Thursday, November 28, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiKỳ vọng Mỹ - Việt nếu Chủ tịch Trọng thăm Hoa Kỳ

Kỳ vọng Mỹ – Việt nếu Chủ tịch Trọng thăm Hoa Kỳ

Nếu đi thăm Hoa Kỳ, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng sẽ đến một nước Mỹ đang có cuộc ‘đọ găng’ kinh tế và địa chính trị với Trung Quốc.

Vì Việt Nam được cho là đang ‘hưởng lợi’ từ thương chiến Mỹ – Trung, đây là dịp nhìn nhận các kỳ vọng trong và ngoài từ một chuyến thăm cao cấp của lãnh đạo Việt Nam sang Hoa Kỳ sau khi Hà Nội đăng cai tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều.

BBC News Tiếng Việt phỏng vấn Tiến sỹ Phạm Đỗ Chí từ Hoa Kỳ về chủ đề này.

BBC:Trang Nikkei Asian Review trong bài mới đây của Tomoya Onishi cho rằng Việt Nam hưởng lợi nhiều từ thương chiến Mỹ – Trung, với xuất khẩu từ Việt Nam sang Hoa Kỳ tăng mạnh, vậy thực chất câu chuyện là gì thưa ông?

TS Phạm Đỗ Chí: Như tôi đã nêu lên cùng điểm này trước đây, Việt Nam đã hưởng lợi nhiều từ thương chiến đó từ giữa năm 2018, không phải chỉ từ xuất khẩu tăng sang Mỹ thay các mặt hàng Trung quốc bị áp thuế suất, nhưng đáng kể hơn nữa là tác động lên một số doanh nghiệp ngoại quốc dời trụ sở từ Trung Quốc sang Việt Nam, nhất là thành phố Sài Gòn.

Lượng đầu tư FDI tiếp tục dâng cao, số doanh nhân và công nhân ngoại quốc, nhất là Nhật Bản, đã gây ảnh hưởng đáng kể lên nhu cầu tìm văn phòng và nhà ở tại các thành phố lớn. Mức sống vốn đã lên cao ở các thành phố vì giới trung lưu trong nước nay lại tăng thêm do mãi lực từ người nước ngoài, và là động lực cho tăng trưởng kinh tế được kỳ vọng duy trì ở mức 7% của năm ngoái.

BBC:Hoa Kỳ rộng tay hơn cho hàng hóa Việt Nam trong khi đang ngăn chặn hàng TQ? Hay đây chỉ là một ý kiến từ Nhật Bản, nước đối thủ của Trung Quốc từ lâu muốn ‘hướng Nam’ và thúc đẩy quan hệ với Việt Nam để ‘san sẻ rủi ro’ khi đầu tư vào TQ?

Hoa Kỳ thực chất không muốn “rộng tay” hơn với hàng Việt Nam, như Tổng thống Trump đã tuyên bố trước đây là cần giảm mức nhập siêu từ Việt Nam và có lẽ ông sẽ nêu quan điểm này với Chủ tịch Nước Việt Nam. Tuy nhiên rõ ràng là Nhật Bản đã tiên liệu trước đầu tư và sản xuất quốc tế sẽ chạy bớt khỏi Trung Quốc để sang Việt Nam, là nước cũng được dự đoán sẽ mong thiết lập thế “đối tác chiến lược” với Mỹ và nhờ đó sẽ được xuất hàng sang dễ dàng hơn.

Tất nhiên phải kể đến chiến lược lâu dài của Nhật là bớt tập trung đầu tư vào một chỗ như Trung Quốc và đặt thêm đầu cầu ở Việt Nam (thay vì Thái Lan được coi có tình trạng chính trị bất ổn) như một đối tác chiến lược mới trong lâu dài, bên cạnh mối lo an ninh quân sự ở Biển Đông như các nước trong khối Ấn Độ- Thái Bình Dương.

BBC:Tình hình Hoa Kỳ hiện ra sao? Tổng thống Donald Trump đã ‘thoát hiểm chính trị’ sau vụ điều tra của Robert Mueller hay chưa?

Bản quyền hình ảnh Alex Wong Image caption Biểu tình chống ông Trump ở Washington

TS Phạm Đỗ Chí: Tình hình nước Mỹ nói chung vẫn ở vị thế ổn định của cường quốc đứng đầu với kinh tế tăng trưởng mạnh ở mức 3%, thất nghiệp mức thấp kỷ lục, lạm phát cũng chưa bật lại cao như nhiều quan sát viên lo ngại sau chuỗi kinh tế phục hồi kéo dài 10 năm và thị trường chứng khoán vẫn quanh mức cao kỷ lục.

Nhưng tình hình chính trị ở thủ đô Washington vẫn là “mối bòng bong” quanh cá nhân TT Trump, với các thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ đảng Dân Chủ vẫn nhăm nhe “ăn sống nuốt tươi” ông này nếu có thể được, dù Bản Tóm tắt của Báo cáo Mueller do Bộ Tư Pháp soạn đã chỉ ra là Tổng thống Trump không “đi đêm” với Nga để thắng cuộc bầu cử tháng 11/2016.

Các quan chức và phe chống đối ông Trump tiếp tục nhằm vào hai điểm chính sau:

  • Không thỏa mãn với “Bản Tóm Tắt” (theo nguyên tắc phải lược bớt các bí mật liên quan đến an ninh quốc phòng Mỹ), đòi xem nguyên văn bản chính.
  • Đòi ông Trump tiết lộ bản khai thuế cá nhân trong 7 năm qua theo thói quen của các vị tổng thống tân cử trước, mặc dù mỗi cá nhân người Mỹ được quyền giữ kín các bản này theo Hiến pháp.

Có thể tiên đoán Tổng thống Trump sẽ tiếp tục điên đầu với các nguồn dư luận liên hệ, nhưng thực tế mà nói ông không còn chịu mối đe dọa phải rời Nhà Trắng do luận tội (impeachment) vì kết án đi đêm với Nga hay cá nhân ông Putin. Vả lại, đảng Cộng Hòa vẫn nắm giữ Thượng viện, chuyện đó không thể xảy ra dù với đồng ý của Hạ viện do đảng Dân Chủ nắm giữ.

Một chi tiết đáng để ý khác là tiếng nói đang lên của một nhóm nhỏ trong đảng Dân Chủ như TNS Bernie Sanders hay thành viên Hạ viện trẻ tuổi Alexandria Ocasio-Cortez, đòi áp dụng một số chính sách kinh tế của Chủ nghĩa Xã hội (CNXH) cho chính Hoa Kỳ, nước tư bản cầm đầu thế giới.

Họ đang hô hào chuyện tăng bội chi ngân sách để áp dụng một số dịch vụ miễn phí quan trọng trong giáo dục và y tế, là hai điểm “huyết mạch” trong bất kỳ xã hội nào. Một số tờ báo lớn khuynh tả có ảnh hưởng cũng kêu gọi ủng hộ các nghị trình này.

Đáng kể nữa là có cả một giáo sư của Stony Brook University ở New York, bà Stephanie Kelton, lên tiếng ủng hộ nhóm Dân Chủ này với các chi tiêu xã hội sẽ rất lớn nêu trên dù có làm bội chi ngân sách nhảy vọt.

Bản quyền hình ảnh SAUL LOEB Image caption Hai ông Kim Jong-un và Donald Trump hôm 27/02 ở Sofitel Legend Metropole, Hà Nội

Bà đã nêu ra một ‘Lý thuyết Tiền tệ Hiện đại’ (Modern Monetary Theory—MMT), theo đó bội chi ngân sách của Mỹ dù khổng lồ chăng nữa cũng “không còn là mối lo” và Mỹ có khả năng vay nhiều hơn nữa. Trong khi giới kinh tế gia dòng chính vẫn lo tác động của các chính sách này lên lạm phát và giá trị của đồng đô la Mỹ, do vay mượn quá sức.

Tóm lại, lúc này ai nói gì cũng được vì “lời nói không bị đánh thuế”. Nhưng vào giữa năm tới 2020 lúc mùa tranh cử Tổng thống Mỹ trở lại, lời phán đoán cuối cùng cho Chủ nghĩa Xã hội của người dân Mỹ mới có thể biết được, và ông Trump nếu còn sức khỏe ra tranh cử sẽ gặp may mắn bất ngờ nếu có chống đối lớn với vấn đề không mới này.

BBC: Trở lại với thương chiến Mỹ – Trung? Tình hình hiện đang ở đâu?

TS Phạm Đỗ Chí: Trái với dự đoán rộng rãi của giới truyền thông vào cuối tháng Hai, cuộc gặp ‘chốn thân tình’ của ông Trump đã hẹn với ông Tập Cận Bình ở Mar-a-Lago, Floriday đã không xảy ra cuối tháng Ba 2019.

Lý do chính nêu ra phía Mỹ là Trung Quốc chưa sẵn sàng để đạt đến một bản thương thảo quy mô, theo đòi hỏi của năm phái đoàn Mỹ liên tiếp lúc họp ở cả hai nước, xứng đáng để hai ông ký trong một kỳ họp thượng đỉnh.

Mặt khác theo nguồn tin hành lang không chính thức từ Washington, có thể Tổng thống Trump đã học được bài ‘chua cay’ từ cuộc họp thượng đỉnh với ông Kim Jong-un của Triều Tiên, là không để đối tác lợi dụng tên tuổi của mình (Trump) nhằm quảng cáo nâng cao uy tín riêng trong nước của họ. Đi họp khi đối tác chưa sẵn sàng cũng vô ích.

Ngoài ra còn có nhận định ngoài lề là ông Kim Jong-un có thể đã có tin tức sai lạc từ nguồn nào đó và đánh giá sai thế chính trị nội bộ của ông Trump buổi họp cuối hôm 28/2/19 ở Hà Nội – cả đêm trước ông Trump phải ngồi khách sạn xem tin các Nghị sĩ Hạ viện thuộc Đảng Dân Chủ vạch tội mình qua kết án của người luật sư cũ là ông Cohen – nên nghĩ là ông Trump đang ở “thế yếu” ở thủ đô Mỹ và cần một ‘good deal ở Hà Nội’ bằng bất cứ giá nào. Và Bình Nhưỡng đã đòi Mỹ phải bỏ hết cấm vận, như điều kiện để Triều Tiên tiến tới các bước phi hạt nhân hóa. Kết quả là gì? Tổng thống Trump đã bỏ tiệc trưa đi về ngay Mỹ ở thế mạnh.

Bản quyền hình ảnh AFP Image caption Có ý kiến cho rằng Việt Nam hưởng lợi từ bối cảnh Thương chiến Mỹ – Trung đang diễn ra và chưa đàm phán xong

Từ các kinh nghiệm trên, phái đoàn Mỹ đang thương thảo lần 6 ở ngay thủ đô Hoa Kỳ và hy vọng là lần cuối cùng với đoàn cấp cao Trung Quốc do ông Lưu Hạc dẫn đầu. Nội dung xoay quanh bốn vấn đề chính:

