Trong phần khai mạc kỳ họp thường niên ngày 5/3, Quốc hội Trung Quốc công bố báo cáo ngân sách cho biết chi tiêu cho quốc phòng năm 2019 sẽ tăng 7,5% so với năm 2018. Tổng ngân sách quốc phòng lên đến 1,19 nghìn tỷ RMB (khoảng 177,49 tỷ USD). Ngân sách trên được dự đoán sẽ dành cho việc tăng lương quân nhân và phát triển các vũ khí, khí tài quân sự mới.
Trung Quốc liên tục tăng ngân sách quốc phòng
Năm 2018, ngân sách quốc phòng Trung Quốc tăng 8,1%. Mức tăng trong hai năm 2017 và 2016 lần lượt là 7% và 7,6%. Trong giai đoạn từ năm 2011-2015, tăng chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc luôn nằm ở mức hai con số.
Ngân sách quốc phòng Trung Quốc được giới phân tích quốc tế theo dõi sát sao để hiểu thêm về những ý định chiến lược của Bắc Kinh. Nước này đang đẩy mạnh hiện đại hóa quân đội, phát triển nhiều vũ khí và khí tài quân sự mới như máy bay tàng hình, tàu sân bay và tên lửa diệt vệ tinh. Theo AFP, việc tăng chi tiêu quốc phòng còn để tăng lương và điều kiện sống của quân nhân. Nội dung này nằm trong kế hoạch xây dựng lực lượng quân đội chuyên nghiệp mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề ra thời gian qua.
Bắc Kinh không công khai nội dung chi tiêu quốc phòng của mình. Nhiều chuyên gia nhận định sự thiếu tính minh bạch này có thể khiến các quốc gia trong khu vực lo ngại về an ninh. Trong khi đó, một người phát ngôn của chính phủ Trung Quốc (4/3) cho biết Bắc Kinh sẽ duy trì mức tăng chi tiêu quốc phòng “một cách hợp lý và phù hợp” để đảm bảo nhu cầu cải cách quân đội và an ninh quốc gia. Ông cho biết chi tiêu quốc phòng “hạn hẹp” của Trung Quốc nhằm “bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ” và không có mục đích đe dọa những nước khác.
Tăng nhiều hay ít
Trung Quốc đã công bố ngân sách chi tiêu cho các hoạt động quân sự trong năm 2019, tăng 7,5% so với mức 1,107 nghìn tỷ nhân dân tệ trong năm 2018. Tuy nhiên, vấn đề không phải nằm ở chỗ chi tiêu quân sự của Trung Quốc đang tăng lên, mà là tăng lên bao nhiêu. Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đã tăng hàng năm kể từ giữa những năm 90 của thế kỷ trước, nhưng gần đây mức tăng hàng năm đã chậm lại.
Bắt đầu từ khoảng năm 1997, gần như năm nào tỷ lệ tăng ngân sách quốc phòng của Trung Quốc cũng ở mức hai con số (đó là có tính tới cả lạm phát). Thậm chí theo số liệu thống kê chính thức của Trung Quốc (vốn bị nhiều chuyên gia cho rằng đã giảm đi rất nhiều so với mức chi tiêu thực tế), ngân sách quốc phòng của Trung Quốc từ năm 1999 đến năm 2008 đã tăng trung bình 16,2%/năm.
Xu hướng này về cơ bản vẫn không đổi trong suốt nửa đầu thập kỷ thứ hai của thế kỷ XXI. Ví dụ, từ năm 2009 đến năm 2015, chi tiêu quân sự của Trung Quốc đã tăng từ 481 tỷ nhân dân tệ (70,3 tỷ USD) lên khoảng 886,9 tỷ nhân dân tệ. Nhìn chung, giai đoạn 1997-2015, chi tiêu quân sự của Trung Quốc tăng ít nhất 600%, sau lạm phát.
Năm 1997, chi tiêu quân sự của Trung Quốc chỉ chiếm 10 tỷ USD, ở mức tương đương với Đài Loan và thấp hơn rất nhiều so với ngân sách quốc phòng của Nhật Bản hay Hàn Quốc. Ngày nay, chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc đã vượt qua tất cả quân đội của các quốc gia châu Âu và châu Á khác, bao gồm cả Nga, hiện trở thành quốc gia có ngân sách quốc phòng lớn thứ hai trên thế giới (chỉ sau Mỹ). Tuy nhiên, sự hào phóng của Bắc Kinh đối với Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) là điều hoàn toàn dễ hiểu: mặc dù ngân sách này liên tục tăng trong suốt hơn 20 năm qua, song thực tế Trung Quốc vẫn chỉ tiêu khoảng 2% GDP vào quân sự.
Đánh giá một cách khách quan, kể từ năm 2016, tốc độ tăng chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc đã chậm lại đáng kể. Năm 2016, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc chỉ tăng 7,6% so với năm 2015, sau đó mức tăng này lần lượt là 7% năm 2017 và 8,1% năm 2018. Nói cách khác, tính tới nay, tỉ lệ tăng chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc chỉ ở mức 1 con số trong suốt 4 năm liên tiếp. Điều này có vẻ báo hiệu xu thế mới là chi tiêu quân sự của Trung Quốc sẽ còn khiêm tốn hơn nữa trong những năm tới. Trên thực tế, nếu tính bằng đồng đôla Mỹ với tỷ giá hiện nay thì mức tăng năm 2019 thực sự chỉ là 1,7% (177,6 tỷ USD năm 2019 so với 173 tỷ USD năm 2018).
Cần lưu ý rằng đây chỉ là giảm mức tăng ngân sách chứ không phải cắt giảm chi tiêu quốc phòng. Tuy nhiên, có vẻ như Trung Quốc không còn khả năng để tăng chi tiêu quốc phòng với tỷ lệ 2 con số trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang chậm lại. Giai đoạn 1998-2007, GDP của Trung Quốc tăng trung bình 12,5%/năm. Tuy nhiên, kể từ năm 2010, tăng trưởng GDP của Trung Quốc đã giảm xuống dưới mức 7%.
Trong một khoảng thời gian dài, chi tiêu quân sự của Trung Quốc luôn cao hơn mức tăng trưởng GDP. Nền kinh tế Trung Quốc tăng 12,5%/năm trong giai đoạn 1998-2007, nhưng ngân sách cho quốc phòng tăng gần 16%/năm.
Tuy nhiên, hiện nay có vẻ như khoản chi tiêu khổng lồ cho quân sự đang dần trở thành gánh nặng quá mức đối với nền kinh tế Trung Quốc. Sự bất cân xứng giữa tăng trưởng kinh tế và chi tiêu quốc phòng ngày càng trở nên rõ rệt, và kết quả là Trung Quốc không thể tăng chi tiêu quốc phòng quá lớn.
Tham vọng trở thành cường quốc toàn cầu
Mặc dù mức tăng chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc có thể chậm lại, song tiềm năng trở thành một cường quốc toàn cầu của nước này hầu như vẫn không suy giảm. Mặc dù có vẻ như Trung Quốc sẽ không chi tiêu nhiều cho quân sự trong những năm tới, song Bắc Kinh vẫn có thể bơm rất nhiều tiền cho PLA.
Trước đây, Trung Quốc từng công bố Sách Trắng quốc phòng, trong đó tuyên bố rằng 1/3 ngân sách quốc phòng sẽ được dùng cho “trang thiết b” có nghĩa rằng tiền sẽ được dùng để mua sắm, cũng như để nghiên cứu và phát triển trang thiết bị quân sự (trên thực tế, hoạt động nghiên cứu và phát triển trang thiết bị quân sự đã không còn là một phần trong thống kê ngân sách quốc phòng của Trung Quốc, có thể bởi vì chi tiêu cho hoạt động này quá ít ỏi).
Áp dụng theo công thức này đối với ngân sách quốc phòng năm 2019, 1/3 sẽ là 59,2 tỷ USD. Có thể mua được bao nhiêu trang thiết bị quân sự với số tiền này? Câu trả lời là rất nhiều. Con số 59,2 tỷ USD còn lớn hơn cả toàn bộ ngân sách quốc phòng của Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Đức hay Anh.
Chúng ta có thể mua được rất nhiều trang thiết bị với 59 tỷ USD, và thực tế Trung Quốc hiện đang tự xây dựng chiếc hàng không mẫu hạm thứ hai, và Bắc Kinh cũng đang phát triển máy bay ném bom tầm xa được trang bị công nghệ tàng hình mới và một máy bay vận tải quân sự lớn (có thể so sánh với máy bay vận tải C-17 do Mỹ sản xuất). Ngoài ra, PLA hàng năm đều có thêm hàng chục máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 và thứ 5 (bao gồm máy bay J-20), các tàu tấn công đổ bộ, tàu ngầm, tàu khu trục nhỏ, các phương tiện bọc sắt hiện đại và hệ thống pháo binh. Trung Quốc cũng đang hiện đại hóa các lực lượng hạt nhân của mình với các tên lửa đạn đạo liên lục địa lưu động mới và các tàu ngầm hạt nhân có khả năng mang tên lửa.
Đồng thời, Trung Quốc cũng không từ bỏ kế hoạch quân sự hóa Biển Đông, nỗ lực tiến sâu hơn vào Ấn Độ Dương (bao gồm việc thiết lập các căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài tại Djibouti ở vùng Sừng châu Phi), hay sáng kiến đầy tham vọng Vành đai và Con đường.
Cho dù coi đây là mối đe dọa hay thách thức, thì động lực của Trung Quốc để trở thành một cường quốc lớn trên toàn cầu sẽ không bao giờ suy giảm, và việc giảm tốc độ tăng chi tiêu quốc phòng hầu như không ảnh hưởng gì tới chiến dịch này của Bắc Kinh.