Thursday, January 9, 2025
Trang chủĐiểm tinItalia có thể "mở cửa" 4 cảng biển từ Bắc chí Nam...

Italia có thể “mở cửa” 4 cảng biển từ Bắc chí Nam cho TQ

Thống đốc của Veneto, nơi điều hành thành phố Venice, cho rằng thỏa thuận Italia – Trung Quốc là một hình thức xâm chiếm kiểu mới.

Cảng Palermo trên đảo Sicily, Italia là điểm đến trong kế hoạch mới nhất của Trung Quốc. Ảnh: SCMP.

Italia có thể sẽ mở cửa cho Trung Quốc đầu tư vào 4 cảng dưới danh nghĩa sáng kiến Vành đai – Con đường, bất chấp các quan ngại về an ninh. Thỏa thuận về việc đầu tư các cảng này dự kiến sẽ có trong lịch làm việc của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi đến thăm Roma và có cuộc hội đàm với Thủ tướng Giuseppe Conte trong tuần này.

Thành phố Tây Bắc Genoa, cảng biển lớn nhất của Italia, cho biết, thành phố này sẽ ký thỏa thuận hợp tác với Trung Quốc, trong khi thành phố Palermo, nơi ông Tập Cận Bình sẽ đến thăm, là nỗ lực thu hút các tàu thuyền của Trung Quốc.

Còn 2 cảng ở phía Bắc biển Adriatic là Trieste và Ravenna có thể là một phần trong nội dung biên bản ghi nhớ của Italia với Trung Quốc.

Chính phủ Italia cho biết, việc cho phép các công ty nhà nước Trung Quốc quản lý hoặc nắm giữ cổ phần tại các cảng Italia sẽ la chìa khóa để mở rộng xuất khẩu.

Nhưng EU và Mỹ, cùng một số thành viên chính phủ Italia đang quan ngại, các khoản đầu tư như vậy được ví như là “mã độc Trojan Horse”, xâm nhập vào nền kinh tế Italia.

Tuần trước, Ủy ban Châu Âu đã gọi Bắc Kinh là đối thủ có hệ thống và kêu gọi các nhà lãnh đạo EU hạn chế sự hiện diện của các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc ở châu Âu.

Washington đã cảnh báo Italia không nên ký biên bản ghi nhớ về cái gọi là “dự án phù phiếm” của Trung Quốc, nhưng không còn nghi ngờ, thỏa thuận này vẫn sẽ được ký kết.

Thủ tướng Italia Conte cho rằng việc tham gia sáng kiến Vành đai – Con đường ​​của Bắc Kinh là điều cần thiết cho nước này và chính phủ của ông sẽ không bỏ qua các khuôn khổ và nguyên tắc châu Âu về minh bạch thương mại và an ninh quốc gia khi làm việc với Bắc Kinh.

Sự hợp tác với Trung Quốc trong lĩnh vực kết nối mở ra cơ hội lớn cho Italia với tư cách là nhà ga lịch sử của Con đường tơ lụa cổ đại, ông Conte cho biết hồi đầu tháng này.

“Các cảng của chúng tôi, tôi nghĩ đặc biệt là các cảng Genova và Trieste, có thể đảm nhiệm vai trò của các nhà ga ở châu Âu cho Con đường tơ lụa mới”, ông Conte nói.

Trung Quốc đã đặt được “dấu chân” tại các cảng lớn trên thế giới trong những năm gần đây.

Chỉ riêng ở châu Âu, Tập đoàn vận tải biển Trung Quốc Cosco thuộc sở hữu nhà nước đã bắt đầu vận hành một cảng container tại Piraeus ở Hy Lạp vào năm 2008. Sau đó, các công ty Trung Quốc đã mở rộng sang 3 cảng lớn nhất châu Âu, chiếm 35% cổ phần của Euromax tại Rotterdam và 20% cổ phần tại Antwerp ở Bỉ; và lên kế hoạch xây dựng một nhà ga ở Hamburg của Đức.

Trong khi Genova là một cảng được thành lập lâu đời, thì Trieste có tiềm năng nhất đối với Trung Quốc, theo các nguồn tin của chính phủ Italia.

Trieste có vị trí chiến lược quan trọng đối với Bắc Kinh bởi vì cảng này sẽ kết nối Địa Trung Hải với các quốc gia không giáp biển như Áo, Hungary, Cộng hòa Czech, Slovakia và Serbia, tất cả đều là những thị trường mà Trung Quốc hy vọng đạt được với sáng kiến Vành đai – Con đường.

Tuy nhiên, đầu tư của Trung Quốc cũng vấp phải không ít phản đối. Thống đốc của Veneto, khu vực bên cạnh Trieste và nơi điều hành thành phố Venice, cho rằng thỏa thuận Italia – Trung Quốc là một hình thức xâm chiếm kiểu mới.

“Người Trung Quốc đã xâm chiếm châu Phi và hiện đang chuẩn bị làm điều đó với châu Âu, với các cảng của chúng tôi”, ông Luca Luca Zaia, Thống đốc của Veneto nói.

Lucrezia Poggetti, một chuyên gia về quan hệ Trung Quốc – Italia tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc có trụ sở tại Berlin, kêu gọi thận trọng về các khoản đầu tư của Trung Quốc vào đất nước hình chiếc ủng.

Trong khi Italia không nên ngăn chặn đầu tư của Trung Quốc vào các cảng, thì cần đảm bảo an ninh quốc gia được bảo vệ và phối hợp chặt chẽ với EU và Nato, các nhóm có lợi ích an ninh có thể bị ảnh hưởng bởi các hoạt động của Trung Quốc tại Italia .

Việc mua lại các cảng trên toàn cầu của Trung Quốc có thể phục vụ ngoài lợi ích thương mại và thậm chí mục đích quân sự của Trung Quốc. Trung Quốc có thể phát triển các cảng thương mại thành các cơ sở phục vụ các mục tiêu chiến lược của mình.

Đây là điều cần xem xét trong các đánh giá dài hạn về sự hiện diện của Trung Quốc tại các cảng của Italia, ông Lucrezia Poggetti cảnh báo.

RELATED ARTICLES

Tin mới