Monday, January 13, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaĐối phó với kế hoạch triển khai nhà máy điện hạt nhân...

Đối phó với kế hoạch triển khai nhà máy điện hạt nhân của TQ ở Biển Đông

Trong thời gian qua, một số phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về việc Trung Quốc đang thực hiện kế hoạch phát triển và triển khai các nhà máy điện hạt nhân nổi ra Biển Đông vào năm 2020. Kế hoạch này, nếu được thực hiện, sẽ gây ra nhiều tác động nghiêm trọngvề môi trường, an ninh cho các nước trong và ngoài khu vực. Vì vậy, nghiên cứu, đánh giá những tác động mà kế hoạch đó mang lại để có thể đưa ra các biện pháp ngăn chặn và đối phó kịp thời là hết sức cần thiết.

Mô hình một nhà máy điện hạt nhân nổi (Ảnh: Chinapower)

Tháng 4/2016, tờ Thời báo Hoàn cầu đưa tin Trung Quốc sẽ xây dựng 20 nhà máy điện hạt nhân di động để phục vụ nhu cầu năng lượng trong nước và các đảo. Báo này dẫn lời một chuyên gia hải quân Trung Quốc rằng các nhà máy này có khả năng cung cấp nguồn điện ổn định cho các hải đăng, khử muối nước biển, công tác cứu hộ, phục vụ các vũ khí phòng vệ, sân bay và hải cảng trên các đảo của Trung Quốc nằm trong biển Hoa Nam (Biển Đông).

Từ thời gian đó cho đến cuối năm 2017, Chuyên san An ninh quốc gia Trung Quốc, Tạp chí Chứng khoán Trung Quốc, Trang tin điện tử Kỹ thuật Năng lượng đưa thêm một số nội dung đáng chú ý:

– Trung Quốc đang xây dựng các nhà máy điện hạt nhân nổi để “thúc đẩy phát triển thương mại” trên Biển Đông.

– Tập đoàn hạt nhân quốc gia Trung Quốc (CNNC) và Tập đoàn điện hạt nhân Trung Quốc (CGN) đã công bố kế hoạch cùng xây dựng 20 nhà máy điện hạt nhân nổi để đưa ra Biển Đông và nhà máy đầu tiên sẽ được triển khai vào năm 2020.

– Các nhà máy điện hạt nhân nổi sẽ không chỉ cung cấp điện, nước đã khử muối cho các đảo mà Trung Quốc kiểm soát mà còn hỗ trợ cho các hoạt động thăm dò dầu khí của Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC – chủ sở hữu giàn khoan HD 981); đồng thời, phục vụ cho “mục tiêu nâng cao năng lực điện hạt nhân của Trung Quốc để phù hợp với tham vọng trở thành cường quốc biển”.

Thông tin mà báo chí Trung Quốc đăng tải cho thấy Trung Quốc đang khẩn trương thực hiện kế hoạch triển khai các nhà máy điện hạt nhân nổi của Trung Quốc ở Biển Đông và cố ý công khai kế hoạch này để thăm dò dư luận và phản ứng của các nước trong và ngoài khu vực.

Ngày 16/5/2018, Bộ Quốc phòng Mỹ đã đệ trình lên Quốc hội Mỹ bản báo cáo thường niên với tiêu đề “Diễn biến quân sự và an ninh liên quan đến Cộng hòa nhân dân Trung Hoa” trong đó có đoạn viết: “Các kế hoạch cung cấp điện cho các hòn đảo này (các đảo trên Biển Đông) có thể đưa thêm yếu tố hạt nhân vào các tranh chấp lãnh thổ. Năm 2017, Trung Quốc cho biết họ đang chuẩn bị các kế hoạch cung cấp điện cho các đảo và đá ở khu vực Biển Đông bằng các nhà máy điện hạt nhân nổi; việc triển khai này sẽ bắt đầu trước năm 2020”.

Một số báo và tạp chí như Bloomberg, Time Magazine, Business Insiders, Foreign Policy và South China Morning Post cũng đã đưa thông tin về kế hoạch của Trung Quốc triển khai các nhà máy điện hạt nhân ở Biển Đông.

Chương trình điện hạt nhân nổi của Trung Quốc: Từ năm 2011, sau khi Nga công bố dự án nhà máy điện hạt nhân nổi Akademik Lomonosov, Trung Quốc cho biết họ đang xem xét hợp tác với Tập đoàn năng lượng nguyên tử quốc gia Nga (ROSATOM) để lắp đặt các lò phản ứng của Nga lên các tàu kéo để làm nhà máy điện hạt nhân nổi (đó là nhà máy điện hạt nhân được đặt trên sà lan hoặc ụ tàu nổi trên biển).

Năm 2016, Trung Quốc công bố dự án nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên hoàn toàn dựa trên công nghệ trong nước.Các đơn vị triển khai là Tập đoàn Điện hạt nhân Trung Quốc (CGN), Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) và Tập đoàn Công nghiệp đóng tàu Trung Quốc (CSIC). Nhà máy điện hạt nhân này sử dụng loại lò phản ứng ACPR50S với công suất nhiệt 200 MWe và công suất điện 60 MWe do CGN tự thiết kế.

Năm 2017, Trung Quốc triển khai một dự án điện hạt nhân nổi khác do Công ty điện hạt nhân quốc gia Trung Quốc (CNNP – một công ty con của Tập đoàn hạt nhân quốc gia Trung Quốc), các công ty điện lực Chiết Giang và Thượng Hải, và Công ty đóng tàu Giang Nam thực hiện. Dự án này sử dụng lò phản ứng ACP100S với công xuất nhiệt 310 MWe và công suất điện 100 MWe do CNNC thiết kế và chế tạo với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tập đoàn tư vấn kỹ thuật Lloyd’s Register của Anh.

Chương trình xây dựng 20 nhà máy điện hạt nhân nổi của Trung Quốc đã được bắt đầu triển khai vào năm 2017 và dự kiến sẽ hoàn thành nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên vào năm 2020. Các nhà máy này có thể được đưa ra một số địa điểm gần các đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa.

Những nhà máy điện hạt nhân nổi mà Trung Quốc dự định triển khai ở Biển Đông có nhiều rủi ro về an toàn, an ninh hạt nhân vì một số lý do sau đây:

– Trung Quốc chưa bao giờ thiết kế và đóng tàu chạy bằng năng lượng nguyên tử; kinh nghiệm của Trung Quốc trong việc sử dụng lò phản ứng hạt nhân trên tàu ngầm, tàu chiến và tàu tuần dương hạm còn hạn chế, vì vậy, nên không đủ kinh nghiệm để thiết kế, xây dựng, vận hành và quản lý các nhà máy điện hạt nhân nổi.

– Hệ thống pháp quy hạt nhân của Trung Quốc về nhà máy điện hạt nhân nổi chưa đầy đủ; nguồn lực của các cơ quan quản lý hạt nhân và năng lực thẩm định an toàn của Cơ quan pháp quy hạt nhân Trung Quốc còn hạn chế.

– Nếu được triển khai ở Biển Đông, các nhà máy điện hạt nhân nổi do Trung Quốc thiết kế và chế tạo dễ gặp sự cố, hư hại, lật chìm do điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở khu vực biển này, một khu vực có nhiều sóng thần, bão tố và lốc xoáy và do dễ xảy ra va chạm do mật độ tàu thuyền qua lại rất cao.

– Do nằm cách xa bờ và trong điều kiện khắc nghiệt ở Biển Đông, Trung Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý sự cố hạt nhân trên các nhà máy điện hạt nhân nổi và giải quyết hậu quả của của các sự cố này.

Việc triển khai kế hoạch đưa các nhà máy điện hạt nhân nổi ra Biển Đông cho thấy Trung Quốc quyết tâm thực hiện đến cùng mục tiêu lâu dài của họ là độc chiếm Biển Đông, biến Biển Đông thành ao nhà của mình. Kế hoạch này là một trong những nỗ lực cụ thể hóa mục tiêu lâu dài đó. Bên cạnh nhiệm vụ cung cấp điện, nhiệt và nước được khử mặn cho các đảo, căn cứ quân sự, các giàn khoan dầu khí ở Biển Đông, các nhà máy điện hạt nhân nổi của Trung Quốc còn được sử dụng để khẳng định chủ quyền, củng cố sự hiện diện trên Biển Đông và phục vụ cho mưu đồ làm chủ Biển Đông trên thực địa.

Các nhà máy điện hạt nhân nổi mà Trung Quốc dự định triển khai ở Biển Đông sẽ tạo ra một số thách thức nghiêm trọng cho cả khu vực.

– Về môi trường, bất kỳ những sự cố nào xảy ra với các nhà máy điện hạt nhân nổi như tràn phóng xạ ra biển, hư hại khoang chứa lò phản ứng, lật chìm tàu do bão hay va chạm với các tàu thuyền đi qua đều có tác động nghiêm trọng đối với môi trường biển, hệ sinh thái biển và tài nguyên cá trong toàn bộ khu vực Biển Đông. Khi bị rò rỉ phóng xạ, bão và gió ở Biển Đông sẽ nhanh chóng phát tán bụi hạt nhân vào đất liền, hàng trăm triệu người dân ven Biển Đông sẽ phải đối diện với nguy cơ phơi nhiễm phóng xạ. Ngay trong điều kiện hoạt động bình thường thì lượng nước thải phóng xạ ra biển từ các nhà máy điện hạt nhân nổi, nhiệt độ nước tăng cao do sự phát nhiệt của các nhà máy này cũng sẽ làm tổn hại đến hệ sinh thái trong toàn bộ khu vực xung quanh nhà máy.

– Về kinh tế, trong trường hợp có sự cố hạt nhân, các hệ sinh thái biển, đặc biệt là nguồn hải sản và sinh vật biển sẽ bị tàn phá, hủy diệt hàng loạt; xuất khẩu thủy sản của các nước ven Biển Đông, trong đó có Việt Nam, sẽ bị đình trệ do nguồn cá bị nhiễm phóng xạ; giao thông thương mại trên Biển Đông có thể bị tê liệt hoàn toàn.

– Về an ninh, việc triển khai các nhà máy điện hạt nhân nổi, thiết lập các vùng an toàn xung quanh các nhà máy này sẽ làm nổi lên vấn đề an ninh trên Biển Đông. Sau khi đưa các nhà máy này ra Biển Đông, Trung Quốc sẽ viện cớ thực thi các biện pháp bảo đảm an toàn và an ninh để tăng cường sự hiện diện của các lực lượng vũ trang trong các vùng biển tranh chấp, làm cho tình hình khu vực thêm căng thẳng, tạo thêm thách thức đối với hòa bình, ổn định trong khu vực.

– Về quân sự, việc triển khai các nhà máy điện hạt nhân nổi trên Biển Đông có ý nghĩa chiến lược quan trọng về quân sự. Các nhà máy này là một công cụ để Trung Quốc tăng cường sự hiện diện trên Biển Đông; tăng cường kiểm soát và khống chế Biển Đông trên thực tế; giúp cho quân đội Trung Quốc có nguồn năng lượng bền vững để phục các lực lượng hải quân, không quân, các hoạt động quân sự hóa Biển Đông; tạo vị thế và tăng tiềm lực quốc phòng cho tiền đồn quân sự mà họ xây dựng tại Biển Đông. Tờ Thời báo Hoàn Cầu cho rằng “mỗi đảo nhân tạo có một nhà máy điện hạt nhân di động sẽ tương đương với một tàu sân bay hạt nhân”.

– Về chủ quyền, triển khai điện hạt nhân nổi ở Biển Đông là một biện pháp để Trung Quốc khẳng định chủ quyền; thực hiện ý đồ dần dần làm chủ Biển Đông trên thực địa; và là một bước tiến mới trong quá trình hiện thực hóa tham vọng độc chiếm Biển Đông.

Để ngăn chặn vấn nạn này, các nước trong khu vực và trên thế giới cần chung sức trên cơ sở vận dụng các nguyên tắc và quy định của luật pháp quốc tế để đối phó với kế hoạch này của Trung Quốc ở Biển Đông, cụ thể:

i) Trong văn bản DOC năm 2002, Trung Quốc và ASEAN đã cam kết tuân thủ một số nguyên tắc quan trọng, đó là:

– Cam kết thực hiện các mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và những nguyên tắc phổ biến khác của luật pháp quốc tế (điều 1).

– Các bên tái khẳng định sự tôn trọng và cam kết của mình đối với quyền tự do hoạt động hàng hải và hàng không trên vùng trời Biển Đông theo các nguyên tắc được ghi nhận trong luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển 1982 (điều 3).

– Các bên tự kiềm chế không tiến hành các hoạt động có thể gây phức tạp hoặc leo thang tranh chấp, ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định của khu vực (điều 5).

Việc Trung Quốc đưa các nhà máy điện hạt nhân nổi ra vùng biển không thuộc quyền tài phán của Trung Quốc ở Biển Đông rõ ràng là một hành vi gây phức tạp tình hình; gây nguy hiểm cho các hoạt động hàng không và hàng hải của các nước; đe dọa môi trường biển, sinh thái biển và đời sống của hàng trăm triệu người dân ven Biển Đông, và do đó, trái với những cam kết mà Trung Quốc đã ghi nhận trong DOC.

Mặc dù DOC không phải là một văn bản pháp lý có tính ràng buộc, nhưng Trung Quốc cùng với ASEAN đã có những cam kết quốc tế cụ thể, và vì vậy, theo luật pháp quốc tế thì Trung Quốc và các nước ASEAN có nghĩa vụ phải thực hiện các cam kết này một cách thiện chí và tận tâm.

ii) Luật pháp quốc tế trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân có hai nguyên tắc tập quán quan trọng nhất là nguyên tắc chỉ sử dụng năng lượng hạt nhân vào các mục đích hòa bình và nguyên tắc bảo đảm an toàn và an ninh hạt nhân.

-Nguyên tắc chỉ sử dụng năng lượng hạt nhân vào các mục đích hòa bình, các quốc gia có nghĩa vụ không sử dụng năng lượng hạt nhân vào các mục đích quân sự. Việc Trung Quốc sử dụng các nhà máy điện hạt nhân nổi để phục vụ cho các hoạt động quân sự, củng cố các tiền đồn quân sự trên các đảo nhân tạo xây dựng bất hợp pháp và quân sự hóa Biển Đông rõ ràng là trái với nguyên tắc này.

– Nguyên tắc bảo đảm an toàn và an ninh hạt nhân: các quốc gia có nghĩa vụ phải bảo đảm an toàn và an ninh hạt nhân trong quá trình sử dụng năng lượng hạt nhân, trong đó có việc: tiến hành các biện pháp cần thiết về luật pháp, hành chính và các biện pháp khác để bảo đảm an toàn và an ninh hạt nhân và phải thực hiện các cam kết quốc tế khi tiến hành các chương trình hạt nhân của mình; và thực hiện hai nhóm trách nhiệm là trách nhiệm áp dụng tất cả các biện pháp cần thiết nhằm ngăn ngừa sự cố hoặc giảm thiểu hậu quả sự cố do thiết bị hạt nhân, vật liệu hạt nhân gây ra cho môi trường, dân cư trên lãnh thổ quốc gia mình và trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.

Cơ sở để bảo đảm an toàn hạt nhân là những Hướng dẫn của IAEA về các tiêu chuẩn an toàn hạt nhân. Cơ sở bảo đảm an ninh hạt nhân là các quy định của IAEA về bảo đảm an ninh hạt nhân (safeguards).

Các nguyên tắc tập quán nói trên đã được ghi nhận trong các điều ước quốc tế trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân như Công ước về an toàn hạt nhân được thông qua năm 1994 và có hiệu lực năm 1996; Công ước chung về an toàn trong quản lý nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng và an toàn trong quản lý chất thải hạt nhân được thông qua năm 1997 và có hiệu lực từ năm 2011.

iii) Công ước về an toàn hạt nhân (mà Trung Quốc là thành viên) đưa ra các nguyên tắc cơ bản nhằm bảo đảm an toàn đối với các cơ sở hạt nhân, trong đó, Công ước xác định các cơ sở hạt nhân là các nhà máy điện hạt nhân trên đất liền. Tức là về nguyên tắc, Công ước không được áp dụng cho các nhà máy điện hạt nhân nổi trên biển. Tuy vậy, một số nguyên tắc trong Công ước đó đã được nhiều nước chấp nhận và coi việc thực hiện các nguyên tắc này như là một nghĩa vụ pháp lý, do đó, các nguyên tắc đó đã trở thành các tập quán quốc tế, và vì thế, có thể áp dụng cho cả trường hợp các nhà máy điện hạt nhân nổi trên biển. Theo các nguyên tắc này, các quốc gia xây dựng các nhà máy điện hạt nhân cần:

– Tiến hành các biện pháp cần thiết, trong đó có các biện pháp pháp luật và hành chính, để bảo đảm an toàn hạt nhân cho các nhà máy điện hạt nhân (điều 4 và điều 7).

– Thực hiện các biện pháp thích hợp để bảo đảm rằng trong điều kiện vận hành bình thường, mức độ bức xạ được duy trì không vượt quá mức giới hạn theo quy định quốc gia (điều 15).

– Đánh giá các tác động mà một nhà máy điện hạt nhân có thể gây ra đối với sự an toàn của con người, xã hội và môi trường (điều 17.ii).

– Tham khảo ý kiến các quốc gia láng giềng nằm gần dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân nếu các nhà máy đó có khả năng ảnh hưởng đến họ, và trong trường hợp được các quốc gia này yêu cầu, thì phải cung cấp cho các quốc gia đó những thông tin cần thiết cho phép họ tự xem xét, đánh giá về tác động mà các nhà máy điện hạt nhân có thể gây ra đối với sự an toàn trên lãnh thổ của họ (điều 17.iv).

Các nguyên tắc của luật pháp quốc tế trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân có thể được vận dụng để tạo ra những rào cản kỹ thuật về an toàn hạt nhân, góp phần ngăn chặn hoặc làm chậm lại việc triển khai kế hoạch đưa nhà máy điện hạt nhân nổi của Trung Quốc ra Biển Đông.

iv) Các nguyên tắc và quy định trong Công ước Luật Biển 1982 (mà Trung Quốc là thành viên) cũng có thể được vận dụng đối với trường hợp các nhà máy điện hạt nhân nổi.

Điều 192 của Công ước quy định các quốc gia thành viên có nghĩa vụ bảo vệ và giữ gìn môi trường biển. Điều 194 của Công ước quy định các quốc gia thành viên phải tiến hành các biện pháp ngăn ngừa, hạn chế và chế ngự ô nhiễm môi trường biển, trong đó có việc:

– Tiến hành các biện pháp phù hợp để ngăn ngừa, hạn chế và chế ngự ô nhiễm môi trường biển.

– Tiến hành các biện pháp cần thiết để bảo đảm các hoạt động của mình không gây tác hại cho các quốc gia khác và môi trường của họ.

– Thực hiện các biện pháp để ngăn ngừa tất cả các nguồn gây ô nhiễm môi trường biển, đặc biệt là những biện pháp nhằm hạn chế đến mức cao nhất ô nhiễm do các tàu thuyền gây ra; ô nhiễm xuất phát từ các thiết bị hay phương tiện khác hoạt động trong môi trường biển.

Những nguyên tắc và quy định của luật pháp nói trên là cơ sở quan trọng để hình thành những lập luận đấu tranh ngăn chặn và đối phó với kế hoạch triển khai các nhà máy điện hạt nhân nổi của Trung Quốc trên Biển Đông.

Tóm lại, qua những nguồn tin từ Trung Quốc, Mỹ và nghiên cứu của một số học giả, có thể rút ra nhận định rằng Trung Quốc đang quyết tâm thực hiện kế hoạch triển khai các nhà máy điện hạt nhân nổi ra Biển Đông nhằm phục vụ cho nhiều mục tiêu như: khẳng định chủ quyền; tăng cường sự hiện diện trong khu vực biển tranh chấp; cung cấp điện, nhiệt và nước được khử mặn cho các đảo, các căn cứ quân sự, các giàn khoan dầu khí ở Biển Đông; phục cho các hoạt động quân sự hóa Biển Đông.

Chính vì vậy, việc tiến hành các biện pháp để ngăn chặn và đối phó với kế hoạch đưa các nhà máy điện hạt nhân nổi của Trung Quốc ra Biển Đông là hết sức cần thiết và cấp bách.

RELATED ARTICLES

Tin mới