Bill Hayton là nghiên cứu viên tại Viện nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh (Chatham House). Ông là tác giả của hai cuốn sách về Đông Nam Á: Biển Đông: Cuộc chiến quyền lực ở Châu Á (Yale, 2014) và Việt Nam: Con rồng đang lên (Yale, 2010). Ông cũng là phóng viên của hãng tin BBC. Biendong.net xin giới thiệu bài viết của ông về ngụy tạo mới của Trung Quốc về “quyền lịch sử” ở Biển Đông.
Có nhiều tầng nấc tranh chấp ở Biển Đông: tranh chấp chủ quyền đảo, tranh chấp về quyền đối với vùng biển giữa các đảo, tranh chấp về cán cân quyền lực khu vực và tranh chấp về tương lai của quản trị toàn cầu. Điều khiến các tranh chấp này khó được giải quyết là nhiều chi tiết về yêu sách của các bên vẫn còn mập mờ.
Có tất cả 6 bên đưa ra yêu sách chủ quyền đối với các rạn san hô và bãi đá đang tranh chấp. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với mọi thực thể nằm trong “đường chữ U” (còn gọi là đường lưỡi bò – ND) mà họ công bố lần đầu tiên trong một bản đồ chính thức vào năm 1948. Yêu sách của Trung Quốc bao gồm quần đảo Hoàng Sa ở phía Bắc Biển Đông, quần đảo Trường Sa ở phía Nam, bãi cạn Scarborough ở phía Đông và quần đảo Pratas ở phía Đông Bắc. Đài Loan – với danh nghĩa là Trung Hoa Dân Quốc – cũng có yêu sách lãnh thổ như vậy. Việt Nam tuyên bố chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Philippines ra yêu sách với hầu hết các đảo của quần đảo Trường Sa và bãi cạn Scarborough trong khi Malaysia và Brunei chỉ tuyên bố chủ quyền đối với một số thực thể ở quần đảo Trường Sa. Hiện tại, Trung Quốc chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa, Đài Loan chiếm quần đảo Pratas và đảo Ba Bìnhở quần đảo Trường Sa. Tất cả các bên khác, trừ Brunei, chiếm ít nhất 5 thực thể của quần đảo Trường Sa.
Các quyền đối với vùng biển giữa các đảo nói chung được điều chỉnh theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS). UNCLOS đã được đàm phán trong 9 năm, từ năm 1973 đến năm 1982. Cho đến nay, 167 quốc gia đã ký kết, trong đó 153 quốc gia đã phê chuẩn công ước. Năm 1994, Chính phủ Mỹ đã ký UNCLOS nhưng đến tận bây giờ, Thượng viện Mỹ vẫn từ chối phê chuẩn. Trung Quốc, Việt Nam và các bên yêu sách khác đã ký và phê chuẩn Công ước. Nói chung, theo UNCLOS, các quốc gia ven biển sở hữu vùng biển và đáy biển rộng 12 hải lý tính từ bờ biển. Các quốc gia này cũng có quyền đối với những tài nguyên ở biển và đáy biển – nhưng không phải là lãnh thổ – cách bờ biển của họ tới 200 hải lý (370 km): khu vực này được gọi là vùng đặc quyền kinh tế hay EEZ.
UNCLOS đưa ra các nguyên tắc chung để phân chia lãnh thổ và tài nguyên giữa các bên có yêu sách đối kháng nhưng bỏ qua một số chi tiết rất quan trọng. Một trong số đó là điểm chính xác khi nào một bãi đá không có người ở, không có vùng đặc quyền kinh tế, trở thành một “hòn đảo” đầy đủ có quyền có vùng đặc quyền kinh tế. Trong lời văn của UNCLOS, “bãi đá nào mà con người không thể cư trú hoặc có đời sống kinh tế riêng sẽ không có vùng đặc quyền kinh tế”[i], nhưng UNCLOS không định nghĩa thế nào là “việc cư trú của con người” hay “đời sống kinh tế”. Đây là một vấn đề cá biệt ở Biển Đông vì có nhiều bằng chứng cho thấy dấu tích lịch sử của việc ngư dân đã từng tạm trú trên một số thực thể tranh chấp nhưng không có bằng chứng nào cho thấy đã có bất kỳ ai từng sống ở đó lâu dài. Vậy ranh giới nằm ở đâu? Ảnh hưởng của sự khác biệt giữa một thực thể được coi là có người ở hay không có người ở rất quan trọng về mặt kinh tế. Một bãi đá chỉ có vùng lãnh hải với bán kính 12 hải lý – diện tích 452 hải lý vuông. Một hòn đảo hiệu lực đầy đủ có vùng đặc quyền kinh tế với bán kính rộng 200 hải lý, khiến nó có quyền đối với tài nguyên trên một vùng biển rộng ít nhất 125.000 hải lý vuông. Ở Biển Đông, điều này có có ý nghĩa quan trọng rất lớn trong việc kiểm soát nguồn cá và nguồn tài nguyên hydrocarbon.
Yêu sách mập mờ của Trung Quốc
Phạm vi và cơ sở chính xác của những yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông vẫn còn mập mờ một cách đáng ngạc nhiên, mặc dù đã được thảo luận hàng thập kỷ. Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chưa bao giờ mô tả đầy đủ và rõ ràng về các yêu sách chính xác hoặc những cơ sở pháp lý của họ. Điều chúng ta thấy rõ nhất là một tuyên bố của chính phủ vào ngày 12/7/2016 nêu lập trường sau:
Trung Quốc có chủ quyền lãnh thổ và quyền và lợi ích hàng hải ở Biển Đông, trong đó bao gồm:
i) Trung Quốc có chủ quyền đối với các quần đảo ở Biển Đông, bao gồm quần quần đảo Đông Sa (quần đảo Pratas), quần đảo Tây Sa (quần đảo Hoàng Sa), quần đảo Trung Sa (Bãi cạn Scarborough) và quần đảo Nam Sa (quần đảo Trường Sa).
ii) Trung Quốc có vùng nội thủy, lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải dựa trên các quần đảo ở Biển Đông;
iii) Trung Quốc có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa dựa trên các quần đảo ở Biển Đông;
iv) Trung Quốc có quyền lịch sử ở Biển Đông[ii].
Phần đầu tiên của yêu sách, chủ quyền đối với các quần đảo ở Biển Đông, tương đối trực diện. Các bên yêu sách khác ở Biển Đông có thể tranh cãi về yêu sách đó, nhưng yêu sách của Trung Quốc được đưa ra theo cách giống như các yêu sách tương tự ở nơi khác. Phần còn lại của tuyên bố rắc rối hơn nhiều. Đầu tiên, chính phủ Trung Quốc có vẻ như cho rằng tất cả các thực thể trên Biển Đông tạo thành một quần đảo đơn nhất và cùng nhau tạo nên vùng lãnh hải riêng. Tuy nhiên, rõ ràng các hải đồ cho thấy các nhóm đảo rất tách biệt và cách nhau bởi những khu vực nước rất sâu. Hơn nữa, không có điều khoản nào trong UNCLOS cho phép các nhóm đảo có “danh nghĩa tập thể”. Tuyên bố của Trung Quốc còn khó hiểu hơn nữa với việc mở rộng quan điểm “một quần đảo đơn nhất” để yêu sách có vùng đặc quyền kinh tế. Một lần nữa, không có điều khoản nào trong UNCLOS quy định về điều này. Cuối cùng, họ ngang nhiên tuyên bố rằng Trung Quốc có quyền lịch sử ở Biển Đông nhưng không nêu rõ gồm những quyền gì và phạm vi đến đâu.
Tóm lại, lập trường của Trung Quốc năm 2016 có ít nhất 2 sự tạo dựng về pháp lý: thứ nhất là các nhóm đảo có thể tạo ra vùng lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế chung; và thứ hai là Trung Quốc có “quyền lịch sử” không xác định ngoài các quyền theo quy định của UNCLOS. Đây không chỉ là sự phát triển pháp lý mơ hồ. Trong những năm gần đây, chúng ta đã thấy các cơ quan nhà nước Trung Quốc hành động theo những lý lẽ này trong các cuộc đối đầu ở Biển Đông.
Ví dụ, Trung Quốc đã phản đối việc khoan dầu khí ngoài khơi bờ biển Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Brunei và Philippines với lý do các hoạt động đó vi phạm quyền lịch sử của mình. Năm 2008, Chính phủ Trung Quốc đã buộc BP ngừng sản xuất dầu khí tại Bãi Tư Chính. Năm 2015, sự việc tương tự đã xảy ra với một công ty niêm yết ở Luân Đôn, Forum Energy plc, khi công ty này đang chuẩn bị khoan tại khu vực đáy biển Bãi Cỏ Rong ngoài khơi Philippines[iii]. Cũng đã có những cuộc đụng độ giữa lực lượng cảnh sát biển của Trung Quốc và Indonesia về các hoạt động đánh bắt cá gần quần đảo Natuna. Đó đều là những vùng biển ở phía Nam của Biển Đông, cách xa hàng trăm hải lý ngoài bất kỳ vùng đặc quyền kinh tế yêu sách nào có thể tính từ bờ biển Trung Quốc.
Vụ kiện của Philippines tại Tòa Trọng tài và phản ứng của Trung Quốc
Nhằm giải quyết tình trạng này, Philippines đã thực hiện một hoạt động pháp lý chống lại Trung Quốc vào đầu năm 2013. Trung Quốc đã từ chối tham gia vào vụ kiện nhưng vụ kiện vẫn diễn ra và Tòa Trọng tài Quốc tế đã ra phán quyết vào tháng 7/2016[iv]. Hai kết luận quan trọng gồm: một là, không có thực thể nào tại quần đảo Trường Sa và Bãi cạn Scarborough là đảo có hiệu lực đầy đủ và do đó không có vùng đặc quyền kinh tế; và hai là, “đường chữ U” không được coi là yêu sách hợp pháp về các nguồn tài nguyên nằm bên trong đường này theo quy định của UNCLOS. Tòa ra phán quyết rằng:
Các yêu sách của Trung Quốc về quyền lịch sử, hay quyền chủ quyền hoặc quyền tài phán khác, đối với các vùng biển trên Biển Đông nằm bên trong “đường chín đoạn” là trái với Công ước và không có hiệu lực pháp lý vì chúng vượt qua các giới hạn địa lý và thực chất của các vùng biển mà Trung Quốc có quyền được hưởng theo Công ước[v].
Các quan chức Chính phủ Trung Quốc lập tức phản đối phán quyết của tòa. Tại một họp báo chính thức tại Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện, Thứ trưởng Ngoại giao Lưu Chấn Dân đã hai lần nói phán quyết đó “không hơn gì một mẩu giấy vụn” và là thứ “không được bất kỳ ai thi hành”[vi]. Quan trọng hơn, các cơ quan nhà nước Trung Quốc tiếp tục hành động bất chấp phán quyết của Tòa. Trong năm 2017 và 2018, Việt Nam đã buộc phải tạm dừng hoạt động khoan thăm dò của công ty Repsol Tây Ban Nha ngoài khơi bờ biển phía đông nam của mình trước sự đe dọa của lực lượng quân sự Trung Quốc. Philippines đã không thể cấp phép thăm dò mới tại Bãi Cỏ Rong vì lý do tương tự và các công ty dầu khí hoạt động ngoài khơi Malaysia và Brunei cũng phải chịu áp lực như vậy.
Tháng 5/2018, khi được hỏi về kế hoạch khoan thăm dò của công ty Rosneft của Nga tại khu vực biển cạnh dự án của Repsol, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố “không quốc gia, tổ chức, công ty hay cá nhân nào được phép thực hiện các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí ở vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc khi chưa được Chính phủ Trung Quốc đồng ý”[vii]. Tuy nhiên, bà không giải thích lý do vì sao vùng đáy biển cách bờ biển Trung Quốc hơn 600 hải lý lại “thuộc quyền tài phán của Trung Quốc”. Theo tuyên bố của chính phủ Trung Quốc vào tháng 7/2016, chúng ta có thể nghĩ tới 2 cách giải thích: khu vực này nằm trong phạm vi 200 hải lý của quần đảo Trường Sa khi được coi là một thực thể hợp nhất và/hoặc khu vực này nằm trong vùng mà Trung Quốc tuyên bố “quyền lịch sử”. Đây là hai lý lẽ rất khác nhau có những nguồn gốc cũng rất khác nhau.
Những lập luận về quần đảo của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa
Lập luận rằng các nhóm đảo được hưởng quyền tập thể dường như đã xuất hiện trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc ngay sau khi có phán quyết của tòa trọng tài. Ngày 18/7/2016, một bài báo đã được đăng trên tờ nhật báo Quân giải phóng Nhân dânTrung Quốc. Bài báo được cho là do các thành viên của “Trung tâm nghiên cứu hệ thống lý luận chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc” tại Trường Đảng Trung ương viết. Đó không phải là một tuyên bố của chính phủ, nhưng theo nhà phân tích Andrew Chubb, cuối cùng thì bài báo vẫn gần với cách diễn giải của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Chubb cho biết ông đã nghe về lập luận này nhiều lần trước tháng 7/2016 nhưng đây là lần đầu tiên ông thấy xuất hiện trên báo in.
Bài báo được viết để phản ứng với phán quyết của Tòa Trọng tài và được công bố sau tuyên bố của Chính phủ ngày 12/7. Bài báo khác với tuyên bố của chính phủ khi lập luận rằng thay vì coi toàn bộ Biển Đông là một quần đảo, mỗi nhóm đảo cần được xem xét riêng. Bài báo thậm chí còn không coi Trường Sa là một nhóm đảohợp nhất mà lập luận rằng các cụm đảo nhỏ hơn trong quần đảo Trường Sa sẽ là thành tố cơ bản của yêu sách. Bài báo lập luận rằng:
Trung Quốc có quyền gộp các nhóm đảo tương đối gần nhau trong quần đảo Trường Sa thành một thực thể duy nhất để thiết lập các đường cơ sở lãnh hải, và quần đảo Trường Sa của Trung Quốc có các khu vực hành chính biển như lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa[viii].
Còn nhiều điều cần phải tìm hiểu về nguồn gốc của lập luận này. Nó hợp nhất những yếu tố của luật tập quán quốc tế với những xuyên tạc trong việc giải thích UNCLOS. Nó nhận được sự ủng hộ thấp nhất của cộng đồng pháp lý quốc tế bên ngoài Trung Quốc nhưng cũng có thể tạo ra cơ sở cho quan điểm pháp lý chính của nhà nước.
Các lập luận của Trung Hoa Dân Quốc về vùng nước lịch sử
Cơ sở khác của yêu sách cho rằng “Trung Quốc có quyền lịch sử ở Biển Đông”, có nguồn gốc rất riêng biệt. Nó bắt nguồn, không phải từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa mà từ Đài Loan. Cụm từ “vùng nước lịch sử”, lần đầu tiên xuất hiện trong một tài liệu của chính phủ Trung Hoa Dân Quốc vào tháng 3/1993[ix]. Nó suýt chút nữa đã trở thành một phần của luật pháp Đài Loan nhưng khái niệm này cuối cùng đã bị phủ quyết. Thay vào đó, nó đã có một cuộc sống mới ở phía bên kia eo biển Đài Loan.
Chính sách của Đài Loan về Biển Đông bắt đầu nảy sinh vào năm 1988, sau sự xuất hiện mạnh mẽ của các lực lượng quân sự của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại quần đảo Trường Sa. Trung Quốc chiếm đóng đáChữ Thập vào cuối năm 1987 và 5 thực thể nữa vào đầu năm 1988. Khi đổ bộ vào bãi Gạc Ma ngày 14/3/1988, các đơn vị của Trung Quốc đã đụng độ với lực lượng của Việt Nam và 64 chiến sỹ hải quân của Việt Nam đã bị sát hại. Vào thời điểm đó (và cho đến ngày nay), lực lượng của Đài Loan đang chiếm đóng đảo Ba Bình, hòn đảo lớn nhất ở Trường Sa. Sự chiếm đóng của Trung Quốc đã tăng thêm tính cấp thiết đối với nhu cầu phải củng cố các chính sách biển của Đài Loan và điều chỉnh cho phù hợp với các quy tắc mới được đề ra trong UNCLOS năm 1982.
Tháng 7/1989, Bộ Nội vụ Đài Loan đã giải tán Cục Quản lý Đất đai để thành lập một ủy ban để phân định lãnh hải và vùng đặc quyền Kinh tế của Đài Loan[x]. Theo Kristen Nordhaug, có ba học giả pháp lý thuộc ủy ban này là Fu Kuan-Chen, Nien-Tsu Alfred Hu và Huang Yi. Vào thời điểm đó, Fu và Hu đều liên kết với cánh không chính thống trong Quốc dân Đảng càm quyền[xi]. Phe này liên kết với “nhóm cựu trào của đảng” ủng hộ chính sách “một Trung Quốc”: thống nhất Đài Loan với đại lục. Trong suốt năm 1991 và 1992, cánh “không chính thống” đấu tranh quyết liệt với lãnh đạo mới của Quốc dân Đảng chống lại chính sách “Đài Loan hóa” – tiến tới độc lập vững chắc hơn – và nhiều thành viên, bao gồm Fu, tách ra để thành lập Tân Đảng vào năm 1993. Fu được bầu vào Quốc hội năm 1992.
Các báo cáo đương đại cho rằng chính ủy ban này, được các học giả pháp lý theo trường phái “một Trung Quốc” tư vấn, lần đầu tiên đưa ra ý niệm yêu sách “vùng nước lịch sử”[xii]. Thật vậy, trong một thư điện tử gửi cho tác giả của bài viết này, giáo sư Fu tuyên bố: “Tôi là học giả đầu tiên ở Trung Quốc đưa ra ý tưởng về vùng nước lịch sử và một số khái niệm liên quan khác để giải quyết vấn đề Biển Đông”. Nhìn nhận lại, có vẻ như sự canh tân này trong yêu sách của Trung Quốc phần lớn là tác phẩm của một cá nhân.
Sự can thiệp của Mỹ
Dường như vào cùng thời điểm ủy ban này đang thảo luận về chính sách của Đài Loan, một công ty dầu mỏ nhỏ của Mỹ, Crestone, cũng đang cố gắng thuyết phục chính quyền CHND Trung Hoa cho thuê một lô ở đáy biển ngoài khơi bờ biển phía Đông Nam Việt Nam. Một sự trơ tráo đến nghẹt thở: vị trí này nằm cách bờ biển Việt Nam chỉ 250 km và cách các bãi biển của Trung Quốc hơn 1.000 km. Người đứng đầu Crestone, Randall C. Thompson, bắt đầu vận động việc này từ tháng 4/1991 nhưng cho đến tận sau khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thông qua Luật Lãnh hải vào tháng 02/1992, mới được chấp thuận.
Trung Quốc đã lựa chọn vị trí thăm dò mới là lô Vạn An Bắc – 21 (WAB-21). Các cố vấn của Crestone đã vẽ ranh giới của nó rất cẩn thận. Chúng đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam chứ không phải là Indonesia hay Malaysia. Quan trọng hơn là lô này nằm trong “đường chữ U”. Lần đầu tiên kể từ khi xuất hiện năm 1948 trên một bản đồ chính thức của Trung Quốc, đường chữ U nàydường như đã trở thành đường biên giới chính thức: với gợi ý của Crestone, Trung Quốc lần đầu tiên ra yêu sách đối với tài nguyên bên trong đường này.
Một trong những cố vấn của Crestone là Daniel J. Dzurek, cựu Trưởng phòng Biên giới Bộ Ngoại giao Mỹ. Ông Thompson nói: “tôi đã sử dụng ông ta [Dzurek] để hợp thức hóa quan điểm vùng biển này là của Trung Quốc và ông ta đặc biệt tán thành quan điểm đây là vùng biển của Trung Quốc, không phải vùng biển của Việt Nam dựa trên yêu sách chủ quyền và vấn đề lịch sử”[xiii]. Tuy nhiên, Dzurek đã hạ thấp vai trò của mình. Trong một cuộc trao đổi với tác giả bài này, ông đã nói rằng ông “chưa bao giờ khuyên Trung Quốc về biên giới” mà “chỉ giúp đàm phán một hợp đồng thuê ngoài khơi”[xiv]. Tuy nhiên, tấm bản đồ mà Crestone căn cứ để phác thảo lô đáy biển họ thuê của chính phủ Trung Quốc có đường chữ U là một đường liền nét (không phải nét đứt) và có chú thích dòng chữ “yêu sách của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”. Hơn nữa, trong một bài báo học thuật quan trọng được xuất bản sau sự việc Crestone, Dzurek đã nhấn mạnh rằng thuật ngữ đường chữ U của Trung Quốc có thể được hiểu đúng nhất là “đường biên giới biển truyền thống”[xv]. Ông dường như đã chấp nhận – và phát triển – ý tưởng Trung Quốc có quyền lịch sử tại khu vực dựa trên những quy định của UNCLOS. Tuy nhiên, bất cứ lý lẽ pháp lý nào mà Trung Quốc cảm thấy rằng họ có đều không được công khai. Chỉ đơn giản là ký hợp đồng cho Crestone và tiếp tục giữ im lặng thay cho lời biện minh.
Phản ứng của Đài Loan
Vào tháng 10/1992, lực lượng đặc nhiệm liên bộ thuộc Bộ Nội vụ Đài Loan được thành lập để điều phối chính sách của chính phủ ở Biển Đông[xvi]. Đồng thời, bộ phận hoạch định chính sách của chính phủ, “Ban Nghiên cứu, Phát triển và Đánh giá”, đã đưa ra một văn bản của Fu Kuen-Chen có tựa đề “Một nghiên cứu về tình trạng pháp lý của vùng nước lịch sử của Trung Hoa Dân Quốc ở Biển Đông”[xvii]. Sau vài tháng thảo luận, ngày 10/3/1993, lực lượng đặc nhiệm đã thống nhất về một bộ “ định hướng chính sách Biển Đông” được chính phủ (Hành chính viện) phê chuẩn ngày 13/4/1993. Đoạn thứ hai của phần mở đầu bộ định hướng chính sách này tuyên bố rằng “khu vực Biển Đông trong giới hạn vùng nước lịch sử là khu vực biển thuộc quyền tài phán của Trung Hoa Dân Quốc, ở đó Trung Hoa Dân Quốc có tất cả các quyền và lợi ích”[xviii].
Trong một cuộc họp báo ngày 10/8/1993, Chủ tịch Ủy ban Nghiên cứu, Phát triển và Đánh giá đã giải thích về lý do đưa ra yêu sách là này dựa trên đường chữ U năm 1948. Ông ta cho rằng vùng biển bên trong đường chữ U phải được coi là vùng nước lịch sử của Trung Hoa Dân quốc. Khái niệm này khác với vùng nội thủy nhưng tương tự như vùng nước quần đảo[xix]. Vùng nước quần đảo là một khái niệm mới được UNCLOS công nhận, theo đó các quốc gia có toàn bộ lãnh thổ được cấu thành bởi các đảo (như Indonesia hoặc Philippines) có thể đòi quyền đối với vùng biển giữa các đảo của họ. Tuy nhiên, quyền này không được áp dụng cho các quốc gia không phải là quốc gia quần đảo, như Trung Quốc hay Việt Nam. Đầu tháng 9/1993, cả Bộ trưởng Nội vụ Ngô Bá Hùng (Wu Po-hsiung), và Thủ tướng Liên Chấn (Lian Chan), cùng chính thức tổ chức một hội nghị về Biển Đông ở Đài Bắc và cả hai đều nói rằng vùng nước ở Biển Đông từ lâu đã là vùng nước lịch sử của Trung Quốc[xx].
Đây là một cách diễn giải rất khác biệt về ý nghĩa của đường chữ U so với khi nó được vẽ lần đầu sau chiến tranh thế giới thứ hai. Nhà sử học người Canada Chris P.C. Chung đã kiểm tra các tài liệu lưu trữ được giải mật gần đây của Trung Hoa Dân Quốc và tìm ra rằng nhiều cuộc họp đã được tổ chức trong năm 1946 và 1947 để xác định điều gì sẽ trở thành yêu sách của Trung Quốc. Trong một cuộc họp vào ngày 26/9/1946, một ủy ban của chính phủ đã đồng ý sử dụng “Bản đồ phác thảo vị trí đảo tại Biển Đông (南海諸島位置略圖)” do những nhà họa đồ trong Bộ Nội vụ vẽ trước đó để định hướng quyết định của mình. Tôi đã thảo luận về nguồn gốc của bản đồ này trong một bài viết riêng[xxi]. Bản đồ này là tài liệu đầu tiên của chính phủ Trung Quốc có đường chữ U và ý nghĩa của nó rất rõ ràng đối với ủy ban này của Đài Loan: nó chỉ rõ “cách xác định phạm vi tiếp nhận các đảo ở Biển Đông” (“接收南海各島應如何劃定接收範圍案”). Ủy ban này chỉ quan tâm tới các đảo. Họ không đề cập đến vùng biển, lịch sử hay cái gì khác[xxii].
