Wednesday, November 27, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaẤn Độ tăng cường hợp tác với Việt Nam trong vấn đề...

Ấn Độ tăng cường hợp tác với Việt Nam trong vấn đề Biển Đông

Từ ngày 1-4/4, tàu tuần tra của lực lượng bảo vệ bờ biển Ấn Độ cập cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) và sẽ có cuộc tập trận chung với hải quân Việt Nam.

Tàu Icgs Vijut của lực Lượng bảo vệ bờ biển Ấn Độ cập cảng Tiên Sa.

Chuyến thăm thể hiện tình hữu nghị giữa hai nước

Tàu tuần tra ICGS VIJIT số hiệu 31 do thuyền trưởng đại tá T Ashish chỉ huy đã có chuyến thăm hữu nghị Đà Nẵng trong 4 bốn ngày với kế hoạch tập trận cùng hải quân Việt Nam trên Biển Đông. Đại tá T. Ashish cho biết chuyến thăm của tàu Hải quân Ấn Độ nhằm góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác, hiểu biết và tin cậy giữa quân đội và nhân dân hai nước; đồng thời “thúc đẩy hợp tác hàng hải giữa Cảnh sát biển Việt Nam và Lực lượng bảo vệ bờ biển Ấn Độ” và “đóng góp tích cực vào an ninh và ổn định trong khu vực và thế giới”. Đây là lần đầu tiên trong năm 2019 tàu ICGS VIJIT lực lượng bảo vệ bờ biển Ấn Độ thăm hữu nghị Việt Nam.

Tàu ICGS VIJIT có trọng tải 2.393,6 tấn, dài hơn 93m, rộng gần 13m và mớn nước 4,5m. ICGS VIJIT thuộc lớp Vishwast được trang bị súng hải quân CRN 91 30mm để tuần tra Vùng đặc quyền kinh tế. Các tàu lớp này được thiết kế chạy bằng hai động cơ MTU (tạo ra 18.000 kW điện), được trang bị hệ thống an toàn và báo nguy hàng hải toàn cầu (GMDSS) tiên tiến. Các tàu lớp Vishwast – là sản phẩm của tập đoàn Goa Shipyard Limited (GSL) của Ấn Độ – chủ yếu đảm trách các hoạt động tuần tra, tìm kiếm và cứu hộ, giám sát hàng hải, các chiến dịch chống buôn lậu, ứng phó với ô nhiễm, chống tràn dầu và chữa cháy. Tàu ICGS Vijit số hiệu 31 là một trong ba tàu thuộc lớp Vishwast, được hạ thủy tháng 11/2010 và được biên chế tháng 12/2010. Hai tàu còn lại là ICGS Vishwast số hiệu 30 và ICGS Vaibhav số hiệu 32.

Năm 2018, tàu Cảnh sát biển Việt Nam CBS 8001 cũng có chuyến thăm Ấn Độ trong 4 ngày. Đánh dấu lần đầu tiên tàu Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện chuyến thăm một nước ngoài khu vực Đông Nam Á.

Tháng 5/2018, ba tàu của hải quân của Ấn Độ cũng đã cập cảng Tiên Sa trong chuyến thăm 5 ngày như một phần của việc triển khai hoạt động của hạm đội tàu phía Đông của Ấn Độ tới các khu vực Đông Nam Á và Tây Bắc Thái Bình Dương. Tháng10/2016, tàu SAMRAT của Lực lượng bảo vệ bờ biển Ấn Độ cùng 140 sĩ quan và thủy thủ cũng đã cập cảng Tiên Sa, thăm hữu nghị Đà Nẵng.

Quan điểm của Ấn Độ trong vấn đề Biển Đông

Tuy Ấn Độ không phải là nước ở khu vực Biển Đông, nhưng vùng biển này có ý nghĩa lớn đối với an ninh, kinh tế, địa chính trị của Ấn Độ. Trong nhiều năm qua, Ấn Độ thường xuyên triển khai hải quân, các chuyến thăm và tập trận trong vùng biển này, thông qua quan hệ đối tác chiến lược quân sự được thiết lập và đang phát triển với nhiều quốc gia ven Biển Đông, thông qua việc tham gia thăm dò dầu mỏ trong vùng biển này và thông qua các cuộc thảo luận ngoại giao ở nhiều diễn đàn khu vực với các nước ngoài khu vực khác về vấn đề Biển Đông nhằm bảo vệ lợi ích của Ấn Độ ở Biển Đông.

Về kinh tế, Ấn Độ có lợi ích thương mại, năng lượng ở khu vực Biển Đông; khoảng 77% giá trị thương mại và hơn 90% khối lượng thương mại của Ấn Độ được vận chuyển bằng đường biển, trong đó 55% được vận chuyển qua eo biển Malacca tói các thị trường ở châu Á – Thái Bình Dương. Đáng chú ý, lợi ích về thương mại của Ấn Độ ở Biển Đông đang ngày càng tăng khi Ấn Độ và ASEAN đặt mục tiêu đạt 200 tỷ USD kim ngạch thương mại song phương vào năm 2025; thông qua triển khai hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do về hàng hóa, dịch vụ và đầu tư giữa ASEAN và Ấn Độ. Ngoài ra, nguồn cung năng lượng cho Ấn Độ như dầu mỏ và khí đốt tự nhiên từ các mỏ nằm ở Biển Đông.

Về an ninh, khi giá trị thương mại giữa Ấn Độ và các nước châu Á – Thái Bình Dương ngày một tăng, sự an toàn của các tuyến đường vận tải biển qua Biển Đông có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế của Ấn Độ.

Về ảnh hưởng, Biển Đông và eo biển Malacca là tuyến đường ngắn nhất nối liền Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, nên Ấn Độ sẽ phải tăng cường tham gia các hoạt động quân sự ở Biển Đông nhằm đảm bảo tự do hàng hải, an ninh quốc gia và theo dõi tình hình hoạt động của các cường quốc hải quân như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Nga…

Về địa chính trị, sự hiện diện ở Biển Đông cho phép Ấn Độ tìm kiếm một chỗ đứng trong khu vực tương xứng với vị thế cường quốc đang lên của Ấn Độ, mở rộng môi trường chiến lược an ninh, đồng thời tạo thế cân bằng ảnh hưởng với Trung Quốc. Theo quan điểm này, việc Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với các đảo và vùng lãnh thổ ở Biển Đông đã đe dọa trực tiếp đối với tự do hàng hải và hoạt động khai thác tài nguyên của các quốc gia có chủ quyền khác trong khu vực. Ngoài ra, các hành động của Trung Quốc trực tiếp thách thức nguyên trạng, ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định của khu vực. Do lợi ích địa chính trị của Ấn Độ liên quan tới vùng biển trải dài giữa Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương, nên việc đi lại an toàn qua các vùng biển ở Biển Đông nằm giữa hai khu vực này trở thành lợi ích chiến lược quan trọng đối với Ấn Độ. Bởi vậy, sự can dự lớn hơn của Ấn Độ ở Biển Đông là cách thức ngăn chặn sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương.

Trong những năm gần đây, Ấn Độ đang ngày càng khẳng định vai trò lớn hơn khi công bố có lợi ích ở Biển Đông, phản đối các hành động thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông và khẳng định sự cần thiết phải giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, tăng cường giao lưu, hợp tác quốc phòng và an ninh biển với các nước trong khu vực. Trong đó, Tuyên bố chung Ấn – Mỹ ký kết hồi tháng 9 năm 2014 lần đầu tiên đề cập đến vấn đề Biển Đông và nêu rõ Ấn Độ, Mỹ có lợi ích chung về an ninh biển, bao gồm tự do hàng hải, thương mại không bị cản trở và giải quyết hòa bình các tranh chấp theo luật quốc tế. Ngoài ra, Ấn Độ tăng cường hiện diện ở Biển Đông tập trung vào các mục tiêu: (1) Đảm bảo hòa bình, ổn định trong khu vực, giữ cho các tuyến đường biển luôn rộng mở; (2) Đảm bảo không có cường quốc nào khống chế toàn bộ khu vực này. Thông qua chính sách này, Ấn Độ đã theo đuổi các mục tiêu này bằng cách tìm kiếm tăng cường can dự với các quốc gia ASEAN. (3) Tăng cường hiện diện hải quân ở Biển Đông để đối trọng sự bành trướng của Trung Quốc ra Ấn Độ Dương. Hiện Trung Quốc đang tích cực sử dụng các biện pháp quân sự, ngoại giao, kinh tế để can thiệp sâu hơn vào khu vực Ấn Độ Dương thông qua chiến lược “chuỗi ngọc trai” nhằm kiềm chế Ấn Độ. Vì vậy, Ấn Độ phải tăng cường hiện diện ở Biển Đông thông qua các hoạt động giao lưu, tập trận hải quân; theo sát các diễn biến ở Biển Đông để đảm bảo rằng các hành động quyết đoán, cứng rắn và phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông sẽ không diễn ra ở Ấn Độ Dương, nhất là khi Trung Quốc đưa việc bảo vệ các tuyến đường giao thông hàng hải thành lợi ích quốc gia. Giáo sư Mohan Malik, Trung tâm nghiên cứu An ninh châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ cho rằng Ấn Độ đang ngày càng khẳng định mình có quyền lợi chính đáng liên quan tự do hàng hải và khai thác tài nguyên tại Biển Đông. Việc Ấn Độ tăng cường hiện diện trên Biển Đông có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các nước nhỏ trong khu vực đối trọng với Trung Quốc. (4) Thắt chặt quan hệ với các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Thời gian tới, Ấn Độ sẽ tăng cường hiện diện và can dự vào vấn đề Biển Đông nhằm đối phó với những thách thức về tự do hàng hải cũng như đảm bảo an ninh và lợi ích quốc gia. Ấn Độ sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác và phối hợp với Mỹ trong duy trì và đảm bảo an ninh, hòa bình ổn định ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng sẽ tăng cường quan hệ với các nước ASEAN để tăng cường vai trò, ảnh hưởng của New Delhi ở khu vực cũng như đối phó với Trung Quốc. Từ lâu, cả Ấn Độ và ASEAN đều biết rằng cần phải đa dạng hóa các mối quan hệ đối tác thương mại và quan hệ đồng minh để tránh bị phụ thuộc quá nhiều vào nền kinh tế Trung Quốc, hoặc để tránh bị tổn thương quá lớn trước sức mạnh quân sự đang trỗi dậy mạnh mẽ của Bắc Kinh. Ngoài ra, Ấn Độ cũng tiếp tục thúc đẩy các cơ chế hợp tác đa phương, trước mắt chủ yếu hợp tác trong lĩnh vực an ninh hàng hải, tham gia các cuộc tập trận hải quân chung, tăng cường sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, dần dần hướng tới các cuộc đối thoại chính sách chiến lược đa phương góp phần duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới