Trung tuần tháng 11/2018, tờ báo điện tử Asia Timescó đưa hình ảnh từ vệ tinh chụp được về một dự án do nhà đầu tư Trung Quốc thực hiện trên lãnh thổ phía Tây Nam, giáp biển của Campuchia, cho thấy một đường băng sân bay đang hình thành, kèm theo một bình luận đáng để dư luận chú ý là “đường băng sân bay dường như dài hơn nhiều so với nhu cầu hạ cánh của máy bay dân sự”. Tìm hiểu về dự án trên, người ta mới biết rằng: Tập đoàn Phát triển Liên minh Union, một tập đoàn kinh tế tư nhân của Trung Quốc có tên tiếng Anh là Union Development Group (UDG) đang đầu tư vào tỉnh Koh Kong của Campuchia hai dự án trị giá tiền tỷ USD. Theo như cả phía nhà đầu tư Trung Quốc lẫn quan chức chính quyền Campuchia khẳng định, đây là các dự án phát triển kinh tế tại Koh Kong. Nhưng không hiểu sao, dư luận quốc tế vẫn không tin lắm, người ta đang nghi ngờ có điều gì đó “uẩn khúc” trong hai dự án tầm cỡ này.
Một dự án do Trung Quốc đầu tư ở Sinhanoukville (Ảnh minh họa: Washington Post)
Về dự án thứ nhất, đó là ý tưởng xây dựng “Thị trấn nghỉ dưỡng, du lịch” ở tỉnh Koh Kong theo như cách gọi của UDG và, quan chức của tập đoàn này tiết lộ rằng: Dự án nhằm phát triển du lịch, nghỉ dưỡng tại vùng đất Tây Nam Campuchia, thu hút khách du lịch Trung Quốc “lắm tiền, nhiều của” tới đây đánh bạc, chơi Golf và nghỉ dưỡng. Dự án được UDG bỏ ra 1,2 tỷ USD vốn đầu tư nhằm hình thành ở đây một sân bay quốc tế và một khu du lịch, nghỉ dưỡng bao gồm nhiều khách sạn hạng sang, văn phòng, công viên giải trí… trên một diện tích đất lên tới 1.200 hec-ta. Dự án đã khởi công được vài năm và một sân bay đang thành hình, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2020.
Còn dự án thứ hai rộng hơn và trị giá lớn hơn và không ở đâu xa. Đó cũng là dự án du lịch, nghỉ dưỡng nhưng nằm bên bờ biển tỉnh Koh Kong, được đặt tên là Darasaker với vốn đầu tư lên tới 3,8 tỷ USD, nhằm xây dựng nhiều sòng bạc, một số nhà máy công nghiệp và một cảng thương mại nước sâu ven bờ biển có chiều dài chiếm tới 20% chiều dài bờ biển của Campuchia và trên một diện tích rộng tới 45.000 hec-ta, phục vụ cho hoạt động nghỉ dưỡng và giao thương hàng hóa đường biển.
Cả hai dự án trên của UDG đều được chính phủ Campuchia đồng ý cho thuê đất từ năm 2008 với giá thuê khoảng 1 triệu USD/năm trong thời hạn 99 năm, có nghĩa phải đến năm 2108, UDG mới phải trả dự án lại cho chính quyền Campuchia.
Xét về khía cạnh kinh tế, cả nhà đầu tư Trung Quốc và chính quyền Campuchia đều có lợi do hai dự án mang lại. Chỉ sơ bộ tính như sau: Trước đây, Trung Quốc đã đầu tư dự án xây dựng nhà nghỉ dưỡng, sòng bạc tại thành phố Sihanoukaville của Campuchia đã mang lại hiệu quả cao. Tính riêng năm 2017, dự án đã thu hút tới 120.000 du khách Trung Quốc tới “nghỉ dưỡng”, đông tới mức người ta phải ngạc nhiên vì nhiều hơn số dân sở tại của cả thành phố này (khoảng 90.000 người). Nếu cứ chỉ tính khách Trung Quốc chi tiêu 1.000 USD/người cho việc sinh hoạt, ngủ nghỉ, ăn uống ở đây thì mỗi năm, riêng thành phố này đã thu cả trên trăm triệu USD rồi, chưa tính đến nguồn thu từ các sòng bác. Như vậy, tại Koh Kong nếu có dự án tương đương hoặc lớn hơn dự án ở Sihanoukaville thì đương nhiên, nhà đầu tư và chính quyền Campuchia “trúng quả đậm”. Song, nếu chỉ có thế thì dư luận hồ nghi làm gì. Điều đáng nói là có sự “uẩn khúc” sau:
Về sân bay mà tờ báo điện tử Asia Times đưa tin, bình luận, không hiểu sao ông Gregory Poling, Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) lại có số liệu để nói rằng: “Đường băng của dự án có chiều dài 3.400 m, lớn hơn sân bay quốc tế ở Phnom Penh và có thể chứa bất kỳ máy bay nào của không quân Trung Quốc”. Có nhà nghiên cứu quân sự đã tra cứu và phát hiện ra là, đến máy bay dân sự Boeing 787-900, loại máy bay chở khách khổng lồ nhất cũng chỉ cần hạ cánh trên đường băng dài 2.800 m. Ồ! Thế hóa ra đường băng dài 3.400 m là để phục vụ máy bay chiến đấu hạ cánh à??? Thiên hạ người ta nghi ngờ là như thế.
Lại nói về cái cảng nước sâu bên bờ biển Koh Kong, thực chất là một cảng biển nằm bên bờ Biển Đông do Trung Quốc đầu tư xây dựng thì hẳn nhiên người ta phải nghĩ nó nằm trong danh mục xây dựng cơ sở hạ tầng cảng biển của sáng kiến “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21” rồi. Mà trong cái sáng kiến đó, thiên hạ cũng biết rõ ý đồ kiểm soát đại dương của Trung Quốc là “dân sự đi trước, quân sự theo sau”. Theo đó, cảng thương mại kia này sẽ là cảng lưỡng dụng, trước mắt đáp ứng cho nhu cầu thương mại hàng hóa, tàu có tải trọng hàng vạn tấn có thể cập bến, nhưng tương lai khi cần đến sẽ chuyển thành cảng quân sự một cách dễ dàng. Không cần phải hồ nghi đoán định làm gì cho mất thời gian vì chỉ xét vị trí của cảng này đã thấy Trung Quốc tính toán sâu xa thế này: Thứ nhất, cảng biển Koh Kong nằm ở bờ Bắc vịnh Thái Lan, trông thẳng sang bờ Nam vịnh mà ở đó không lâu nữa như dự tính, Trung Quốc sẽ cùng người Thái đào một con kênh tương tự như kênh đào Panamaxuyên qua dải đất hẹp nhất của miền Nam Thái Lan, gọi là kênh Kra nối thông Ấn Độ Dương với vịnh này. Khi đó, hàng hóa Trung Quốc với 70% trong đó là dầu mỏ nhập khẩu về khỏi phải đi qua eo biển Malacca làm gì cho xa xôi, lại còn dễ bị “cướp biển” đe dọa. Khi đó, cảng Koh Kong bên này đón tàu hàng Trung Quốc qua lại quá tiện, còn nếu có tàu quân sự neo đậu tại chỗ để yểm trợ nữa thì “cướp biển” nào dám lai vãng. Thứ hai, cảng này nằm bên bờ Biển Đông, nhưng nó lại nằm trong vịnh Thái Lan, chứ không lộ rõ như cảng Cam Ranh hay cảng Trạm Giang, nên khi cần khống chế Nam Biển Đông để “dằn mặt” mấy ông bạn láng giềng trong cái thế tranh chấp “năm nước sáu bên” ở Biển Đông với Trung Quốc, hay “dạy cho Đài Loan một bài học” về cái tội “ly khai” từ hướng nam thì Trung Quốc giấu binh ở đây là thượng sách. Thứ ba, trong “Chuỗi ngọc trai” là các cảng biển Trung Quốc xây dựng dọc theo con đường tơ lụa trên biển, đã có Djibouti ở vùng Sừng châu Phi, có Hambantota ở Sri Lanka,có Kyaukpyu ở Myanmar.Nếu không có Koh Kong của Campuchia thì sao kết nối thành “chuỗi” được. Thế trận quân sự liên hoàn, trước mắt là “chuỗi” hậu cần bảo đảm theo kiểu Khổng Minh, Chu Du thời Tam Quốc làm sao kết nối được khi “cường quốc đại dương” Trung Quốc thể hiện vai trò. Cái vai trò mà ông Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch Trung Quốc muốn ra mắt thiên hạ chỉ còn thời hạn có 30 năm chuẩn bị nữa mà thôi. Ba điều tính toán trên không che mắt được mấy ông Mỹ thông qua Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng lên tiếng rằng, “Trung Quốc có động cơ sâu kín khi đang đầu tư vào Campuchia chứ không chỉ vì muốn lợi ích kinh tế đôi bên cùng có lợi như họ tuyên bố”. Thậm chí, tổ chức này còn nhận xét, “bằng cách nắm giữ các cảng biển ở Campuchia, Bắc Kinh có thể tiếp cận nhiều hơn các tuyến thương mại hàng hải và thậm chí tiếp sức cho những yêu sách chủ quyền phi lý ở các vùng biển trong khu vực”. Nhận được những thông tin trên, ông Mike Pence buộc phải gửi cho Thủ tướng Campuchia Hun Sen một bức thư, cảnh báo về việc sẽ có một căn cứ hải quân của Trung Quốc ở Campuchia.
Đương nhiên,Thủ tướng Campuchia Hun Sen và nhiều quan chức có trách nhiệm của chính quyền Campuchia như Bộ trưởng Ngoại giao, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng phải bác bỏ thông tin trên, cho đó là bịa đặt và tốt nhất, không có gì hơn là lấy Hiến pháp Campuchia ra mà thề vì bản Hiến pháp của nước này có quy định cấm quân đội nước ngoài hiện diện trên lãnh thổ Campuchia.
Kể ra, ngay lúc này mà bảoCampuchia cho Trung Quốc đặt căn cứ quân sự trên đất họ thì quả là hơi quá, vì con người thông minh, mưu lược như Hun Sen không dễ dàng chịu để Trung Quốc hành xử theo ý họ. Hun Sen cũng thừa hiểu nếu có căn cứ quân sự của bất cứ nước nào ở Campuchia cũng đều là tai họa cho đất nước ông vì “nước xa không cứu được lửa gần”. Chẳng qua vì đất nước Khmer quá nghèo, đang nợ Trung Quốc chồng chất tới 6 tỷ USD trong khi tổng thu nhập quốc dân chỉ có 20 tỷ USD một năm, nên buộc lòng phải chiều Trung Quốc vào đầu tư đấy thôi. Vả lại, Hun Sen cũng là nhà nghiên cứu chiến lược “lõi đời”, nhất là nghiên cứu chiến lược Trung Quốc. Cuốn sách gối đầu giường mà ông rất tâm đắc chính là cuốn Tam Quốc Diễn Nghĩa, mọi thứ triết lý và phép dụng binh của người Trung Quốc đều nằm trong cuốn sách đó cả. Do vậy, chả cần người Mỹ cảnh báo, Thủ tướng Hun Sen cũng biết điều gì đang và sẽ xảy ra để có cách “hóa giải”. Song sự đời nhiều khi không theo ý chí của một cá nhân, còn phụ thuộc khá nhiều vào cục diện bên ngoài, bên trong mà chính cuốn sách trên đã tổng kết là “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. E rằng Thủ tướng Campuchia rồi cũng rơi vào thế “lực bất tòng tâm” giống như Sri Lanka mà thôi.