Tuesday, November 19, 2024
Trang chủĐàm luậnThỏa hiệp hay đối đầu?

Thỏa hiệp hay đối đầu?

Thỏa hiệp với Trung Quốc – Cách tháo ngòi đối đầu Trung – Mỹ (Meeting China Halfway — How to Defuse the Emerging US–China Rivalry) là cuốn sách nói về việc Hoa Kỳ và Trung Quốc cần phải xây dựng lòng tin chiến lược và tránh “bẫy Thucydides”.

Cuốn sách đề cập đến lợi ích của Trung Quốc và Hoa Kỳ song trùng nhau trong nhiều vấn đề quốc tế, như môi trường, Trung Đông, Đài Loan và Bán đảo Triều Tiên. Trong từng vấn đề, cuốn sách đề xuất tiến trình giúp hai nước tăng cường hợp tác và củng cố lòng tin. Phương pháp “vòng xoáy hợp tác” sẽ bắt đầu bằng các bước nhỏ rồi dần chuyển lên các vấn đề khó hơn.

Điều đáng lo ngại hơn cả trong cuốn sách của Goldstein “Thỏa hiệp với Trung Quốc” là sự mất lòng tin ngày càng tăng giữa Bắc Kinh và Washington. Vấn đề này ngày càng trầm trọng bởi việc Mỹ thiếu hiểu biết về lịch sử Trung Quốc và về làn sóng bài Mỹ ở Trung Quốc. Goldstein cho rằng “Nhiều chuyên gia đối ngoại và quốc phòng Trung Quốc tin rằng Washington đang tìm cách kiềm chế và phá hoại sự trỗi dậy của Trung Quốc”.

Trong tình hình đó, Trung Quốc phản ứng mạnh mẽ các hành động từ phía Hoa Kỳ là điều dễ hiểu, nhất là các vấn đề liên quan tới lĩnh vực quân sự ở Biển Đông.

Theo cuốn sách, ở cả Bắc Kinh và Washington đều có “phái diều hâu”. Sách   viết: “Đáng lo ngại nhất, các nhóm quân sự ở cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều cho rằng họ phải chuẩn bị nghiêm túc cho cạnh tranh và thậm chí là chiến tranh”. Với các diễn biến trong năm 2018 như việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo ở Biển Đông và các Chiến dịch Tự do Hàng hải của Hoa Kỳ (FONOPs), quan điểm của phe “diều hâu” ngày càng lan rộng.

Về quan hệ Mỹ-Trung ở Biển Đông. Đáng chú ý là vấn đề “Khoảng trống Fulda mới”. Tác giả sử dụng hình tượng  miêu tả cạnh tranh Mỹ-Trung, được nhắc đến lần đầu bởi Robert Kaplan trong một bài viết trên Foreign Affairs năm 2009 về Ấn Độ Dương.

Do xu hướng bài Mỹ ở Trung Quốc, trách nhiệm của Washington là chủ động đi đầu trong “vòng xoáy hợp tác”. Bước đầu tiên mà Washington nên tiến hành tại Biển Đông là, mời Trung Quốc tham gia loạt tập trận hải quân CARAT. Các bước tiếp theo bao gồm tăng cường hợp tác tuần duyên trong khu vực, công nhận Trung Quốc là một bên tranh chấp Biển Đông, và giảm các hoạt động quân sự trong khu vực. Bước cuối cùng sẽ là chấm dứt hợp tác quân sự với Việt Nam, vì “các hợp tác quân sự giữa Hà Nội và Washington gần đây đã vi phạm các nguyên tắc hợp lý về cân bằng địa chính trị”. Tương tự, Goldstein phản đối việc Hoa Kỳ ủng hộ Ấn Độ can dự vào Biển Đông.

Bắc Kinh sẽ phản ứng như thế nào? Có thể là những đề xuất tuần tra chống cướp biển chung tại Eo biển Malacca (sẽ không được chào đón bởi các nước ven khu vực này), làm rõ đường chín đoạn, cùng phát triển tài nguyên theo các nguyên tắc bình đẳng và chấm dứt các sáng kiến hợp tác quân sự khu vực của chính Trung Quốc. Cuốn sách chỉ trích mạnh mẽ việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông và tin rằng tất cả các bên đều có lỗi trong việc này.

Trong chính sách tái cân bằng Châu Á của Washington thì khía cạnh gây tác hại nhiều nhất là, quá thiên về quân sự hóa, “chính sách này là nhằm biện minh cho các chương trình mua sắm vũ khí khủng, cũng như cho các cuộc tập trận”.   Cần ủng hộ “sức mạnh mềm” và hợp tác tuần duyên. Hoa Kỳ nên sử dụng lực lượng tuần duyên nhiều hơn để tăng cường hợp tác hàng hải ở Đông Nam Á. Bằng cách này, Mỹ sẽ giảm quân sự hóa các vấn đề an ninh biển trong khu vực và tận dụng danh tiếng của Lực lượng Tuần duyên Hoa Kỳ, vốn có uy tín tốt ở Trung Quốc.

Tiến trình xây dựng “vòng xoáy hợp tác” của Goldstein có thể có những bước không hợp lý, nhưng khi nghiên cứu cần chú ý mục tiêu chính là các đề xuất để giảm sự nghi kỵ lẫn nhau giữa Washington và Bắc Kinh.

Việc hiểu rõ Trung Quốc và hoàn cảnh lịch sử quan hệ song phương giúp tác giả tăng trọng lượng cho các đề xuất đầy sáng tạo này. Mặc dù nhiều người sẽ không đồng ý với các đề xuất của ông, hoặc thấy không khả thi, nhưng nhìn chung Goldstein đã viết một cuốn sách rất khác biệt.

Phần cuối của cuốn sách, tác giả nhắc đến một sự việc trong tiểu thuyết The Sand Pebbles,xuất bản  năm 1962 của Richard McKenna. Cuốn sách nói về hoạt động của tàu USS San Pablo, một tàu chiến trên sông giả tưởng, hoạt động ở các con sông của Trung Quốc vào những năm 1920.

Goldstein dẫn một sự việc kể nhóm lính trên tàu San Pablo đổ bộ và chạm chán lực lượng của Tưởng Giới Thạch đang chiếm giữ một nhà thờ của người Mỹ. Người Mỹ tìm cách buộc người Trung Quốc rời đi, nhưng viên chỉ huy người Trung Quốc nhắc họ rằng thời thế đã thay đổi và nhóm đổ bộ này không còn thẩm quyền trên đất Trung Quốc. Đối đầu căng thẳng không mang lại kết quả gì, viên chỉ huy người Trung Quốc cuối cùng nói: “nếu ông muốn chiến tranh, hãy bắt đầu ngay tại đây”, khiến người Mỹ phải lựa chọn hoặc nổ súng hoặc về tàu. Họ chọn phương án thứ hai!

Quan hệ khó khăn của Hoa Kỳ với Trung Quốc thời nay chắc chắn sẽ tạo ra các cuộc đối đầu căng thẳng tương tự và sẽ cần nhiều sự kiềm chế như thế – cũng như cần quá trình điều chỉnh tâm lý một cách đầy đau đớn. Sẽ không khó hình dung một tình huống tương tự ở Biển Đông với một cuộc chạm trán giữa tàu chiến Mỹ thực hiện chiến dịch FONOP và một nhóm tàu đánh cá và tàu tuần duyên của Trung Quốc.

Giống như nhóm đổ bộ từ tàu San Pablo, quy tắc quân sự sẽ khiến tàu Hoa Kỳ không được phép nổ súng, và họ không còn cách nào khác ngoài việc rút lui. Thời thế đã thay đổi ở Đông Á, và như Goldstein kết luận, “với Hoa Kỳ, không còn cách nào khác ngoài thỏa hiệp với Trung Quốc”.

RELATED ARTICLES

Tin mới