Eo biển Malacca nối Biển Đông và Ấn Độ Dương, có ý nghĩa chiến lược vô cùng quan trọng không chỉ đối với khu vực mà còn đối với cả thế giới. Vì vậy, trong những năm qua, Trung Quốc luôn tìm cách để kiểm soát được eo biển này.
Eo biển Malacca trong tính toán chiến lược của TQ. Nguồn: RT
Vị trí chiến lược của eo biển Malacca khiến TQ thèm muốn
Eo biển Malacca có chiều dài khoảng 805 km (tương đương 500 dặm Anh) và nơi hẹp nhất chỉ có 1,2 km. Trong một thời gian rất dài và khởi đầu khá sớm, đây chính là một trong những đầu mối quan trọng trong nền tảng hải thương quốc tế. Eo biển Malacca có vị trí địa kinh tế rất thuận lợi khi nằm trên tuyến giao thông cực kỳ quan trọng, vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy từ Châu Âu, Châu Phi, Nam Á, Trung Đông đi Đông Á.Bắt đầu từ thế kỷ VII, vượt qua Kedah và Phù Nam, eo biển Malacca vươn lên trở thành trung tâm thương mại lớn nhất Đông Nam Á, nắm giữ vị thế hoàng kim trong hệ thống thương mại Đông – Tây.
Khu vực này luôn là nơi có vị trí hiểm yếu về quân sự. Để kiểm soát eo biển này, khống chế con đường huyết mạch thương mại quốc tế, giành lợi ích kinh tế to lớn, trong quá khứ, vương quốc Mã Lai cổ đại, thực dân châu Âu và Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới thứ hai đều thay nhau chiếm lĩnh một phần hoặc toàn bộ khu vực này. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Inđonesia và Malaysia lần lượt giành được độc lập, trở thành quốc gia dân tộc. Năm 1965, bang tự trị Singapore của Malaysia cũng tuyên bố độc lập. Từ đó, vùng ven bờ eo biển Malacca với ý nghĩa hiện đại do ba nước này chính thức xác lập. Tuy nhiên, do lập trường không giống nhau, ba nước đã xảy ra tranh chấp nhiều lần trong vấn đề phân chia vùng nước eo biển. Trong đó, Inđonesia là nước coi trọng chủ quyền eo biển sớm nhất. Năm 1957, nước này đưa ra “Tuyên bố quốc đảo”, lần đầu tiên khẳng định eo biển Malacca thuộc phạm vi lãnh hải của Inđonesia theo “Nguyên tắc nội thủy quốc gia quần đảo”, có chủ quyền và quyền quản lý đối với eo biển. Tiếp đó, Malaysia khẳng định chủ quyền và quyền quản lý đối với eo biển Malacca theo “Công ước Giơnevơ về lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải” và “Công ước Giơnevơ về thềm lục địa” của Liên hợp quốc năm 1958. Sau khi Singapore giành được độc lập, vấn đề chủ quyền vùng eo biển cũng rất cứng rắn, không hề nhượng bộ. Vì thế, ba nước xảy ra tranh chấp vùng eo biển này. Sau khi ASEAN thành lập, các nước ven biển đàm phán vấn đề phân giới vùng biển trong khuôn khổ ASEAN.
Do lợi ích quốc gia của Trung Quốc ngày càng được mở rộng, việc bảo vệ an ninh các tuyến đường biển quốc tế quan trọng trong đó có eo biển Malacca là nhu cầu tất yếu của Trung Quốc. Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã đưa “Song đề Malacca” trở thành một vấn đề chiến lược quan trọng từ khoảng năm 2003. Bắt đầu từ năm 1993, Trung Quốc đã từ nước xuất khẩu dầu mỏ trở thành nước nhập khẩu dầu mỏ. Các chuyên gia dự báo, đến năm 2020 lượng dầu mỏ nhập khẩu của Trung Quốc tối thiểu là 450 triệu tấn, sự phụ thuộc nguồn dầu mỏ bên ngoài có thể lên tới 60%. 80% lượng dầu mỏ nhập khẩu phải vận chuyển thông qua eo biển Malacca. Cửa ngõ thương mại Melaka là một phần trong hệ thống phát triển hải cảng rộng lớn giữa Kuala Lumpur và Bắc Kinh để tăng cường thương mại song phương và thúc đẩy vận chuyển và hậu cần dọc theo con đường tơ lụa trên biển của Trung Quốc. “Eo biển Malacca có những yếu tố chiến lược. Trung Quốc thường bắt đầu bằng sự hiện diện kinh tế, sau đó có thể phát triển thành sự hiện diện hải quân, do Trung Quốc sẽ nói rằng họ có trách nhiệm để đảm bảo sự đi lại an toàn của các tàu thương mại”, Tiến sĩ Johan Saravanamuttu tại trường Nghiên cứu Quốc tế S.Rajaratnam cho biết.
Những cách thức TQ có thể sử dụng để kiểm soát eo biển Malacca
Duy trì tuyến đường vận chuyển dầu mỏ, bảo vệ an ninh eo biển này có ý nghĩa chiến lược quan trọng đối với Trung Quốc. Vì vậy, nước này có thể thông qua các cách thức sau để gia tăng ảnh hưởng và kiểm soát eo biển này:
Thứ nhất, Trung Quốc sẽ lợi dụng các tổ chức khu vực như ASEAN để thúc đẩy duy trì và phát triển cơ chế an ninh eo biển Malacca. Hiện nay, nhiều cường quốc khu vực và thế giới có lợi ích lớn ở eo biển này đều đang tích cực tham gia hợp tác an ninh ở eo biển. Việc xây dựng cơ chế hợp tác quốc tế giữ gìn an ninh eo biển này là một giải pháp mà tất cả cùng có lợi. Do Trung Quốc là nước lớn láng giềng của Đông Nam Á, lại có quan hệ trong lịch sử với Đông Nam Á và có đông Hoa kiều ở khu vực này, nên khi thúc đẩy xây dựng cơ chế an ninh Malacca, Trung Quốc phải xem xét đầy đủ đến mối quan tâm của các nước có liên quan, chú ý phương thức, phát huy đầy đủ ảnh hưởng của Trung Quốc ở ASEAN, sử dụng cơ chế hợp tác hiện có, tích cực thúc đẩy sự phát triển của cơ chế hợp tác an ninh quốc tế.
Thứ hai, Trung Quốc sẽ tích cực thúc đẩy đối thoại an ninh trên biển. Khuôn khổ hợp tác “10+1” Trung Quốc – ASEAN tạo điều kiện rất tốt để khởi động đối thoại thẳng thắn chân thành về nhiều vấn đề an ninh trên biển. Đồng thời mở rộng đối thoại an ninh khu vực, Trung Quốc còn có thể chia sẻ thông tin và tin tức tình báo với các quốc gia có liên quan. Là một bộ phận để tăng cường hợp tác an ninh, Trung Quốc còn có thể tìm kiếm kênh hợp tác thông tin trên biển với các nước ASEAN, trao đổi thông tin và tin tức tình báo về an ninh hàng hải eo biển Malacca, vùng biển của khu vực.
Thứ ba, Trung Quốc sẽ tìm cách mở rộng lĩnh vực hợp tác an ninh. Trên cơ sở đối thoại an ninh và trao đổi tình báo, Trung Quốc còn có thể đi từ hợp tác an ninh mở rộng sang diễn tập quân sự chung. Nội dung diễn tập có thể chủ yếu là cứu hộ trên biển, viện trợ nhân đạo, truy bắt tội phạm ma túy. Đầu tháng 5/2007, Trung Quốc và Malaixia đã tiếp tục đàm phán về nội dung cụ thể trong “Bản ghi nhớ về hợp tác trên biển Trung Quốc – Malaixia”, hai bên đồng ý mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực như trao đổi thông tin, huấn luyện đào tạo, cùng bảo vệ vùng biển có liên quan. Tháng 5/2007, tàu chiến “Nang Phán” của Trung Quốc khi tham gia triển lãm quốc tế tại Singapore về phòng thủ trên biển và “Diễn đàn hải quân Tây Thái Bình Dương” đã tham gia diễn tập cứu hộ và chống cướp biển gây được tiếng vang lớn.
Từ năm 2016, một liên doanh giữa Malaysia và Trung Quốc đã xúc tiến kế hoạch xây cảng biển trị giá 10 tỉ USD ở eo biển Malacca. Theo kế hoạch, toàn bộ dự án mang tên “Cửa ngõ Malacca” sẽ được hoàn thành vào năm 2025. Riêng cảng biển nước sâu dự kiến được xây xong vào năm 2019. Chính phủ Malaysia hy vọng sẽ thu hút 100.000 tàu, trong đó hầu hết là tàu Trung Quốc, qua lại eo biển Malacca hằng năm. Dự án trên là một phần của liên minh giữa Bắc Kinh và Kuala Lumpur nhằm tăng cường thương mại song phương và hoạt động vận chuyển hàng hóa dọc “con đường tơ lụa hàng hải” mà Trung Quốc đang ra sức thúc đẩy.