Friday, April 26, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTQ có thể triển khai hệ thống giám sát biển mới ở...

TQ có thể triển khai hệ thống giám sát biển mới ở Biển Đông

Trang mạng The Diplomat (3/4) đưa tin, Bộ Quốc phòng Trung Quốc công bố hệ thống cảm biến từ xa mới, cho thấy có thể chúng sẽ được sử dụng cho các thiết bị quân sự ở Biển Đông để hỗ trợ bảo vệ các cấu trúc trên đảo và giám sát các khu vực tranh chấp.

Hệ thống cảm biến này do Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc xây dựng, mới đây được ra mắt tại Triển lãm Hàng hải và Hàng không quốc tế Langkawi 2019 tại Malaysia. Theo Bộ Quốc phòng Trung Quốc, các cấu trúc mới gồm hai phiên bản: một hệ thống thông tin tích hợp nổi (IIFP) và một hệ thống thông tin tích hợp lớn hơn, mạnh hơn để lắp đặt trên các đảo hoặc bãi san hô (IRBIS). IIFP có thể đóng vai trò như một trạm liên lạc 4G hoặc sóng ngắn, một hệ thống cảnh báo sớm sóng thần và cung cấp dịch vụ hàng hải. Cấu trúc IRBIS lớn hơn cũng có chức năng tương tự, song chúng được trang bị nhiều cảm biến hơn và hoạt động mạnh hơn. Cả hai cấu trúc mới của Trung Quốc đều được thiết kế để vận hành tự động, cung cấp một loạt phương pháp để giám sát thời tiết, vùng biển và hoạt động của con người tại những khu vực nhất định. Chúng có trọng lượng nhẹ và có thể được triển khai tại những vùng nước nông nhờ sự hỗ trợ của tàu kéo hoặc các tàu tương tự.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết cả hai phiên bản đều có thể hoạt động như những điểm nút trong mạng lưới cảm biến nhằm giúp nhận thức tình hình đa chiều, cung cấp dịch vụ thông tin và do thám. Những tính năng trên có thể được áp dụng trong các hoạt động bồi đắp và bảo vệ đảo, đồng thời phục vụ cho hoạt động nghiên cứu hải dương và dịch vụ công.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc lớn tiếng tuyên bố, mặc dù các cấu trúc mới có thể giám sát môi trường, theo dõi thời tiết và cảnh báo sớm sóng thần một cách hiệu quả, song chúng cũng có thể giúp “theo dõi liên tục một mục tiêu ngoài biển” và có thể đóng vai trò quan trọng trong “hoạt động xây dựng” trái phép của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, “bảo vệ các đảo và bãi san hô, đồng thời giám sát liên tục các vùng biển mục tiêu”.

Bên cạnh khả năng phục vụ hiệu quả trong việc điều tra, giám sát thời tiết, môi trường, cảnh báo sớm các cơn sóng thần và hỗ trợ hàng hải, các thiết bị này có thể “giám sát liên tục một mục tiêu trên biển”, đóng vai trò quan trọng đối với “hoạt động xây dựng của Trung Quốc tại Hoàng Sa và Trường Sa, bảo vệ các đảo, đá và giám sát các vùng biển mục tiêu”.

Theo The Diplomat, công bố này của Bộ Quốc phòng Trung Quốc là sự khác biệt quan trọng so với những gì quan điểm chính thức của Trung Quốc thường đưa ra về việc không thừa nhận tính lưỡng dụng dân sự – quân sự rõ ràng của các cấu trúc nước này xây dựng ở Trường Sa, chưa kể việc lắp đặt công khai các thiết bị quân sự như boong-ke và thiết bị cảm biến tầm xa do Trung Quốc lắp đặt phi pháp tại vùng biển này. Sau khi được triển khai trên các đảo, các hệ thống cảm biến trước đây buộc phải chấp nhận giảm bớt tính chính xác và độ tin cậy để đổi lấy khả năng hoạt động tầm xa. Theo đó, các hệ thống cảm biến cũ ít phát huy tác dụng tại vùng nước gần các đảo và bãi san hô do chúng ưu tiên hoạt động tầm xa, trong khi Trung Quốc vẫn muốn giám sát sự hiện diện của các ngư dân và tàu chấp pháp tại các khu vực này.

Theo chuyên gia Peter Dutton tại Trường Chiến tranh Hải quân Mỹ, ngay cả lực lượng tuần duyên và hạm đội tàu dân quân trên biển quy mô lớn của Trung Quốc cũng không đủ khả năng tuần tra toàn bộ Biển Đông. Do vậy, theo tính toán ngang ngược của Trung Quốc, để các đội tàu phát huy hiệu quả, các cấu trúc mới sẽ giúp cung cấp một bức tranh chính xác hơn về những nơi tập trung các ngư dân và tàu chấp pháp trong khu vực. Khi đó, Trung Quốc có thể ngang nhiên sử dụng những thông tin thu thập được từ hệ thống cảm biến mới để báo cho lực lượng tuần duyên và hạm đội dân quân của nước này trước khi có hành động can thiệp mà không cần mất công triển khai lực lượng tuần tra tại các vùng biển trống.

Đáng chú ý, trước đó, Thời báo Hoàn Cầu, phụ san của Tân Hoa xã (22/3) đưa tin, Trung Quốc đang lên kế hoạch xây dựng một hệ thống định vị khu vực có độ chính xác cao, hay còn gọi là hệ thống Bắc Đẩu dưới nước, trong một chương trình thí điểm tại Biển Đông nhằm cung cấp thông tin về vị trí, định vị và liên lạc dành cho người dùng toàn cầu. Theo Phòng thí nghiệm âm thanh Thượng Hải thuộc Viện Khoa học Trung Quốc, hệ thống định vị trên biển, còn được gọi là UGPS, sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật quan trọng cho mạng lưới dưới biển của Trung Quốc, đặc biệt cho các tàu lặn. Hệ thống UGPS sẽ hoạt động dựa trên hệ thống vệ tinh định vị Bắc Đẩu của Trung Quốc. Hệ thống Bắc Đẩu do Trung Quốc tự phát triển và sử dụng dịch vụ định vị của nước này, thay vì dịch vụ định vị toàn cầu GPS của Mỹ. Theo đó, những tín hiệu định vị vô tuyến khó có thể xâm nhập vùng nước sâu. Do vậy, tàu ngầm và thiết bị lặn không người lái không thể dùng những hệ thống vệ tinh định vị hiện có. UGPS sẽ dùng tín hiệu sóng âm thanh thay vì sóng vô tuyến cho việc định vị dưới nước.

Tuy vậy, Phòng thí nghiệm âm thanh Thượng Hải không tiết lộ UGPS sẽ hoạt động hiệu quả ở độ sâu bao nhiêu dưới đáy biển, cũng như mức độ chính xác của hệ thống này. Theo thông tin từ phòng thí nghiệm trên, trong kế hoạch 5 năm lần thứ 13 (2016-2020), Trung Quốc dự tính xây dựng một vùng ứng dụng UGPS bao trùm 250.000 km2 Biển Đông.

Trong khi đó, Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng cho biết, Trung Quốc được cho là đang lên kế hoạch thiết lập một căn cứ ở dưới đáy biển để phục vụ hoạt động quốc phòng và khoa học của tàu ngầm không người lái tại Biển Đông. Nơi đặt căn cứ dưới biển của Trung Quốc có thể nằm ở phần sâu nhất của đại dương (từ 6.000 – 11.000m). Các nhà khoa học ước tính dự án này sẽ tiêu tốn khoảng 1,1 tỷ Nhân dân tệ (160 triệu USD). Các tàu ngầm robot sẽ được triển khai để khảo sát đáy biển, ghi chép thông tin về các sinh vật sống dưới biển và thu thập các mẫu khoáng sản. Đóng vai trò như một phòng thí nghiệm độc lập, căn cứ dưới biển của Trung Quốc sẽ phân tích các mẫu do tàu ngầm thu được và gửi thông tin lên mặt nước.

Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi hoạt động của các nước trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, bao gồm các hoạt động trên mặt biển, trên vùng trời, hay dưới đáy đại dương mà chưa được phép của Việt Nam là vi phạm chủ quyền hợp pháp của Việt Nam. Vì vậy, việc Trung Quốc triển khai hệ thống cảm biến từ xa mới là hành vi xâm phạm chủ quyền vùng trời của Việt Nam đối với không phận bên trên lãnh thổ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời đe dọa trực tiếp đến các đảo và thực thể hợp pháp của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Không những vậy, việc sử dụng các hệ thống do thám như vậy gây ra mối đe dọa đến an ninh và chủ quyền lãnh thổ của các nước trong khu vực Biển Đông.

Không những vậy, hành động của Trung Quốc còn vi phạm các quy định luật pháp quốc tế liên quan. Việc Trung Quốc triển khai hệ thống cảm biến từ xa mới ở khu vực Biển Đông mà chưa được Việt Nam đồng ý là vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông. Hành động trên cũng đi ngược lại Tuyên bố chung của lãnh đạo hai nước Việt Nam – Trung Quốc về việc hạn chế các hành vi gia tăng căng thẳng ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới