Tại Triển lãm Hải dương và Không gian Quốc tế Langkawi 2019 do Malaysia tổ chức, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã công bố hệ thống mới gồm các cấu trúc trọng tải nhẹ và cảm biến từ xa. Dư luận cho rằng hệ thống này có thể được sử dụng cho mục đích quân sự trên Biển Đông nhằm hỗ trợ cho các hoạt động xây đảo và giám sát trái phép của Bắc Kinh tại khu vực này.
Hệ thống thông tin tích hợp nổi (IIFP) và hệ thống thông tin tích hợp lắp đặt trên các đảo hoặc bãi san hô (IRBIS). Nguồn: AFP
Tạp chí Diplomat các cấu trúc này được nghiên cứu chế tạo bởi Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc, doanh nghiệp nhà nước chuyên sản xuất các sản phẩm quốc phòng và an ninh công nghệ cao, đặc biệt là thiết bị cảm biến, thông tin liên lạc và giải pháp kết nối mạng. Theo những gì phía Trung Quốc công bố, các cấu trúc mới gồm hai phiên bản: một hệ thống thông tin tích hợp nổi (IIFP) và một hệ thống thông tin tích hợp lớn hơn, mạnh hơn để lắp đặt trên các đảo hoặc bãi san hô (IRBIS). Trong đó, IIFP có thể đóng vai trò như một trạm liên lạc 4G hoặc sóng ngắn, một hệ thống cảnh báo sớm sóng thần và cung cấp dịch vụ hàng hải. Cấu trúc IRBIS lớn hơn cũng có chức năng tương tự, song chúng được trang bị nhiều cảm biến hơn và hoạt động mạnh hơn. Cả hai cấu trúc mới của Trung Quốc đều được thiết kế để vận hành tự động, cung cấp một loạt phương pháp để giám sát thời tiết, vùng biển và hoạt động của con người tại những khu vực nhất định. Chúng có trọng lượng nhẹ và có thể được triển khai tại những vùng nước nông nhờ sự hỗ trợ của tàu kéo hoặc các tàu tương tự. Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết cả hai phiên bản đều có thể hoạt động như những điểm nút trong mạng lưới cảm biến nhằm giúp nhận thức tình hình đa chiều, cung cấp dịch vụ thông tin và do thám.
Bao biện của TQ và ý đồ thực sự đằng sau hệ thống mới này
Mặc dù Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố rằng các cấu trúc mới có thể giám sát môi trường, theo dõi thời tiết và cảnh báo sớm sóng thần một cách hiệu quả, song giới phân tích cảnh báo rằng chúng cũng có thể giúp “theo dõi liên tục một mục tiêu ngoài biển” và có thể đóng vai trò quan trọng trong “hoạt động xây dựng” trái phép của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, “bảo vệ các đảo và bãi san hô, đồng thời giám sát liên tục các vùng biển mục tiêu”. Rõ ràng, những tính năng trên có thể được áp dụng trong các hoạt động bồi đắp và bảo vệ đảo, đồng thời phục vụ cho hoạt động nghiên cứu hải dương và dịch vụ công.
Giới quan sát cho rằng việc Bộ Quốc phòng Trung Quốc thừa nhận cấu trúc mới có thể sử dụng cho mục đích quân sự là sự khác biệt lớn so với các tuyên bố chính thức trước đây. Bắc Kinh thường không thừa nhận mục đích sử dụng kép quân sự, dân sự của các công trình do nước này xây dựng trái phép trên Biển Đông, chứ chưa nói đến những cấu trúc quân sự công khai như boong-ke hay cảm biến tầm xa do Trung Quốc lắp đặt phi pháp tại vùng biển này. Bộ Ngoại giao Trung Quốc hồi năm 2015 từng bao biện rằng các căn cứ do nước này xây dựng trái phép tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam chủ yếu để hỗ trợ hàng hải, tìm kiếm và cứu nạn, cũng như các nhu cầu an toàn dân sự khác. Khi Trung Quốc gần hoàn tất việc xây dựng phi pháp trên các đảo, truyền thông nhà nước Trung Quốc ngụy biện rằng các hải đăng được xây dựng là cam kết của Bắc Kinh trong việc bảo đảm an toàn hàng hải quốc tế trên Biển Đông. Đây rõ ràng là một lập luận sai trái vì các đảo nơi Trung Quốc đặt hải đăng nằm cách khá xa các tuyến hàng hải chính trên Biển Đông và đa số các tàu thuyền qua lại đều không thể di chuyển đủ gần để nhìn thấy những ngọn hải đăng đó. Trung Quốc cũng ngang nhiên xây dựng phi pháp các đường băng lớn, hải cảng, boong ke và hệ thống cảm biến chiếm gần hết các đảo nhân tạo do Bắc Kinh bồi đắp trái phép tại Trường Sa.
Công cụ hỗ trợ cho lực lượng tuần duyên và hạm đội dân quân biển của TQ
Các cấu trúc mới với hai phiên bản di động và có thể triển khai trên các đảo được cho là phần bổ sung quan trọng cho mạng lưới cảm biến tầm xa mà Trung Quốc đã ngang nhiên xây dựng trên các căn cứ chính của nước này tại quần đảo Trường Sa. Sau khi được triển khai trên các đảo, các hệ thống cảm biến trước đây buộc phải chấp nhận giảm bớt tính chính xác và độ tin cậy để đổi lấy khả năng hoạt động tầm xa. Theo đó, các hệ thống cảm biến cũ ít phát huy tác dụng tại vùng nước gần các đảo và bãi san hô do chúng ưu tiên hoạt động tầm xa, trong khi Trung Quốc vẫn muốn giám sát sự hiện diện của các ngư dân và tàu chấp pháp tại các khu vực này. Theo chuyên gia Peter Dutton tại Trường Chiến tranh Hải quân Mỹ, ngay cả lực lượng tuần duyên và hạm đội tàu dân quân trên biển quy mô lớn của Trung Quốc cũng không đủ khả năng tuần tra toàn bộ Biển Đông. Do vậy, theo tính toán ngang ngược của Trung Quốc, để các đội tàu phát huy hiệu quả, các cấu trúc mới sẽ giúp cung cấp một bức tranh chính xác hơn về những nơi tập trung các ngư dân và tàu chấp pháp trong khu vực. Khi đó, Trung Quốc có thể ngang nhiên sử dụng những thông tin thu thập được từ hệ thống cảm biến mới để báo cho lực lượng tuần duyên và hạm đội dân quân của nước này trước khi có hành động can thiệp mà không cần mất công triển khai lực lượng tuần tra tại các vùng biển trống.