Monday, December 23, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiTQ và Liên Xô từng suýt bước vào chiến tranh hạt nhân

TQ và Liên Xô từng suýt bước vào chiến tranh hạt nhân

Chúng ta đã nghe tới những lần Mỹ và Liên Xô suýt bị kéo vào chiến tranh hạt nhân với nhau. Giữa Trung Quốc và Liên Xô cũng từng có nguy cơ đó.

Một áp phích tuyên truyền của Trung Quốc năm 1969, liên quan đến đụng độ biên giới Trung-Xô. Dòng chữ Hán ở đây có nghĩa là “Người không động đến ta, ta không động đến người. Người mà động đến ta, ta tất động đến người”. Ảnh: ChinesePosters.

Nguy cơ chiến tranh giữa các cường quốc sau Thế chiến 2

Mỹ và Liên Xô vào năm 1962 từng suýt nổ ra chiến tranh với cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba. Bảy năm sau đó, vào tháng 3/1969, lính Trung Quốc đã phục kích một đồn biên phòng của Liên Xô trên đảo Damansky/Trân Bảo ở khu vực biên giới hai nước, bắn chết nhiều lính biên phòng Liên Xô.

Xung đột Trung-Xô ở đảo Damansky/Trân Bảo có nhiều nguyên nhân trong đó có tranh chấp lãnh thổ từ thời Sa hoàng. Đường biên giới dài và được phân định qua loa từ trước đó đã dẫn tới vô số vùng “xám” mà cả Trung Quốc và Liên Xô đều nhận chủ quyền.

Sau trận phục kích nói trên, phía Liên Xô đã phản kích gây thương vong lớn cho đối phương.

Ngay sau vụ xung đột ở đảo Damansky/Trân Bảo, cả Liên Xô và Trung Quốc đều chuẩn bị cho chiến tranh. Quân đội Xô viết tái triển khai lực lượng ở Viễn Đông, còn Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc được tổng động viên. Dư luận thế giới lo ngại về một cuộc chiến tranh hạt nhân quy mô lớn giữa hai gã khổng lồ láng giềng này.

Điểm mạnh và yếu của Trung Quốc khi đối phó Liên Xô

Vào thời điểm năm 1969, phía Liên Xô có lợi thế áp đảo về công nghệ trước Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh lại xây dựng được đội quân đông nhất thế giới, với nhiều binh sĩ đã được triển khai gần biên giới Trung-Xô.

Mặc dù vậy, lợi thế nhân lực của Trung Quốc không có nghĩa là quân đội nước này có thể dễ dàng thực hiện một cuộc tiến công vào Liên Xô. Trung Quốc thiếu nguồn hậu cần và năng lực hàng không để đánh chiếm các vùng rộng lớn của lãnh thổ Liên Xô. Đã vậy, đường biên giới cực dài giữa 2 nước khiến Liên Xô có vô số cơ hội để trả đũa.

Với khả năng NATO tấn công là thấp, Liên Xô có thể điều động đáng kể lực lượng của mình từ châu Âu sang phía Đông, tấn công Tân Cương và khu vực phía Tây của Trung Quốc.

Thời Thế chiến 2, Liên Xô từng tấn công hiệu quả vào vùng Mãn Châu.

Dù có quy mô đông, Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc vào năm 1969 không có khả năng chặn đứng một cuộc tiến công tương tự cuộc tiến công của Hồng quân vào đội quân Quan Đông (Nhật Bản) ở Mãn Châu vào năm 1945.

Năm 1969 nếu xung đột quân sự quy mô lớn nổ ra thì không quân Liên Xô đủ sức chiếm thế thượng phong trước không quân Trung Quốc và giáng những đòn choáng váng vào các thành phố, trung tâm liên lạc và căn cứ quân sự của Trung Quốc.

Đã vậy tình hình Trung Quốc lúc đó khá phức tạp do hậu quả của “Cách mạng Văn hóa” nên Liên Xô có thể dễ dàng tìm kiếm “đối tác” chấp nhận thương lượng hòa bình.

Bờ vực chiến tranh hạt nhân giữa 2 cường quốc

Trung Quốc đã thử vũ khí hạt nhân đầu tiên của mình vào năm 1964. Về lý thuyết, từ đó Bắc Kinh có năng lực răn đe hạt nhân độc lập.

Tuy nhiên vào thời điểm đó, hệ thống phóng của Trung Quốc vẫn có nhiều vấn đề cần xử lý – các tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng có độ tin cậy không cao vì cần nhiều giờ đồng hồ để chuẩn bị, và do đó sẽ chỉ có thể ở trên bệ phóng trong một thời gian hạn chế.

Ngoài ra tên lửa Trung Quốc thời đó tầm bay còn hạn chế nên chưa thể đánh tới các mục tiêu sống còn của Liên Xô ở phần châu Âu của lãnh thổ nước này.

Về phương diện máy bay ném bom, Trung Quốc sở hữu số lượng rất hạn chế oanh tạc cơ Tu-4 và H-6, đã thế số phi cơ này lại khá lạc hậu nên họ sẽ khó lòng vượt qua được mạng lưới phòng không tối tân của Liên Xô.

Mặt khác khi đó Liên Xô đã gần đạt tới thế cân bằng hạt nhân với Mỹ. Liên Xô sở hữu một kho vũ khí hạt nhân chiến thuật và chiến lược hiện đại, tinh vi có thể hủy diệt năng lực răn đe hạt nhân của Trung Quốc, các lực lượng quân sự chính và các thành phố lớn của quốc gia châu Á này.

Tuy nhiên ban lãnh đạo Liên Xô rất nhạy cảm với công luận thế giới nên trong trường hợp nổ ra chiến tranh hạt nhân, hướng khả thi nhất với họ sẽ chỉ là thực hiện tấn công hạn chế nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Trung Quốc cũng như tấn công chiến thuật nhằm vào lực lượng quân sự do Trung Quốc triển khai. Nếu Trung Quốc mạo hiểm sử dụng lực lượng hạt nhân của mình thì có thể họ sẽ phải hứng chịu đòn đánh hạt nhân phủ đầu từ phía Liên Xô.

Mỹ “tọa sơn” quan sát

Mỹ rất thận trọng trước các diễn biến này. Thông qua nhiều kênh chính thức và không chính thức, Liên Xô thăm dò thái độ của Mỹ đối với Trung Quốc. Mỹ được cho là phản ứng tiêu cực với gợi ý của Liên Xô về một cuộc tấn công chung của đôi bên vào các cơ sở hạt nhân của Trung Quốc. Nhưng mặt khác Washington có vẻ không nỗ lực một cách nghiêm túc và rõ ràng để bảo vệ Trung Quốc trước cơn thịnh nộ của Liên Xô.

Nhưng trước đó một thập kỷ, nhà lãnh đạo Mỹ Dwight Eisenhower đã vạch ra trở ngại lớn nhất của Liên Xô trong một cuộc chiến với Trung Quốc: sẽ làm gì sau chiến thắng? Liên Xô không có khả năng cũng như không quan tâm đến việc cai quản một lãnh thổ rộng như một châu lục, đặc biệt là nơi sẽ vấp phải phong trào phản kháng trên diện rộng.

Trong khi đó, Mỹ vốn hậu thuẫn cho chính quyền ở đảo Đài Loan sẽ rất hứng khởi với ý tưởng ủng hộ các phần tử nổi dậy ở Trung Quốc chống lại lực lượng Liên Xô. Và Mỹ có thể tích cực giúp lực lượng Tưởng Giới Thạch khi ấy đoạt lại các vùng lãnh thổ Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới