Tổ chức Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Washington (Mỹ) vừa công bố khảo sát mới nhất, trong đó khẳng định việc Việt Nam nâng cấp việc xây dựng các cơ sở vật chất ở quần đảo Trường Sa chỉ là hoạt động thông thường, không phải là quân sự hóa trên vùng Biển Đông như Trung Quốc. Thêm một đánh giá khách quan từ giới nghiên cứu quốc tế về hoạt động của Việt Nam ở Biển Đông thời gian qua.
Việc nâng cấp việc xây dựng thông thường các cơ sở vật chất ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Nguồn: AMTI/CSIS
Theo một khảo sát công bố hôm 8/4, Tổ chức Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Washington (Mỹ) khẳng định việc Việt Nam nâng cấp việc xây dựng các cơ sở vật chất ở quần đảo Trường Sa không phải là quân sự hóa trên vùng Biển Đông như Trung Quốc. AMTI/CSIS cho biết “Việt Nam tiếp tục nâng cấp các cơ sở vật chất ở quần đảo Trường Sa mặc dù rõ ràng không vấp phải những phản ứng mà các lực lượng quân sự hàng hải của Trung Quốc cũng như của Philippines phải đối mặt gần đây”. Theo AMTI/CSIS, Việt Nam đã tạo ra khoảng hơn 16 hecta đất mới trong quần đảo Trường Sa bằng việc “sử dụng các thiết bị xây dựng để nạo vét các phần của bãi ngầm xung quanh đảo Trường Sa và phủ cát lên đó. Đây là quy trình thông thường, mất nhiều thời gian hơn nhưng ít gây hại tới môi trường hơn các phương pháp của Trung Quốc, trong đó sử dụng việc nạo vét theo quy mô công nghiệp và vùi chôn trong đất trên các cơ sở của họ trong quần đảo Trường Sa”.
Khảo sát của AMTI/CISI còn cho biết rằng “Việt Nam không có ý định quân sự hóa các thực thể với quy mô lớn như của Trung Quốc.” AMTI cũng nói rằng “không có dấu hiệu nào cho thấy các cơ sở được xây dựng để chứa các máy bay tấn công.” Thay vào đó, những nâng cấp của Hà Nội dường như hướng đến việc mở rộng khả năng theo dõi và tuần tra của họ trên vùng biển có tranh chấp và cải thiện các điều kiện cũng như đảm bảo rằng họ có thể tái cung ứng bằng đường không khi cần thiết. Trong khi đó, Trung Quốc hiện đã bước vào một “giai đoạn” mới của việc quân sự hóa Biển Đông, trong đó có quần đảo Trường Sa, với việc ngày càng tăng cường triển khai tàu bè và thiết bị quân sự tới khu vực biển có tranh chấp, theo nhận định của Giám đốc AMTI Greg Poling. Trước đó, tháng 11/2018, AMTI/CSIS cũng đã công bố các bức ảnh chụp từ vệ tinh cho biết một kết cấu mới đã được Trung Quốc xây dựng trên Đá Bông Bay, thuộc nhóm đảo An Vĩnh của quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam với một mái che radar và những tấm pin năng lượng mặt trời. Mặc dù mục đích sử dụng của cơ sở này chưa được làm rõ, nhưng chắc chắn có thể là mục đích quân sự của Trung Quốc.
Đối với vấn đề giải quyết tranh chấp trên Biển Đông, chủ trương nhất quán của Việt Nam về giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông là bằng biện pháp hòa bình, trên tinh thần hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Theo đó, đối với các vấn đề chỉ liên quan đến Việt Nam và một quốc gia khác thì giải quyết song phương. Với các vấn đề liên quan đến nhiều nước, nhiều bên, liên quan đến tự do, an toàn hàng hải thì cần sự bàn bạc của các bên liên quan. Trong trường hợp các bên không giải quyết được bằng cơ chế đàm phán thì cần phải thực hiện bằng các phương thức khác, như: trung gian, hòa giải hoặc các cơ chế tài phán quốc tế. Trong khi chờ một giải pháp cơ bản, lâu dài cho vấn đề Biển Đông, các bên liên quan cần nghiêm chỉnh thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định trên cơ sở giữ nguyên trạng, không làm phức tạp hóa tình hình, không có hành động vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Về bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông, Việt Nam hoan nghênh và đánh giá cao nỗ lực cũng như đóng góp mang tính xây dựng của cộng đồng quốc tế đối với vấn đề này; ủng hộ các bên liên quan giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp và thực tiễn quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, tôn trọng quyền của các quốc gia ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phù hợp với luật pháp quốc tế, triển khai thực hiện đầy đủ DOC và khuyến khích các bên xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Là một thành viên tích cực và có trách nhiệm trong ASEAN và cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã, đang nỗ lực cùng các thành viên ASEAN và Trung Quốc thúc đẩy việc bàn thảo, nhằm sớm đạt được COC, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển ở Biển Đông và trên toàn thế giới.