Đài Loan đã điều máy bay ngăn chặn, phát tín hiệu cảnh báo cứng rắn sau khi hai máy bay chiến đấu J-11 của quân đội Trung Quốc vượt qua “đường trung tuyến” giữa hai bờ eo biển và đi vào bầu trời khu vực Tây Nam Đài Loan hôm 31/3. Vụ việc đang gây sự chú ý đặc biệt của dư luận các nước.
Máy bay J-11 của TQ vượt qua “đường trung tuyến”. Nguồn: Reuters
Phản ứng của Đài Loan, Mỹ và các nước
Trong một bài viết trên facebook đăng ngày 01/4 kèm chữ ký, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn xuất hiện trong bức ảnh cho thấy bà đang nói chuyện qua điện thoại, với dòng chú thích “Tôi đã ra lệnh cho lực lượng phòng vệ đuổi thẳng ngay từ đầu trước bất hkỳ động thái khiêu khích nào bằng cách vượt qua đường trung tuyến”. Các quan chức phòng vệ Đài Loan cho hay điều này được xem là bất thường bởi trong những lần băng qua “đường trung tuyến” trước đây, máy bay Trung Quốc thường nhanh chóng quay đầu trở về. Lãnh đạo cơ quan ngoại giao Đài Loan Joseph Wu cho biết việc băng qua ranh giới kể trên là hành động cố ý, khiêu khích và nguy hiểm. Đài Loan đã thông báo với “các đối tác khu vực” về sự việc. Văn phòng đại diện Mỹ tại Đài Bắc gọi hành động của Trung Quốc là một nỗ lực nhằm thay đổi hiện trạng, gây tổn hại tới ổn định ở khu vực. Bộ Quốc phòng Trung Quốc chưa đưa ra bình luận. Truyền thông Đài Loan cho biết lần gần đây nhất các máy bay Trung Quốc vượt qua đường ranh giới này là vào năm 2011. Khi đó, cả Đài Loan và Trung Quốc đại lục đều xem đây là sai sót không cố ý của hai máy bay Trung Quốc khi xua đuổi một máy bay do thám Mỹ gần đó. Theo truyền thông quốc tế, Trung Quốc đã tăng cường triển khai máy bay chiến đấu và tàu chiến di chuyển gần Đài Loan hoặc đi qua eo biển Đài Loan trong những năm gần đây. Tuy nhiên, Bắc Kinh hiếm khi điều máy bay hoặc tàu chiến vượt qua đường ranh giới trên biển cắt ngang eo biển Đài Loan. Hôm 23/3, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng phải điều các máy bay tiêm kích của nước này ra “đánh chặn” một máy bay tuần thám biển/chống tàu ngầm Thiểm Tây KQ-200 của Trung Quốc do xâm phạm chủ quyền của Nhật Bản.
Loại máy bay chiến đấu J-11 của TQ có gì đặc biệt?
Loại máy bay này tên đầy đủ là Thẩm Dương J-11, là một loại máy bay tiêm kích thế hệ thứ 4 của Không quân Trung Quốc, phát triển dựa trên kiểu máy bay Sukhoi Su-27SK của Nga. Ban đầu là một dự án hợp tác giữa Sukhoi và Công ty Máy bay Thẩm Dương, đang được Trung Quốc tiếp tục cải tiến và phát triển và đã được đem trang bị cho nhiều đơn vị Không quân Trung Quốc. Trung Quốc đã ký một thỏa thuận về bản quyền để chế tạo 200 chiếc Sukhoi Su-27S trong nước năm 1996 và Nga sẽ lo việc cung cấp hệ thống điện tử, ra đa và động cơ. Nhưng đến năm 2006 thì thỏa thuận bị dẹp bỏ vì Nga phát hiện Trung Quốc sao chép động cơ và công nghệ để làm ra một phiên bản khác là chiếc J-11. Tuy nhiên, Trung Quốc đã tuyên bố là chính mình đã yêu cầu phía Nga ngừng thỏa thuận vì nó không còn đáp ứng tiêu chuẩn của Trung Quốc. J-11 bị xem như một bản sao chế tạo bất hợp pháp không đăng ký giấy phép của chiếc Su-27 dù đã thay thế hệ thống điện tử và vũ khí trên máy bay thành đồ Trung Quốc. Và việc sao chép này cũng xảy ra với chiếc Su-33 để làm ra chiếc Thẩm Dương J-15 và chiếc Su-30MKK để làm ra chiếc Thẩm Dương J-16.
Hiện nay, Không quân Trung Quốc đã có 7 sư đoàn trang bị J-11, gồm Sư đoàn không quân số 1 (căn cứ đóng tại An Sơn, Liêu Ninh, trang bị J-11); Sư đoàn không quân số 2 (căn cứ đóng tại Trạm Giang, Quảng Đông, trang bị Su-27SK, Su-27UBK và J-11); Sư đoàn không quân số 6 (căn cứ đóng tại Ngân Xuyên, Ninh Hạ, trang bị J-11); Sư đoàn không quân số 7 (căn cứ đóng tại Trương Gia Khẩu, Hà Bắc, trang bị J-11); Sư đoàn không quân số 14 (căn cứ đóng tại Chương Thụ, Giang Tây, trang bị J-11); Sư đoàn không quân số 19 (căn cứ đóng tại Trịnh Châu, Hà Nam, trang bị Su-27SK, Su-27UBK và J-11); Sư đoàn không quân số 33 (căn cứ đóng tại Cửu Long Pha, Trùng Khánh, trang bị Su-27UBK).