Sunday, January 19, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnPháp, Ý "chọi" nhau trước dòng vốn TQ

Pháp, Ý “chọi” nhau trước dòng vốn TQ

Ngày 21-3, Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến công du châu Âu dài ngày thăm Ý, Pháp và Công quốc Monaco.

Một lần nữa sau vụ Brexit, tính đoàn kết thống nhất trong Liên minh châu Âu (EU) lại bị đặt trước thử thách khi Pháp và Ý, hai nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba trong khối này, có quan điểm khác nhau trong cách nhìn nhận về đầu tư cơ sở hạ tầng của Trung Quốc.

Pháp muốn “tiếp cận phối hợp”

Sự khác nhau giữa Pháp và Ý đến từ việc nhìn nhận bản chất của dự án “Vành đai – con đường” (BRI) trị giá hơn 1.000 tỉ USD mà ông Tập khởi xướng vào năm 2013, mang tính mở rộng ảnh hưởng địa chính trị và thiết chế của Trung Quốc hay thuần túy mang yếu tố hợp tác kinh tế.

Chuyến thăm của ông Tập được chính quyền Bắc Kinh xem là cơ hội để tăng cường thương mại và tính kết nối giữa EU và Trung Quốc, trong bối cảnh nước này đang cố gắng giải quyết chiến tranh thương mại với Mỹ.

Tuy nhiên, Pháp lại e ngại, cho rằng Trung Quốc đang cố gắng mở rộng ảnh hưởng của mình lên các quốc gia châu Âu và xâm nhập các ngành kinh tế quan trọng như viễn thông và hải cảng. Tuần trước, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố châu Âu nên có cách “tiếp cận phối hợp” khi làm ăn với Trung Quốc.

Lý do đằng sau phát biểu của ông Macron khá dễ hiểu, khi Pháp tán đồng với Mỹ kêu gọi các quốc gia đồng minh châu Âu cần cẩn thận trước các thương vụ đầu tư và mua bán, sáp nhập từ các công ty Trung Quốc, đặc biệt sau vụ Mỹ cáo buộc Tập đoàn viễn thông Huawei có các hành vi gián điệp và ăn cắp công nghệ, nhưng nước Đức lại từ chối tẩy chay Huawei khỏi các kế hoạch đấu thầu cho dự án viễn thông 5G.

Ý xích gần Trung Quốc

Lý do nước Ý xích gần lại với Trung Quốc là bởi nước này đang hi vọng đầu tư từ Trung Quốc sẽ giúp quốc gia này thoát khỏi nền kinh tế trì trệ. Trong quý 4-2018, nước Ý chứng kiến nền kinh tế sụt giảm lần thứ ba trong vòng một thập kỷ qua. Bên cạnh đó, vốn đầu tư nước ngoài cũng theo khuynh hướng giảm.

Năm 2007, Ý thu hút được 48 tỉ euro vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), và con số này giảm chỉ còn 18 tỉ euro vào năm 2018. Trong chuyến thăm của ông Tập, Ý và Trung Quốc sẽ ký bản ghi nhớ và hợp tác về BRI. Điều đó sẽ biến nước Ý là quốc gia đầu tiên trong nhóm G7 chính thức tham gia dự án này.

Thủ tướng Ý Conte không phải không có lý do khi hào hứng với đầu tư của Trung Quốc vào bốn cảng biển, bao gồm Genoa ở phía tây biển Ligurian, Palermo ở phía nam, Trieste và Ravenna ở bờ đông biển Adriatic. 

Trong năm 2018, cảng Piraeus bên bờ biển Adriatic của Hi Lạp, được công ty hàng hải có vốn sở hữu nhà nước Trung Quốc COSCO mua 51% cổ phần vào năm 2016, đã bốc dỡ 4,9 triệu container, gấp 7 lần lưu lượng bốc dỡ cảng Trieste của Ý.

Năng lực bốc dỡ của Piraeus năm 2018 tăng khoảng 19,4% so với năm 2017 và được dự đoán trở thành cảng nhộn nhịp nhất khu vực Địa Trung Hải vào năm 2019. COSCO cũng đang dự định đổ tiếp tiền vào cảng này để nâng vốn sở hữu lên 67%, và nâng cấp hạ tầng để biến Piraeus trở thành một cảng chính ở châu Âu tiếp nhận tàu khách du lịch Trung Quốc.

Thị trường khách du lịch bằng tàu biển Trung Quốc có tỉ lệ tăng trưởng nhanh chóng, với tốc độ khoảng 70%/năm trong giai đoạn 2013-2016. Nước Ý, với đầu tư từ Trung Quốc, đang hi vọng các cảng của mình sẽ nhộn nhịp, trở thành cửa ngõ cho hàng hóa Trung Quốc vào châu Âu và là chặng cuối của dự án “Con đường tơ lụa trên biển trong thế kỷ 21”, với điểm khởi đầu từ Trung Quốc đi qua các cảng Kyaukpyu (Myanmar), Hambantota (Sri Lanka), Gwadar (Pakistan) và Chabahar (Iran).

Thỏa thuận không mang tính ràng buộc?

Đối với Trung Quốc, đầu tư vào các cảng biển như Trieste và Ravenna sẽ giúp hàng hóa nước này tiếp cận với các quốc gia ở khu vực Trung và Đông Âu như Áo, Hungary, Cộng hòa Czech, Slovakia và Serbia. Ngoài ra, nó cũng sẽ tăng tính chính danh cho các dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc ở các quốc gia khác, vốn vẫn còn đang e ngại với các điều khoản vay nợ.

Tuy nhiên, lo ngại của Mỹ và một số nước phương Tây về BRI không phải là vô căn cứ khi Công ty xây dựng giao thông Trung Quốc (CCCC) – với đa số vốn nhà nước, nhà thầu lớn nhất của các dự án BRI và cũng được coi là một trong những công ty xây dựng cơ sở hạ tầng lớn nhất thế giới – bị nhiều cáo buộc về hành vi đấu thầu không minh bạch, hối lộ, ảnh hưởng xấu môi trường và buông lỏng giám sát chất lượng.

Năm 2009, Ngân hàng Thế giới (WB) cho công ty này vào danh sách đen do bị cáo buộc có hành vi gian xảo khi đấu thầu xây dựng đường cao tốc ở Philippines.

Để giảm thiểu sức ép từ các quốc gia đồng minh, Ý tuyên bố bản ghi nhớ sắp ký với Trung Quốc không mang tính ràng buộc và không phải là thỏa thuận cụ thể. 

Tuy nhiên, sức mạnh của nền kinh tế Trung Quốc đang thử thách liệu các quốc gia phương Tây có thống nhất trong việc đón nhận đầu tư từ Trung Quốc và ảnh hưởng địa chính trị từ quốc gia này hay không. Và nó không chỉ gói gọn trong chuyến thăm của ông Tập, mà ở thời gian sắp tới.

RELATED ARTICLES

Tin mới