Chính quyền Tổng thống Duterte đang áp dụng đường lối ngoại giao khác với người tiền nhiệm, liên tục kết thân với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Có nhiều nhân tố dẫn đến sự điều chỉnh trên, trong đó có cả nhân tố chủ quan và khách quan.
Thứ nhất, do các tác động từ vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc ra Tòa Trọng tài hồi tháng 7/2016. Phán quyết của Tòa Trọng tài nghiêng về Philippines, song vì sự phản đối của Trung Quốc nên chưa được Philippines coi trọng. Có thể thất quan hệ Philippines – Trung Quốc gần như đóng băng trong thời điểm Tòa Trọng tài ra phán quyết của vụ kiện, hợp tác giữa Philippines và Trung Quốc trên các lĩnh vực khác cũng bị ảnh hưởng, ví dụ như Trung Quốc đưa ra cảnh báo đối với du khách đến thăm Philippines, thực hiện lệnh cấm nhập hoa quả từ Philippines. Trên thực tế, Tổng thống Duterte từ lâu đã bày tỏ lo ngại đối với việc người tiền nhiệm Aquino đệ trình tranh chấp Biển Đông lên Tòa Trọng tài, ông công khai tuyên bố mình có lập trường gần giống với Trung Quốc, không tin rằng có thể thông qua Tòa Trọng tài quốc tế giải quyết tranh chấp dứt điểm. Cũng chính từ chính sách của người tiền nhiệm Aquino khi xây dựng mối quan hệ đồng minh thân cận với Mỹ và đối đầu trực diện với Trung Quốc đã gây ra những bất lợi cho Philippines nên việc phá băng quan hệ với Trung Quốc là lựa chọn có vẻ phù hợp nhất của Tổng thống Duterte.
Thứ hai, từ Mỹ triển khai chiến lược quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương, trong đó coi vấn đề Biển Đông là điểm tựa quan trọng đã đưa Philippines trở thành quân cờ then chốt. Khi Tòa Trọng tài chưa đưa ra phán quyết, Mỹ ra sức tuyên truyền ý nghĩa tích cực của phương thức trọng tài, liên tục bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Philippines. Sau khi Tòa Trọng tài đưa ra phán quyết, Mỹ nhiều lần tuyên bố phán quyết của Tòa Trọng tài có sức ràng buộc về pháp lý, yêu cầu Philipines và Trung Quốc phải tuân thủ phán quyết. Trên thực tế, Mỹ mới là bên được lợi nhất trong vấn đề Biển Đông. Dựa vào vấn đề này, Mỹ không những đã tăng cường mức độ can dự vào vấn đề Biển Đông, mà còn tìm cách lợi dụng quy tắc và luật pháp quốc tế để ràng buộc Trung Quốc, địa vị ưu thế trong cuộc đọ sức giữa Trung Quốc và Mỹ về trật tự biển được tăng cường hơn nữa. Philippines tự nguyện làm đồng minh của Mỹ trong chiến lược quay trở lại châu Á – Thái Bình Dương, nhưng không đem đến lợi ích thực tế cho bản thân. Chính quyền Duterte tỏ thái độ mềm mỏng và thận trọng trong vấn đề Biển Đông, thực tế là một sự lập lại trật tự đối với chính sách của người tiền nhiệm, đặt lợi ích quốc gia của Philippines lên những cân nhắc quan trọng hàng đầu. Nếu vụ kiện lên Tòa Trọng tài đem đến nhiều lợi ích thực tế cho Philippines, thái độ của Duterte đối với vụ kiện này có thể sẽ khác, nhân tố quyết định là nhận thức và đánh giá của Duterte đối với lợi ích quốc gia của Philippines.
Thứ ba, xu thế phản đối Mỹ tại Philippines khi Tổng thống Duterte lên nắm quyền. Sự can thiệp của phương Tây vào cuộc bầu cử ở Philippines, cũng như lấy lý do nhân quyền chỉ trích chiến dịch truy quét tội phạm ma túy của Chính quyền Duterte không những đã phản tác dụng, mà ngược lại còn kích thích hơn nữa ý thức độc lập tự chủ của Tổng thống Duterte. Tổng thống Duterte chỉ trích Đại sứ Mỹ tại Philippines từng có lúc gây ra sóng gió ngoại giao, với lý do là đã chỉ trích đối phương can thiệp các công việc chính trị của Philippines. Trong cuộc bầu cử tổng thống Philippines, đại sứ Mỹ tại Philippines Philip Goldberg từng chỉ trích Tổng thống Duterte về vấn đề nhân quyền, Tổng thống Duterte tỏ ra rất không hài lòng đối với việc Philip Goldberg can thiệp vào cuộc bầu cử, thậm chí đe dọa muốn cắt đứt quan hệ với Mỹ sau khi được bầu làm tổng thống. Sau khi lên cầm quyền, Tổng thống Duterte lại công khai bày tỏ sự không hài lòng đối với Philip Goldberg, phê phán ông can thiệp công việc nội bộ của Philippines. Tổng thống Duterte cho biết Philippines sẽ tuân theo chính sách ngoại giao độc lập tự chủ, không một quốc gia nào được can thiệp bằng bất kỳ hình thức nào đối với nước này. Tuyên bố chung của ba nước Mỹ – Nhật – Australia được đưa ra bên lề các cuộc họp nằm trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN (2017) hối thúc Trung Quốc và Philippines tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài, Ngoại trưởng Cayetano cảnh báo rằng Philippines là quốc gia có chủ quyền độc lập, không cần quốc gia khác nói Philippines nên làm gì.
Thứ tư, ý thức độc lập tự chủ mạnh mẽ của Philippines sau một thời gian dài phụ thuộc vào Mỹ và phương Tây. Có thể thấy độc lập tự chủ là đặc điểm rõ rệt trong chính sách ngoại giao của Tổng thống Duterte. Tổng thống Duterte thừa nhận sự phê phán của phương Tây về cuộc chiến chống ma túy khiến cho chính sách ngoại giao của Philippines thay đổi. Tổng thống Duterte cho biết nguyên nhân khiến cho ông thay đổi chính sách ngoại giao chính là vì Mỹ và Liên minh châu Âu. Ông Duterte dọa trục xuất đại sứ Liên hợp quốc và các nước châu Âu vì cho rằng họ can thiệp vào công việc nội bộ của Manila. Cảnh báo của ông Duterte được đưa ra sau khi 39 quốc gia thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc hồi tháng 9/2018 đồng loạt thúc giục Philippines chấm dứt việc giết người trong chiến dịch chống ma túy đẫm máu, cũng như cho phép thực hiện một cuộc điều tra quốc tế về những cái chết này. Sau khi lên cầm quyền, Tổng thống Duterte đã tiến hành chiến dịch truy quét tội phạm ma túy rầm rộ, có những lúc khiến cho không ít dân thường thiệt mạng. Điều này gây ra sự chỉ trích mạnh mẽ của thế giới phương Tây, họ chỉ trích Chính quyền Tổng thống Duterte xâm phạm nhân quyền, hối thúc Tổng thống Duterte phải tuân thủ nghiêm ngặt tinh thần pháp trị, thậm chí phao tin muốn điều tra ông Duterte. Hành động này dẫn tới phản ứng mạnh mẽ của Tổng thống Duterte, coi đây là sự can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Philippines, đồng thời vào tháng 3/2018 Philippines quyết định rút khỏi Tòa án hình sự quốc tế đang điều tra liệu Tổng thống Duterte có hành vi vi phạm nhân quyền trong cuộc chiến chống tội phạm ma túy hay không.
Thứ năm, nhu cầu của Philippines đối với Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế: Trong thời gian Tổng thống Aquino cầm quyền, kinh tế Philippines đã có sự tăng trưởng mạnh ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế trong nhiệm kỳ của ông Aquino không đem lại lợi ích cho người dân, cũng không thể làm giảm khoảng cách giàu nghèo. Có sự không công bằng giữa người dân thành thị và nông thôn trên các phương diện như mức sống, xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ hội việc làm… gây ra sự bất mãn của người nghèo chiếm phần lớn dân số. Ngoài ra, từ lâu nay Philippines chịu sự quấy nhiễu của các vấn đề như bộ máy hành chính tham nhũng, trật tự xã hội hỗn loạn. Chính vì điều này, Tổng thống Duterte đã lợi dụng sự bất mãn nêu trên và cam kết sẽ quản lý trật tự xã hội bằng bàn tay sắt, từ đó giành thắng lợi trong cuộc bầu cử. Philippines hy vọng thực hiện sự kết nối với việc Trung Quốc tăng cường chiến lược phát triển kinh tế thương mại, tận dụng cơ hội mà “Sáng kiến Vành đai, Con đường” mang lại để thúc đẩy quá trình xây dựng của Philippines. Trung Quốc có nguồn vốn dồi dào, công nghệ chuyên nghiệp và nền tảng cơ chế sẽ giúp Philippines giải quyết được các vấn đề này, các nước khác thì thiếu sự bảo đảm liên quan. Mặt khác, Trung Quốc có ý muốn triển khai hợp tác với Philippines trong lĩnh vực kinh tế thương mại. Ngoài ra, Philippines phải đối diện với áp lực rất lớn của nước ngoài trong chiến dịch tấn công tội phạm ma túy, Mỹ và EU chỉ trích mạnh mẽ nước này, Trung Quốc thì bày tỏ sự cảm thông và ủng hộ. Trong tình hình này, Trung Quốc trở thành lựa chọn tốt nhất của Philippines, để thực hiện cam kết tranh cử của Tổng thống Duterte, trong đó có cải thiện cơ sở hạ tầng, tăng cường thương mại song phương, thúc đẩy ngành du lịch, tăng việc làm, giảm nghèo và cung cấp dịch vụ xã hội nhiều hơn và rộng rãi hơn. Phát biểu trên nhiều diễn đàn, Duterte đã bày tỏ quan điểm hy vọng Trung Quốc giúp Philippines phát triển kinh tế. Để có sự hỗ trợ vốn của Trung Quốc, Tổng thống Duterte khen ngợi Trung Quốc là nước lớn có trách nhiệm, bên cạnh việc phát triển nước mình, còn không quên giúp đỡ các nước nghèo và lạc hậu khác, đồng thời còn nêu ra ví dụ điển hình về việc Trung Quốc giúp đỡ châu Phi và các nước Đông Nam Á phát triển.
Kết luận: Hiện nay, Tổng thống Duterte muốn gác lại phán quyết của Tòa Trọng tài, khôi phục đối thoại với Trung Quốc. Chính quyền Tổng thống Duterte áp dụng nhiều sách lược thực dụng hơn, chủ động thân thiện hữu nghị để giành lấy viện trợ kinh tế của Trung Quốc, trong vấn đề Biển Đông thì sử dụng sách lược giành lấy quyền đánh bắt cá, gác lại tranh chấp chủ quyền. Sự chỉ trích của phương Tây và sự ủng hộ của Trung Quốc đã hình thành sự tương phản rõ rệt, khiến Tổng thống Duterte càng bất mãn với phương Tây. Sự bất mãn này khiến cho Tổng thống Duterte càng muốn đưa chính sách đối ngoại của Philippines trở về chính sách cân bằng nước lớn trong thời kỳ Arroyo, đặc biệt là tìm kiếm sự cân bằng giữa Trung Quốc và Mỹ. Tổng thống Duterte một mặt phải dựa trên phán đoán lợi ích của nước mình để đưa ra chính sách ngoại giao độc lập với Mỹ, thực hiện chia cắt ở mức độ thích hợp lợi ích giữa Philippines và Mỹ; mặt khác, phải tìm cách cải thiện quan hệ với Trung Quốc, bù đắp những khiếm khuyết trong chính sách ngoại giao của Philippines.