Tổng thống Philippines Duterte (2/4) tuyên bố sẽ bảo vệ chính sách duy trì tình bạn với Trung Quốc bất chấp những căng thẳng tiềm tàng ở Biển Đông; nhấn mạnh rằng Philippines và Trung Quốc không có vấn đề gì không thể giải quyết được bằng biện pháp chính trị.
Phát biểu tại thành phố Malabon, ông Duterte tuyên bố Manila duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Bắc Kinh dù có những căng thẳng tiềm tàng ở Biển Đông , nhấn mạnh rằng Philippines và Trung Quốc không có vấn đề gì không thể giải quyết được bằng biện pháp chính trị. Ông Duterte nhấn mạnh rằng Bắc Kinh cũng vẫn cam kết quan hệ thân thiện với Manila. Ông tin mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước đã phát triển mạnh mẽ sau khi Trung Quốc (cũng như Nga) đáp ứng lại lời kêu gọi của Philippines về việc cung cấp cho nước này vũ khí để chống lại quân nổi dậy Hồi giáo khi Washington tạm dừng các chuyến hàng quân sự vì lo ngại về nhân quyền.
Theo ông Duterte, “nếu tôi đi đến chiến tranh, Hải quân của tôi sẽ bị nghiền nát trong vài phút. Nếu tôi gây chiến với Trung Quốc, trong bảy phút, tên lửa của họ sẽ tiến tới Manila”. “Trung Quốc chỉ muốn làm bạn với chúng ta. Họ cho chúng tôi vũ khí, đạn dược. Tôi đến đó vì Mỹ thất bại trong việc cung cấp những gì chúng ta yêu cầu”, ông nói. “Chỉ đến khi tôi đến và nói chuyện với họ (Trung Quốc) và Nga thì người Mỹ mới bắt đầu chú ý”, ông Duterte cho biết.
Ông Duterte đưa ra phát biểu trên trong bối cảnh lực lượng vũ trang Philippines (1/4) bắt đầu cuộc tập trận chung thường niên quy mô lớn với Mỹ. Các bình luận trên diễn ra trong bối cảnh chính phủ Philippines (1/4) đã trao công hàm ngoại giao phản đối Trung Quốc vì sự hiện diện của hàng trăm tàu nước này gần đảo Thị Tứ, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Trước đây, ông Duterte đã tưng nhiều lần đưa ra các tuyên bố thể hiện mong muốn làm thân với Trung Quốc.
Ngày 8/3, Tổng thống Rodrigo Duterte nhấn mạnh rằng Philippines không đủ khả năng để đối đầu với Trung Quốc nếu chiến tranh xảy ra. Theo ông Duterte, một cuộc xung đột vũ trang với Trung Quốc sẽ dẫn đến một cuộc “thảm sát” đối với quân đội Philippines vì Bắc Kinh có “nhiều vũ khí chất lượng tốt”; không giống như Trung Quốc, vốn có khả năng tài chính để đầu tư vào vũ khí, ngân sách của Philippines đang phải lo chi cho giáo dục và tiền lương của giáo viên. Ông Duterte cho rằng Trung Quốc có tiền, họ có vũ khí mà Philippines không thể sánh được nếu có chiến tranh. Philippines sẽ mất tất cả cảnh sát và binh lính của mình chỉ trong một ngày.
Ngày 18/7, phát biểu tại lễ khởi công xây dựng cầu Binondo-Intramuros do Trung Quốc đầu tư, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte bày tỏ tin tưởng đối với “sự công bằng” của Bắc Kinh, người dân Philippines cần xem Trung Quốc “như một người láng giềng tốt” và cho rằng “chưa tới lúc để thảo luận về tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc” mà “sẽ trao đổi vào một thời điểm khác theo như cam kết với Chủ tịch Tập Cận Bình”. Bên cạnh đó, ông Duterte khẳng định sẽ không gây sức ép buộc Trung Quốc phải tuân thủ Phán quyết của Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông bác bỏ yêu sách phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông.
Ngày 18/6, phát biểu tại lễ kỷ niệm 120 năm ngày thành lập Bộ Ngoại giao (DFA), Tổng thống tuyên bố: “Ta không thể đánh Trung Quốc. Trung Quốc không dễ bị khuất phục. Các bạn không thể khiến họ sợ hãi và thậm chí đến Mỹ còn phải e ngại đôi phần… Bạn biết nếu như phải chống lại Trung Quốc, Nga sẽ tham gia cuộc xung đột”; đồng thời cho biết “về vấn đề Biển Đông, các bạn muốn gì? Tôi phải cho thấy thái độ hung hăng như thế nào để thuyết phục Trung Quốc rời đi? Liệu tôi đã đe dọa họ hoặc đưa ra hàng nghìn khuyến nghị, chúng tôi đã làm rồi, chúng tôi chỉ là không công bố thôi. Thực sự chúng tôi đã phản đối”.
Ngày 7/5/2018, Tổng thống Rodrigo Duterte cho biết “Trung Quốc nói rằng họ sẽ bảo vệ chúng ta. Trung Quốc sẽ không cho phép Philippines bị phá hủy. Họ ở ngay đây và chúng ta có thể gọi cho họ yêu cầu giúp đỡ bất cứ lúc nào”. Trong khi đó, Tổng thống Duterte chỉ trích Mỹ khi cho rằng nước này sẽ không bảo vệ Philippines vì lo sợ chiến tranh.
Giới chuyên gia nhận định, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte được cho là một trong những người thành công trong việc thực hiện chính sách “vừa đấm, vừa xoa” đối với Trung Quốc. Việc ông Duterte đưa ra những tuyên bố chỉ trích, thậm chí là đe doạ Trung Quốc ở Biển Đông không ngoài mục đích nhắc nhở Trung Quốc phải thực hiện những cam kết, thoả thuận song phương mà hai nước đã ngầm trao đổi; đồng thời tìm cách trấn an và động viên tinh thần người dân trong nước rằng chính quyền của ông đang làm tất cả những gì có thể để bảo vệ “chủ quyền” của Philippines ở Biển Đông. Tuy nhiên, những khi ông Duterte “ca ngợi” Trung Quốc và “nguyện làm hết sức vì tinh thần đoàn kết giữa hai nước” là thông điệp muốn gửi gắm tới Mỹ, đồng minh của Philippines rằng “Mỹ cần phải tăng cường đầu tư và viện trợ hơn nữa đối với Philippines, nếu không Manila sẽ đi theo Trung Quốc”, đồng thời nó cũng là thông điệp gửi tới Trung Quốc, nhắn nhủ Bắc Kinh “cần phải tích cực hợp tác với Philippines”.
Được biết, trong 3 năm gần đây, Trung Quốc đã tíc cực sử dụng tiền tệ để gia tăng ảnh hưởng, cũng như thắt chặt quan hệ với Philippines. Ngay sau khi PCA đưa ra phán quyết, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (10/2016) có chuyến thăm 04 ngày tới Trung Quốc. Trong chuyến thăm, Bắc Kinh và Manila đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác kinh tế, thương mại với tổng giá trị lên đến 24 tỷ đô la. Theo đó, Trung Quốc sẽ cung cấp cho Philippines 9 tỷ USD vốn vay ưu đãi, bao gồm một hạn ngạch tín dụng 3 tỷ USD từ ngân hàng Bank of China; các thỏa thuận đầu tư có tổng trị giá 15 tỷ USD. Phát biểu tại Bắc Kinh, Bộ trưởng Bộ Thương mại Philippines Ramon Lopez (21/10/2016) cho biết Trung Quốc và Philippines đã ký thỏa thuận sơ bộ trong các lĩnh vực đường sắt, cảng biển, năng lượng và khai mỏ với tổng trị giá 11,2 tỷ USD.
Trong chuyến thăm của Bộ Thương mại Philippines tới Bắc Kinh vào tháng 01/2017, Trung Quốc đã cam kết chi 3,7 tỷ USD vốn vay ưu đãi để Manila triển khai 30 dự án, tập trung trong các lĩnh vực xóa đói, giảm nghèo. Hai bên cũng nối lại các thảo luận về hợp tác khai thác năng lượng qua đàm phán giữa công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) và Công ty PXP Energy Philippines. Ngoài ra, Trung Quốc đồng ý cung cấp 1,7 tỷ USD để mua 900 ngàn tấn gạo và các sản phẩm nông nghiệp của Philippines; cho Manila vay 500 triệu USD để mua sắm trang bị quân sự, đề nghị Philippines mua 03 tàu ngầm với trị giá 108 triệu USD, cam kết cung cấp gói viện trợ vũ khí cho cuộc chiến chống ma túy, khủng bố và bàn giao cho Philippines 23.000 khẩu súng trường M4.
Trong chuyến thăm Trung Quốc lần thứ hai và tham dự hội nghị thượng đỉnh “Một Vành đai, Một Con đường” của ông Duterte(5/2017) , Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết cung cấp gói viện trợ 73 triệu đô la và hỗ trợ xây cơ sở hạ tầng tại Philippines; ngoài ra 9 công ty của Trung Quốc cũng ký ý định thư để đầu tư nhiều dự án kinh doanh trị giá 9,8 tỷ đô la tại Philippines.
Trong chuyến thăm Philippines của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (25/11/2017), Bắc Kinh đã đề xuất kế hoạch hợp tác kinh tế dài hạn với Philippines. Tại cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo đã chứng kiến lễ ký kết 14 thỏa thuận hợp tác liên quan đến kinh tế và quốc phòng. Trung Quốc cũng cam kết viện trợ 150 triệu nhân dân tệ (22,6 triệu đô la Mỹ) để giúp tái thiết thành phố Marawi, nơi bị tàn phá nặng nề sau cuộc xung đột giữa lực lượng chính phủ và các tay súng phiến quân Hồi giáo.