Monday, January 6, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaChính trường Trung Quốc liệu có lâm nguy?

Chính trường Trung Quốc liệu có lâm nguy?

Hiện nay nhiều người, nhất là giới truyền thông phương tây, cho rằng Tập Cận Bình là người đầy quyền lực, nào là Chủ tịch nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quân ủy Trung ương, Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia và cả chục chức chủ tịch các tiểu ban khác. Tuy nhiên có người nói không phải thế. Họ Tập chỉ còn là một con đại bàng gãy đôi cánh, nhất là sau cuộc họp Bắc Đới Hà mùa hè năm 2018.

Chúng ta hãy cùng nhau xem xét vấn đề trên một cách kỹ lưỡng hơn. 

Theo một số người, nhất là người Trung Quốc, thì Đảng cộng sản Trung Quốc hiện nay chia làm hai phe: Phe Thái tử đảng đại diện bởi Tập Cận Bình, Phe Trường đảng, đại diện bởi Lý Khắc Cường. 

Người khác nói có 3 phe: 2 phe cầm đầu bởi 2 cựu Chủ tịch đảng là Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào và một phe cầm đầu bởi đương kim Chủ tịch. Ba phe này, bằng mặt chứ không bằng lòng. Bề ngoài thì ăn nói hớn hở, tươi cười, nhưng bên trong thì sẵn sàng lợi dụng sơ hở để loại trừ người của phe phái khác. 

Vào năm 2011, lúc họ Tập đang sửa soạn lên ngôi, thì xảy ra vụ Bạc Hy Lai, tỉnh trưởng Trùng Khánh. Họ Bạc được Giang Trạch Dân sửa soạn để thay thế họ Tập nhưng kế hoạch không thành do nhiều lý do, trong đó có việc ông Vương Lập Quân, đặc trách về công an tỉnh Trùng Khánh đã trốn vào Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ và khai báo những sai phạm liên quan đến vợ Bạc Hy Lai. Chính vì vậy mà Tập Cận Bình được lên ngôi một cách suôn sẻ. 

Từ năm 2012, Tập Cận Bình bắt đầu chính sách “Đả hổ diệt ruồi” chống tham nhũng, hối lộ, đã mang lại những kết quả, đã bắt bỏ tù phần lớn những tay chân thân cận của Giang Trạch Dân, từ Chu Vĩnh Khang, nhân vật hét ra lửa, nắm giữ nội vụ, công an, cảnh sát và cả pháp luật, Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng, cả 2 đều là Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, tất nhiên có cả Bạc Hy Lai. 

Tuy nhiên sau đó Tập Cận Bình đi hơi quá, không những định bỏ tù Giang, mà còn nhằm đánh vào cả Hồ Cẩm Đào, người ủng hộ mình lúc đầu, qua việc đánh đàn em họ Hồ là Lệnh Kế Hoạch. 

Uy tín của họ Tập lên rất cao, trong kỳ Đại hội đảng lần thứ 19 vào năm 2017 và kỳ họp Lưỡng viện năm 2018, đến mức họ Tập đã phá vỡ một số luật lệ bất thành văn, được lập lên từ thời Đặng Tiểu Bình, như việc bãi bỏ việc hạn chế Tổng Bí thư ra tranh cử lần thứ 3, tư tưởng của họ Tập được đưa vào Hiến pháp với tư tưởng “Giấc mộng Trung Hoa, Vành đai, Con đường”. 

Nhưng không may cho họ Tập là đúng vào lúc này, Donald Trump lên làm Tổng thống Hoa Kỳ, khởi xướng chiến tranh thương mại với Trung Quốc, bắt đầu bằng cách tố cáo cán cân mậu dịch quá nghiêng về Trung Quốc, như năm 2017, Trung Quốc nhập siêu từ Mỹ chỉ có 130 tỷ $, trong khi đó Mỹ nhập siêu từ Trung Quốc là 505 tỷ $, chênh lệch là 375 tỷ $. Rồi đến việc đánh thuế vào một số hàng Trung Quốc, cùng việc tố cáo chính sách vi phạm sở hữu trí tuệ, không tuân thủ luật lệ quốc tế, ép những công ty ngoại quốc phải chuyển giao kỹ thuật khoa học cho những hãng quốc doanh của Trung Quốc. 

Những hành động trên làm cho các công ty nước ngoài dần rút khỏi Trung Quốc, cộng thêm những yếu điểm của các cơ cấu tài chính, thị trường lẫn nợ công, làm cho kinh tế Trung Quốc chao đảo. 

Bắc Đới Hà, một vùng biển ở phía bắc Bắc kinh, luôn diễn ra những cuộc họp từ thời Mao, trải qua Đặng, kéo dài cho tới Giang và Hồ Cẩm Đào. Đây là dịp các ông lớn tân cũng như cựu, vừa đi nghỉ hè, vừa gặp nhau để bàn và đồng thuận về những chính sách tương lai cho Trung Quốc. 

