Sunday, January 12, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaCạnh tranh Trung - Mỹ tại Biển Đông, ASEAN nên làm gì?

Cạnh tranh Trung – Mỹ tại Biển Đông, ASEAN nên làm gì?

Từ năm 2010 trở về trước, tranh chấp tại Biển Đông chủ yếu là những vấn đề nảy sinh do mâu thuẫn giữa Trung Quốc với các nước trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Việt Nam và vùng lãnh thổ Đài Loan liên quan đến chủ quyền lãnh thổ mà cụ thể là quyền quản lý các vùng biển, đảo được tuyên bố theo quan điểm khác nhau của mỗi bên. Đặc biệt, tranh chấp giữa các nước có chiều hướng tăng lên về tần xuất cũng như tính chất căng thẳng sau khi những phát hiện về các mỏ dầu và khí đốt ở Biển Đông liên tiếp được công bố. Các nước đua nhau triển khai các dự án thăm dò, khai thác nguồn năng lượng trên tại Biển Đông, trong khi giá dầu trên thế giới cứ leo thang chóng mặt, khiến cho tham vọng đoạt lợi của mỗi nước không thể kiềm chế. Những tưởng chỉ hai vấn đề đó thôi cũng đủ khiến Biển Đông không yên ổn và các nước xung quanh phải nhức đầu tìm cách giải quyết, nào ngờ đó chỉ là chuyện nhỏ. Bởi trong mấy năm gần đây, những tranh chấp trên không còn là nguyên nhân chính khiến an ninh Biển Đông căng thẳng nữa mà sự cạnh tranh Trung – Mỹ tại đây mới trở thành vấn đề trọng tâm, đe dọa đến hòa bình, ổn định của khu vực.

Sau khi các nước Đông Âu, Liên Xô sụp đổ vào những năm 1990 – 1991, chiến tranh lạnh kết thúc, nước Mỹ được hưởng thành quả bằng sự thừa nhận của thế giới đối với vai trò “bá chủ toàn cầu” bởi không còn ai có tiềm lực và sức mạnh ngang bằng họ nữa. Nhưng “cuộc vui ngắn chỉ tày gang”. Mỹ chưa kịp đắc ý thì chỉ sau đó chưa đầy chục năm, đã xuất hiện một Trung Quốc ở phương Đông bừng bừng trỗi dậy, ngang nhiên từng bước cạnh tranh vai trò, ảnh hưởng với Mỹ trong các vấn đề của khu vực, quốc tế và đến nay, đang quyết tâm cạnh tranh ngang ngửa, toàn diện với Mỹ về việc ai là người cầm trịch, đưa ra “luật chơi” trong các mối quan hệ quốc tế hiện đại. Thế là, cạnh tranh Trung – Mỹ tại Biển Đông đang ngày càng trở thành biểu tượng của sự thể hiện sức mạnh và ý chí, quyết tâm của mỗi bên; đang ngày càng được coi là phép thử cho uy tín và vị thế siêu cường của mỗi nước; đồng thời, trở thành một khía cạnh biểu hiện quan hệ Trung – Mỹ ở tầm chiến lược quốc gia và quốc tế. Cuộc cạnh tranh này, cho đến hiện nay, đang dần đi vào thế bế tắc và nguy cơ. Về phía Trung Quốc, họ vẫn khăng khăng không từ bỏ tuyên bố phi lý về chủ quyền ở Biển Đông theo “đường 9 đoạn” và coi các đảo, bãi được họ cải tạo và triển khai vũ khí, phương tiện quân sự ra đó như việc đã rồi, buộc mọi người phải chấp nhận. Về phía Mỹ, nước này và các đồng minh của họ lại vẫn thường xuyên tiến hành tập trận, đi cùng đó là các hoạt động tuần tra bảo vệ các tuyến giao thông trên Biển Đông, gọi là FONOP. Thậm chí, có lúc tàu chiến Mỹ còn hành tiến cả vào những vùng biển chỉ cách các đảo, bãi Trung Quốc chiếm đóng trái phép không đầy 12 hải lý hay những vùng biển nhạy cảm đang có tàu ngầm Trung Quốc hoạt động. Những hành động của Mỹ khiến Trung Quốc vừa e ngại, vừa khó chịu và trên thực tế, đã diễn ra những cuộc rượt đuổi, phun vòi rồng lẫn nhau của tàu chiến hai bên, tuy chưa dẫn đến va chạm, đọ súng.

Từ đầu năm 2019 đến nay, Mỹ tỏ ra cứng rắn hơn thông qua việc tiếp tục cử các tàu chiến vào hoạt động tại Biển Đông với tần xuất dày hơn như: Tháng 1, đưa tàu khu trục USS McCampbell đi tuần gần đảo Cây, đảo Linh Côn và Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa; tháng 2, đưa tàu khu trục USS Spruance và USS Preble tuần tra quanh bãi Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa; tháng 3, vừa đưa tàu tuần dương USS Blue Ridege vào neo đậu trên vịnh Manila, vừa đưa 02 máy bay B52 bay gần các thực thể tranh chấp giữa các nước trên Biển Đông. Đồng thời, Ngoại trưởng Mỹ trong chuyến thăm Philippines đầu tháng 3 cũng lần đầu tiên công khai tuyên bố sẽ bảo vệ Philippines theo Điều 4 Hiệp ước Phòng thủ Tương hỗ giữa hai bên Mỹ – Phi nếu Philippines bị ai đó xâm phạm. Đáp lại, phía Trung Quốc cũng đe dọa rằng “bất kể là ai, nếu như có hành động quá đà tại Biển Đông, thì kể cả là quân đội Mỹ, Trung Quốc sẽ có biện pháp đáp trả mạnh mẽ”. Rõ ràng, thái độ và biểu hiện của cả hai bên Trung – Mỹ đang làm gia tăng nguy cơ va chạm, xung đột giữa hai nước này với nhau tại Biển Đông. Trong khi, Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) do ASEAN và Trung Quốc đang đàm phán với nhau còn chưa đi đến đâu, người ta lo ngại rằng, nếu không may Trung – Mỹ xảy ra “đọ sức” trên Biển Đông, ai sẽ là người đứng ra giải quyết, ASEAN liệu có làm được không.

Phải nói rằng, từ khi xuất hiện sự cạnh tranh Trung – Mỹ tại Biển Đông thì các nước ASEAN, nhất là các nước có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Trung Quốc phải đón nhận tác động, ảnh hưởng trên cả hai mặt. Một mặt, nhờ sự cạnh tranh giữa họ mà ASEAN nâng cao được danh tiếng, vị thế và lợi ích. ASEAN lợi dụng được sự cạnh tranh đó để mặc cả với mỗi nước trên hay những nước khác về lợi ích kinh tế hay chiến lược. Đơn cử như cả Trung Quốc và Mỹ đều đã ký Hiệp ước đối tác chiến lược với ASEAN, Tổng thống Mỹ còn phải mời nguyên thủ các nước ASEAN sang tận Sunnylands, bang California của Mỹ (02/2016) để họp bàn về quan hệ hai bên. Chính nhờ Hiệp ước đối tác chiến lược ký được với cả Trung, Mỹ đó đã đưa ASEAN trở thành một thực thể hữu dụng khiến bất cứ nước nào còn lại trên thế giới cũng phải xem trọng. Chính nó cũng đã buộc Trung Quốc phải ngồi vào đàm phán với ASEAN về COC ở Biển Đông. Mặt khác, ở chiều ngược lại, ASEAN phải thường xuyên đối mặt với sự lôi kéo của hai nước lớn trên vào cuộc cạnh tranh giữa họ với nhau. Sự lôi kéo ấy khi thì ngấm ngầm, lúc thì công khai, bằng nhiều thủ đoạn, biện pháp khác nhau. Nó không chỉ diễn ra đối với cả khối mà còn đối với từng nước thành viên và phần nào có tác động. Đơn cử như Trung Quốc tung ra hàng chục tỷ USD cho một số nước ASEAN vay ưu đãi để xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế; hào phóng giúp một số nước mở sân bay, xây cảng biển, ứng dụng công nghệ kỹ thuật số vào quản trị, phát triển quốc gia… Trong khi đó, Mỹ lại gia tăng truyền bá giá trị dân chủ cho các nước và tăng cường chuyển giao vũ khí, kỹ thuật và công nghệ tiên tiến cho từng nước. Sự lôi kéo ấy đã đẩy ASEAN đến nguy cơ mất quyền tự chủ, từng nước trong ASEAN phải đứng trước những lựa chọn khó khăn là ủng hộ bên nào trong cuộc cạnh tranh. Nguy hại hơn, nội bộ ASEAN rất dễ thiếu thống nhất, mất đoàn kết với nhau do bị tác động chia rẽ, thậm chí trở thành nạn nhân của những cuộc cạnh tranh giữa những “gã khổng lồ” trên.

