Sunday, January 12, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaBiển Đông đang chuyển trạng thái, mừng hay lo?

Biển Đông đang chuyển trạng thái, mừng hay lo?

Từ cuối năm 2018 đến nay, những người quan tâm đến tình hình Biển Đông không khỏi nhận thấy một điều gì đó có vẻ không bình thường đang diễn ra. Đó là những cuộc đấu khẩu tranh chấp chủ quyền biển, đảo giữa Trung Quốc với các nước Đông Nam Á có liên quan dường như lắng xuống; những sự kiện thường gây quan tâm, chú ý của dư luận khu vực và quốc tế trước đây như bắt tàu cá và ngư dân của nhau, bắn chết người, va chạm tàu thuyền giữa nước này với nước kia… cũng giảm hẳn. Người ta mừng rằng những biện pháp như đàm phán hoàn thành Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), xây dựng bộ quy tắc tránh va chạm tàu thuyền ở Biển Đông (CUES) cùng các biện pháp xây dựng lòng tin khác đã có hiệu quả, giúp tình hình Biển Đông trở nên yên ổn hơn. Biết đâu, tình hình Biển Đông đang chuyển trạng thái.

Sở dĩ nói Biển Đông đang chuyển trạng thái là vì trạng thái cũ chưa mất đi hẳn, trạng thái mới đã xuất hiện nhưng cũng chưa bộc lộ ra hết. Cái cảnh “tranh tối, tranh sáng” này có lẽ còn kéo dài vài năm nữa. Nhưng nó cũng đã hé ra cho thấy một phần. 

Trạng thái cũ, đương nhiên dễ nhận ra, đó là cục diện tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông giữa Trung Quốc với các nước có liên quan thuộc Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) đã được “quốc tế hóa”.

Ban đầu, nó là tranh chấp giữa Trung Quốc với Việt Nam, Philippines và giữa Philippines với Việt Nam; tiếp sau là tranh chấp giữa Trung Quốc với Việt Nam, Philippines, Malaysia, vùng lãnh thổ Đài Loan và tranh chấp giữa 3 nước ASEAN với nhau; tiếp sau nữa là tranh chấp giữa Trung Quốc, Đài Loan với Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia và tranh chấp giữa các nước Đông Nam Á với nhau, hình thành cục diện tranh chấp 5 nước 6 bên về chủ quyền trên Biển Đông. Không những thế, những tranh chấp đó còn làm ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định chung của khu vực, cản trở hoạt động bình thường của mọi quốc gia bên ngoài khu vực khi họ có hoạt động liên quan như giao thương, hợp tác, đầu tư… ở Biển Đông vì có đến 25% diện tích Biển Đông là vùng biển quốc tế. Thậm chí, những nước ở trong lục địa không liên quan gì đến biển như Lào cũng phải dỏng tai ngồi nghe các bên tranh cãi trong các cuộc họp giữa Trung Quốc với ASEAN hay họp của nội khối ASEAN. Những tranh chấp đó cứ tích tụ, lưu cữu và phát triển tới mức không chỉ còn là vấn đề giữa 5 nước, 6 bên với nhau mà khiến cả cộng đồng quốc tế phải coi Biển Đông là một trong những vấn đề nóng nhất của thế giới trong nhiều năm qua. Một số nước lớn có lợi ích liên quan như Nga, Mỹ cũng cảm thấy “bất an” khi căng thẳng khu vực leo thang nên bằng cách này hay cách khác tìm cách can dự. Một số nước khác, có tàu bè thường xuyên qua lại Biển Đông, cũng lo lắng về những bất ổn do tranh chấp giữa các nước, cùng buộc phải lên tiếng. Dần dần, vấn đề Biển Đông trở thành mối quan tâm của cả thế giới, được đưa lên bàn nghị sự không chỉ của các hội nghị khu vực mà cả một số hội nghị quốc tế và vì thế, các nước ASEAN và Trung Quốc đã phải ngồi lại với nhau bàn cách giải quyết. Vấn đề Biển Đông được “quốc tế hóa” từ lúc nào, chẳng ai hay. Nước bảo thủ nhất là Trung Quốc, từ xưa đến nay chỉ cho rằng đây là vấn đề nội bộ giữa họ với một số nước ASEAN, không thừa nhận nó là vấn đề quốc tế thì đến gần đây cũng phải thừa nhận rằng, có những vấn đề của Biển Đông, liên quan đến nhiều nước trong và ngoài khu vực và nếu không có những nước đó tham gia, khó mà giải quyết. Trạng thái “quốc tế hóa” trên mới chỉ được vài năm, giờ đây đang xuất hiện trạng thái mới.

Trạng thái mới chỉ hé lộ hơn một năm trở lại đây. Đó là sự xuất hiện của các cường quốc thế giới và khu vực tại Biển Đông và vai trò của các cường quốc đó trong giải quyết vấn đề tranh chấp ở Biển Đông. Tạm gọi trạng thái đó là “cường quốc hóa” và hãy xem cái sự “cường quốc hóa” đó diễn ra như thế nào.

Trước tiên, bằng lời nói. Cho đến nay, các nước lớn trên thế giới như Mỹ, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, Anh, Pháp, Đức, Úc, Canada… đều quan tâm, đề cập đến vấn đề Biển Đông và tuyên bố mình ít nhiều có lợi ích, trách nhiệm ở đây, bày tỏ những quan ngại về an ninh của Biển Đông mà nguyên do là vấn đề tranh chấp chủ quyền ngày càng căng thẳng, đe dọa an toàn giao thông hàng hải tại khu vực này. Người ta không đứng về bên nào trong tranh chấp, mà chỉ yêu cầu các bên dàn xếp với nhau, đừng để ảnh hưởng đến cộng đồng quốc tế. Nhưng do “sự chẳng dừng” nên dần dà họ cũng phải can dự, bảo vệ lẽ phải, song trước tiên là bảo vệ lợi ích của mình. Thế là, những người có trách nhiệm của các cường quốc đã lần lượt lên tiếng. Năm 2012, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố: “Hòa bình, ổn định và tự do hàng hải ở Thái Bình Dương không thể tách rời với hòa bình, ổn định và tự do hàng hải ở Ấn Độ Dương”. Cũng năm 2012, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh nêu rõ: “…một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương ổn định, an toàn và thịnh vượng là rất quan trọng đối với sự thịnh vượng và tiến bộ của chúng ta” theo đó, Biển Đông được xác định là khu vực có lợi ích chiến lược của Ấn Độ. Năm 2016, Ấn Độ ra tuyên bố, trong đó nhấn mạnh “Ấn Độ ủng hộ tự do hàng hải, hàng không và không cản trở thương mại, dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế như đã được nêu trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS)”. Ngày 28/9/2018, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp lên tiếng khi đang dự hội nghị quốc phòng Pháp – Úc rằng: “Pháp không đứng về phía nào nhưng sẽ tiếp tục các hoạt động hàng hải qua Biển Đông”. Hai năm qua, lần lượt quan chức cấp cao các nước Australia, Anh, Canađa cũng đều lên tiếng bày tỏ quan điểm về Biển Đông. Và thể hiện mạnh mẽ nhất đó là Mỹ: Năm 2010, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố Mỹ có lợi ích quốc gia trong việc tự do hàng hải, tiếp cận mở đối với các không gian hàng hải chung ở Châu Á và với việc tôn trọng luật quốc tế ở Biển Đông. Năm 2017, Ngoại trưởng Rex Tillerson phát biểu trước Thượng viện: “Chúng ta sẽ phải gửi đến Trung Quốc một tín hiệu rõ ràng rằng, trước tiên việc bồi đắp các đảo phải dừng lại, và thứ hai, họ không được tiếp cận các hòn đảo này”. Năm 2018, Phó Tổng thống Mike Pence tuyên bố: “Không có chỗ để bất kỳ nước nào thiết lập đế chế và xâm lược tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” và “Biển Đông không thuộc về bất kỳ quốc gia nào và Mỹ sẽ tiếp tục triển khai tàu thuyền và máy bay đến bất cứ nơi nào mà pháp luật quốc tế cho phép”.

Ở một góc độ nào đó, phải thừa nhận rằng, sự lên tiếng của các cường quốc trên rõ ràng là biểu hiện “cường quốc hóa” Biển Đông qua lời nói.

Quan trọng hơn, bằng hành động. Nói mãi mà tình hình chẳng đi đến đâu, thậm chí có nước như Trung Quốc còn hút cát, xây cả đảo nhân tạo ở Biển Đông, đưa vũ khí, phương tiện quân sự hiện đại ra các đảo đó hòng kiểm soát tất cả. Các cường quốc buộc phải hành động bằng cách phái các tàu quân sự của hải quân hiện diện ngay trên Biển Đông nhằm khẳng định vùng biển này không phải của riêng ai. Xin điểm sơ sơ như sau:

– Trong 2 năm cầm quyền của Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã có 11 lần tiền hành hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông. Có thể kể ở đây: tháng 5/2018, Mỹ phái 2 tàu khu trục là USS Antietam và USS Higgins vào Biển Đông, di chuyển qua vùng biển quần đảo Hoàng Sa; tháng 6/2018, Mỹ đưa tàu sân bay USS Ronald Reagan đến thăm và neo ở vịnh Manila của Philippines và sang tháng 8, tàu này cùng tàu USS Antietam tham gia diễn tập với các tàu của Nhật Bản ở Biển Đông; tháng 9/2018, Mỹ cho tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Decatur di chuyển qua Đá Ga Ven và Đá Gạc Ma thuộc vùng biển Trường Sa. Sang năm 2019, mới chỉ có 3 tháng, Mỹ đã dồn dập hiện diện quân sự ở đây: Tháng 1, tàu khu trục USS Mc Campbell đi tuần gần đảo Cây, đảo Linh Côn và Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa; tháng 2, tàu khu trục USS Spruance và USS Preble tuần tra quanh bãi Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa; tháng 3, tàu tuần dương USS Blue Ridege vào neo đậu trên vịnh Manila, 2 lần đưa máy bay B52 bay qua Biển Đông.

– Đối với Anh, tháng 8/2018, tàu tấn công đổ bộ HMS Albion của hải quân Anh đã đi qua vùng biển quần đảo Hoàng Sa; tháng 9/2018, khu trục hạm HMS Argyll của Anh đã tập trận chung với tàu sân bay trực thăng Kaga và tàu khu trục Inazuma của Nhật ở Ấn Độ Dương trước khi tiến vào Biển Đông; tháng 1/2019, khu trục hạm trên lại vào Biển Đông tập trận chung với tàu USS McCampbell của Mỹ.

– Đối với Nhật Bản, tháng 8/2018, tàu sân bay trực thăng Kaga cùng tàu khu trục JS Inazuma và JS Suzutsuki của hải quân Nhật đã diễn tập phối hợp với tàu sân bay USS Ronald Reagan và các tàu chiến của hải quân Mỹ trên Biển Đông. Sang tháng 9/2018, tàu ngầm Kuroshio và tàu sân bay trực thăng Kaga của hải quân Nhật đã cùng nhau diễn tập quân sự trên Biển Đông và đây là lần diễn tập đầu tiên của chiếc tàu ngầm này ở Biển Đông, trước khi nó thăm Việt Nam.

– Đối với Nga, tháng 10/2018, Nga điều tàu tuần dương Varyag, tàu khu trục Đô đốc Panteleyev và tàu chở dầu Boris Butoma mở chuyến hành trình sang Ấn Độ Dương, Tây Thái Bình Dương trong 3 tháng và tháng 11/2018, ba tàu trên đã dừng chân diễn tập chung với hải quân Brunei trên Biển Đông.

– Đối với Australia, tháng 2/2018, Bộ trưởng Quốc phòng nước này cho biết, Australia đã tăng cường hiện diện quân sự khá đáng kể trên Biển Đông từ 18 tháng trước. Canada cũng dự kiến sẽ phái từ 1 đến 2 tàu chiến sẵn sàng tham gia chương trình tự do hàng hải trên Biển Đông do Mỹ tiến hành.

Việc hầu hết các cường quốc đều đưa tàu quân sự của hải quân nước mình đến tuần tra, diễn tập trên Biển Đông đã chính thức đánh dấu và thể hiện, Biển Đông đang được “cường quốc hóa” trên thực tế.

Như vậy có thể thấy, bằng việc bày tỏ quan điểm về Biển Đông và hiện diện lực lượng hải quân trên Biển Đông thời gian qua là cách mà các cường quốc thế giới và khu vực đang thể hiện và tình hình trên làm cho Biển Đông đang bị “cường quốc hóa”. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng đây mới là những hành động riêng lẻ, luân phiên nhau của các cường quốc chứ không phải là hành động cùng một lúc và mang tính tập thể. Vì vậy, xét về tính chất và mức độ tác động, nó ít nhiều chưa đủ áp lực buộc những nước có tham vọng “độc chiếm” Biển Đông như Trung Quốc phải dừng lại. Nhưng chắc chắn rằng, Trung Quốc cũng phải dè chừng và cân nhắc kỹ càng khi tiến hành các hành động trên Biển Đông mà không dám làm bừa như trước đây.

RELATED ARTICLES

Tin mới