Lợi dụng cuộc họp mặt tại Bắc đới Hà vào mùa hè 2018, mà họ Tập cố tình tránh mặt bằng cách đi công du một vài nước châu Phi, hai cựu Tổng Bí thư và một số Ủy viên Trung ương đảng tố cáo Tập Cận Bình là đã đi theo một đường lối chính trị phiêu lưu cả về đối nội lẫn đối ngoại: về đối nội thì không nghĩ đến tình trạng kinh tế bắt đầu sa sút, dùng tiền tiêu vào những dự án không tưởng trong chương trình “Vành đai, Con đường”, chẳng khác nào như Liên Xô trước kia đã đầu tư vào Sibérie, không mang lại lợi nhuận; về ngoại giao thì làm mất lòng phần lớn những nước chung quanh, nhất là lại tỏ vẻ thách thức Hoa Kỳ; tố cáo Tập Cận Bình đã rời xa chính sách của Đặng Tiểu Bình với 16 chữ vàng “Cẩn thận quan sát. Giữ vững trận địa. Ẩn mình chờ thời. Quyết không đi đầu”, mà lại đi theo một chính sách mạo hiểm, đang đưa nước Trung Quốc tới gần bờ vực thẳm.

Theo những nhà theo dõi chính trị nội bộ Trung Quốc, từ mùa hè năm 2018, sự xuất hiện của họ Tập càng ngày càng ít trên truyền hình và báo chí Trung Quốc. Tờ Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận chính thức của đảng, vào tháng 1/2018 đã nhắc đi nhắc lại kế hoạch “Vành đai, Con đường” của họ Tập, tính ra là 20 lần trong một tháng. Nhưng vào tháng 1/2019, kế hoạch này chỉ được nói tới 7 lần. 

Trong kỳ họp Lưỡng Viện mới đây vào đầu tháng 3/2019, ông Lý Khắc Cường đọc bài tường trình chính trị trước Quốc hội, lần này không nhắc tới kế hoạch “Made in China 2025”, trái hẳn với những lần trước từ 3 năm nay. 

Mặc dù uy tín và thế lực của Tập Cận Bình bị giảm thể hiện sau cuộc họp Bắc Đới Hà 2018, họ Tập không dám triệu tập Hội nghị Trung ương đảng, theo nguyên tắc là một năm ít nhất 2 lần, vào tháng 4 và tháng 11, nhưng họ Giang và họ Hồ vẫn chưa thể làm gì được họ Tập.

Tuy nhiên, một câu hỏi được đặt ra là: tại sao họ Giang và họ Hồ, theo nguyên tắc, hai phe hợp lại, có thể triệu tập một cuộc họp Trung ương đảng, và hất họ Tập khỏi địa vị hiện nay, việc mà trước kia Đảng Trung Quốc đã làm nhiều lần vào thời Mao và thời Đặng, mà lại không làm gì? 

Để trả lời câu hỏi này, phải tìm ra nhiều nguyên nhân và giả thuyết: Họ Giang và họ Hồ thừa biết là Trung Quốc hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, hất cẳng họ Tập chỉ là việc đổ thêm dầu vào lửa, hậu quả rất khó lường, và người làm chuyện này chỉ mang tội với nhân dân và lịch sử Trung Quốc. 

Hai ông Giang và Hồ đều là những nhà chính trị lão luyện, đầy kinh nghiệm đấm đá, họ biết rằng để họ Tập ngồi tại vị, thì có thể còn giật dây ở đằng sau; nếu lập một Bộ Chính trị và Ban Thường vụ Bộ chính trị mới, họ rất khó kiểm soát. 

Có thể có rất nhiều biến cố quan trọng sẽ xảy ra cho nước Trung Quốc trong một tương lai gần. 

Nước Trung Quốc sẽ theo vết xe đổ của Liên Xô, vì những mộng tưởng quá lớn, vì những tranh chấp trong nội bộ đảng cộng sản, sẽ nổ tung ra từng mảnh, ít nhất là 5 mảnh (Mãn, Hán, Hồi, Tạng, Duy Ngô Nhĩ)? Hay sẽ theo Nhật Bản, vì thách thức địa vị độc tôn của Hoa Kỳ, bị lâm vào khủng hoảng năm 1997 và từ đó đi vào suy trầm kinh tế cho tới nay? 

Tất cả những điều đó chỉ là những sự tiên đoán, không có gì chắc chắn, vì còn nhiều yếu tố bất ngờ chưa xuất hiện, hay đã xuất hiện rồi mà chúng ta chưa biết, vì sự hiểu biết của chúng ta cũng rất có giới hạn.

Tuy nhiên có một điều chắc chắn. Đó là Trung Quốc không thể tìm lại sự tăng trưởng cách đây 30 năm, với 2 con số. 

Và từ đó, những mộng tưởng của Tập Cận Bình “Giấc mộng Trung Hoa, Made in China 2025, Vành đai, Con đường, Sát nhập Đài Loan vào lục địa”, tất cả những thứ này hoặc bị quên lãng, hay nếu thực hiện thì chỉ một phần, vì không còn quá nhiều tiền như trước kia. 

Chính vì vậy mà Tập Cận Bình được ví như một con đại bàng gãy cánh, theo như một nhà bình luận, không thể bay cao và bay xa nữa, mặc đầu có thể ông vẫn còn tại chức, ít nhất là cho hết nhiệm kỳ 2. 

RELATED ARTICLES

Tin mới