Wednesday, November 27, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaQuan chức Philippines lo ngại bị TQ “xiết nợ” ở Biển Đông

Quan chức Philippines lo ngại bị TQ “xiết nợ” ở Biển Đông

Phó Thẩm phán cao cấp tại Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio đã kêu gọi sự giám sát công khai hơn đối với các thỏa thuận hợp tác kinh tế song phương với Trung Quốc do lo ngại Bắc Kinh có thể tịch thu bãi Cỏ Rong, nếu Manila không không đáp ứng nghĩa vụ cho vay đối với kế hoạch tưới tiêu sông Chico.

Philippines và mối lo bị Trung Quốc bắt nợ

Theo ông Antonio Carpio, trong trường hợp Philippines không thể trả nợ, Trung Quốc có thể thu giữ, để đáp ứng bất kỳ phán quyết trọng tài nào có lợi cho Trung Quốc, “những tài sản dành cho sử dụng thương mại” của chính phủ Philippines. Theo đó, các tài sản nói trên có thể bao gồm tài nguyên ở Biển Đông, chẳng hạn như các tài sản xung quanh bãi Cỏ Rong thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Sau khi ông Antonio Carpio đưa ra tuyên bố trên, Thượng nghị sĩ Philippines Joel Villanueva, một đồng minh của Tổng thống Rodrigo Duterte, đã bày tỏ quan ngại về các thỏa thuận tài chính với Trung Quốc. Ông Joel Villanueva nhấn mạnh Chính phủ không nên được phép “cầm cố tài sản” cho quốc gia láng giềng giàu có hơn; khẳng định “Philippines đã thấy những tác động tiêu cực của kiểu thu xếp này với Trung Quốc ở một số quốc gia nơi Trung Quốc cuối cùng đã kiểm soát tài nguyên và tài sản quan trọng của một đất nước”.

Trong khi đó, Người phát ngôn của Phủ Tổng thống Philippines Salvador Panelo (25/3) tuyên bố thỏa thuận liên quan đến dự án sông Chico trị giá 3,6 tỉ peso là hợp pháp, trung thực và công khai; cho biết các điều khoản là “chuẩn mực giữa người cho vay và người đi vay”; khẳng định “không có gì sai khi sử dụng tài nguyên thiên nhiên làm tài sản thế chấp”, đồng thời trấn an người dân rằng chính phủ sẽ không bao giờ vỡ nợ với các khoản vay từ bất kỳ tổ chức quốc tế nào.

Cả Philippines và Trung Quốc đều đang đẩy nhanh việc hỗ trợ các dự án cơ sở hạ tầng tốn kém, tuy nhiên Bộ trưởng Dioko cho biết Chính quyền của Tổng thống Duterte cũng “rất cẩn thận” khi đánh giá các dự án. Trước hết, sẽ tiến hành các nghiên cứu khả thi, cũng như cân nhắc cả việc xin hỗ trợ vốn từ Ngân hàng Phát triển châu Á hay từ Ngân hàng Thế giới. Sau đó, các cơ quan chức năng sẽ điều chỉnh và trình trình lên Cơ quan Phát triển và Kinh tế Quốc gia. Ủy ban Điều phối đầu tư sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi trình lên Tổng thống. Ông cũng nhấn mạnh theo kinh nghiệm, nếu dự án có lợi suất từ 10% thì sẽ được phê duyệt vì Philippines có thể vay với mức thấp hơn nhiều.” Vừa qua, một khoản tín dụng 4,4 tỷ Peso của Trung Quốc đã được chuyển đến Cơ quan Thủy lợi quốc gia (NIA) của Philippines để triển khai dự án bơm thủy lợi sông Chico. Chính quyền Duterte đã ký thỏa thuận tín dụng 3,135 tỷ Peso, thỏa thuận duy nhất đến nay với Trung Quốc, cho các cơ sở hạ tầng tưới tiêu. Đây là dự án cơ sở hạ tầng thí điểm đầu tiên do Trung Quốc cấp vốn trong khuôn khổ chương trình “Xây dựng, xây dựng, xây dựng” đầy tham vọng của Philippines.

Cùng với dự án Bơm thủy lợi sông Chico, các dự án khác nằm trong gói đầu tiên Trung Quốc hỗ trợ tài chính bao gồm dự án Nguồn nước Thế kỷ Mới – Đập Kaliwa, Tuyến đường sắt dài quốc gia Nam Philippines, cũng như dự án xây cầu Binondo-Intramuros và Eastrella-Pantaleon bắc qua sông Pasig. Hai cây cầu này được cấp vốn viện trợ 6 tỷ Peso, dự kiến sẽ cùng hoàn thành vào năm 2020. Gói thứ hai bao gồm các dự án Kiểm soát lũ sông Mindanao và sông Ambal-Simuay, dự án xây dựng năm cây cầu bắc qua sông Pasig-Mirikina, dự án Đường ngập lụt Manggahan, Giai đoạn 1 dự án Philippines An toàn và dự án đường cao cốc Subic-Clark. Khu công nghiệp dự kiến tại thành phố Clark mới nổi cũng sẽ được đẩy nhanh vì người Trung Quốc “rất thích thành phố Clark”, ông Dikno cho biết.

Trong khuôn khổ chương trình lớn “Xây dựng, xây dựng, xây dựng” của Chính quyền Tổng thống Duterte, chính phủ dự kiến sẽ triển khai 75 dự án thí điểm “thay đổi cuộc chơi”, tiêu tốn khoảng 9 nghìn tỷ Peso vào các dự án cơ sở hạ tầng hiện đại và hạng nặng đến năm 2022, mở ra “kỷ nguyên vàng về cơ sở hạ tầng”. Các tài liệu của Neda cho thấy 18 dự án và chương trình với kinh phí khoảng 731,7 tỷ Peso sẽ được triển khai thông qua các khoản vay và viện trợ từ Trung Quốc. Ông Diokno nhấn mạnh “với một chương trình cơ sở hạ tầng tham vọng như vậy, chúng ta cần tranh thủ càng nhiều đối tác phát triển càng tốt và rất vui là Trung Quốc đã giúp chúng ta trong việc nâng cấp và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng”.

Tại Diễn đàn hiệp hội các nhà báo kinh tế lần thứ hai của Diễn đàn kinh tế Philippines, ông Diokno cho biết các dự án cơ sở hạ tầng tốn kém sẽ được triển khai trong năm 2019 bao gồm: Dự án Đường sắt Philippines Bắc 1 (Tutuban đến Malolos) có kinh phí 14 tỷ Peso; dự án Cải tạo Hành lang tăng trưởng ở khu vực đường bộ Mindanao có kinh phí 3,6 tỷ Peso; Giai đoạn 1 dự án đường sắc Mindanao có kinh phí 2,9 tỷ Peso; Giai đoạn 1 Dự án quản lý lũ lụt trung tâm Manila có kinh phí 2,2 tỷ Peso; và Giai đoạn 1 dự án Tàu điện ngầm trung tâm Manila có kinh phí 1,5 tỷ Peso.

Thế nhưng, các tài liệu được chính phủ Philippines công bố cho thấy tới nay chỉ có 3 trong số đó, bao gồm 2 cây cầu và 1 công trình thủy lợi trị giá 167 triệu USD, được tiến hành. Phần còn lại bao gồm 3 dự án đường sắt, 3 đường cao tốc, 9 cây cầu vẫn nằm trên giấy.

Chiêu bài quen thuộc của Trung Quốc đã dùng thành công ở châu Phi

Trong những năm gần đây, để thâu tóm các hải cảng có vị trí địa chiến lược quan trọng trên thế giới nhằm phát triển thành căn cứ lưỡng dụng, Trung Quốc đã tích cực triển khai tổng hợp nhiều biện pháp kinh tế, chính trị, ngoại giao và quân sự.

Trung Quốc đã theo đuổi một hành trình liên tục mở rộng tăng cường ảnh hưởng về cả kinh tế, chính trị, ngoại giao và quân sự đối với những “mục tiêu” được lựa chọn. Thông thường, Bắc Kinh sẽ chọn những nước chậm phát triển về kinh tế- xã hội, có trình độ khoa học kỹ thuật, quân sự lạc hậu ở những vùng xa xôi và đương nhiên, những nước này phải có vị trí địa chiến lược quan trọng, có thể hỗ trợ những bước phát triển chiến lược của Trung Quốc. Tính đến thời điểm hiện tại, khu vực Tây Á, châu Phi là những “miếng mồi” ngon mà Bắc Kinh đang nhắm đến. Để đạt được mục tiêu, Trung Quốc đã triển khai một loạt những biện pháp mua chuộc:

Về kinh tế, Trung Quốc không tiếc tiền đầu tư kinh tế, viện trợ nhân đạo, cho vay ưu đãi… nhằm thúc đẩy hoạt động thương mại của nước sở tại, đồng thời tạo sự lệ thuộc về kinh tế của những nước trên đối với Trung Quốc. Theo số liệu thống kê, trong năm 2016, kim nghạch thương mại song phương giữa Trung Quốc và châu Phi đã đạt 149,1 tỷ USD và quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Trung Quốc và châu Phi đang phát triển nhanh chóng, trong đó có quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp Trung Quốc và các quốc gia ở châu lục này. Trung Quốc đang trở thành động lực quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế và xã hội ở nhiều quốc gia châu Phi hiện nay và trong tương lai. Theo các chuyên gia khu vực, quy mô đầu tư của Trung Quốc ước tính lên tới gần 3.000 dự án ở gần 60 quốc gia châu Phi với tổng số vốn đầu tư đạt khoảng 95 tỷ USD hiện nay. Các chương trình, dự án đầu tư của Bắc Kinh vào châu Phi tập trung chủ yếu vào lĩnh vực xây dựng, khai khoáng, nông nghiệp, sản xuất kinh doanh, dịch vụ, phát triển cơ sở hạ tầng. Đáng chú ý, để được triển khai căn cứ quân sự ở Djibouti, các ngân hàng của Trung Quốc trở thành nhà cung cấp vốn chính của ít nhất 14 công trình hạ tầng cho Djibouti, tổng trị giá những công trình này là 14,4 tỷ USD, bao gồm một tuyến đường sắt rút ngắn một nửa thời gian đi lại giữa Djibouti với thủ đô Addis Ababa của Ethiopia.

Về ngoại giao, Trung Quốc tích cực mua chuộc, lôi kéo giới chức lãnh đạo nước sở tại ủng hộ lập trường, chủ trương của Bắc Kinh. Với chiêu bài chi tiêu mua chuộc, đút lót và sử dụng ảnh hưởng chính trị, ngoại giao để mặc cả, gây sức ép, Trung Quốc đã thành công ở châu Phi và Tây Á. Đáng nể nhất là việc Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena thông qua quyết định sa thải Bộ trưởng Tư pháp Wijeyadasa Rajapakse sau khi ông này chỉ trích chính phủ Sri Lanka ký thỏa thuận bán 70% cổ phần cảng biển Hambantota chiến lược trị giá 1,5 tỉ USD cho Tập đoàn nhà nước China Merchant Port Holdings (CMPort) của Trung Quốc trong thời hạn 99 năm.

Về quân sự, quân đội Trung Quốc tích cực thông qua các hoạt động giao lưu quân sự, viện trợ trang thiết bị quân sự và hỗ trợ đào tạo, chuyển giao kỹ thuật… để lấy lòng các nước. Đồng thời, thông qua các hoạt động trên, Bắc Kinh cũng tuyên truyền về “mục đích hòa bình” khi Trung Quốc triển khai các cắn cứ quân sự ở nước sở tại. Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (Sipri) công bố một báo cáo cho biết số lượng vũ khí mà Trung Quốc bán cho châu Phi đã tăng thêm 55% kể từ khi ông Tập Cận Bình lên giữ chức Chủ tịch vào năm 2013. Đáng chú ý trong số vũ khí này có loại súng giống AK-47 có giá rẻ hơn và đang được sử dụng tại một số khu vực căng thẳng như Cộng Hòa Dân Chủ Congo, Trung Phi và Nam Sudan.

Về chính trị, Trung Quốc đang tích cực tạo dựng ảnh hưởng đối với khu vực châu Phi. Về mặt chính sách, Trung Quốc vào năm 2006 đã công bố Chính sách châu Phi của mình, trong đó công bố chi tiết về quan hệ Trung Quốc-châu Phi trong nhiều lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, đến văn hóa, giáo dục, xã hội, và an ninh (tất nhiên điểm nhấn trong đó vẫn là kinh tế)… Các nguyên tắc chỉ đạo trong chính sách châu Phi bao gồm tôn trọng chủ quyền, bình đẳng, chân thành, cùng có lợi, học hỏi lẫn nhau và cùng phát triển. Đây cũng là cơ sở cho chính sách Trung Quốc “không can thiệp và không đặt điều kiện” trong quan hệ với các nước châu Phi. Quan điểm “không can thiệp” vào công việc nội bộ của các nước châu Phi đã giúp Trung Quốc chiếm được thiện cảm và niềm tin của các đối tác châu Phi, vốn từng chịu ách thực dân phương Tây trong nhiều năm và hiện vẫn bị phương Tây gây sức ép trên các phương diện mà phương Tây gọi là “nhân quyền” và “dân chủ”.

Về khoa học kỹ thuật, bên cạnh viện trợ tài chính và các chương trình cho vay, Trung Quốc còn đặc biệt coi trọng trợ giúp kỹ thuật để gây dựng ảnh hưởng trong khu vực, khiến nhiều nước châu Phi chịu lệ thuộc, chi phối vào Bắc Kinh.

Vì vậy, việc các quan chức lập pháp Philippines lo lắng về khả năng Trung Quốc bắt nợ bãi Cỏ Rong, nếu Manila không tuân thủ các cam kết do phía Bắc Kinh đưa ra là hoàn toàn có cơ sở.

RELATED ARTICLES

Tin mới