Wednesday, November 27, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaCông luận các nước: TQ đang đe dọa và làm suy giảm...

Công luận các nước: TQ đang đe dọa và làm suy giảm nghiêm trọng sự đa dạng sinh học, môi trường sống ở Biển Đông

Những hoạt động cải tạo, xây dựng đảo và khai thác thuỷ sạn mang tính tận diện của Trung Quốc ở Biển Đông đang làm dấy lên dư luận lo ngại và lên án mạnh mẽ trong giới chuyên gia, học giả và người dân các nước. Mới đây, Chính phủ Philippines cho biết họ sẽ đâm đơn kiện Trung Quốc đã thu hoạch hàu khổng lồ một cách trái phép trong bãi đá cạn Scarborough ở Biển Đông.

1. Theo nghiên cứu được công bố trên Tạp chí mở PLOS Biology hôm 31/3/2016 cho biết, san hô tại Trường Sa không chỉ là nạn nhân của việc mở rộng, bồi đắp trực tiếp nói trên, mà còn đe dọa bị hủy diệt hàng loạt do việc nạo vét lòng biển bằng phương thức hút. Hoạt động này để lại vô số các trầm tích, trùm lên các rạn san hô, khiến chúng rất khó lòng hồi sinh. Ông Camilo Mora, người phụ trách của nhóm nghiên cứu, nói đây là một trong những hoạt động gây tổn hại nghiêm trọng nhất cho san hô. Ông nói thêm, những người chủ trương bồi đắp như vậy không hiểu rằng, về mặt sinh thái, khi nạo vét lòng biển để bồi đắp đảo nhân tạo, với việc san hô bị phá hủy, họ đã tấn công vào chính nền móng của “đảo”, việc bồi đắp sẽ phải tiến hành liên tục sau đó, để tránh cho đảo nhân tạo bị chìm. Cho đến nay, các rạn san hô ngoài khơi, còn tương đối yên lành, nhưng cần phải hành động khẩn cấp, theo nhà nghiên cứu Mỹ.

2. Ngày 23/4/2016, hãng Daily Caller đã trích dẫn báo cáo do Uỷ ban đánh giá an ninh kinh tế Mỹ – Trung soạn thảo và nhấn mạnh rằng, các hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông có thể đã hủy hoại các rạn san hô, phá vỡ nguồn cá tại khu vực phụ thuộc rất nhiều vào thủy sản, đồng thời vi phạm luật quốc tế về bảo vệ môi trường. Báo cáo cũng khẳng định, trong gần 2 năm qua, Trung Quốc đã bồi đắp hơn 12 km² đất đai trên 7 thực thể địa lý mà nước này chiếm đóng trái phép ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Một số bãi đá bị Bắc Kinh xây dựng và biến thành một căn cứ quân sự hoặc trạm radar, phục vụ cho ý đồ thâu tóm Biển Đông. Học giả Harry Kazianis thuộc Trung tâm các lợi ích quốc gia, một chuyên gia về chính sách quốc phòng thế giới nói “Để xây dựng các căn cứ quân sự, Trung Quốc sẵn sàng đánh đổi bằng việc phá hủy môi trường. Cho đến nay, chúng ta chưa thể biết chắc chắn những tác động ở Biển Đông mà Bắc Kinh đã thực hiện nhưng có một điều có thể thấy rõ ngay là hệ sinh thái biển đã bị thay đổi. Các quốc gia trong khu vực châu Á và cộng đồng quốc tế đều bày tỏ sự quan tâm và phản đối hành động này nhưng Trung Quốc vẫn cố tình thực hiện chiêu bài “sự đã rồi”.

3. Hôm 11/10/2016, Giáo sư John MacManus, Trường Đại học tổng hợp Miami tại Mỹ cho rằng môi trường sống ở Biển Đông đang bị tàn phá nặng nề. “Mọi thứ đều bị hủy hoại. Đặc biệt là các hoạt động của Trung Quốc. Những tàu cá Trung Quốc đào bới, nạo vét để tìm ngao, sò khổng lồ. Trung Quốc nói dối về việc họ không xây dựng đảo nhân tạo ở các rạn san hô. Thực tế họ đã phá hủy rất nhiều. Tác động của các quốc gia khác chưa bằng 1/100 những hoạt động của họ”. Theo chuyên gia này, đã có 160 km2 rạn san hô bị hủy hoại, gồm 17 km2 do hoạt động bồi đắp, xây dựng kênh cảng và 143 km2 do các hoạt động hút vật liệu xây dựng và khai thác trai khổng lồ (tính đến thời điểm lúc đó). Trung Quốc đã đơn phương áp đặt các quy định về đánh bắt thủy sản ở Biển Đông, bao gồm đóng cửa theo mùa và yêu cầu ngư dân không phải người Trung Quốc phải xin phép họ để đánh bắt. Họ đã trang bị cho 50.000 đội tàu các thiết bị đánh bắt, liên lạc vô cùng hiện đại.

4. Trong khi đó, Tiến sỹ Annette Junio Menne, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học biển, Đại học Tổng hợp Philippines hôm 11/10/2016 cũng khẳng định ở Biển Đông có một tam giác san hô với hơn 500 loài san hô khác nhau. Đây là ngôi nhà của 3.000 loài sinh vật. Tuy nhiên việc xây dựng, bồi đắp biển các bãi đá thành đảo nhân tạo của Trung Quốc là quá thô bạo, vượt quá các tiêu chuẩn. Nhiều khu vực của rạn san hô và bãi trầm tích đã bị mất vĩnh viễn. Điều đó gây tổn thất lớn về lâu dài cho môi trường. Về khía cạnh kinh tế, mỗi năm thế giới mất ít nhất 4 tỉ đô la vì các hoạt động khai thác bừa bãi ở rạn san hô trên Biển Đông của Trung Quốc. Điều đó không chỉ vi phạm hòa bình mà còn cả sự thịnh vượng của các quốc gia trên Biển Đông nữa, theo Tiến sỹ Annette Junio Menne.

5. Hôm 15/3/2019, cựu Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario và cựu Tổng thanh tra Omopaman Conchita Carpio Morales đã nộp đơn kiện Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên Tòa Hình sự quốc tế (ICC) ở The Hague, Hà Lan, kêu gọi công tố viên Fatou Bensouda khởi xướng “cuộc khảo sát sơ bộ” để “đánh giá các hành vi phạm tội của Trung Quốc chống lại người dân Philippines và các quốc gia khác”. Khẳng định đại diện cho hàng trăm nghìn ngư dân, Del Rosario và Morales cáo buộc việc Trung Quốc cải tạo phi pháp ở Biển Đông là “sự hủy diệt, gần như vĩnh viễn và tàn phá môi trường lớn nhất trong lịch sử nhân loại”. Ngay sau đó, hàng ngàn người Philippines đã bày tỏ sự ủng hộ việc cựu Ngoại trưởng Albert del Rosario và cựu Tổng thanh tra Conchita Carpio Morales nộp đơn kiện Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên ICC.

6. Hôm 15/4/2019, Chính phủ Philippines cho biết họ sẽ đệ đơn kiện Trung Quốc đã thu hoạch hàu khổng lồ một cách trái phép trong bãi đá cạn Scarborough đang có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Các ngư phủ Philippines than phiền là lực lượng tuần duyên của Trung Quốc đã ngăn chận họ không cho đến ngư trường hay tịch thu sản phẩm đánh bắt được của họ, trong lúc vẫn cho phép tàu của ngư dân Trung Quốc vào khai thác. Động thái trên đưa ra sau khi hãng tin ABS-CBN News cho công bố báo cáo của họ trong đó nhiều ngư dân Philippines thuật lại các chiến thuật hù dọa cũng như ‘hốt hàu không lồ’ ồ ạt của Trung Quốc trong vùng. Cách làm “quật bùn tưng bừng” của ngư phủ Trung Quốc khi cho thu hoạch hàu khổng lồ còn làm hại đến các loài thủy sản khác và làm hại đến dụng cụ hành nghề của ngư dân Philippines. ABS-CBN News cho hay họ thật sự trông thấy ít nhất có 14 tàu đánh cá của Trung Quốc đang “hành sự” với nhiều đống hàu khổng lồ thu hoạch được nhưng đã chết, mỗi bao hàu còn gắn nhãn đỏ, xanh và vàng để phân định kích thước.

Tóm lại, Trung Quốc đã vi phạm các quy đinh về bảo vệ và bảo tồn môi trường biển và hợp tác bảo vệ môi trường biển của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS). Theo Điều 192 của Công ước thì các quốc gia có nghĩa vụ phải bảo vệ và bảo tồn môi trường biển. Điều 123 của Công ước yêu cầu các quốc gia ven biển kín hoặc nửa kín phải cố gắng phối hợp quản lý, bảo tồn, thăm dò và khai thác các nguồn tài nguyên sinh vật của biển. Trung Quốc cũng vi phạm các quy định của Công ước bảo vệ đa dạng sinh học năm 1992 liên quan tới nghĩa vụ không được để các hành động do mình kiểm soát gây hại đến môi trường của các quốc gia khác và nghĩa vụ đánh giá tác động môi trường. Điều 3 của Công ước yêu cầu các quốc gia có trách nhiệm đảm bảo các hoạt động do mình kiểm soát không được gây hại đến môi trường của các quốc gia khác. Điều 14 của Công ước quy định một quốc gia phải tiến hành đánh giá tác động môi trường trước khi thực hiện những dự án có thể gây ra hậu quả có hại tới đa dạng sinh học. Những tiếng nói trên đã phản bác lại lập luận, tuyên bố của Trung Quốc rằng các hoạt động cải tạo, bồi đắp đảo của nước này ở Biển Đông đã được nghiên cứu, khảo sát kỹ lưỡng và không gây tác động đến môi trường sinh thái hay nước này đang nỗ lực khôi phục hệ sinh thái của các rạn san hô ở Biển Đông đang tranh chấp.

RELATED ARTICLES

Tin mới