Friday, March 29, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNhìn lại một số điểm đang chú ý trong cuộc tập trận...

Nhìn lại một số điểm đang chú ý trong cuộc tập trận “Balikatan” giữa Mỹ và Philippines năm 2019

Từ ngày 1/4 đến ngày 12/4, Mỹ và Philippines đã tiến hành cuộc tập trận Balikatan thường niên năm 2019. Đây là sự kiện quân sự đặc biệt giữa hai nước và khu vực, diễn ra trong bối cảnh đang có những nhận định về sự phai nhạt trong quân hệ đồng minh Mỹ – Philippines và mối quan hệ đang ngày càng nồng ấm giữa Philippines và Trung Quốc.

Đôi nét chung về cuộc tập trận “Balikatan” (“Vai kề vai”)

“Balikatan” là cuộc tập trận quân sự diễn ra hàng năm giữa Philippines và Mỹ. Các cuộc tập trận là nền tảng của mối quan hệ đồng minh quân sự của Mỹ với Philippines kể từ khi các căn cứ của Mỹ ở Philippines đóng cửa. Ngoài Mỹ, các lực lượng vũ trang Australia đã tham gia các cuộc tập trận Balikatan hàng năm kể từ năm 2014. Cuộc tập trận Balikatan được thiết kế để duy trì và phát triển mối quan hệ an ninh giữa các lực lượng vũ trang của hai nước thông qua kế hoạch hành động khủng hoảng, thông qua đào tạo nâng cao để tiến hành các hoạt động chống khủng bố và thông qua việc thúc đẩy khả năng tương tác của các lực lượng. Sau khi Mỹ phát động cuộc chiến chống khủng bố, các cuộc tập trận Balikatan hàng năm tập trung vào huấn luyện cho các nhiệm vụ chống khủng bố. Những cuộc tập trận này đóng góp trực tiếp vào nỗ lực của các lực lượng vũ trang Philippines nhằm tìm ra Abu Sayyaf và Jemaah Islamiyah và mang lại sự phát triển cho các khu vực trước đây của quân nổi dậy, đặc biệt là Basilan và Jolo. Chúng không chỉ bao gồm huấn luyện quân sự kết hợp mà còn bao gồm các hoạt động quân sự dân sự và các dự án nhân đạo. Chương trình Giáo dục và Đào tạo Quân sự Quốc tế (IMET) là lớn nhất ở khu vực Châu Á -Thái Bình Dương và lớn thứ ba trên thế giới và Thỏa thuận Hỗ trợ Hậu cần lẫn nhau (MLSA) đã được ký vào tháng 11/2002.

Một số điểm đáng chú ý trong cuộc tập trận “Balikatan” năm nay

Thứ nhất, cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh quân đội Mỹ và Philippines đang tăng cường các hoạt động quân sự phối hợp trước việc Trung Quốc ngày càng quyết đoán trong tranh chấp lãnh thổ với Manila. Philippines cũng đang xem xét triển khai tên lửa của Mỹ để tăng cường sức mạnh quân sự.

Thứ hai, cuộc tập trận “Balikatan 2019” quy tụ một lực lượng hùng hậu, gồm 4.000 binh sĩ Philippines, 3.500 lính Mỹ và 50 lính Australia. Đặc biệt, Mỹ lần đầu triển khai tiêm kích tàng hình F-35B đến tập trận ở Đông Nam Á. Tàu đổ bộ tấn công USS Wasp (LHA-1) mang theo ít nhất 10 chiếc F-35B. Đây là số lượng F-35 lớn nhất mà tàu từng mang theo trong một đợt triển khai. Máy bay huấn luyện kiêm chiến đấu hạng nhẹ TA-50 của Philippines do Hàn Quốc sản xuất tham gia tập trận cùng chiến đấu cơ của Mỹ. Đây cũng là máy bay quân sự hiện đại nhất của nước này.

Thứ ba,Lực lượng Mỹ và Philippines đã tiến hành hoạt động đổ bộ, huấn luyện bắn đạn thật, phối hợp tác chiến trong môi trường đô thị, tác chiến trên không và chống khủng bố trên đảo Luzon và Palawan. Cuộc tập trận có sự phối hợp giữa không quân, hải quân và thủy quân lục chiến. So với các cuộc tập trận những năm trước, “Balikatan 2019” mở rộng lĩnh vực phối hợp, trong đó tập trung vào phòng thủ lãnh thổ và chống khủng bố.

Những tuyên bố, cam kết của Mỹ đối với Philippines và Biển Đông

Tuyên bố đáng chú ý nhất ngay sau khi kết thúc cuộc tập trận, Mỹ tuyên bố sẽ tiếp tục các hoạt động tuân thủ luật pháp quốc tế ở Biển Đông sau khi điều tàu đổ bộ cùng chiến đấu cơ tối tân F-35B đến khu vực. “Mỹ sẽ tiếp tục bay qua, đi thuyền qua và hoạt động bất kỳ nơi nào luật pháp cho phép”, Chỉ huy Lực lượng viễn chinh 3 của Mỹ đóng tại Nhật Bản Eric Smith phát biểu tại cuộc họp báo sau lễ kết thúc cuộc tập trận ở Philippines hôm 12/4. Ông Smith đưa ra tuyên bố trên một ngày sau khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng tuyên bố Bắc Kinh hy vọng “các lực lượng không thuộc khu vực” sẽ kiềm chế “gây rối” ở Biển Đông. Ông Smith nói Mỹ sẽ tiếp tục các hoạt động của mình ở Biển Đông dù Trung Quốc đưa ra cảnh báo trên. Chỉ huy Bộ tư lệnh Nam Luzon của Philippines Gilbert Gapay khẳng định sự hiện diện của lực lượng Mỹ ở Biển Đông là một phần của cuộc tập trận Balikatan.

Trước đó một tháng, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong phát biểu tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Philippines Teodoro Locsin ở Manila hôm 1/3 đã tuyên bố “Bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào nhằm vào lực lượng, máy bay hoặc tàu công vụ của Philippines ở Biển Đông sẽ kích hoạt trách nhiệm phòng thủ chung theo điều 4 của Hiệp ước phòng thủ chung của chúng ta”, Đây là lần đầu tiên một quan chức Mỹ công khai ý định của Washington về việc bảo vệ Philippines ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới