Hôm 19/3, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) đưa tin: Zhang Jun, một quan chức Trung Quốc, đã chủ trì cuộc họp về kế hoạch xây dựng cái được gọi là “thành phố đảo” trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa màViệt Nam bị cướp trắng từ năm 1974.
Chính quyền cấp địa phương của Trung Quốc thông báo đã có cuộc họp về phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng cái gọi là “thành phố đảo” trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Cuộc cưỡng chiếm Hoàng Sa từ tay chính quyền Việt Nam Cộng hòa của Bắc Kinh đã bị cả thế giới lên án. Cuộc ăn cướp này diễn ra sau cuộc gặp lịch sử giữa Mao Trạch Đông với Nixon đầu năm 1972, và sự kiện Mỹ rút ra khỏi Việt Nam sau Hiệp định Paris đầu năm 1973. Lúc này Bắc Kinh thấy trướckhả năng họ có thể loại trừ việc can thiệp của Hải quân Mỹ nếu như bất ngờ cưỡng chiếm các hòn đảo do Việt Nam Cộng hòa quản lý.
Thoắt đã 45 năm trôi qua.
Hôm 15/3 vừa qua, chính quyền cấp địa phương ở nơi gọi là “tỉnh Hải Nam”đã ngang nhiên công bố dự định phát triển cơ sở hạ tầng. Theo đó họ sẽ biến đảo Phú Lâm và hai đảo lân cận là đảo Cây và đảo Duy Mộng trở thành “căn cứ hậu cần và dịch vụ chiến lược then chốt” của Trung Quốc. Đương nhiên, các đảo này đều thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Nhận chỉ đạo của quan thầy, Zhang Jun, người được chỉ định là bí thư đảng ủy địa phương, tuyên bố ngang ngược:”Chúng tôi sẽ lập kế hoạch kỹ lưỡng cho việc phát triển các đảo và rặng san hô dựa trên những chức năng khác nhau”.
Zhang bồi tiếp: “Chúng ta cần lên kế hoạch phát triển tổng thể các đảo, đá một cách kỹ lưỡng, dựa trên các chức năng khác nhau, cũng như mối quan hệ tương hỗ giữa chúng”. Giọng điệu này y chang lời phát biểu củaTập Cận Bình hồi năm ngoái, cũng như các chỉ đạo tiếp theo của Bắc Kinh.
Cuộc họp của chính quyền cấp địa phương diễn ra trong bối cảnh các hoạt động của Trung quốc trên Biển Đông đang bị cộng đồng quốc tế theo dõi và lên án mạnh mẽ. Đặc biệt, gần đây Mỹ cũng đã có những bước đi cụ thể và ráo riết hơn nhằm đối phó với sự bành trướng của Trung Quốc. Cụ thể là, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã chỉ trích “động thái xây dựng đảo trái phép của Trung Quốc ở các tuyến đường thủy quốc tế”. Ông này cáo buộc: Bắc Kinh ngăn cản phát triển năng lượng trong khu vực thông qua “các phương thức cưỡng ép”!
Trên tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, ông Shi Yinhong, giáo sư chuyên về quan hệ Mỹ-Trung tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, nhận định: Việc ngang ngược xây dựng thành phố đảo trên đảo Phú Lâm là phản ứng quá lố của Trung Quốc trước những thách thức từ phía Mỹ về vấn đề Biển Đông.Rằng, thông cáo của bí thư Zhang xuất phát từ “Tam Sa”, đô thị cấp huyện mà Trung Quốc thành lập trái phép trên đảo Phú Lâm. Đó hoàn toàn không phải văn kiện cấp tỉnh hoặc cấp quốc gia. Điều này chứng tỏ Bắc Kinh không muốn loan báo rộng rãi.
Theo dõi các động thái của Trung Quốc trong những năm qua, nhất là từ khi Tập Cận Bình nắm quyền và ngày càng giữ thế thượng phong, thấy rằng, ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh lúc này là chấm dứt chiến tranh thương mại với Mỹ. Điều này khác với nhận địnhhọ ưu tiên cho việc thúc đẩy công tác xây dựng và triển khai vũ khí trái phép trên Biển Đông.
Nếu kế hoạch đưa vũ khí ra đảo có quy mô lớn và được tiến hành nhanh chóng thì phản ứng chiến lược từ phía Mỹ sẽ gay gắt hơn. Và do đó sự đối đầu giữa Bắc Kinh với Washington sẽ càng mạnh hơn. Từ đó có thể làm tê liệt các ưu tiên chủ chốt của Bắc Kinh, cả ở trong nước cũng như quốc tế.
Hải quân Mỹ đã thực hiện hai chiến dịch tự do hàng hải ở Biển Đông trong năm 2019.Tuần trước, hai oanh tạc cơ chiến lược B-52 của Mỹ đã bay qua Biển Đông, lần thứ hai trong vòng 10 ngày. Trung Quốc đã phản đối dữ dội. Cho nên khi họ có những hành động ngang ngược, giẫm đạp luật pháp thì cộng đồng quốc tế không thể khoanh tay đứng nhìn.
Hành động tráo trở của Bắc Kinh sờ sờ ra đấy nhưng chưa thấy Việt Nam có tuyên bố nào mạnh mẽ. Nhiều khả năng Hà Nội lại “quan ngại sâu sắc” và “lấy làm tiếc”. Họ cần rào giậu kĩ càng khi ông Tổng Trọng chuẩn bị có chuyến đi Trung Quốc vào đầu tháng 4 tới.