Chuyến công du châu Âu của Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn chưa thực sự “đả thông” những mâu thuẫn trong quan hệ Trung Quốc – EU.
Chủ tịch Tập Cận Bình được đánh giá là có chuyến thăm thành công tới châu Âu (Ảnh: Getty)
Theo ông Mathie Duchatel, Giám đốc chương trình châu Á tại Viện Montaigne Paris, không khí chính trị xung quanh chuyến công du của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Pháp, không phải là quá tích cực. Bắc Kinh có nhiều lý do để không hài lòng với chính sách Trung Quốc của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Chúng bao gồm: sự tán thành của ông Macron với cách đề cập Ấn Độ – Thái Bình Dương; tỏ ra không muốn ký kết bản ghi nhớ chung Con đường tơ lụa; liên tục phản đối sự cần thiết của sáng kiến “Một vành đai, một con đường” như là “con đường hai chiều”; không ngừng thúc đẩy châu Âu đồng lòng đối phó với Trung Quốc; cách tiếp cận cứng rắn với chuyển giao công nghệ cao; và ủng hộ sáp nhập các công ty châu Âu trong lĩnh vực công nghệ để cạnh tranh với các tập đoàn nhà nước khổng lồ từ Trung Quốc…
Những điều trên, trong ngôn ngữ ngoại giao Trung Quốc, có thể được gọi là thiếu “niềm tin chiến lược”.
Quyết định mua 300 máy bay Airbus phục vụ cho nhu cầu trong nước của Trung Quốc; tuy nhiên, thời điểm nó được công bố rõ ràng mang đậm tính chính trị với một bầu không khí tích cực lan rộng tại Paris.
Sự thiếu niềm tin có vẻ không hề ảnh hưởng tới 15 hợp đồng ký kết giữa Pháp và Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Hai nước lên kế hoạch hợp tác về vũ trụ, và lệnh cấm nhập khẩu thị gia cầm từ Pháp hồi năm 2015 cũng đã được Bắc Kinh dỡ bỏ. Những thoả thuận này không chỉ phản chiếu lợi ích song phương, mà còn cho thấy những nỗ lực của Trung Quốc nhằm xây dựng niềm tin với Pháp.
Tuy nhiên, sự chú ý mà họ nhận được từ truyền thông tỷ lệ thuận với những thiếu hụt về kết quả cụ thể trên chính trường.
Theo ông Duchatel, chuyến công du châu Âu của Chủ tịch Tập Cận Bình chỉ ra ba bài học quan trọng về mối quan hệ hiện thời giữa Trung Quốc và châu Âu.
Thứ nhất, Bắc Kinh cần phải thừa nhận rằng, có thể theo đuổi các lợi ích kinh tế chung bên ngoài khuôn khổ sáng kiến “Một vành đai, một con đường”.
Truyền thông Italy cho rằng, chính phủ tỏ ra yếu thế trước Trung Quốc khi ký kết biên bản ghi nhớ chung Một vành đai, một con đường – giữa thời điểm khủng hoảng, và hầu như không nhận được gì đổi lại. Đối lập, chính phủ Pháp đã tổ chức tiếp đón thành công, bất chấp bầu không khí chính trị có phần “lãnh đạm” với Trung Quốc.
Điều này cho thấy, khi đối mặt với Bắc Kinh, các nước nên tập trung nguồn lực đối ngoại vào các cuộc đàm phán thoả thuận thực chất, hơn là những kịch tính xung quanh việc có ủng hộ cho sáng kiến do ông Tập Cận Bình đề xướng hay không.
Thứ hai, việc tập trung vào các hợp đồng thương mại dẫn tới nguy cơ thu hẹp tương tác châu Âu – Trung Quốc thành tương tác kinh tế song phương. Đây liệu có phải là lợi ích cho Trung Quốc?
Một mặt, Trung Quốc thúc đẩy một tầm nhìn quan hệ với châu Âu chủ yếu là liên quan tới thương mại và đầu tư, mà không có đối đầu chiến lược và chính trị gần như là thứ yếu.
Mặt khác, sau khi khi châu Âu tỏ ra dè dặt đề cập tới việc dỡ bỏ cấm vấn vũ khí vào năm 2003 – 04, Bắc Kinh kỳ vọng rằng, một ngày nào đó mối quan hệ giữa châu Âu và Mỹ sẽ trục trặc và Brussels sẽ “sánh vai” với Trung Quốc trong các vấn đề chiến lược.
Chuyến thăm Paris của ông Tập là một minh chứng khác cho thấy sự khó khăn vô cùng nếu Trung Quốc và châu Âu đồng ý về một lộ trình hành động vượt ra ngoài các tuyên bố chủ chốt về các vấn đề chính, từ giảm lượng khí thải toàn cầu, cải tố Tổ chức thương mại thế giới, cho tới an ninh mạng…
Tổng thống Macron tuyên bố, “kỷ nguyên của châu Âu thơ ngây đã chấm dứt”. Tuy nhiên, nhiều nước châu Âu vẫn tỏ ra bối rối khi Trung Quốc không tìm kiếm một vai trò lãnh đạo trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, nhất là khi vị thế toàn cầu của Trung Quốc có thể hưởng lợi rất nhiều từ động thái này.
Thứ ba, trong một tiến triển tích cực cho châu Âu, ông Tập đã chấp nhận thể thức châu Âu do Pháp đề xuất về tham vấn chính trị.
Việc một nhà lãnh đạo Trung Quốc gặp mặt Thủ tướng Đức và Chủ tịch Uỷ ban châu Âu trong một chuyến công du chính thức tới Pháp – không phải là một điều thường xảy ra.
Cuộc thảo luận bốn bên trên diễn ra không lâu sau khi Uỷ ban châu Âu công bố một tài liệu về chính sách Trung Quốc, trong đó miêu tả quốc gia châu Á là một “đối thủ có hệ thống”.
Ấn tượng về sự tán thành từ Pháp – Đức với thể thức trên vì vậy là rất quan trọng. Phía Trung Quốc cũng không phủ nhận, và gọi mối quan hệ là “cạnh tranh tích cực”.
Để tổng kết, chuyến công du chính thức của ông Tập tới Pháp kết thúc một cách tích cực, bất chấp các bên vẫn không thống nhất được một sự hợp tác về nghị sự quốc tế.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc đặt nhiều kỳ vọng tại châu Âu; làm việc tại Rome với một chính phủ đang bị chia rẽ và không có đầy đủ sức mạnh; gặp gỡ liên minh Pháp – Đức – EU tại Paris; trong đó dường như nghiêng tính thương mại nhiều hơn trong các cuộc hội đàm tại thủ đô nước Pháp.
Tuy vậy, điều trên vẫn chưa đủ để giải quyết sự thiếu hụt một động cơ chính trị cho hợp tác châu Âu – Trung Quốc. Nó cũng không thể giải quyết các khác biệt giữa Bắc Kinh và EU trong các giá trị chính trị, hình thức điều hành và chính sách đối ngoại.