Ít người biết đến cuộc đụng độ đẫm máu giữa quân Trung Quốc và Liên Xô năm 1969. Đằng sau vụ giao tranh này là các mối quan hệ địa chính trị phức tạp.
Cuộc đụng độ vũ trang giữa Trung Quốc và Liên Xô trên đảo Damansky/Trân Bảo giữa sông Ussuri ở vùng biên giới vào tháng 3/1969 tuy không phát triển thành một cuộc chiến tranh quy mô lớn nhưng đã có tác động mạnh đến quan hệ giữa 2 cường quốc này.
Hiện nay quan hệ giữa Bắc Kinh và Moscow dường như đang bước vào “kỷ nguyên vàng”. Nhưng trước cuộc đụng độ đẫm máu năm 1969 giữa Liên Xô (với thành viên lớn nhất là Nga) và Trrung Quốc, hai bên cùng từng có quan hệ rất tốt đẹp.
Nhân tròn 50 năm cuộc đụng độ này, chúng ta cùng điểm lại một số trang báo Nga trong thời gian qua đề cập đến sự kiện lịch sử đặc biệt này.
Tờ Nezavisimaya Gazeta (của Nga) vào giữa tháng 12/2018 đăng một bài viết (bằng tiếng Nga) khá chi tiết nhìn lại sự kiện này, với dòng tít khá mạnh: “Damansky – một hòn đảo phủ đầy máu của các anh hùng chúng ta”.
Bài báo này, của tác giả Andrei Shavaev, mở đầu bằng phần thảo luận ngắn về nguồn gốc của căng thẳng biên giới Xô-Trung. Bài báo trích dẫn một cuốn sách của Trung Quốc xuất bản năm 1954 với các tấm bản đồ cho thấy lãnh thổ Trung Quốc bị “Sa hoàng chiếm trong khoảng giữa năm 1840 và thời gian diễn ra Thế chiến 1”. Theo bài báo này, cuộc “xâm lược bằng bản đồ” được tiếp nối với một loạt các vụ việc ngày càng nghiêm trọng trên biên giới.
Tờ báo này không hề úp mở về trách nhiệm của Bắc Kinh trong vụ đụng độ vũ trang: “Vào ngày 2/3/1969, các đơn vị Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tiến hành cuộc xâm lấn vũ trang đã được lên kế hoạch từ trước vào lãnh thổ Liên Xô”.
Kế hoạch “Báo thù” và cuộc huyết chiến
Tác giả Shavaev giải thích rằng Nguyên soái Trung Quốc Lâm Bưu – tư lệnh quân khu Thẩm Dương, đã xây dựng kế hoạch tác chiến vào tháng 1/1969 với mật danh Báo thù.
Các nhân tố chính của kế hoạch này, theo bài báo của Nga, là “yếu tố bất ngờ” và “hỏa lực ồ ạt”. Vị trí chính xác của cuộc “mai phục” là khu vực biên giới có con sông Ussuri, tại điểm cách Vladivostok khoảng 200 trăm dặm về phía bắc nhưng vẫn nằm cách Khabarovsk hơn 100 trăm dặm về phía nam.
Mục tiêu của chiến dịch Trung Quốc này, vẫn theo bài báo nói trên, đơn giản là nhằm “loại bỏ” một nhóm lính biên phòng Nga. Tác giả Shavaev nhấn mạnh rằng kế hoạch của trận đánh đã được lãnh tụ Mao Trạch Đông thông qua.
Theo Shavaev, khoảng 300 quân nhân Trung Quốc đã vượt sông lên đảo vào đêm 2/3/1969 và đột ngột khai hỏa vào nhóm lính biên phòng Nga, tiêu diệt gần hết những người này. Trên băng đá của sông Ussuri, đơn vị biên phòng Nga rõ ràng không được bảo vệ và “nhanh chóng bị xóa sổ”.
Tác giả Shavaev dẫn các nguồn tin y tế tiết lộ câu chuyện khủng khiếp hơn: “Các lính biên phòng bị hạ sát bằng lưỡi lê và những phát súng bắn ở cự ly gần. Áo khoác bằng da cừu, ủng và mũ dạ của họ đã được tháo cởi ra…”
Theo bài báo này, 32 lính biên phòng Nga thiệt mạng vào ngày đó, và 200 lính Trung Quốc tử vong trong trận chiến diễn ra kế tiếp. Shavaev miêu tả: “Và băng trên sông Ussuri tan chảy vì đạn súng tiểu liên và đạn pháo. Tuyết trắng tháng 3 trên đảo Damansky chuyển sang màu đỏ của máu”.
Liên Xô phản đòn mãnh liệt
Đến ngày 14/3/1969 cũng ở khu vực trên nổ ra một trận chiến lớn hơn. Trận đánh này, theo ghi chép của Shavaev, có sự tham gia của xe tăng và trọng pháo. “Diễn ra nhanh chóng nhưng đây đúng là một cuộc chiến tranh”.
Đáng chú ý, quân đội Liên Xô đã huy động các dàn phóng pháo phản lực “Katyusha” Grad (Grad tiếng Nga có nghĩa là “mưa đá” – ND) để trút bão lửa lên quân đối phương. Shavaev kể: “Chỉ trong vài phút, đội hình quân Trung Quốc và khu vực hậu tuyến của họ đã biến thành một khối hỗn độn trộn đầy đất cát, kim loại và thi thể”. Hàng ngàn lính Trung Quốc được cho là đã bị tiêu diệt trong trận giao tranh thứ 2 này.
Có một chi tiết đáng lưu ý là tác giả Shavaev đã trách cứ Bộ Tổng tư lệnh quân đội Liên Xô vì thiếu “tầm nhìn chiến lược” nên đã phần nào khiến cho những người lính biên phòng bị hy sinh.
Tuy nhiên, bài báo này vẫn giải thích rằng nguyên nhân chính của cuộc đụng độ vẫn là do phía Bắc Kinh khởi xướng khi họ muốn “đoàn kết hơn nữa người dân dưới ngọn cờ của vị lãnh tụ vĩ đại”.
Với vẻ ấm ức, tác giả Shavaev cho biết, rốt cuộc đảo Damansky đã được trao lại cho Trung Quốc vào năm 1991 và quân đội Trung Quốc đã duy trì một bảo tàng tại đó để tưởng niệm “chiến thắng” trước Liên Xô.
Nguyên nhân sâu xa của xung đột quân sự
Hôm 2/3 một tờ báo thuộc quân đội Nga cũng xuất bản một bài viết với giọng điệu và nội dung tương tự bài viết trên của Shavaev.
Về trách nhiệm để nổ ra vụ xung đột quân sự, bài báo thứ 2 mở đầu bằng câu: “Trung Quốc tổ chức một cuộc khiêu khích vũ trang chống lại Liên Xô”. Bài báo kể thêm rằng một lính biên phòng Nga (hạ sĩ Pavel Akulov) dường như đã bị đối phương bắt và tra tấn đến chết. Ở đoạn cuối, tác giả Ilya Polansky than vãn rằng những người lính biên phòng trẻ tuổi của Liên Xô đã trở thành nạn nhân cho “trò chơi chính trị” của Trung Quốc khi ấy.
Cả hai bài báo trên chắc chắn không có mục đích xới xáo tâm lý thù hằn giữa hai cường quốc ở khu vực Đông Á. Tuy nhiên chúng dường như cho ta thấy câu chuyện thực sự ẩn sau biến cố này: Trung Quốc có thể muốn “tặng” cho Liên Xô một đòn đau.
Các chuyên gia về Trung Quốc đã từ lâu có khuynh hướng giải thích phản ứng của ông Mao Trạch Đông là để đáp trả lại việc Moscow can thiệp sâu vào Tiệp Khắc hơn 7 tháng trước đó (vào năm 1968).
Theo cách giải thích này, ông Mao cần một bước đi mạnh mẽ để làm cho điện Kremlin tin rằng Trung Quốc sẵn sàng chiến đấu quyết liệt chống lại “chủ nghĩa xét lại Xô viết” và sẽ không dung thứ nếu Liên Xô làm điều can thiệp tương tự với Trung Quốc dưới thời của ông.
Một số học giả Trung Quốc khác thì cho rằng cuộc đụng độ này có thể là tín hiệu Trung Quốc gửi cho Mỹ về việc sẵn lòng hợp tác trong khối chống Liên Xô.
Việc xe tăng T-62 của Liên Xô được trưng bày nổi bật trong bảo tàng quân sự của Trung Quốc ở Bắc Kinh cho thấy nước Trung Hoa ngày nay vẫn có sự quan tâm đến sự kiện lịch sử này.