  • Phải có một chương trình tổng thể trong 5 năm gồm cải cách thể chế kinh tế thị trường thật sự ở Trung Quốc, nhằm tăng gia mạnh các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ một cách qui mô, chứ không phải chỉ tuyên bố mua thêm vài chục chiếc Boeing hay bớt thuế lên xe Mỹ, hay mua nông sản từ vài bang Mỹ…
  • Trong khi chờ đợi mở cửa thị trường Trung Quốc cho các mặt hàng Mỹ chính, việc áp dụng các áp thuế vẫn tiếp tục và theo thời khóa biểu của từng mặt hàng được vào. Và riêng Bộ trưởng Thương mại Mỹ Robert Lighthizer còn đòi thêm thỏa ước khắt khe là sau khi Mỹ bỏ thuế nhập, nếu Trung Quốc trở mặt đặt lại hạn chế hay thêm rào cản thương mại, Mỹ có quyền tái áp dụng tariff đã gỡ bỏ, mà Trung Quốc không có quyền làm tương tự lên hàng Mỹ.
  • Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho Hoa Kỳ, và đặc biệt là cho phép các hãng Mỹ lập ở Trung Quốc mà không đòi hỏi chuyển giao các công nghệ cao và mật.
  • Chuyện gián điệp trong công nghệ và viễn thông cũng sẽ được thỏa thuận một cách chính thức, khi hai công ty Trung Quốc là ZTE và Huawei vẫn là ám ảnh của Mỹ và nhiều nước Tây Âu.

BBC:Nếu xảy ra chuyến thăm của TBT- CT Nguyễn Phú Trọng sang Hoa Kỳ tới đây, thì kỳ vọng từ các bên mà ông ghi nhận cho chuyến thăm Mỹ như vậy là gì? Nhà Trắng mong đợi gì và có kỳ vọng quá cao vào một vai trò của Việt Nam trong khu vực hay không?

TS Phạm Đỗ Chí: Việc mời Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng sang thăm Mỹ phần nào thể hiện nhã ý cám ơn của Tổng thống Trump với việc Việt Nam giúp tổ chức chu đáo kỳ họp thượng đỉnh Trump-Kim ở Hà Nội như nêu trên. Phần khác, Hoa Kỳ cũng muốn khuyến khích và nêu cao vai trò của Việt Nam trong khu vực, và trông chờ Việt Nam hỗ trợ chiến lược mới của Tổng thống Trump trong việc thành lập liên minh ‘Ấn Độ-Thái Bình Dương’ được đề cập rộng rãi trong giới truyền thông, như đối trọng với Chiến lược ‘Vành Đai và Con Đường’ của Trung Quốc và nhất là ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Về phần Việt Nam, chắc chắn Chính phủ Việt Nam sẽ nhân dịp này nâng cao thế đứng của đất nước mình trên trường quốc tế, và thiết lập thế đối tác chiến lược với Hoa kỳ – ả về thương mại và an ninh quân sự. Dù kỳ vọng này có thể là tế nhị trong thế ngoại giao với Trung Quốc; tuy nhiên với thành tích lịch sử về “đu dây chính trị”, Việt Nam hy vọng sẽ có thể vượt qua các trở ngại về mặt này mà sẵn sàng thương thảo với Mỹ.

Riêng nhân dân Việt Nam, theo ý riêng của tôi, cũng sẽ đặt rất nhiều kỳ vọng vào chuyến đi này của ông Trọng, khi mà nhiều ý kiến tin rằng có không ít người dân Việt Nam vẫn ủng hộ nồng nhiệt ông Trump, với các chính sách nội bộ làm cho “nước Mỹ mạnh” và chiến lược cương quyết đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông, và là hy vọng bảo vệ an ninh và sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam trong tương lai.

Người dân cũng mong mỏi ông Trọng sẽ đem đến thông điệp của một Việt Nam tương lai sẵn sàng cải cách thể chế theo hướng dân chủ, dẫn dắt nền kinh tế theo hướng thị trường thật sự để trở thành một đối tác chiến lược xứng đáng của Mỹ ở Á châu.

Nếu các mong ước thiết tha này của cả dân tộc Việt Nam gồm gần 100 triệu người, tính cả cộng đồng hải ngoại gồm 4 triệu người, được Chủ tịch Trọng và chính phủ của ông thực hiện, các kỳ vọng nêu trên của Hoa Kỳ với Việt Nam không phải là không khả thi.

RELATED ARTICLES

Tin mới