Thời gian gần đây, giới “diều hâu” của Trung Quốc liên tục đưa ra các lời kêu gọi đánh chìm tàu sân bay của Mỹ trên Biển Đông. Tuy nhiên, xét từ khía cạnh năng lực quốc phòng, tàu sân bay của Mỹ khôn dễ bị đánh chìm trên Biển Đông và Trung Quốc sẽ phải trả giá rất đắt, nếu dại dột động vào tàu sân bay của Mỹ.
Hạm đội tàu sân bay của Mỹ
Mỹ đang dẫn đần thế giới về hạm đội tàu sân bay
Tàu sân bay là một loại tàu chiến được thiết kế để triển khai và thu hồi lại máy bay, trên thực tế hoạt động như một căn cứ không quân trên biển. Vì vậy các tàu sân bay cho phép lực lượng hải quân triển khai không lực ở các khoảng cách lớn không phụ thuộc vào các căn cứ ở gần đó để làm căn cứ trên mặt đất cho máy bay. Các tàu sân bay không có hộ tống được coi là dễ bị các tàu khác, máy bay, tàu ngầm hay tên lửa tấn công và vì thế chúng phải di chuyển trong một đội tàu sân bay. Trong lực lượng hải quân của nhiều nước, đặc biệt là Hải quân Mỹ, một tàu sân bay được coi là tàu chủ lực. Cùng với tàu ngầm hạt nhân, tàu sân bay được xem là có vai trò trọng yếu trong sức mạnh hải quân của 1 cường quốc. Tàu sân bay có khả năng tấn công rất mạnh và luôn được nhiều tàu khu trục đi theo bảo vệ, nhưng cũng như mọi loại vũ khí khác, tàu sân bay không phải là “bất khả chiến bại”, các cường quốc quân sự luôn chuẩn bị sẵn lực lượng và phương án để đánh chìm tàu sân bay đối phương. Điển hình là trong Thế chiến thứ hai, các nước Anh, Mỹ và Nhật đã huy động hàng chục tàu sân bay để tác chiến, trong số đó 40 tàu sân bay đã bị đánh chìm (20 tàu của Nhật, 12 tàu của Mỹ, 8 tàu của Anh), hàng chục tàu khác bị đánh hỏng nặng.
Tuy nhiên, với khoản đầu tư và trình độ năng lực vượt trội, khiến Mỹ trở thành cường quốc hàng đầu thế giới về hạm đội tàu sân bay. Hiện Mỹ đang duy trì 12 tàu sân bay và đang trong quá trình chế tạo 2 siêu tàu sân bay mới, trong đó có 10 siêu tàu sân bay thuộc lớp Nimitz được lắp hai lò phản ứng hạt nhân và bốn turbine hơi dài 1092 ft (333 m) và có giá khoảng 4.5 tỷ USD. Chiếc George H.W. Bush trị giá 6,2 tỷ USD với boong tàu có thể chứa 90 máy bay và trực thăng chiến đấu. Chiếc USS George Washington dài 332 m, nặng 97.000 tấn, có sức chứa hơn 5.500 người và 70 máy bay và trực thăng rất hiện đại, trang bị hai lò phản ứng hạt nhân cho phép tàu hoạt động trong 18 năm mà không cần tiếp tế nhiên liệu. USS Ronald Reagan có tốc độ cao nhất là hơn 30 hải lý, chạy bằng năng lượng hạt nhân và có thể chạy liên tục trong suốt 20 năm mới phải nạp năng lượng. USS Theodore Roosevelt rộng 1,8 hecta, với trọng tải 88.000 tấn, chở gần 5.000 thủy thủ, được trang bị 90 trực thăng và máy bay chiến đấu. Chiếc USS John C. Stennis được ví như khách sạn nổi, một thành phố thu nhỏ của nước Mỹ. Tàu có tổng cộng 19 tầng, với đầy đủ các dịch vụ thiết yếu, phòng phẫu thuật, đầu bếp chuyên nghiệp. USS John C. Stennis được đưa vào trang bị ngày 9/12/1995 tại căn cứ Hải quân Bremerton, đã từng thực hiện nhiệm vụ trong cuộc chiến chống khủng bố ở Afghanistan ngày 23/2/2002. Neo đậu và hoạt động ở biển North Arabian, USS John C.Stennis Group là căn cứ xuất kích của các máy bay chiến đấu siêu hiện đại F/A-18C. Lực lượng không quân ở đây được trang bị các máy bay chiến đấu hiện đại F/A-18, F/A-18E, EA-6B Prowler, S-3 Viking, E-2C Hawkeye và SH-60 Seehawk. USS John C. Stennis có trọng tải lên tới 97.000 tấn, tàu có chiều dài 333m và bề ngang 78m. Tàu USS Stennis hiện đang giữ kỷ lục là tàu chiến cao nhất trên thế giới với độ cao từ đáy đến đỉnh cao nhất của rađa lên tới 74m (tương đương một tòa nhà 24 tầng). Trong khi các tàu sân bay truyền thống tiêu thụ trung bình 2 triệu lít xăng cho mỗi 3 ngày hoạt động, tàu USS Stennis (bằng công nghệ hạt nhân) thường cần 20-25 năm mới tái nạp nhiên liệu một lần. USS John C.Stennis Group được lắp 2 động cơ nguyên tử, có tầm hoạt động xuyên đại dương thế giới và chạy với tốc độ gần 60km/h, có thể mang được 3 triệu thùng nhiên liệu để tiếp dầu cho máy bay và số lượng vũ khí đủ để thực hiện các chiến dịch quân sự dài ngày mà không cần phải tăng cường thêm. USS John C. Stennis còn được trang bị các hệ thống tên lửa phòng không tầm gần, tầm xa và hệ thống tác chiến điện tử để đối phó với các đòn tiến công từ trên không, trên biển và trên đất liền.
Trong tháng 2/2019, Lầu Năm góc đã ký hợp đồng cùng lúc đóng mới 2 tàu sân bay thuộc lớp Gerald Ford và dự kiến tiếp nhận vào các năm 2028 và 2032. Đây có thể coi là hợp đồng vũ khí lớn kỷ lục của Quân đội Mỹ kể từ khi chiến tranh Lạnh kết thúc.Tuy nhiên, có một vấn đề là tàu sân bay lớp Gerald Ford đang có giá thành quá cao so với các lớp tàu sân bay trước đó và công nghệ vẫn chưa thực sự hoàn thiện. Chiếc USS Gerald Ford thuộc lớp cùng tên có giá tới 13 tỷ USD đang mắc phải hàng loạt vấn đề công nghệ và chưa thể hoạt động chiến đấu trong vài năm tới. Theo kế hoạch mới nhất của Lầu Năm góc, USS Gerald Ford sẽ tham gia hoạt động quân sự vào năm 2022.
Nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ
Các nhóm tác chiến tàu sân bay được hải quân Mỹ thành lập như một nền tảng cần thiết để thực hiện nhiệm vụ và số lượng, chủng loại tàu được biên chế vào nhóm thay đổi tùy theo yêu cầu tình hình. Quy mô các nhóm tác chiến tàu sân bay có thể khác nhau theo từng giai đoạn, nhưng một nhóm điển hình sẽ gồm một tàu sân bay cùng 8 tàu hộ tống. Trong 8 tàu hộ tống, hai tuần dương hạm tên lửa dẫn đường đảm nhiệm vai trò tấn công, bởi chúng thường được trang bị tên lửa hành trình độ chính xác cao như Tomahawk để tấn công các mục tiêu tầm xa trên đất liền. Đòn tấn công này thường được thực hiện ở giai đoạn đầu của cuộc chiến, nhằm dùng tên lửa “làm mềm” các mục tiêu và vô hiệu hóa hệ thống phòng không đối phương, tạo điều kiện cho tiêm kích trên tàu sân bay thực hiện nhiệm vụ. Hai tàu khu trục trong đội hình sẽ đảm nhận nhiệm vụ phòng thủ. Chúng được trang bị các hệ thống cảm biến hiện đại, chẳng hạn như hệ thống tác chiến Aegis có thể phát hiện và vô hiệu hóa tên lửa đối phương, cùng hệ thống thủy âm và ngư lôi để diệt tàu ngầm địch.