Do đó, rõ ràng là vì khái niệm “vùng nước lịch sử” không tồn tại trong suy nghĩ của chính phủ Trung Quốc vào năm 1946 nhưng lại xuất hiện vào năm 1992 nên nó phải được tạo dựng vào một thời điểm nào đó giữa hai năm này. Bằng chứng sẵn có cho thấy việc tạo dựng khái niệm này chính là sự can thiệp của Giáo sư Fu.
Ý tưởng vượt qua eo biển
Tranh cãi về việc Trung Hoa Dân Quốc có nên tuyên bố “vùng nước lịch sử” ở Biển Đông hay không kéo dài trong 5 năm và trở thành cuộc đấu gián tiếp giữa Quốc dân đảng “không chính thống” ủng hộ chính sách “một Trung Quốc” và những người ủng hộ nền độc lập vững chắc hơn của Đài Loan. Đối với nhiều người ở phe “một Trung Quốc”, yêu sách tối đa ở Biển Đông là một phương tiện để thể hiện ý thức quốc gia của họ và họ đã rất say sưa tranh luận. Những người ủng hộ độc lập coi yêu sách biển là một vấn đề nhỏ, phần lớn không phù hợp với mối quan tâm chính của họ. Kết quả là lúc đầu cuộc tranh luận về Biển Đông đã bao phủ nhóm “một Trung Quốc”/quyền lịch sử/không chính thống[xxiii].
Đầu những năm 1990, có nhiều điểm tương đồng trong cách mà các chính phủ đối địch ở Đài Bắc và Bắc Kinh xây dựng nội luật về các yêu sách biển của mình. Cả hai đều đề xuất hai dự thảo luật riêng biệt: một về Lãnh hải và Vùng tiếp giáp lãnh hải và một về Vùng đặc quyền kinh tế và Thềm lục địa[xxiv]. Trong khi các chính sách chính thức cấm tiếp xúc trực tiếp, dường như các học giả, như Giáo sư Fu, và các trung gian khác, như Crestone, đã truyền đạt những ý tưởng đó giữa hai bờ eo biển Đài Loan. Có những lúc, mong muốn hợp tác thậm chí còn lớn hơn. Tại một hội nghị học thuật chung Trung Quốc – Đài Loan vào tháng 6/1994 tại Đài Bắc, cố vấn chính trị cho Hành chính viện (bộ máy nhà nước Đài Loan) Zhang Jinyou đã liên tục thúc giục hai chính phủ hợp tác trong việc vẽ bản đồ và quyền tài phán ở Biển Đông[xxv].
Tuy nhiên, từ năm 1992 đến năm 1995 không có tiến triển nào đối với những dự thảo luật này. Có hai luồng ý kiến phản đối: những luật sư cho rằng không có cơ sở nào trong UNCLOS cho yêu sách “vùng nước lịch sử” và nhóm “ủng hộ độc lập” cũng phản đối ý tưởng đồng bộ hóa yêu sách của Đài Loan với Trung Quốc[xxvi]. Mọi câu chuyện về hợp tác đã bị cắt đứt sau tháng 6/1995 khi Tổng thống Đài Loan, Lý Đăng Huy (Lee Teng-Hui) thăm Mỹ, kết thúc cuộc khủng hoảng giữa Đài Loan và Trung Quốc và khủng hoảng chính trị nội bộ Đài Loan. Cuộc khủng hoảng nội bộ chỉ được giải quyết bằng “Hội nghị Phát triển Quốc gia” tháng 12/1996. Việc này dẫn đến một thỏa hiệp giữa phe chính thống của Quốc Dân Đảng và Đảng Dân chủ Tiến bộ (Dân Tiến Đảng) ủng hộ độc lập (DPP) và sự cô lập đối với Tân Đảng. Sự đồng thuận mới giữa Quốc Dân Đảng và Dân Tiến Đảng dựa trên việc làm suy yếu các mối liên kết giữa Đài Loan và Trung Quốc và bao gồm cả giảm hợp tác trong các yêu sách ở Biển Đông. Do đó, Giáo sư Fu và phần còn lại của Tân Đảng đã bị lép vế trong cuộc thảo luận về chính sách biển của Đài Loan[xxvii].
Đến cuối năm 1997, nhóm phản đối “quyền lịch sử” đã giành chiến thắng. Vào tháng 12, các phương tiện truyền thông trong nước đưa tin rằng lực lượng đặc nhiệm của chính phủ đã cân nhắc, “đạt được đồng thuận sớm hơn trong một cuộc đàm phán phi đảng phái về việc tạm thời gác lại vấn đề chủ quyền đối với vùng nước lịch sử đặc biệt”[xxviii]. Cụm từ và yêu sách nàyđã bị xóa khỏi Luật Lãnh hải và Vùng tiếp giáp Lãnh hải của Đài Loan, được ban hành một tháng sau đó, vào ngày 21/01/1998.
Tuy nhiên, ở phía bên kia eo biển Đài Loan, một luật tương tự của Trung Quốc, “Luật về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa”, được ban hành 5 tháng sau, ngày 26/6/1998, lại bao gồm, trong Điều 14, việc kết hợp các quy tắc của UNCLOS vào luật pháp Trung Quốc, “sẽ không ảnh hưởng” đến “quyền lịch sử” của Trung Quốc[xxix]. Cụm từ này chỉ được thêm vào ở giai đoạn cuối cùng khi luật được thông qua tại Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc và nhà chức trách Trung Quốc không có giải thích công khai nào về cơ sở logic của việc làm đó. Ý nghĩa chính xác của nó vẫn còn mơ hồ. Theo quan điểm của Châu Khắc Uyên (Zou Keyuan), “Trung Quốc đã trở thành quốc gia đầu tiên và có lẽ là duy nhất đưa các yêu sách lịch sử vào Luật Vùng đặc quyền kinh tế và Thềm lục địa chứ không phải các văn bản riêng biệt hoặc các tuyên bố của chính phủ”[xxx]. Đến năm 1998, khái niệm về ‘quyền lịch sử’ của Trung Quốc ở Biển Đông đã bị xóa bỏ khỏi luật pháp ở Đài Loan nhưng đã có một cuộc sống mới ở Trung Quốc, nơi nó tiếp tục làm sinh động chính sách của nhà nước với những kết quả bất ổn cho khu vực.
Kết luận
Các bằng chứng sẵn có dường như cho thấy rõ ràng khái niệm “quyền lịch sử” tại Biển Đông chỉ xuất hiện vào đầu những năm 1990 và ở Đài Loan, chứ không phải Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Có vẻ như nó chỉ xuất phát từ ý tưởng của một cá nhân duy nhất, Fu Kuen-Chen, trước khi được những người theo quan điểm “một Trung Quốc” trong chính trường Đài Loan ủng hộ. Mặc dù các mối liên kết chưa được thiết lập vững chắc, có cơ sở để tin rằng ý tưởng rằng đường chữ U tạo nên một “biên giới biển truyền thống” cho yêu sách của Trung Quốc đối với các quyền tài nguyên sau đó đã được truyền bá từ Đài Loan đến Trung Quốc thông qua sự can thiệp của công ty dầu mỏ Mỹ, Crestone. Trong 3 năm sau đó, các học giả và quan chức có cùng quan điểm ở cả hai phía eo biển Đài Loan đã hợp tác phát triển và thúc đẩy khái niệm này.
Chính sự thay đổi trong chính trị nội bộ của Đài Loan, từ bỏ lập trường “một Trung Quốc” và hướng tới tự chủ hay độc lập vững chắc hơn, đã chấm dứt sự phát triển của các tranh luận về “quyền lịch sử” trên đảo. Trước sự tấn công của cả phe chống Trung Quốc và các học giả pháp lý không đồng ý với lập luận cơ bản, cụm từ này biến mất khỏi các tranh luận chính trị chính thống và chỉ còn tồn tại trong những người ủng hộ Tân Đảng và các nhánh của nó.
Tuy nhiên, đến năm 1998, khái niệm này đã bén rễ ở Trung Quốc. Năm 2002, Fu Kuen-Chen đã theo nó. Ông ta đã thể hiện quan điểm “một Trung Quốc” của mình bằng cách đảm nhận các vị trí học thuật đồng thời tại cả trường Đại học Luật Hạ Môn Trung Quốc và Học viện Công nghệ Quốc gia Kim Môn, nằm trên đảo Kim Môn của Đài Loan, chỉ cách Hạ Môn 10km qua vịnh. Ông tiếp tục giảng dạy tại Hạ Môn và tại Đại học Giao thông Thượng Hải, cả hai đều nằm ở Trung Quốc đại lục. Ông vẫn kiên trì các tranh luận về “vùng nước lịch sử” của mình và phiên bản tối đa hóa yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông[xxxi].
[i] Công ước Liên hợp quốc về Luật biển, 1982. Điều 121 (3).
[ii] Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Tuyên bố của Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về chủ quyền lãnh thổ, các quyền và lợi ích biển của Trung Quốc tại Biển Đông ngày 12/7/2016. http://www.fmprc.gov.cn/mfa_eng/zxxx_662805 / t1379493.shtml.
[iii] Alliance News, Diễn đàn Năng lượng để hủy bỏ cổ phiếu để có khả năng thu mua Philex, ngày 15/5/2015. http://www.morningstar.co.uk/uk/news/AN_1431696400003978 100/forum-energy-to-cancel-shares-to-facilitate-philex-takeover-bid-.aspx.
[iv] Tòa án trọng tài được chính thức thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, Tòa trọng tài thường trực 2013-19. Tài liệu trực tuyến có tại http://www.pcacases.com/web/view/7 [truy cập ngày 24/5/2018].
[v] Tòa Trọng tài Thường trực, Phán quyết về vấn đề Biển Đông, Vụ kiện số 2013-19. Ngày 12/7/2016, tr. 473.
[vi] Lưu Chấn Dân, phát biểu tại Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện về các tranh chấp ở Biển Đông, Bắc Kinh ngày 13/7/2016. http://www.scio.gov.cn/32618/Document/1483804/1483804.htm [truy cập ngày 24/5/2018].
[vii] Họp báo thường kỳ của Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Lục Khảng ngày 17/5/ 2018. http://www.fmprc.gov.cn/mfa_eng/xwfw_665399/s2510_665401/t1560357.shtml.
[viii] Andrew Chubb, Xác định đường chín đoạn sau phán quyết: rõ ràng hơn và phức tạp hơn. Thảo luận về Biển Đông. Ngày 24/5/2018. https://southseaconversations.wordpress.com/2016/07/20/defining-the-post-arbitration-nine-dash-line-more-clarity-and-more-complication/
[ix] Kuan-Ming Sun, ‘Chính sách năm 1995 của Trung Hoa Dân Quốc đối với Biển Đông’. Chính sách hàng hải tập 19. Kỳ 5: 401.
[x] Kristen Nordhaug, ‘Chính sách của Đài Loan tại Biển Đông 1988-99”. Tạp chí Thái Bình Dương Tập 14. Kỳ 4 (2001): 496; Yann-huei Song và Peter Kien-hong Yu, ‘“Vùng nước lịch sử” của Trung Quốc tại Biển Đông: Một phân tích từ Đài Loan, Trung Hoa Dân Quốc’. Tạp chí American Asian Tập 12. Kỳ 4 (1994): 83-101.
[xi] Nordhaug (2001), tr. 506.
[xii] Christopher C. Joyner, ‘Tranh chấp quần đảo Trường Sa: Vai trò nào trong việc bình thường hóa quan hệ giữa Trung Quốc và Đài Loan?’ Tạp chí New England Law Tập 32. Kỳ 3 (1998): 827; Song và Yu (1994).
[xiii] Randall C. Thompson, giao tiếp cá nhân với tác giả.
[xiv] Daniel J. Dzurek, điện đàm cá nhân với tác giả, ngày 02/12/2013.
[xv] Daniel J. Dzurek, ‘Tranh chấp quần đảo Trường Sa: nước nào khởi đầu trước’? Tóm lược hàng hải Tập 2. Kỳ 1, Đơn vị nghiên cứu biên giới quốc tế, Đại học Durham, Vương quốc Anh. 1996.
[xvi] Nordhaug (2001), tr. 498.
[xvii] Kuan-Hlahoma Wang, ‘Các yêu sách và hành động thực tiễn của Trung Hoa Dân Quốc đặc biệt liên quan tới Biển Đông’. Tạp chí Phát triển đại dương và Luật pháp quốc tế, Tập. 41 (2010): 237-252.
[xviii] Sun (1995), như trên.
[xix] Sun (1995), như trên,tr. 403.
[xx] Song và Yu (1994).
[xxi] Bill Hayton, 2018, Nguồn gốc hiện đại của yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Tạp chí Trung Quốc hiện đại. https://doi.org/10.1177/0097700418771678.
[xxii] Chris P.C. Chung, ‘Vẽ đường chữ U: Yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, 1946-1974’. Tạp chí Trung Quốc hiện đại, số 1-35 (2015).
[xxiii] Nordhaug (2001), tr. 497.
[xxiv] Yann-Huei Song và Zou Keyuan, ‘Luật biển của Trung Quốc đại lục và Đài Loan: Sự phát triển, so sánh, ý nghĩa và những thách thức tiềm ẩn đối với Mỹ’. Tạp chí Phát triển đại dương và Luật pháp quốc tế, Tập 31. Kỳ 4 (2000): 311.
[xxv] Mark J. Valencia, Trung Quốc và tranh chấp ở Biển Đông. Oxford: Adelphi Số 298, 1995, tr. 40.
[xxvi] Nordhaug (2001); Song và Zou (2000), tr. 311.
[xxvii] Nordhaug (2001), tr. 292.
[xxviii] Thông tấn xã Trung ương (Đài Loan), ‘Các bộ của Đài Loan họp về xử lý vấn đề Biển Đông’ được dịch tại FBIS-CHI-97-355, ngày 21/12/1997, trích trong Nordhaug (2001), tr. 502.
[xxix] Jacques deLisle, ‘Vùng biển tranh chấp: yêu sách của Trung Quốc và Biển Đông’. Orbis Tập 56. Kỳ 4 (2012): 616.
[xxx] Zou Keyuan, ‘Quyền lịch sử trong Luật quốc tế và hành động thực tiễn của Trung Quốc. Tạp chí Phát triển đại dương và Luật pháp quốc tế, Tập. 32 (2001): 160.
[xxxi] Kimberly L. Wilson, ‘Chính sách của Đảng và Bản sắc dân tộc trong yêu sách của Đài Loan đối với Biển Đông’. Khảo sát châu Á, Tập. 57. Kỳ 2 (2017): 292.