Friday, January 10, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaĐánh bắt mực ống: TQ đang cưỡng đoạt nguồn hải sản trên...

Đánh bắt mực ống: TQ đang cưỡng đoạt nguồn hải sản trên khắp thế giới

Tận dụng vị thế thống trị về cung cấp mực ống, các đội tàu của Trung Quốc đang vươn mình đến những vùng đại dương xa xôi để đánh bắt mực, đồng thời gia tăng sự hiện diện của Trung Quốc tại những vùng biển chiến lược.

Bản đồ đánh bắt thủy sản tại các vùng biển trên thế giới của tàu cá Trung Quốc theo sản lượng (triệu tấn) và giá trị (tỷ USD). Tổng cộng Trung Quốc đánh bắt khoảng 4,6 triệu tấn thủy sản/năm, cao gấp 12 lần so với số lượng thực báo lên Liên Hiệp Quốc.

Đối với chính quyền Bắc Kinh, đánh bắt mực không đơn thuần chỉ là khai thác thủy sản. Việc dò tìm và khai thác mực cũng như những nguồn tài nguyên thủy sản khác với mức độ như hiện nay của Trung Quốc đòi hỏi công nghệ, tài chính và một hệ thống tổ chức có quy mô vô cùng lớn từ chính phủ. Đó là chưa kể việc khai thác tại các vùng biển quốc tế cũng như khu vực tranh chấp cần tới sự hiện diện của hải quân.

Thống kê từ Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) cho thấy thế giới tiêu thụ hơn 2,7 triệu tấn mực hằng năm. Hải sản này đã trở thành một trong những món chủ lực tại nhiều nhà hàng từ Địa Trung Hải đến Mỹ và Nhật Bản. Phần lớn nguồn cung đến từ Trung Quốc khi nước này đánh bắt lên đến 50 – 70% sản lượng mực ống toàn cầu tại các vùng biển quốc tế.

Theo một nhà nghiên cứu giấu tên tại Đại học Hải dương Thượng Hải, mực có vòng đời chưa đến 1 năm nên rất khó theo dõi khu vực sinh sống và di chuyển của chúng. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng Trung Quốc thường xuyên cung cấp thông tin vị trí cho đội tàu đánh bắt với độ chính xác lên đến 70 – 90% nhờ mạng lưới giám sát mực và bạch tuộc quy mô nhất thế giới. Vệ tinh và tàu nghiên cứu của chính phủ thu thập lượng dữ liệu khổng lồ giúp giới nghiên cứu quan sát, dự đoán chính xác tại các vùng biển quốc tế. Chuyên gia trên cho biết, Trung Quốc đã phát hiện nhiều ngư trường mới trong vài năm gần đây và rất có khả năng sẽ tiếp tục tìm thấy nhiều nơi khác. Bên cạnh đó, Bắc Kinh còn chi hàng tỉ nhân dân tệ hằng năm để trợ cấp dầu, đóng tàu lớn, hiện đại với những công cụ đánh bắt quy mô lớn.

Tiến sĩ Enric Sala, người sáng lập và lãnh đạo dự án Pristine Seas của Hiệp hội Địa lý Quốc gia Mỹ, cho biết đánh bắt mực là ngành dễ thua lỗ và điều này đặc biệt đúng với Trung Quốc. Bắc Kinh gửi tàu đến đánh bắt ở những vùng biển xa xôi như ngoài khơi Argentina nhưng giá bán mực không thể đủ để trả tiền nhiên liệu, theo một nghiên cứu của Sala và các đồng nghiệp. Theo Enric Sala, mặc dù một số loại hải sản thường thu về lợi nhuận cao, việc câu mực và đánh bắt đáy sâu chẳng thể kiếm lời nếu không có trợ cấp chính phủ và Chính phủ Trung Quốc đang đổ lượng lớn tiền của người nộp thuế vào một ngành công nghiệp khó nhằn này.

Tuy nhiên, việc khai thác rầm rộ, bất chấp hệ quả dẫn đến nguy cơ gây mất cân bằng sinh thái cũng như thiệt hại đối với ngành thủy sản nhiều nước. Tại Hàn Quốc, giá mực tăng hơn 40% trong năm ngoái và ngư dân nước này cho rằng nguyên nhân do Trung Quốc khai thác quá mức tại vùng biển giữa 2 nước. Theo Viện Hải dương Hàn Quốc, sản lượng mực của nước này giảm 48% trong vài năm gần đây còn Nhật Bản giảm đến 73%. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn bị chỉ trích lũng đoạn thị trường mực khi vừa đẩy giá vừa xuất khẩu hàng chất lượng kém. Theo chuyên trang về công nghiệp thủy hải sản Undercurrent News, năm 2016, mực nhập từ Trung Quốc vào Mỹ chứa 30 – 50% nước so với 10% vào năm trước đó.

Mặt khác, hoạt động rầm rộ của đội tàu câu mực nói riêng và tàu đánh bắt nói chung không chỉ liên quan đến vấn đề kinh tế đơn thuần mà còn nằm trong chiến lược áp đặt hiện diện trên biển của Trung Quốc. Giáo sư Điền Dũng Quân thuộc Đại học Hải dương Trung Quốc tuyên bố việc nước này đánh bắt đến 70% sản lượng mực trên thế giới là “không có gì bất thường” với “sức mạnh trên biển ngày càng tăng”. Một nhà nghiên cứu khác cũng nói thẳng đây là “một bước nhỏ mà quan trọng trong quá trình chinh phục các đại dương”.

Trung Quốc đã mở rộng lực lượng hải quân nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Chính phủ Trung Quốc điều một số lượng lớn các tàu nghiên cứu tiên tiến đến các đại dương trên thế giới để tìm kiếm khoáng sản, dầu và các tài nguyên thiên nhiên khác. Tuy nhiên, so với các nước phương Tây, Trung Quốc “vẫn còn một chặng đường dài để đi” trước khi có thể tự xưng là cường quốc hàng hải. Vai trò của Trung Quốc vẫn còn yếu ở nhiều tổ chức thủy sản quốc tế. Trung Quốc cần nghiên cứu thêm và làm việc để cải thiện tính bền vững của các nguồn lợi thủy hải sản.

Hàng năm, các quan chức từ các nhà sản xuất và bên tiêu thụ lớn nhất thế giới – Trung Quốc, Nhật Bản, Peru, Argentina, Mỹ và các quốc gia châu Âu bao gồm Anh và Tây Ban Nha cùng bàn bạc về việc mỗi nước nên điều bao nhiêu tàu đến đến các ngư trường lớn ở vùng biển quốc tế. Các cuộc họp nhằm điều chỉnh sự cạnh tranh và giảm rủi ro đánh bắt quá mức.

Trung Quốc luôn chiếm phần lớn nhất, một phần vì họ có thông tin toàn diện và đáng tin cậy nhất về số lượng và vị trí của các nguồn mực tiềm năng. Chủ một công ty mực ở Đài Loan nói rằng họ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt, đôi khi không công bằng từ các tàu đánh cá Trung Quốc đại lục. Tuy nhiên, ít người lên tiếng chỉ trích vì ngành đánh bắt mực của Đài Loan thường xuyên phải gửi đại diện đến Trung Quốc đại lục để có những phân tích và dự báo mới nhất.

RELATED ARTICLES

Tin mới