Ngày nay, các tàu khu trục của Mỹ đã được cải tiến để có thể mang và phóng tên lửa hành trình, san sẻ trách nhiệm tấn công với tàu tuần dương. Nhiệm vụ chống ngầm chính trong nhóm tác chiến được giao cho một tàu hộ vệ trong đội hình. Ngoài ra, nhiệm vụ này còn được chia sẻ với hai tàu ngầm trong nhóm, thường là các tàu ngầm tấn công hạt nhân có tầm hoạt động xa. Đây là những tàu ngầm có nhiệm vụ phòng thủ, bảo vệ tàu sân bay trước mối đe dọa từ tàu ngầm và tàu nổi đối phương. Đi theo sau đội hình nhóm tác chiến tàu sân bay thường là một tàu hậu cần mang theo nhiên liệu, thực phẩm và đạn dược để sẵn sàng tiếp tế cho các tàu trong nhóm khi cần thiết. Ngoài ra, tùy từng nhiệm vụ cụ thể sẽ có thêm một số tàu đi theo nhóm tác chiến này, chẳng hạn như tàu chở quân, tàu đổ bộ của thủy quân lục chiến, tàu vận tải chở xe tăng và trang bị quân sự, tàu quét mìn…
Khi một nhóm tác chiến tàu sân bay bắt đầu rời cảng nhà, toàn bộ 9-10 tàu chiến trong nhóm cùng khoảng 80 máy bay và gần 8.000 thủy thủ, phi công, binh sĩ được đặt trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao. Mục tiêu của họ trong mỗi lần xuất phát là hoàn thành nhiệm vụ được giao và bảo vệ nhóm tác chiến tàu sân bay trước bất cứ hình thức tấn công nào của kẻ thù. Nhiệm vụ tác chiến tấn công chính được giao cho không đoàn trên tàu sân bay. Mỗi không đoàn được biên chế cho một tàu sân bay thường bao gồm 9 phi đoàn, với tổng cộng 70-80 máy bay các loại.
Đóng vai trò chủ lực trong không đoàn là các tiêm kích hạm F/A-18 Hornet và F/A-18 E/F Super Hornet. Đây đều là các loại chiến đấu cơ đa nhiệm có độ tin cậy và linh hoạt cao, rất phù hợp để hoạt động trên tàu sân bay. Trong các chiến dịch không kích, các tiêm kích này có thể cất cánh liên tục để tiêu diệt máy bay đối phương cũng như ném bom các mục tiêu mặt đất, hỗ trợ chiến dịch của bộ binh. Hỗ trợ cho hoạt động của tàu sân bay là máy bay cảnh báo sớm E-2 C/D Hawkeye với hệ thống radar lớn rất nổi bật trên thân. Các cảm biến hiện đại trên E-2 C/D Hawkeye có thể phát hiện mối đe dọa từ xa, đồng thời nắm bắt mọi hoạt động của đối phương và cung cấp thông tin cập nhật cho các chiến đấu cơ thông qua kênh liên kết dữ liệu bảo mật. Bảo vệ tàu sân bay là hoạt động được thực hiện 24/7. Các kíp trực trong nhóm tác chiến tàu sân bay luôn phải đề cao cảnh giác trước các mối đe dọa đến từ trên không, trên mặt biển và dưới nước. Để giúp tàu sân bay tăng cường khả năng phòng thủ, máy bay Hawkeye thường xuất kích và bay thấp, sử dụng radar tầm xa quét các khu vực rộng lớn trên mặt biển, giúp sĩ quan chỉ huy trên tàu sân bay biết được các loại máy bay, tàu thuyền đang tiến tới từ ngoài đường chân trời.
Khi đối mặt với kẻ địch trang bị tàu ngầm hiện đại, các máy bay S-3B Viking và trực thăng SH-60 Seahawk trong không đoàn tàu sân bay sẽ được lệnh xuất kích để săn tìm và tiêu diệt tàu ngầm. Trong khi đó, máy bay tấn công điện tử E/A-18G Growler có chức năng gây nhiễu radar đối phương và chặn mọi thông tin liên lạc của địch trên chiến trường. Các tàu khu trục và tàu hộ tống sẽ sử dụng thiết bị thủy âm và cảm biến từ trường để liên tục tìm kiếm tàu ngầm địch trong lòng biển. Mục đích của các hoạt động này là nhằm tạo ra một “bong bóng” khép kín xung quanh tàu sân bay để không một “vật thể lạ” nào được phép lọt vào bong bóng đó khi chưa được phép. Giới chuyên gia phân tích quân sự cho rằng với chiến thuật “nhóm tác chiến” này, tàu sân bay Mỹ có thể đối phó với bất cứ mối đe dọa nào trên chiến trường hiện đại ngày nay, giúp nó tiếp tục phát huy sức mạnh “bất khả chiến bại” trên biển.
Cụ thể, siêu hàng không mẫu hạm lớp Nimitz là cốt lõi hình thành nên Nhóm tác chiến tàu sân bay (CSG), đang vận hành 10 Nhóm CSG với quy mô lớn nhất thế giới. Mỗi tàu sân bay lớp Nimitz có chiều dài 332,8 m, rộng lớn nhất 76,8 m, mớn nước 12,5 m, lượng choán nước hơn 100.000 tấn. Với kích thước khổng lồ, tàu sân bay rất dễ bị phát hiện và tổn thương trước hỏa lực của đối phương. Theo Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, chi phí mỗi tàu sân bay Nimitz khoảng 4-5 tỷ USD. Chúng là những tài sản giá trị cao, lại dễ bị tổn thương nên không bao giờ được phép rời cảng một mình. Mỗi lần tiến ra biển, Nimitz luôn được hộ tống bởi đội tàu chiến hùng hậu. Mỗi hàng không mẫu hạm Nimitz được hộ tống bởi ít nhất 2-3 tuần dương hạm lớp Ticonderoga, 3-4 tàu khu trục Aegis lớp Arleigh Burke, 1-2 tàu ngầm tấn công hạt nhân, cùng 1-2 tàu hậu cần. Các tàu khu trục và tuần dương được trang bị hệ thống vũ khí cực mạnh, thiết lập ô phòng thủ từ xa đối với bất kỳ mục tiêu trên không, trên biển và cả dưới nước có thể đe dọa đến tàu sân bay. Ở dưới nước, các tàu ngầm tấn công hạt nhân sẽ sục sạo, tìm kiếm, ngăn chặn các tàu ngầm đối phương có thể đe dọa hoạt động của tàu sân bay cũng như cả nhóm tác chiến. Mỗi tàu sân bay Nimitz mang theo 90 máy bay các loại, trong đó nòng cốt là các tiêm kích trên hạm F/A-18 E/F Super Hornet. Các tiêm kích có thể hoạt động với bán kính khoảng 800 km từ tàu mẹ để ngăn chặn hoặc tấn công phủ đầu trước khi đối phương có thể gây nguy hiểm cho cả nhóm tác chiến. Chốt chặn cuối cùng để bảo vệ tàu sân bay là hệ thống tên lửa hải đối không RIM-7 Sea Sparrow tầm bắn 20 km. Mỗi tàu Nimitz được lắp 3-4 cụm phóng bố trí xung quanh tàu, mỗi cụm chứa 8 đạn tên lửa trong hộp phóng Mk 29. Hỗ trợ cho RIM-7 là 4 hệ thống phòng thủ tầm cực gần Mk15 Phalanx CIWS lắp pháo 6 nòng 20 mm. Phalanx sẽ đánh chặn các tên lửa chống hạm hay vũ khí dẫn đường khác nhắm vào tàu sân bay.
Làm thế nào để tiêu diệt hạm đội tàu sân bay
Về lý thuyết, tàu sân bay có thể bị tấn công từ mọi hướng. Kẻ địch có thể sử dụng tàu chiến trang bị pháo tầm xa hoặc tên lửa hành trình để nã vào tàu sân bay trên mặt biển. Dưới mặt nước, kẻ thù có thể dùng tàu ngầm, ngư lôi và thủy lôi tập kích tàu sân bay. Trên không, các loại máy bay ném bom và tên lửa đạn đạo là mối đe dọa lớn nhất, cụ thể: (1) Người nhái đặt mìn. Khi tàu sân bay neo đậu tại một cảng biển nào đó, có thể dùng người nhái lặn tới đặt mìn để đánh chìm tàu. Trong khi neo đậu tại cảng Sài Gòn để bốc dỡ máy bay phục vụ chiến tranh, tàu sân bay hạng nhẹ USS Card (CVE-11) đã bị đánh chìm theo cách này. USS Card vốn là một tàu sân bay hộ tống thuộc lớp Bogue của Hải quân Mỹ trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, rồi được cải biến thành một tàu sân bay tiện ích chuyên chở máy bay trực thăng. (2) Dùng thủy lôi. Muốn tấn công vào lãnh thổ địch, tàu sân bay thường phải ở cách bờ biển của đối phương không quá 1.000 km (ở xa hơn thì máy bay không thể vươn tới mục tiêu), đồng thời phải thường xuyên di chuyển giữa các vùng biển tùy theo nhiệm vụ mới. Do vậy, có thể phán đoán hướng di