Nhưng điều đáng nói là Bộ quy tắc mà ASEAN đang đàm phán với Trung Quốc chỉ là những gì sẽ ràng buộc với chính Trung Quốc và các nước ASEAN trong tuân thủ pháp luật, thông lệ quốc tế về quản lý và ứng xử với nhau tại Biển Đông. Rất ít liên quan đến nước thứ ba nào khác như Mỹ, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Anh, Pháp, Australia… vì các nước trên luôn luôn bị Trung Quốc tẩy chay và coi là bên không có liên quan. Nên giả sử một khi cạnh tranh Trung – Mỹ bị đẩy tới cao trào, nổ ra xung đột vũ trang, chiến tranh nóng giữa họ thì COC sẽ không có giá trị đối với Mỹ hay những nước trên; nó không đủ tầm để điều hòa, ngăn chặn, giải quyết mối quan hệ phức tạp giữa hai siêu cường Trung – Mỹ. Khi đó, người bị thiệt hại đầu tiên và nhiều nhất chính là ASEAN và các nước ASEAN ở gần vùng xung đột. Dân gian đã chẳng nói “Trâu bò đánh nhau, ruồi muỗi chết” còn gì.

Tình hình trên buộc người ta bắt đầu phải nghĩ đến một bộ quy tắc hay một bộ luật, hiệp ước, hiệp định nào đó ở tầm cao hơn và rộng lớn hơn. Một thứ COC hay tương tự như vậy ở tầm châu lục hay quốc tế đối với Biển Đông, với những quy chế, quy định mang tính cụ thể và rõ ràng mà nó có thể buộc nhiều nước lớn có liên quan trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đều cùng tuân thủ. Như vậy mới mong giải quyết, ngăn chặn được những gì sẽ xảy đến với Biển Đông trong tương lai. Vùng biển này giờ đây không phải là “ao nhà” của bất cứ ai, kể cả Trung Quốc hay Mỹ. Trường hợp cạnh tranh Trung – Mỹ tại Biển Đông dẫn tới đối đầu, chiến tranh hay nhẹ hơn chút ít là chiến tranh lạnh mới thì người đứng ra dàn xếp, giải quyết các khủng hoảng không phải là Mỹ, Trung Quốc hay ai khác mà chính là ASEAN. Chính thực thể khu vực này sẽ có tiếng nói và vai trò quan trọng nhất để có thể kết nối hòa giải giữa Trung, Mỹ hay phối hợp với phần còn lại của thế giới gây sức ép lên cả Trung, Mỹ để buộc hai nước lớn này phải xem lại cách thức hành xử của mình, khi bỏ qua lợi ích của toàn nhân loại và khu vực. Chính ASEAN, ngay từ bây giờ đã phải tính đến một hiệp ước hay hiệp định nào đó không chỉ ràng buộc Trung Quốc, mà còn ràng buộc cả Mỹ, Nga, Nhật, Ấn, Australia… trong sự tuân thủ nhất định khi thực thi các quyền của mình ở Biển Đông. Điều đó có nghĩa Biển Đông phải trở thành vùng biển chung của các nước, gần cũng như xa và phạm vi quyền lợi mà các nước gần xung quanh nó được hưởng cũng nên được xem xét lại dưới ánh sáng quy chiếu, vận dụng của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển cho thật chính xác.

Có thể nói, nếu ASEAN và các nước trong, ngoài khu vực có liên quan cùng nhận thấy vấn đề và những nguy cơ, hiểm họa, đồng lòng, kiên trì nỗ lực cùng nhau ra được một văn kiện có tầm cỡ mang tính pháp lý và ràng buộc như vậy, được tất cả các bên thừa nhận và tuân theo thì khi ấy, hy vọng về một nền hòa bình và sự ổn định lâu dài, bền vững ở Biển Đông mới thành hiện thực.

RELATED ARTICLES

Tin mới