Tuesday, May 7, 2024
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 21/08/2018

Bản tin Biển Đông ngày 21/08/2018

Bản tin Biển Đông ngày 21/08/2018.

Trung Quốc đề xuất thường xuyên tổ chức diễn tập quân sự với ASEAN ở Biển Đông

Ngày 20/8, hãng tin Kyodo News đưa tin, theo một nguồn ngoại giao từ ASEAN, Trung Quốc đang đề xuất với ASEAN về việc hai bên sẽ thường xuyên tổ chức các cuộc diễn tập quân sự trên Biển Đông. Trung Quốc cũng đã đề xuất rằng hai bên sẽ cam kết không tổ chức các cuộc diễn tập quân sự chung ở Biển Đông với bất kỳ quốc gia nào ngoài khu vực mà không cần thông báo hoặc thỏa thuận trước.

Kyodo News cho hay, các đề xuất – một phần của bản tóm tắt ý kiến ​​của các nước tham gia đàm phán COC- đã được tiết lộ chỉ vài tuần sau khi các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc tổ chức một cuộc diễn tập trên biển ở Singapore, tập trung vào hợp tác trong các sự cố liên quan đến an toàn trên biển.

Tổng thống Rodrigo Duterte và chính sách đối ngoại nhiều tranh cãi của Philippines

Ngày 20/8, Nhóm Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế (CSIS) đăng bài viết “Tổng thống Duterte và chính sách đối ngoại gây tranh cãi của Philippines” của PGS. Richard Heydarian, Đại học De La Salle, Philippines. Ông Heydarian nhận định, so với chính quyền tiền nhiệm của cựu Tổng thống Benigno Aquino, chính sách đối ngoại của Philippines hiện nay dưới chính quyền của Tổng thống Rodrigo Duterte có “một đổi thay đột ngột” đối với chính sách đối ngoại của Philippines khi tạm gác chiến thắng lịch sử Phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế về vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc ngày 12/7/2016 để củng cố quan hệ song phương với Trung Quốc. Mặt khác, ông Duterte lại không mấy mặn mà với việc thúc đẩy hợp tác an ninh với Mỹ – đồng minh Hiệp ước của Philippines từ trước đến nay. Tuy nhiên, nội bộ ở Philippines dường như không “thuận” theo chính sách đối ngoại này, trong đó, Bộ Quốc phòng Philippines vẫn tiếp tục duy trì hợp tác quân sự toàn diện với Mỹ, đồng thời theo sát và phản đối việc Trung Quốc gia tăng hiện diện trên các vùng biển mà Philippines yêu sách trên Biển Đông.

Về chính sách đối ngoại của Philippines, PGS. Heydarian cho rằng chính quyền của Tổng thống Duterte đã áp dụng một chính sách đa dạng chiến lược, khởi động lại các kênh trao đổi với Trung Quốc đồng thời giảm bớt sự lệ thuộc vào các nước đồng minh truyền thống. Theo Richard Heydarian, Philippines bắt đầu theo đuổi chiến lược đối trọng cân bằng, không quá khác biệt so với cách tiếp cận cân bằng nước đôi của một số bên khác trong tranh chấp Biển Đông. Đối với Tổng thống Duterte, một chính sách đối ngoại “độc lập” đồng nghĩa với việc duy trì quan hệ tốt đẹp với tất cả các nước lớn chứ không đi theo nước lớn này để chống lại nước khác; đồng thời với Trung Quốc, chính quyền của ông Duterte luôn đảm bảo rằng tranh chấp Biển Đông sẽ không phải là yếu tố quyết định đến toàn bộ bức tranh quan hệ song phương giữa hai nước. Ông xem Trung Quốc như một đối tác quan trọng đối với sự phát triển của quốc gia, đặc biệt là đảo Mindanao quê hương ông. Tuy nhiên, chính sách của ông lại khiến dư luận lo ngại bởi ông đã cho phép Trung Quốc tiếp cận với các căn cứ không quân và cảng Davao dù hai bên chưa có một thỏa thuận quốc phòng chính thức nào. Chính quyền ông Duterte cũng đã thúc đẩy các Thỏa thuận phát triển chung ở Biển Đông, ngay cả khi điều này có thể dẫn đến việc hợp pháp hoá yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc đã bị Phán quyết Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông ngày 12/7/2016 tuyên bố là không có giá trị về mặt pháp lý. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn chưa thực hiện cam kết về việc thúc đẩy dự án đầu tư cơ sở hạ tầng tại Philippines như đã hứa hẹn với Tổng thống Duterte và không những thế, vẫn tiếp tục là “mối đe dọa lớn đối với lợi ích của Philippines”, gây ra bức xúc trong dư luận Philippines như cảnh báo của các hãng truyền thông chính thức cũng như các chuyên gia nghiên cứu có tiếng tăm. Trước tình hình này, tác giả bài viết cho rằng chính quyền Tổng thống Duterte cần phải điều chỉnh lại cách tiếp cận của mình đối với Trung Quốc nhằm ngăn chặn những phản ứng dữ dội trong nước. Ông cũng thấy được có một số thay đổi nhất định trong cách tiếp cận của Duterte trong thời gian gần đây, khi Bắc Kinh ngang ngược gây khó dễ cho các hoạt động tuần tra của Philippines ở Biển Đông. PGS. Heydarian nhận định, mặc dù ông Duterte không có thẩm quyền đơn phương quyết định chính sách Biển Đông của Philippines song nếu Trung Quốc đã vượt qua một số “lằn ranh đỏ” nhất định, Duterte rất có thể sẽ buộc phải xem lại cách tiếp cận của ông đối với Trung Quốc, tương tự như cựu Tổng thống Aquino sau căng thẳng tại bãi cạn Scarborough.

Báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ đã “vạch trần” chân tướng “Đội dân quân biển của Trung Quốc”

Ngày 20/8, tạp chí The National Interest đăng bài viết “Báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ đã vạch trần Đội dân quân biển của Trung Quốc” của GS. TS. Andrew S. Erickson, Viện Nghiên cứu biển Trung Quốc, Đại học Hải chiến Mỹ. Ngày 16/8, Lầu Năm góc đã công bố báo cáo thường niên về các diễn biến quân sự và an ninh liên quan đến Trung Quốc, đặc biệt đã làm sáng tỏ về Đội dân quân vũ trang trên biển của Trung Quốc (PAFMM), một lực lượng được Trung Quốc sử dụng nhằm thúc đẩy các yêu sách chủ quyền của mình trên khắp Biển Đông.

Báo cáo năm 2018 của Lầu Năm Góc nêu rõ: “Trung Quốc. . . sẵn sàng sử dụng các biện pháp cưỡng chế để thúc đẩy lợi ích của mình và ngăn chặn sự phản đối của các nước khác…” Vào tháng 8/2017, Trung Quốc đã triển khai lực lượng hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN), Lực lượng Hải cảnhTrung Quốc (CCG) và lực lượng tuần tra của dân quân xung quanh Đá Thị Tứ và cắm cờ trên Sandy Cay, một cấu trúc nằm trong phạm vi 12 hải lý của Đá Xu Bi và Đá Thị Tứ, dường như là nhằm phản ứng với kế hoạch nâng cấp đường băng trên Đá Thị Tứ của Philippines”. Báo cáo cũng nhấn mạnh “PLAN, CCG và PAFMM đang tạo thành lực lượng trên biển lớn nhất ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”. Theo ông Anderson, việc Trung Quốc sử dụng PAFMM đã làm suy yếu các lợi ích quan trọng của Mỹ và quốc tế trong việc duy trì nguyên trạng khu vực thông qua việc cho phép lực lượng PAFMM tham gia vào các hoạt động tại “vùng xám” ở mức độ đặc biệt nhằm hạn chế phản ứng từ các bên liên quan, tránh làm leo thang thành xung đột quân sự mà vẫn tăng cường kiểm soát hiệu quả tại các khu vực tranh chấp. Tuy nhiên, ông cho hay các hoạt động của PAFMM dù được ẩn giấu quá lâu song Chính phủ Mỹ vẫn nhận thức rõ về các mục tiêu của PAFMM và giám sát chặt chẽ lực lượng này. Báo cáo cũng đã cung cấp một cách chi tiết về sự phát triển và hoạt động của PAFMM kể từ năm 2015, bắt đầu từ “thành phố Tam Á” nằm trên quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Đặc biệt, trong báo cáo, Lầu Năm góc đã lưu ý: “Lực lượng dân quân đóng vai trò quan trọng trong một số chiến dịch quân sự và các vụ việc gây hấn trong những năm qua, bao gồm căng thẳng tại bãi cạn Scarborough năm 2012, vụ giàn khoan HD 981 năm 2014 và triển khai các tàu ở gần Đảo Senkaku/Điếu Ngư năm 2016”.

          Ông Anderson nhận định, báo cáo của Lầu Năm góc được xem như một lời nhắc nhở quan trọng đối với các nhà hoạch định chính sách, nhất là ở Tokyo và Washington, rằng Bắc Kinh chắc chắn sẽ tiếp tục sử dụng lực lượng biển thứ ba của mình như một công cụ để thăm dò và gây áp lực. Do đó, các nhà phân tích và hoạch định chính sách của Mỹ và Nhật Bản cần tăng cường gấp đôi nỗ lực của họ để chia sẻ thông tin, phát triển và thực hiện các biện pháp đối phó liên quan đến PAFMM. Theo TS. Anderson, việc công khai tiết lộ bản chất và hoạt động thực sự của PAFMM là một bước quan trọng trong việc ngăn cản việc sử dụng của PAFMM trong tương lai, ngăn chặn những thách thức nguy hiểm của lực lượng biển thứ ba của Bắc Kinh.

RELATED ARTICLES

Tin mới