Thursday, January 9, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnVay ngang hàng ở TQ vỡ trận, chạy sang Việt Nam

Vay ngang hàng ở TQ vỡ trận, chạy sang Việt Nam

Theo Ngân hàng Nhà nước, việc Trung Quốc siết chặt quản lý đã khiến các công ty cho vay P2P chuyển hoạt động sang các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Trong số 40 công ty P2P lending đang hoạt động ở Việt Nam có tới 10 công ty có nguồn gốc từ Trung Quốc.

P2P lending là gì?

P2P lending là hoạt động được thiết kế và xây dựng trên nền tảng ứng dụng công nghệ số để kết nối trực tiếp người đi vay với người cho vay (nhà đầu tư) mà không thông qua trung gian tài chính như tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

P2P lending tiềm ẩn nhiều rủi ro

Trước khi một cá nhân được chấp thuận vay vốn từ công ty P2P, tất cả các thông tin xung quanh cá nhân này sẽ được thu thập qua phần mềm được lập trình. Không chỉ dừng lại là thông tin, lý lịch, tiểu sử, hay hoạt động trên các mạng xã hội… mà còn là thông tin liên hệ của những người liên quan như cha/mẹ/vợ/chồng/anh chị em…

Một chuyên gia  trong lĩnh vực ngân hàng cho biết việc thu thập thông tin để đưa ra quyết định cho vay là bình thường. Tất nhiên, việc thu thập này cũng cần có hành lang pháp lý bởi sẽ ảnh hưởng tới đời tư cá nhân của người có quan hệ liên quan với người đi vay. Tuy nhiên, vấn đề phát sinh là khi người đi vay không trả được nợ, những người liên quan tới người đi vay cũng dễ bị quấy nhiễu, làm phiền để đòi nợ.

Đó là chưa kể những rủi ro khi thông tin cá nhân các bên tham gia bị đánh cắp do lỗ hổng bảo mật.  Không loại trừ khả năng một số đối tượng ẩn danh và núp bóng giao dịch trên các nền tảng P2P lending để trốn thuế, rửa tiền, tài trợ khủng bố, biến tướng để huy động tài chính đa cấp…

Vì sao mô hình P2P phá sản tại Trung Quốc?

Theo Nikkei, trong năm 2018, số lượng các công ty P2P tại Trung Quốc giảm 25% xuống còn hơn 1.000 công ty. Hãng tin Reuters mới đây dẫn nguồn tin cho biết Dianrong – một trong những công ty cho vay ngang hàng lớn nhất Trung Quốc – chuẩn bị đóng cửa 60/90 chi nhánh.

Theo Bloomberg, tổng nợ xấu của cho vay ngang hàng tại Trung Quốc lên tới 192 tỷ USD là một trong những con số đáng giật mình.

Hơn 50 triệu người tham gia vào sàn giao dịch cho vay trực tuyến mất trắng, nợ nần, thậm chí phải tìm đến cái chết.

Theo nghiên cứu China International Cooperation, hiện nay ở Trung Quốc đang có tới 1.800 sàn giao dịch cho vay P2P hoạt động lay lắt và dự báo sẽ chỉ còn lại khoảng 200 sàn.

Nguyên nhân chính dẫn tới sự sụp đổ của hàng loạt công ty P2P

Sự phát triển tự do không có hành lang pháp lý đã khiến các công ty P2P biến tướng gây hệ lụy xấu trong xã hội.

Các thông tin quảng cáo về lãi suất, điều kiện cho vay không được minh bạch và đầy đủ. Người cho vay không kiểm soát được mục đích sử dụng của người đi vay. Khi kinh tế sa sút, người vay mất khả năng trả nợ sẽ dẫn tới hệ lụy nợ xấu.

Nhiều công ty P2P lập ra với chủ đích gọi vốn để lừa đảo, huy động vốn rồi trốn chạy khiến các nhà đầu tư có tâm lý hoảng loạn ồ ạt rút tiền. Việc hacker tấn công trang web hoặc chủ website cố tình đánh sập để ôm tiền bỏ trốn cũng là những nguyên nhân.

Cho vay P2P tại Việt Nam

Tại Việt Nam, bên cạnh các ngân hàng, công ty tài chính, vài năm gần đây có sự xuất hiện và phát triển nhanh chóng của các mô hình cho vay trực tuyến, thường được biết đến với tên gọi như “Vay tiền nhanh online”; “Vay tiền không thế chấp”, “Vay tiền không cần gặp mặt”… Các mô hình này thường được giới thiệu là công ty thực hiện hỗ trợ, tư vấn và kết nối giữa người đi vay và người cho vay (công ty tư vấn).

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong cuộc họp mới đây, việc Trung Quốc siết chặt quản lý đã khiến các công ty chuyển địa bàn hoạt động sang các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Trong số 40 công ty P2P lending đang hoạt động ở Việt Nam, có tới 10 công ty có nguồn gốc từ Trung Quốc và một số công ty từ Indonesia, Singapore.

Khảo sát thực tế cho thấy các website cho vay ngang hàng trực tuyến, vay online, vay nóng không cần gặp mặt… nở rộ như nấm sau mưa. Khách hàng chỉ cần có máy tính hoặc điện thoại thông minh có kết nối Internet là “vay tiền nhanh như gió”.

Chính vì vậy số người vay theo hình thức này cũng tăng chóng mặt trong thời gian gần đây. Theo số liệu thống kê, chỉ trên một sàn kết nối tài chính cho vay theo mô hình cho vay ngang hàng mới thành lập từ cuối năm 2017, mỗi ngày có đến hơn 3.000 đơn xin vay. Tổng số tiền đã được giải ngân tính đến cuối năm 2018 lên đến gần 260.000 tỷ đồng.

Tuy vậy, một chuyên gia kinh tế của NHNN cho biết, hiện nay Việt Nam chưa có hành lang pháp lý đối với cho vay P2P nên các công ty hoạt động trong lĩnh vực này thường đăng ký là công ty tư vấn đầu tư, quan hệ cho vay vẫn được hiểu là quan hệ dân sự.

Thực tế này tiềm ẩn nhiều rủi ro, hệ lụy về cả khía cạnh kinh tế cũng như xã hội đối với Việt Nam. Ví dụ, nhà đầu tư không được hưởng các quyền lợi liên quan đến việc bảo vệ người gửi tiền như trong hệ thống ngân hàng, trong khi đó vẫn phải chịu các rủi ro về tín dụng, thanh khoản, pháp lý..

RELATED ARTICLES

Tin mới