Bản tin Biển Đông ngày 26/03/2019.
Kế hoạch của Trung Quốc vẽ đường cơ sở quần đảo Trường Sa vượt xa cả yêu sách đường chín đoạn
Ngày 26/3, tờ Philstar đưa tin, theo một nghiên cứu của Trung tâm Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ, Trung Quốc có kế hoạch vẽ đường cơ sở thẳng quanh quần đảo Trường Sa và tuyên bố phần lớn Biển Đông là vùng nước nội thủy của mình, khiến cho căng thẳng gia tăng ở khu vực. Nghiên cứu cho biết, “Trung Quốc không hề che giấu ý định trước sau gì cũng sẽ vẽ đường cơ sở thẳng quanh các cấu trúc nước này yêu sách ở Biển Đông, trong đó có quần đảo Trường Sa”. Bài viết cho rằng, theo giới học giả Trung Quốc và thực tiễn trước đây nước này đã tuyên bố đường cơ sở thẳng phi lý quanh quần đảo Hoàng Sa và Senkaku, có thể có 4 mô hình đường cơ sở thẳng mà chính quyền Trung Quốc sẽ vẽ quanh quần đảo Trường Sa với các hệ quả khác nhau. Tuy nhiên, mô hình nào cũng sẽ tạo ra vùng biển Trung Quốc yêu sách chiếm gần hết Biển Đông, thậm chí vượt xa cả yêu sách đường chín đoạn. AMTI cho rằng, dù với bất kỳ hình thức nào, tuyên bố về đường cơ sở quanh quần đảo Trường Sa cũng sẽ làm gia tăng căng thẳng ở khu vực. Các bên tranh chấp khác như Philippines và Việt Nam sẽ thấy các vùng biển tranh chấp, kể cả các khu vực ngay sát tiền đồn của các nước này, bỗng dưng bị gắn mác vùng nước nội thủy của Trung Quốc, ngăn cấm các tàu và máy bay nước ngoài ra vào. Các chuyên gia của AMTI cảnh báo các công ty vận tải thương mại và hàng không sẽ phải đối mặt với khả năng Trung Quốc đóng các tuyến đường đi qua và bay qua các đường cơ sở này; đồng thời khẳng định, Mỹ và các nước ngoài khu vực khác phải chắc chắn sẽ tiến hành các hoạt động để tỏ dấu hiệu cho thấy họ không công nhận những vùng nước nội thủy mà Trung Quốc vẽ ra này.
Các vấn đề nội bộ của nước lớn gây ra hậu quả trên toàn cầu
Ngày 26/3, The Straits Times đưa tin, tại Hội nghị chuyên đề Nhật Bản do Viện nghiên cứu Milken tổ chức ngày 25/3, các chuyên gia cho rằng, các vòng xoáy chính trị xuyên biên giới hiện nay, trong đó có việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông và đẩy mạnh cơ sở hạ tầng của sáng kiến “Vành đai, Con đường” chủ yếu là do các lo ngại trong nước thúc đẩy. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể đã thấy Brexit và cuộc biểu tình “áo vàng” Pháp xuất phát từ một bộ phận dân chúng bị xa lánh bởi chủ nghĩa tư bản. Do vậy, cách mà Đảng Cộng sản Trung Quốc bảo vệ mình trước dân chúng chính là thách thức và viết lại các chuẩn mực toàn cầu. Theo Tiến sỹ Robert Kelly, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học quốc gia Pusan của Hàn Quốc, Mỹ có thể chống lại việc quân sự hóa các đảo ở Biển Đông từ phía Nam lên phía Bắc, trong khi Trung Quốc lại đi từ Bắc xuống Nam, và điều này có thể chia Biển Đông thành hai khu vực có phạm vi ảnh hưởng khác nhau. Nhà sử học Niall Ferguson thuộc Đại học Stanford, giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh, cho rằng, mong muốn của Trung Quốc về một giải pháp cùng thắng có thể là một trở ngại. “Vấn đề khó khăn nhất Chính phủ Trung Quốc gặp phải là hiểu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Có thể họ đã đọc về Binh pháp Tôn Tử nhưng họ chưa đọc Nghệ thuật thỏa thuận của Trump”. Giáo sư Ferguson cho rằng, Trung Quốc đã thực sự tuyệt vọng trong việc cứu vãn mối quan hệ kinh tế Trung – Mỹ. Takeshi Niinami, Chủ tịch tập đoàn Suntory Holdings, cho rằng vấn đề mấu chốt là Trung Quốc muốn giữ tính hợp pháp của Đảng Cộng sản, “ý định của họ không phải là bá quyền mà thực sự là các vấn đề trong nước, đối nội”. Tuy nhiên, các hành động này của Trung Quốc sẽ có tác động đến toàn thế giới.