dọc đường băng chính. Trên đá Vành Khăn, theo các số liệu theo dõi, đến tận cuối năm 2015, đá Vành Khăn vẫn chỉ là một bãi đá nửa nổi nửa chìm, song chỉ trong vòng 2 năm, đến nay, Trung Quốc đã biến đá Vành Khăn thành một đảo nhân tạo lớn với đầy đủ các công trình như đá Subi. Trung Quốc còn xây thêm hầm chứa đạn, nhà chứa máy bay, hầm trú tên lửa và rađa. Thâm chí, mới đây, Trung Quốc cũng không ngại thừa nhận đưa chiến đấu cơ J-11 ra Biển Đông và trình làng một tàu nạo vét biển hiện đại.
TQ đang ráo riết chuẩn bị cho lễ duyệt hạm đội quốc tế
Trung Quốc mời tàu thuyền các nước tham dự lễ duyệt hạm đội quốc tế vào ngày 23/4 tới Lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập lực lượng Hải quân tại Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông. Hiện đã có Philippines và Nhật Bản xác nhận sẽ cử tàu chiến tham gia. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết sẽ cử một con tàu của Lực lượng Phòng vệ trên biển (MSDF) tham gia buổi lễ. Đây sẽ là lần đầu tiên Nhật Bản cử tàu của MSDF đến Trung Quốc trong hơn 7 năm qua. Hải quân Philippines cũng cho biết sẽ cử một tàu tới tham gia lễ duyệt hạm đội do hải quân Trung Quốc tổ chức. Đây cũng sẽ là lần đầu tiên một tàu hải quân Philippines dự lễ duyệt hạm đội tại Trung Quốc. Ngoài ra, nhiều thông tin vừa qua cũng cho biết Trung Quốc đã triển khai sân bay Liêu Ninh và Type 001A tham gia cuộc tập trận quân sự ở phía Bắc biển Hoàng Hải gần Đại Liên từ ngày 3-5/3 với hy vọng hai tàu sân bay này sẽ kịp tham dự Lễ duyệt hạm đội mừng 70 năm Ngày thành lập lực lượng Hải quân. Giới truyền thông khu vực nhận định Trung Quốc sẽ thông qua Lễ duyệt hạm đội quốc tế này để tuyên truyền cho sự phát triển hiện nay mà Trung Quốc gọi là “phát triển hòa bình, hợp tác” của quân đội Trung Quốc nói chung và của Hải quân nói riêng.