Monday, December 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiLý do Triều Tiên không khuất phục trước 'sức ép tối đa'...

Lý do Triều Tiên không khuất phục trước ‘sức ép tối đa’ từ Mỹ

Các lệnh cấm vận của Mỹ gây khó khăn cho kinh tế và người dân Triều Tiên, nhưng không đủ để Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Tình hình trên bán đảo Triều Tiên có dấu hiệu phức tạp trở lại sau khi hội nghị thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại Hà Nội kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào. Chưa đầy một tháng sau hội nghị, Triều Tiên có những động thái khôi phục hoạt động tại bãi phóng tên lửa Sohae, làm dấy lên quan ngại rằng nước này sắp thực hiện một vụ phóng vệ tinh, hành động từng bị Mỹ coi là cuộc thử nghiệm cho tên lửa tầm xa.

Henri Feron, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Đại học Columbia, cho rằng các chính sách của Mỹ với Triều Tiên từ lâu đã dựa trên giả định rằng một cuộc bao vây bằng lệnh cấm vận rốt cuộc sẽ khiến Bình Nhưỡng phải “hạ vũ khí đầu hàng”. Quan điểm của Mỹ là khi đưa các lệnh trừng phạt tới “sức ép tối đa”, Kim Jong-un sẽ buộc phải nhượng bộ và từ bỏ vũ khí hạt nhân để được nới lỏng cấm vận. Nhưng đó không phải là những gì đã xảy ra tại hội nghị thượng đỉnh Trump – Kim lần hai ở Hà Nội.

Những cuộc họp báo của hai bên sau hội nghị cho thấy Kim Jong-un mới chính là người ra điều kiện với phía Mỹ. Lãnh đạo Triều Tiên không đưa bất cứ phần nào trong kho vũ khí hạt nhân đang sở hữu ra mặc cả, mà chỉ đề xuất ngừng phát triển chương trình này bằng cách phá dỡ tổ hợp Yongbyong, nguồn sản xuất nguyên liệu hạt nhân chính, và ngừng vĩnh viễn các vụ phóng tên lửa, thử hạt nhân. Đổi lại, ông Kim muốn chấm dứt các lệnh cấm vận Liên Hợp Quốc áp đặt với nước này sau năm 2016. Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho khẳng định đây là “đề xuất cuối cùng” và Bình Nhưỡng sẽ không bao giờ nhượng bộ thêm.

Theo Feron, động thái cứng rắn của Triều Tiên tại hội nghị thượng đỉnh cho thấy nước này đang tìm cách “chiếu tướng” Mỹ sau khi đã nắm trong tay lá bài hạt nhân, thay vì đầu hàng trước sức ép từ các lệnh cấm vận. Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui thậm chí còn cảnh báo rằng Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục thử vũ khí nếu Washington không nắm bắt cơ hội đã được đưa ra. Bà lặp lại thông điệp này trong một cuộc họp báo hiếm hoi ở Bình Nhưỡng vài tuần trước.

Một số chuyên gia và quan chức Mỹ cho rằng đây chỉ là sự “lên gân” của Triều Tiên và đề xuất mà họ đưa ra là nỗ lực cuối cùng nhằm có được một thỏa thuận vớt vát thể diện. Tuy nhiên, Feron lưu ý bài học lịch sử cho thấy Mỹ gần như lần nào cũng lâm vào thế thua khi đánh cuộc rằng Triều Tiên đã rơi vào “bước đường cùng”.

Mỗi lần Mỹ không chấp nhận một thỏa thuận, cái giá họ phải trả cho cơ hội bị đánh mất chính là việc Triều Tiên đạt được tiến bộ nhanh chóng trong chương trình hạt nhân của mình. Việc phớt lờ các nghĩa vụ theo Khung Thỏa thuận 1994 đã giúp Bình Nhưỡng bí mật xây dựng lại các cơ sở sản xuất vật liệu phân hạch vài năm sau đó. Sau khi ký tuyên bố Đàm phán 6 bên vào ngày 19/9/2005, Bình Nhưỡng vẫn tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên vào năm 2006, sau đó là vụ thử thứ hai vào năm 2009.

Lợi dụng những điều khoản thiếu chi tiết trong Thỏa thuận Ngày Nhuận 2012, Triều Tiên đã tiến hành vụ thử hạt nhân thứ ba năm 2013. Chính quyền Mỹ dưới thời tổng thống Barack Obama quyết định từ bỏ việc theo đuổi đàm phán với Triều Tiên nhằm thực thi chính sách “kiên nhẫn chiến lược”, tiếp sau đó là chiến lược “gây sức ép tối đa” của chính quyền Trump đã khiến Bình Nhưỡng thực hiện thêm ba vụ thử hạt nhân nữa trong giai đoạn 2016-2017.

Tính toán sai lầm trong những lần “đánh cược” đó của Mỹ đã dẫn tới một thực tế rằng Triều Tiên giờ đây đủ khả năng sản xuất bom hạt nhân có sức công phá gấp hàng chục lần quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Hiroshima. Nếu các cuộc đàm phán hiện nay giữa chính quyền Trump và Bình Nhưỡng rơi vào bế tắc, Triều Tiên hoàn toàn có thể thúc đẩy quá trình hoàn thiện phương tiện hồi quyển mang đầu đạn hạt nhân và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm.

Một số bình luận viên cho rằng việc ông Kim yêu cầu được nới lỏng lệnh cấm vận khi đàm phán ở Hà Nội là bằng chứng cho thấy biện pháp trừng phạt này đang phát huy tác dụng. Tuy nhiên, trên thực tế, Triều Tiên chỉ muốn được dỡ bỏ những lệnh cấm vận đang bóp nghẹt nền kinh tế và cuộc sống của người dân nước này, không phải là các biện pháp trừng phạt nhắm vào chương trình vũ khí. Theo Feron, việc gây thiệt hại cho người dân Triều Tiên để giành được thắng lợi trong việc thuyết phục chính quyền Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân là cách tiếp cận “sai lầm”.

Báo cáo 2019 của Ủy ban Chuyên gia Liên Hợp Quốc về lệnh trừng phạt cho thấy Triều Tiên đã áp dụng nhiều chiến thuật nhằm thích ứng với các biện pháp cấm vận trong những lĩnh vực mà họ ưu tiên, như lập các công ty bình phong và tài khoản ngân hàng ở Đông Nam Á, bán quyền đánh cá cho Trung Quốc, khai thác vàng ở Congo, bán vũ khí cho Yemen và Libya… Báo cáo chỉ ra rằng việc phong tỏa hoạt động thương mại hợp pháp đang khiến Triều Tiên đẩy mạnh các “giao dịch ngầm” nhằm bù đắp thiệt hại, chẳng hạn như tấn công mạng các ngân hàng nước ngoài hay làm giả đăng ký tàu để tiếp nhận dầu trên biển.

Hình ảnh do Liên Hợp Quốc công bố cho thấy tàu Yuk Tung của Triều Tiên (trái) lấy tên giả là tàu Maika treo cờ Panama để tiếp nhận 57.000 thùng dầu trên biển. Ảnh: UN.

Hình ảnh do Liên Hợp Quốc công bố cho thấy tàu Yuk Tung của Triều Tiên (trái) lấy tên giả là tàu Maika treo cờ Panama để tiếp nhận 57.000 thùng dầu trên biển. Ảnh: UN.

Trong khi Triều Tiên vẫn có thể “lách” lệnh cấm vận để phục vụ các nhu cầu được ưu tiên, người dân nước này lại bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi những biện pháp trừng phạt khắc nghiệt. Điều 87 của báo cáo liệt kê những mặt hàng “nhạy cảm về nhân đạo” bị cấm bởi các lệnh trừng phạt “gây áp lực tối đa”, trong đó có thiết bị tưới tiêu, công nghệ xử lý thực phẩm, máy tiệt trùng dùng trong y tế, máy lọc nước hay bất cứ thiết bị nào có bộ phận bằng kim loại, dù chỉ nhỏ như một chiếc kẹp giấy.

Báo cáo cũng cho biết lệnh cấm vận về tài chính khiến các tổ chức nhân đạo gần như không thể hoạt động ở Triều Tiên. Những biện pháp trừng phạt ngày càng thắt chặt đã khiến Quỹ Toàn cầu phải chấm dứt chương trình hỗ trợ phòng chống bệnh lao cho Triều Tiên, động thái có thể khiến 155.000-210.000 người Triều Tiên tử vong trong 5 năm tiếp theo.

Người Triều Tiên thường xuyên nhận được thông điệp từ chính phủ rằng chính Mỹ mới là bên từ chối chấp nhận hòa bình và Bình Nhưỡng có quyền tự vệ bằng chính loại vũ khí hủy diệt hàng loạt mà Washington đang sở hữu. Tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, gần đây tuyên bố nước này thà “chết đói hay chết cóng” còn hơn là từ bỏ “niềm tự tôn dân tộc”. Bởi vậy, Feron cho rằng sẽ thật ngây thơ khi nhận định người dân Triều Tiên đổ lỗi cho chính quyền Kim Jong-un vì những gì đang xảy ra ở nước này.

Ngoài ra, chính sách “gây áp lực tối đa” của Mỹ khó có thể bẻ gãy được ý chí của Triều Tiên bởi nước này vẫn là một đồng minh thân cận với Trung Quốc. Thương mại Trung – Triều đã giảm đáng kể vì loạt lệnh cấm vận, nhưng giao dịch giữa hai nước vẫn đạt mức 2,38 tỷ USD trong năm 2018, cao hơn rất nhiều so với mức 350 triệu USD năm 1999, theo công bố của chính phủ Trung Quốc.

Con số thống kê này nhiều khả năng thấp hơn so với thực tế, bởi nó không bao gồm các hoạt động buôn lậu xuyên biên giới. Theo tờ Chosun Ilbo của Hàn Quốc, hoạt động xuất lậu dầu từ Trung Quốc sang Triều Tiên tăng gấp đôi sau khi ông Kim gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tháng 6/2018.

Feron nhận định ông Tập sẽ không có lý do gì để sốt sắng thực hiện các lệnh cấm vận với Triều Tiên trong bối cảnh ông Trump đang phát động chiến tranh thương mại chống lại Trung Quốc và coi nước này là đối thủ chính trong chiến lược an ninh quốc gia của mình.

Trong khi đó, chính quyền Trump vẫn coi “gây áp lực tối đa” là chính sách hiệu quả nhất để giúp Mỹ có lợi thế khi ngồi vào bàn đàm phán với Triều Tiên. Tổng thống Mỹ tin rằng cách tiếp cận này sẽ giúp ông có được “phát bắn tốt nhất” để giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên một lần và mãi mãi.

Nhưng khi cơ hội giải quyết vấn đề đó bị bỏ lỡ, hai bên lại quay sang trách cứ nhau, khi Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton đe dọa sẽ gia tăng sức ép với Triều Tiên, trong khi Bình Nhưỡng cảnh báo về việc có thể nối lại các vụ thử hạt nhân, tên lửa. Theo Feron, sự cự cãi này càng kéo dài sẽ khiến hai bên càng khó nhượng bộ và đi đến thỏa hiệp, dù sự thỏa hiệp đó là cách duy nhất để giải quyết khủng hoảng.

Nếu chính sách ngoại giao thất bại, thế giới có nguy cơ một lần nữa chứng kiến căng thẳng leo thang ở bán đảo Triều Tiên. Mỹ sẽ không thể dùng vũ lực để giải quyết khủng hoảng, vì nó có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh hạt nhân hủy diệt. Khi không đạt được thỏa thuận hòa bình cũng như không thể dựa vào giải pháp quân sự, Washington có thể phải quay lại với chính sách “kiên nhẫn chiến lược” trước đây, đó là chờ đợi Triều Tiên nhượng bộ hay để lại vấn đề cho chính quyền sau của Mỹ giải quyết.

Feron cho rằng khi Triều Tiên quyết không chịu nhượng bộ trước “sức ép tối đa”, một thỏa thuận thông qua biện pháp ngoại giao càng trở nên mờ mịt, nhất là khi Trump đã được xóa bỏ mọi hoài nghi về cáo buộc thông đồng với Nga hay cản trở công lý. “Nhưng thỏa thuận ‘Hà Nội +’ mang lại thắng lợi cho tất cả vẫn có thể đạt được nếu hội đủ các yếu tố thuận lợi, khi Trump kiềm chế được các động thái leo thang căng thẳng trong đội ngũ cố vấn của mình, khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in thu xếp được cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều lần ba, và khi Kim Jong-un sẵn sàng cho thỏa hiệp mới”, chuyên gia này viết.

 

RELATED ARTICLES

Tin mới