chuyển của tàu sân bay địch để rải thủy lôi. Năm 1988, một quả thủy lôi kiểu cũ M-08 của Iran đã làm hỏng nặng tàu USS Samuel B. Roberts của Mỹ, cho thấy thủy lôi vẫn là mối nguy hiểm lớn với tàu chiến hiện đại. Thủy lôi là loại vũ khí đơn giản, dễ sử dụng nhưng đặc biệt nguy hiểm. Nó phù hợp với những nước có tiềm lực kinh tế – quân sự hạn chế, nhưng có vùng biển dài, rộng và có nhiều khả năng bị đe dọa quân sự từ hướng biển. So với thủy lôi truyền thống, thủy lôi hiện đại có thêm thiết bị cảm ứng để tự bị kích nổ khi tàu thuyền đến gần, và thường có kích thước lớn, chứa một lượng nổ rất mạnh. Các đầu nổ của thủy lôi hiện đại thường dựa vào cảm ứng với tác động mạnh của làn nước, với kim loại, với từ trường khi tàu thuyền đi qua… để chủ động tấn công dù tàu địch còn cách xa hàng km (không cần đợi tàu địch chạm vào như thủy lôi truyền thống). (3) Ngư lôi phóng từ tàu ngầm. Tàu ngầm là vũ khí tấn công có tính bí mật cao và một mối đe dọa lớn đối với tàu sân bay, kể cả khi tàu sân bay có nhiều tàu khu trục đi theo hộ tống. Trong Thế chiến thứ 2, hải quân Mỹ đánh chìm tổng cộng 20 tàu sân bay của Nhật, trong đó 12 là do bom ném từ máy bay, và 8 là do ngư lôi phóng từ tàu ngầm. Đổi lại, hải quân Đức, Nhật cũng đã dùng ngư lôi đánh chìm nhiều tàu sân bay của Mỹ, Anh. Hải quân Mỹ đã mất 12 tàu sân bay, trong đó 7 chiếc do trúng bom từ máy bay, 1 chiếc do trúng đạn đại bác và 4 chiếc là do ngư lôi phóng từ tàu ngầm Đức, Nhật Bản. Hải quân Mỹ từng thực hiện nhiều mô phỏng để xem cần bao nhiêu ngư lôi để đánh chìm 1 tàu sân bay cỡ lớn, như Tàu sân bay lớp Nimitz của Mỹ. Họ ước tính sẽ cần khoảng 6 ngư lôi cỡ 533mm, ví dụ như loại Mk-48 với đầu đạn nặng 300 kg, để đánh chìm một tàu sân bay hạng nặng. Để đánh chìm một tàu sân bay hạng trung như chiếc Liêu Ninh của Trung Quốc, có thể sẽ cần khoảng từ 3 đến 4 ngư lôi cỡ 533mm. Các tàu ngầm hiện đại đều trang bị 6 (thậm chí 10) ống phóng ngư lôi 533mm với dự trữ 18-24 quả, nên hoàn toàn đủ khả năng đánh chìm tàu sân bay nếu có thể tiếp cận đủ gần mục tiêu. (4) Tên lửa hành trình chống hạm. Tên lửa diệt hạm hiện đại có tầm bắn xa, lên đến mấy trăm km, thậm chí cả 1.000 km. Thời gian di chuyển đến mục tiêu ngắn nhờ vào tốc độ cao, có thể đạt vận tốc siêu thanh (Supersonic), thậm chí đạt siêu vượt âm (Mach 5 tới Mach 10, tức là gấp 5 tới 10 lần tốc độ âm thanh, khoảng 5.500 – 11.000 km/h), khiến cho đối phương chỉ có khoảng 1-3 phút để triển khai đánh chặn. Tên lửa chống hạm hiện đại cũng có khả năng “sea-skimming”, tức là bay bám sát mặt biển (chỉ ở cách mặt biển 5 – 10 mét) nên radar của đối phương rất khó phát hiện. Cho đến nay, các tàu chiến trên thế giới vẫn chưa có biện pháp hiệu quả nào để chống lại chiến thuật tấn công bão hòa bằng tên lửa chống hạm siêu thanh. Chiến thuật này được tiến hành bằng cách phóng cùng lúc hàng chục, thậm chí hàng trăm quả tên lửa chống hạm nhắm vào duy nhất 1 chiếc tàu sân bay. Do chỉ có tối đa 3 phút để đánh chặn, các hệ thống phòng không trên tàu chiến địch sẽ bị quá tải vì số lượng mục tiêu phải đánh chặn quá lớn, chỉ cần để sót 1 phần số tên lửa là đủ để chiếc tàu sân bay bị đánh chìm. Đa số các tên lửa diệt hạm sử dụng cơ chế xuyên phá và nổ chậm để tối đa hoá mức độ thiệt hại, nghĩa là nó dùng động năng của mình để xuyên thủng lớp vỏ ngoài của tàu (giống như 1 viên đạn), và sau đó đầu đạn chứa hàng trăm kg chất nổ sẽ phát nổ khi đã chui sâu vào bên trong con tàu, tạo ra sức phá hủy lớn hơn nhiều so với bom thông thường. Một số tên lửa chống hạm hiện đại có vận tốc cực cao, đạt mức siêu vượt âm (như 3M22 Zircon của Nga có vận tốc đạt tới 2,7 km/giây), vận tốc này cũng giúp tăng sức tàn phá của tên lửa khi va chạm vào mục tiêu. Theo tính toán, 1 tên lửa nặng 2 tấn, bay với vận tốc 2,5 km/giây như 3M22 Zircon sẽ tạo ra động năng đạt tới 12,5 tỷ jun (tương đương sức nổ của 2,7 tấn thuốc nổ TNT), động năng này có thể bẻ gãy đôi hoặc làm hư hại nặng cả 1 tàu sân bay cỡ lớn, ngay cả khi đầu đạn của tên lửa chưa phát nổ. (5) Tên lửa đạn đạo chống tàu sân bay. So với tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo hiện đại có một số ưu điểm như: có thể mang được đầu đạn rất lớn (khoảng 1-2 tấn), tầm bay xa (có thể đạt trên 5.000 km), tốc độ đạt mức siêu vượt âm (gấp 10-20 lần tốc độ âm thanh), bay ở độ cao lớn (trên 25 km) nên các hệ thống phòng không rất khó đánh chặn. Tốc độ siêu vượt âm cũng làm tăng sức sát thương của tên lửa đạn đạo: 1 quả tên lửa nặng 5 tấn khi bổ nhào với vận tốc 3 km/giây sẽ tạo ra một động năng cực lớn (khoảng 45 tỷ jun), tương đương năng lượng của 10 tấn thuốc nổ TNT, có thể đánh gãy đôi cả 1 chiếc tàu sân bay mà không cần đầu đạn phát nổ. Trung Quốc cũng đã phát triển các loại tên lửa đạn đạo chống hạm dựa trên mẫu DF-21 (Đông Phong-21) từ năm 2005. Loại tên lửa này được phóng từ bệ phóng di động trên mặt đất, có tầm bắn trên 1.500 km, mang đầu đạn nặng khoảng 600 kg. Tên lửa được trang bị đầu dò radar chủ động nên có khả năng tấn công chính xác tàu sân bay đang di chuyển. Với tầm bắn của DF-21, Trung Quốc sẽ có khả năng ngăn chặn việc hàng không mẫu hạm của Mỹ tấn công vào lãnh thổ nước này hoặc vào eo biển Đài Loan. Phiên bản cải tiến mới nhất là DF-21D được trang bị thêm nhiều đầu đạn mồi để đánh lừa radar của tàu địch, ngoài ra, đầu đạn của DF-21D có thể lao xuống mục tiêu với tốc độ Mach 10, tương đương 12.000km/giờ nên rất khó khăn cho việc đánh chặn. Theo truyền thông Mỹ, tới năm 2018, Trung Quốc đã trang bị ít nhất 10 lữ đoàn tên lửa Đông Phong-21 (mỗi lữ đoàn có 6 tiểu đoàn). 60 tiểu đoàn này có thể đồng thời phóng được 360 quả tên lửa đạn đạo DF-21, đủ để thực hiện cuộc tấn công đồng loạt đối với 3 đội tàu sân bay Mỹ (mỗi tàu sân bay sẽ bị tới 120 tên lửa nhắm vào, khiến các hệ thống phòng thủ của đội tàu sân bay Mỹ không kịp đánh chặn hết). Năm 2015, Trung Quốc tiếp tục phát triển mẫu DF-26 (Đông Phong-26). So với DF-21, DF-26 có tầm bắn lớn hơn nhiều, ước tính đạt tới 3.000 – 5.000 km. Với tầm bắn này, các bệ phóng ở miền đông Trung Quốc có thể tấn công tàu sân bay Mỹ ở tận căn cứ ở Guam. DF-26 cũng có thể mang đầu đạn nặng tới 1,2 – 1,8 tấn (gấp 2-3 lần so với DF-21D), đủ sức đánh chìm cả 1 tàu sân bay cỡ lớn chỉ với 1-2 quả trúng đích.
Trung Quốc sẽ phải trả giá rất đắt nếu đánh chìm tàu sân bay Mỹ trên Biển Đông
Theo chuyên gia Mỹ, Trung Quốc có thể đang thực hiện một trong những động thái quân sự xuẩn ngốc nhất Thế kỷ 21 nếu như những gì họ tuyên bố về tác chiến hải quân là sự thực. Bắc Kinh đang rất huênh hoang về khả năng đánh chìm các tàu sân bay để đẩy lùi lợi thế quân sự của Mỹ khiến cho nhiều chuyên gia quốc phòng phải “lắc đầu ngao ngán” không hiểu tại sao Trung Quốc lại tính tới việc xây dựng một hạm đội tàu sân bay của riêng mình nhưng sẽ rất dễ bị tên lửa Mỹ tiêu diệt.
Trung Quốc đang cố gắng xây dựng và hiện đại hóa lực lượng hải quân để cạnh tranh với Mỹ trong bối cảnh căng thẳng trên Biển Đông gia tăng nhưng Bắc Kinh vẫn còn rất kém xa trong lĩnh tàu sân bay. Để khắc phục điều này, Trung Quốc đã mua lại một tàu sân bay do Liên Xô chế tạo cùng các kế hoạch của họ rồi lại tự sản xuất chiếc thứ hai dựa vào “vay mượn” kiểu thiết kế cũ thời Liên Xô. Thế nhưng, các tàu sân bay này chủ yếu chỉ có tác dụng phòng thủ bờ biển chứ không có khả năng khuếch trương sức mạnh trên đại dương như những tàu sân bay Mỹ vốn đều chạy bằng năng lượng hạt nhân và có thể di chuyển vòng quanh thế giới vô thời hạn.
Wang Yunfei, một chuyên gia hải quân và sĩ quan hải quân đã nghỉ hưu của Quân đội Trung Quốc gần đây từng phát biểu trên tờ South China Morning Post rằng, Bắc Kinh sẽ chế tạo 4 tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân, ngoài 2 tàu chạy bằng nhiên liệu thông thường mà họ đang phát triển để bắt kịp Mỹ. Wang Yunfei tuyên bố, Trung Quốc đặt mục tiêu sẽ đuổi kịp quân đội Mỹ trong lĩnh vực tàu sân bay bằng bất cứ giá nào: “Trung Quốc cần tiếp tục duy trì đà phát triển cho đến khi đạt được cùng tầng nấc với Mỹ”. Tuy nhiên, theo Bryan McGrath – Giám đốc điều hành của Tập đoàn tư vấn hải quân FerryBridge thì nếu như Trung Quốc vẫn tiếp tục tham vọng phát triển thêm nhiều tàu sân bay nữa thì đó là một trong những ý tưởng xuẩn ngốc nhất mà ông từng nghe tới.
Trung Quốc vẫn thường xuyên đe dọa đánh chìm các tàu sân bay Mỹ nếu như chúng đi vào vùng biển của họ và hậu thuẫn cho những lời đe dọa này bằng cách triển khai DF-26, loại tên lửa được chủ đích chế tạo nhằm tiêu diệt các tàu sân bay Mỹ. Tháng 12/2018, phát biểu tại một hội nghị quốc phòng được tổ chức ở Thâm Quyến, Chuẩn Đô đốc, Thiếu tướng La Viện kêu gọi Trung Quốc phải thực hiện kế hoạch mạnh mẽ hơn để “tống Mỹ ra khỏi Biển Đông và Biển Nhật Bản” bằng cách đánh chìm 2 tàu sân bay, gây thương vong cho khoảng 10.000 người để làm nhụt ý chí chiến đấu của Mỹ. La Viện cho rằng các loại tên lửa đạn đạo diệt hạm trong biên chế quân đội Trung Quốc hiện nay đủ sức thực hiện đòn tấn công này. Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự cho rằng hải quân Mỹ nhiều khả năng đã lường trước mối đe dọa này và xây dựng phương án đối phó. Trung Quốc đã phát triển nhiều tên lửa đạn đạo diệt hạm uy lực, được mệnh danh là “sát thủ tàu sân bay” để phục vụ chiến lược này. Mẫu DF-21 có tầm bắn 1.540 km vươn đến Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc, trong khi tên lửa DF-26 mới phát triển đạt tầm bắn tới 4.100 km, đủ sức tấn công gần như toàn bộ căn cứ Mỹ ở Thái Bình Dương. Bắc Kinh cũng triển khai nhiều hệ thống phòng không và không ngừng tăng cường sức mạnh hải quân. Điều này buộc Mỹ nhanh chóng tìm cách đối phó khi các tàu sân bay và chiến hạm hộ tống của họ đều có nguy cơ bị tấn công.
Chuyên gia quân sự Christopher Woody nhận định việc hạn chế hoặc phong tỏa năng lực hoạt động của quân đội Mỹ ở Biển Đông và biển Hoa Đông là một phần quan trọng trong nỗ lực thay đổi cán cân sức mạnh khu vực của Trung Quốc. Bắc Kinh muốn giành lợi thế bằng cách đưa ra những đe dọa khiến Washington phải ngần ngại khi triển khai các khí tài có giá trị cao để đảm bảo an ninh cho các đồng minh và đối tác. Trong khi đó, chuyên gia quân sự Michael Peck cho rằng tên lửa siêu vượt âm và tên lửa đạn đạo Trung Quốc có thể tấn công tàu sân bay Mỹ trên lý thuyết, nhưng chưa từng được kiểm chứng trong thực chiến. Ngoài ra, nếu Trung Quốc đánh chìm tàu sân bay Mỹ, đó sẽ là hành động đẩy hai nước vào chiến tranh tổng lực, buộc Washington đáp trả mạnh mẽ, bởi hàng không mẫu hạm là biểu tượng cho niềm tự hào và sức mạnh quân sự Mỹ. Ngoài ra, Mỹ đã có hàng thập kỷ kinh nghiệm khuếch trương sức mạnh, phát triển các nhóm tác chiến tàu sân bay, không quân hải quân và điều hành các tàu chiến khổng lồ. Chỉ riêng một không đoàn trên tàu sân bay Mỹ chắc chắn cũng đã số lượt cất hạ cánh nhiều hơn toàn bộ hải quân Trung Quốc. Vì vậy, nếu Trung Quốc thực sự tin rằng các tên lửa tầm trung phóng từ mặt đất có thể hạ gục các tàu sân bay Mỹ thì có thể họ sẽ phải đầu tư thêm rất nhiều tỷ đô la nữa cho các mục tiêu nổi.
Trong khi đó, giới truyền thông nhận định, nếu Trung Quốc tấn công tàu sân bay Mỹ bằng máy bay chiến đấu, tên lửa hành trình hay tên lửa đạn đạo thì Mỹ hoàn toàn đủ sức san phẳng tất cả những nơi tên lửa, máy bay ấy cất cánh. Mỹ sau đó nhắm đến các đội tàu thương mại và cả hải quân Trung Quốc. Chưa dừng lại ở đó, Trung Quốc sẽ bị cắt nguồn năng lượng từ nước ngoài trong khi hoạt động xuất khẩu bị phong tỏa. Chỉ sau vài tuần, các nhà máy Trung Quốc sẽ bị đóng băng vì không có nguyên liệu sản xuất. Ngược lại, Mỹ là quốc gia có lượng dự trữ khoáng sản dồi dào, sẵn sàng đủ sức vượt qua những tháng ngày khó khăn, ngay cả trong trường hợp Trung Quốc muốn leo thang căng thẳng, tấn công Bắc Mỹ. Theo báo Mỹ, tốt nhất là Trung Quốc vào lúc này nên kiềm chế lời nói, chuẩn bị sẵn sàng để ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ về vấn đề thương mại. Tổng thống Mỹ Donald Trump và quyền Bộ trưởng Quốc phòng Patrick Shanahan gần đây đều nhấn mạnh rằng trong cuộc đua cạnh tranh quyền lực, Mỹ luôn để mắt đến Trung Quốc.