Friday, November 29, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaCách để chống lại tham vọng của TQ ở Biển Đông

Cách để chống lại tham vọng của TQ ở Biển Đông

Biendong.net xin giới thiệu bài viết của tác giả Stephen R. Nagy, Khoa Nghiên cứu Chính trị và Quốc tế, Đại học quốc tế Christian, Tokyo về cách thức chống lại tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông, trong đó ASEAN và Bộ Tứ cần thể hiện vai trò mạnh mẽ hơn.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy đá Chữ Thập bị Trung Quốc cải tạo phi pháp thành đảo nhân tạo chỉ trong vòng chưa đầy 2 năm. Ảnh: DigitalGlobe

Quan hệ giữa Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong vấn đề Biển Đông dường như đang được cải thiện. Trong khu vực, người ta nói đến hợp tác kinh tế và khoa học, khai thác chung tài nguyên biển, bộ quy tắc ứng xử. Nhưng thực tế hoàn toàn khác và chúng ta không thể quên một điều cốt yếu: Sự mất cân xứng về công nghệ và quân sự, những cơ hội và nguy hiểm của việc khai thác chung… có lợi cho Bắc Kinh!

Tháng 11/2018, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thực hiện chuyến thăm Philippines, chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo Trung Quốc tới Philippines trong 13 năm. Sự kiện này đánh dấu đỉnh cao của mối quan hệ Trung Quốc – Philippines, mang lại những hứa hẹn kinh tế từ Trung Quốc cũng như một thỏa thuận về việc cùng khai thác bãi cạn Scarborough mà cả Bắc Kinh lẫn Manila đều yêu sách chủ quyền.

Tình hữu nghị ngoài mặt này giữa Tập Cận Bình và Rodrigo Duterte cần được hiểu đúng. Giai đoạn trước khi có phán quyết của Tòa Trọng tài tại La Hay vào tháng 7/2016, theo đó những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông bị bác bỏ, quan hệ hữu nghị giữa hai nước ở một mức thấp lịch sử. Với việc Rodrigo Duterte thắng cử tổng thống và tuyên bố về thất bại của Mỹ ở Biển Đông trong chuyến thăm cấp nhà nước của ông tới Bắc Kinh, tiếp sau đó Tổng thống Philippines đã được Trung Quốc cam kết viện trợ 24 tỷ USD để giúp Philippines phát triển cơ sở hạ tầng và nền kinh tế. Hai nước cũng đã đồng ý gạt những tranh chấp lãnh thổ sang một bên để tập trung vào hợp tác và ổn định mối quan hệ song phương.

Mối quan hệ Trung Quốc – Philippines đã có một bước ngoặt tích cực trên nhiều điểm khi những hứa hẹn về kinh tế của Trung Quốc bắt đầu được thực hiện trên lãnh thổ Philippines. Cho đến nay, 800 triệu USD có lẽ đã được Trung Quốc đầu tư vào Philippines. Do những cam kết kinh tế lớn nhất liên quan đến phát triển các cơ sở hạ tầng, nên phải nhiều năm nữa mới có thể nhận thấy và đánh giá những kết quả đầu tiên. Cũng vì vậy, vẫn tồn tại những hoài nghi rằng liệu Trung Quốc có cung cấp đầy đủ số vốn đã hứa hẹn, đặc biệt nếu như Manila tăng cường các quan hệ với Mỹ và/ hoặc Nhật Bản, hoặc nếu như Chính phủ Philippines lại tiếp tục những yêu sách về lãnh thổ gây tranh cãi (theo quan điểm của Bắc Kinh).

Cho dù người ta hoan nghênh sự hòa dịu giữa Manila và Bắc Kinh, vẫn còn đó nỗi ám ảnh liên quan tới việc phát triển cơ sở hạ tầng và việc tất cả các dự án, trên thực tế, đều do các công ty Trung Quốc điều hành. Nhiều người cho rằng những hứa hẹn của Trung Quốc không hề mang lại lợi ích cho người dân Philippines, mà chỉ có lợi cho các công ty Trung Quốc xây dựng các con đường của Trung Quốc – trên lãnh thổ Philippines – bằng tiền của Trung Quốc.

Nếu sự mất cân bằng này giảm bớt, sự trợ giúp của Trung Quốc có thể sẽ bớt tai tiếng. Nếu không, những chỉ trích có thể lan tới những dự án gắn với Sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Thực vậy, ngày càng có nhiều nước dính dáng tới dự án này xem xét lại sự tham gia của họ khi nhận thấy các công ty Trung Quốc kiếm lợi nhiều nhất, còn các công ty địa phương thua thiệt. Việc Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad quyết định rút khỏi Con đường tơ lụa mới là một minh chứng cho điều có thể trở thành xu hướng chung nếu những hứa hẹn về kinh tế của Tập Cận Bình không được thực hiện, và nếu các đối tác địa phương không được hưởng lợi trực tiếp từ những dự án xung quanh Sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Philippines cũng sẽ không phải là ngoại lệ.

Về mặt lãnh thổ, những người phản đối các chính sách của Tổng thống Rodrigo Duterte coi động thái hòa hoãn của ông với Trung Quốc là một tai họa đối với yêu sách chủ quyền của Philippines ở Biển Đông. Họ cho rằng việc đặt vấn đề lãnh thổ sang một bên, và việc Manila giữ khoảng cách với Washington chứng tỏ một sự ngây thơ nào đó và việc thiếu một chiến lược dài hạn.

Tuy nhiên, chính sách ngoại giao của Duterte đã cho phép Philippines đồng thời nhận được những nguồn lực vật chất và tài chính từ Nhật Bản, Trung Quốc và gián tiếp từ Mỹ. Thực vậy, Nhật Bản đã cung cấp các tàu cho lực lượng Cảnh sát biển Philippines để giúp nước này quản lý và kiểm soát các lãnh thổ của mình. Nhật Bản cũng tham gia các cuộc tập trận chung trên không và trên biển với Philippines. Cuối cùng, những hoạt động đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào Philippines đã phần nào tăng lên, Tokyo và Manila cũng tăng cường hợp tác song phương hướng tới một quan hệ đối tác chiến lược.

Mỹ tiếp tục hợp tác với quân đội Philippines để đối phó với những phần tử cực đoan ở tỉnh Mindanao (phía Nam Philippines) và những vấn đề nhức nhối khác. Bất chấp những tuyên bố về sự rạn nứt giữa Manila và Washington, một sự phối hợp mạnh mẽ về mặt thể chế giữa Philippines và Mỹ, cũng như một sự hợp tác và trao đổi phù hợp với quy chế đồng minh vẫn được duy trì.

Ngoài việc phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng các trung tâm cai nghiện và xoa dịu những hành động khiêu khích liên quan tới bãi cạn Scarborough, Trung Quốc và Philippines đã thỏa thuận về việc cùng khai thác các vùng lãnh thổ đang tranh chấp. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng những thỏa thuận này hiện vẫn còn nằm trên giấy.

Điều đáng chú ý là việc khai thác chung nguồn tài nguyên biển và việc lựa chọn Biển Đông làm vùng biển khai thác chủ đạo là những nội dung chính trong quan hệ hợp tác trên biển giữa Trung Quốc và Philippines. Đây là cơ hội để hai nước triển khai công nghệ tinh xảo nhất nhằm tăng cường sự kiểm soát lĩnh vực khai thác tài nguyên dưới biển. Cụ thể, đằng sau sự hợp tác và chính sách “ngoại giao khoa học”, Bắc Kinh có thể tăng cường sự hiểu biết về môi trường dưới Biển Đông thông qua việc đo lường các dòng hải lưu, những biến đổi về nhiệt độ và địa hình đáy biển. Những thông tin này rất quan trọng để một hạm đội tàu ngầm có thể vận hành một cách tốt nhất. Việc khai thác chung nguồn tài nguyên biển nói trên cũng cho phép Trung Quốc thực hiện các mục tiêu bá quyền mang tính chiến lược ở Biển Đông, và khai thác các nguồn năng lượng và các nguồn tài nguyên của vùng biển này.

Những thách thức liên quan tới vấn đề tranh chấp lãnh thổ đã rõ ràng đối với các nước ASEAN, đặc biệt là Việt Nam và Philippines. Với sự thống trị trên biển và dưới biển thông qua việc xây dựng các đảo nhân tạo được quân sự hóa, Trung Quốc đã kiểm soát phần lớn Biển Đông và củng cố những bước tiến chiến lược đã đạt được kể từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012.

Các nước ASEAN cần khuyến khích các nước ngoài khu vực, như Bộ Tứ (Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ) tăng cường các chuyến viếng thăm tới khu vực. Nhờ vậy, họ có thể chỉ ra rằng không có quốc gia nào có ưu thế tuyệt đối, cho dù bằng cách xây dựng các đảo nhân tạo hay các căn cứ ngầm dưới biển. Bộ Tứ có thể là một thể chế hữu ích để thực hiện sáng kiến này, cho dù Ấn Độ còn ngần ngại đưa ra một lập trường mạnh mẽ đối với những động thái trên biển và dưới biển, vì nước này đã chấp nhận chiến thuật vùng xám, trong đó có chính sách “ngoại giao khoa học”.

Việc đưa các cường quốc ngoài khu vực trở thành những nước đối trọng với Trung Quốc cần được thực hiện một cách tích cực, có thể bao gồm các nước Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương như Australia, Pháp, Nhật Bản và Ấn Độ, và cả những nước có khả năng phối hợp hành động như Anh, Canada và New Zealand.

Sự tham gia của những nước này không nên chỉ giới hạn trong lĩnh vực an ninh. Các nước ASEAN cần khuyến khích các chính phủ xây dựng và thực hiện các dự án đa phương trong lĩnh vực khai thác tài nguyên dưới biển nhằm đảm bảo việc chia sẻ nguồn tài nguyên ở Biển Đông và đưa chủ nghĩa đa phương trở thành yếu tố trọng tâm trong chính sách kinh tế của khu vực vốn có vị thế chiến lược đối với giao thông và các nguồn tài nguyên biển và năng lượng.

Sự hợp tác đa phương có thể bao gồm Bộ Tứ và Bộ Tứ 2.0, cũng như các nước ASEAN và Trung Quốc. Điều này sẽ gửi một tín hiệu mạnh mẽ đến Bắc Kinh, nhấn mạnh mong muốn của các bên liên quan trong và ngoài khu vực hợp tác với Trung Quốc nếu các nhà lãnh đạo nước này theo đuổi con đường chủ nghĩa đa phương. Đồng thời, sự hợp tác giữa các nước gia ASEAN, Bộ Tứ và Bộ Tứ 2.0 sẽ cho phép đảm bảo rằng lĩnh vực khai thác tài nguyên dưới Biển Đông không trở thành miếng mồi cho chính sách “ngoại giao khoa học” được cho là đảm bảo sự bá quyền của Trung Quốc trong khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới