Tuesday, January 7, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaTQ và tham vọng độc chiếm dầu khí ở Biển Đông

TQ và tham vọng độc chiếm dầu khí ở Biển Đông

Trong những năm gần đây, để đảm bảo nguồn cung về dầu khí, Trung Quốc đã thúc đẩy nhiều âm mưu, thủ đoạn nhằm độc chiếm nguồn năng lượng dầu khí ở Biển Đông. Hành động trên của Trung Quốc không chỉ vi phạm luật pháp quốc tế mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với hòa bình, ổn định trong khu vực.

Biển Đông là khu vực có trữ lượng dầu khí tiềm năng

Cục Quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA) dự đoán Biển Đông nắm giữ trữ lượng khoảng 11 tỷ thùng dầu và 190 nghìn tỷ feet khối khí đã được chứng minh và ở dạng tiềm năng, con số này vượt xa so với những dự đoán trước đây và và thậm chí còn nhiều hơn các nguồn tài nguyên chưa được khai thác của cả châu Âu. Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ cũng nhận định trữ lượng dầu mỏ tiềm năng ở Biển Đông vào khoảng 2,5 tỷ thùng dầu. Theo CIA World Factlook, trữ lượng dầu khí ở Biển Đông ít hơn so với trữ lượng 14,8 tỷ thùng dầu đã được chứng minh của Trung Quốc và bằng khoảng một nửa trữ lượng dầu đã được chứng minh của Mỹ (20,6 tỷ thùng). Trong khi đó, Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) từng ước tính khu vực này nắm giữ khoảng 125 tỷ thùng dầu và 500 nghìn tỷ m3 khí tự nhiên chưa được khám phá.

Theo EIA, khu vực này bao gồm hàng trăm hòn đảo nhỏ, đá và san hô, phần lớn thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong đó, khu vực quanh quần đảo Trường Sa hầu như chưa được kiểm chứng là có dầu và hầu hết các nguồn tài nguyên hydrocarbon được dự đoán nằm ở Bãi Cỏ Rong ở cuối phía Đông Bắc của quần đảo Trường Sa. Vùng đất thuộc quần đảo Hoàng Sa hiện không có phát hiện dầu khí nào đáng kể và dự báo tiềm năng cũng không có gì đặc biệt. Tuy nhiên, EIA nhận định việc khai thác nguồn tài nguyên giàu có này của Biển Đông sẽ rất khó khăn bởi các nhà khai thác sẽ phải xây dựng đường ống dưới biển rất tốn kém để dẫn khí vào bờ. Những thung lũng ngầm và các dòng chảy mạnh cũng gây ra những thách thức địa chất ghê gớm với việc khoan và đặt các cơ sở khai thác, chưa kể sức tàn phá kinh khủng của các cơn bão nhiệt đới nơi đây.

Chiến lược thăm dò, khai thác dầu khí của Trung Quốc

Cơ quan năng lượng quốc gia Trung Quốc cho biết, trong kế hoạch 5 năm giai đoạn 2011 – 2015, Biển Đông sẽ là khu vực chính trong các vùng mà Trung Quốc dự tính đẩy mạnh việc thăm dò và khai thác khí đốt ở ngoài khơi. Mục tiêu của Bắc Kinh là vào năm 2015, tổng sản lượng khai thác khí đốt sẽ lên đến 176 tỷ m3.

Theo Bộ Đất đai và Tài nguyên Trung Quốc (MLR), đầu tư khai thác dầu khí của nước này trong giai đoạn 2012-2016 đã tăng 12,6% so với giai đoạn 2007-2011. Sản lượng dầu thô của Trung Quốc đạt 181,21 triệu tấn trong 11 tháng đầu năm 2016, trong khi sản lượng khí đốt tự nhiên đạt 121,1 tỷ m3. Tuy nhiên, Trung Quốc hiện vẫn là quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn. Viện Nghiên cứu Công nghệ và Kinh tế thuộc Tập đoàn Dầu mỏ Trung Quốc (CNPC) ước tính sự phụ thuộc của Trung Quốc vào nhập khẩu dầu mỏ đã vượt quá 65% trong năm 2016.

Theo bản kế hoạch 5 năm do Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia Trung Quốc (NDRC) và Cục Năng lượng Quốc gia Trung Quốc (NEA) công bố hồi tháng 1/2017, Trung Quốc sẽ triển khai các dự án khai thác các mỏ khí đốt tự nhiên tại thung lũng Thẩm Thúy, thung lũng Ordos và Thúy Hưng (Qúy Châu); khẩn trương triển khai các dự án thăm dò khai thác dầu khí tại các khu vực Trường Ninh và Ngụy Viễn (Tứ Xuân), Phù Lăng (Trùng Khánh), Chiêu Thông (Vân Nam), Diên An (Thiểm Tây) và Đồng Nhân (Quý Châu), đồng thời xúc tiến triển khai các dự án khai thác dầu thô, khí thiên nhiên và băng phiến trên các vùng biển của Trung Quốc. Trung Quốc đặt mục tiêu tăng sản lượng dầu thô trong nước lên 200 triệu tấn vào trước năm 2020, trong khi năng lực cung cấp khí đốt tự nhiên sẽ vượt 360 tỷ m3. Trong khi đó, CNOOC cũng lên kế hoạch đầu tư 200 tỷ nhân dân tệ (hơn 32 tỷ USD) và khoan 800 giếng dầu tại Biển Đông, nhằm thực hiện mục tiêu đạt 500 triệu tấn dầu đến năm 2020.

Đến năm 2020, Bắc Kinh sẽ từng bước nâng cao sản lượng dầu khí quốc nội, tăng cường thăm dò khai thác dầu khí khu vực biển và cận biển, khai thác dầu khí vùng biển sâu, tự lực chế tạo thiết bị, nâng cao sản lượng dầu khí ngoài khơi. Theo đó, Trung Quốc tiếp tục khai thác dầu khí trên đất liền và ngoài biển, củng cố giếng dầu cũ, khai thác giếng dầu mới, đặc biệt là giếng dầu ngoài khơi. Ngoài ra, nhằm đẩy mạnh khai thác dầu khí ngoài khơi, chính quyền Trung Quốc sẽ áp dụng các biện pháp tự khai thác và hợp tác với nước ngoài.

Hoạt động khai thác dầu khí ở Biển Đông

Sự tăng trưởng kinh tế của châu Á thúc đẩy nhu cầu phát triển sản xuất dầu khí ở Biển Đông. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ dự báo nhu cầu nhiên liệu hóa lỏng và khí hàng năm của khu vực sẽ tăng lần lượt là 2,6%/năm và 3,9%/năm trong thập kỷ tới. Đặc biệt là Trung Quốc, với mục tiêu tăng mạnh lượng tiêu thụ khí tự nhiên trước năm 2020, coi Biển Đông, là khu vực trọng tâm, nơi có nhiều tiềm năng trong việc tìm ra các mỏ khí mới. Trong những năm gần đây, sản lượng khai thác dầu thô và khí đốt trên thế giới liên tục sụt giảm, đã ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế của Trung Quốc. Tuy nhiên, hầu hết các hoạt động dầu khí ngoài khơi ở Biển Đông diễn ra gần bờ, tuy nhiên Trung Quốc đang dần dần di chuyển ra những vùng nước sâu hơn, đặc biệt là khu vực lưu vực cửa sông Châu Giang (Pearl River Mouth). Tuy vậy, tiềm năng để phát triển hơn nữa các hoạt động khai thác biển sâu của khu vực đã bị đẩy lên cao bởi các tranh chấp biên giới nêu trên.

CNOOC là tập đoàn dầu khí của Trung Quốc có hoạt động mạnh nhất trong khu vực Biển Đông và tập đoàn này đang hợp tác với Husky ở mỏ khí Liwan (Liwan gas field) với trữ lượng đã được xác định và tiềm năng vào khoảng 4-6 tỷ feet khối. Thêm vào đó, CNOOC sẽ khoan khoảng 140 giếng thăm dò, thu thập xấp xỉ 15.400km (9.571 dặm) dữ liệu địa chấn 2D và 24.800 km2 (9.575 dặm2) dữ liệu địa chấn 3D và sẽ tiếp tục mở rộng các hoạt động thăm dò nước sâu. Tổng đầu tư cho các hoạt động là khoảng hơn 20 tỷ USD. Tháng 06/2012, CNOOC chào thầu 09 lô dầu khí ở khu vực Biển Đông nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam ở bể Jianna và Wan’an. Theo EIA, chưa có bất kỳ tập đoàn nước ngoài nào thực hiện chào giá.

Giàn khoan Đông Phong và âm mưu mới của Trung Quốc

Đông Phong 13-2 CEPB là giàn sản xuất dầu khí lớn thứ hai của Trung Quốc, nặng 17.247 tấn, tương đương với 10 nghìn chiếc xe ôtô thông thường và rộng bằng một sân bóng đá. Đông Phong 13-2 CEPB là giàn khoan do Trung Quốc đóng tại thành phố Châu Hải, tỉnh Quảng Đông. Theo Cục Hải sự tỉnh Hải Nam, Trung Quốc (3/4) giàn khoan trên sẽ được triển khai tại giếng Đông Phương 13-2 trên Biển Đông từ ngày 6-10/4. Theo đó, giàn khoan trên sẽ được đặt ở lòng chảo Quỳnh Hải – vốn có tiềm năng nhiều dầu khí, nằm ở phía Tây Bắc Biển Đông, giữa Đảo Hải Nam và bờ biển phía Bắc của Việt Nam. Vị trí này nằm bên phía Trung Quốc theo đường phân định Vịnh Bắc Bộ được quy định trong Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ mà hai nước ký kết vào năm 2000. Đây là lần thứ hai Trung Quốc triển khai một giàn khoan cỡ lớn như vậy ra Biển Đông. Lần đầu tiên là vào năm 2014 khi Trung Quốc triển khai giàn khoan khổng lồ Hải Dương 981 vào khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Theo giới quan sát, giàn khoan trên sẽ được Trung Quốc đưa vào sát khu vực đường trung tuyến phân định Vịnh Bắc Bộ để khoan thăm dò và khai thác dầu khí. Hành động này của Trung Quốc sẽ khiến tình hình khu vực trở nên căng thẳng hơn.

Một số thành tựu nghiên cứu, chế tạo giàn khoan dầu khí của Trung Quốc:

Để đạt được mục tiêu chiến lược đề ra, Trung Quốc đã tích cực đầu tư, nghiên cứu, chế tạo các loại hình giàn khoan dầu khí hiện đại. Tính đến thời điểm hiện tại, Bắc Kinh đang là một trong những nước có giàn khoan dầu hiện đại nhất trên thế giới, có khả năng tác nghiệp trong môi trường khắc nghiệt, bao gồm:

Giàn khoan Hải Dương 981 là loại giàn khoan nửa chìm nửa nổi, có chiều dài 114 m, chiều rộng 89 m và chiều cao 117 m, nặng 31.000 tấn. Độ sâu hoạt động tối đa là 3.000 m và độ khoan sâu tối đa là 10.000 m. Tập đoàn đóng tàu quốc gia Trung Quốc là đơn vị

Giàn khoan Hải Dương 982, là giàn khoan nửa nổi nửa chìm thế hệ thứ 6, được Trung Quốc mệnh danh là “đảo nhân tạo trên biển”. Hải Dương 982 có khu boong làm việc rộng 1.524 m2, sức chứa 180 người, tải trọng 5.000 tấn, trang bị hệ thống định vị động lực tự động thế hệ 3 (DP3). Hệ thống này được điều khiển bằng máy tính, tính toán các tham số về gió, sóng biển, thủy triều để tự động duy trì vị trí của giàn khoan trên biển bằng cách điều chỉnh cánh quạt và động cơ đẩy. Giàn khoan dài 104,5 m, rộng 70,5 m, khoan sâu tối đa 9.144 m, có thể hoạt động thăm dò dầu khí và khí đốt trong vùng biển sâu 1.500m. Nó được thiết kế nhằm chịu đựng mọi cơn bão khắc nghiệt ở Biển Đông.

Giàn khoan Hưng Vượng tải trọng 5.000 tấn, có khả năng tác nghiệp ở mức nước sâu nhất lên tới 1.500 m và độ sâu của giếng khoan là 7.600 m, sức chứa 130 người và nó có thể tác nghiệp ở các địa hình khác nhau, trừ vùng băng giá.

Một số hoạt động phi pháp tiêu biểu của Trung Quốc:

Trong 10 năm trở lại đây, Trung Quốc đã tích cực triển khai nhiều hoạt động phi pháp liên quan lĩnh vực dầu khí trong khu vực Biển Đông, cụ thể:

CNOOC (5/2011) đã kêu gọi các công ty nước ngoài tham gia liên doanh để khai thác dầu khí tại 19 khu vực ngoài khơi Trung Quốc, kể cả tại vùng có tranh chấp với Việt Nam (65/24).

CNOOC (6/2012) đã mời các công ty nước ngoài đấu thầu trái phép 9 lô dầu khí nằm sâu trong thềm lục địa của Việt Nam, chồng lên các lô từ 128 đến 132 và từ 145 đến 156 mà Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đã và đang tiến hành các hoạt động dầu khí lâu nay. Bản đồ công bố trên mạng của CNOOC cho thấy 9 lô dầu khí mà Trung Quốc mời thầu thăm dò, khai thác nằm ở vùng biển có độ sâu 300 – 4.000 m; chúng đều nằm trong vùng biển thuộc “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Các lô mà Trung Quốc mời thầu nằm trên khu vực rộng hơn 160.000 km2. Vùng biển Trung Quốc gọi thầu chỉ cách bờ biển Quảng Ngãi 76 hải lý (hơn 140 km), cách phía Bắc Nha Trang 60 hải lý (hơn 105 km) và cách đảo Phú Quý 30 hải lý (55 km).

CNOOC (8/2012) lại mời thầu thăm dò, khai thác 22 lô dầu khí ở Biển Đông . Trong đó, lô mang số hiệu 65/12 chỉ cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 50 km và rất gần lô 65/24 của Việt Nam.

Tháng 5/2014, Trung Quốc di chuyển giàn khoan Hải Dương 981 từ đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa tiến sâu vào thềm lục địa Việt Nam. Giàn khoan được hạ đặt sâu trong vùng 200 hải lý thuộc đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, cách bờ biển Việt Nam 130 hải lý. Hành động này của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, được Công ước về luật biển của Liên Hợp Quốc 1982 ghi nhận và được cụ thể hóa trong Luật Biển Việt Nam 2012.

CNOOC (25/2/2016) thông cáo mời thầu 18 lô dầu khí với tổng diện tích khoảng 52.257 km2, bao gồm 14 lô ở Biển Đông, 3 lô tại biển Bột Hải, 1 lô tại Biển Hoa Đông. Đối tượng mời thầu bao gồm các công ty tư nhân và tập đoàn nước ngoài, cùng tham gia thăm dò khai thác dầu khí dưới sự điều hành của CNOOC. Được biết, trong các lô dầu khí ở Biển Đông năm 2016 này có một số lô nằm gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Theo thống kê của Wall Street Journal, trong vài năm gần đây CNOOC đã mời thầu hàng chục lô dầu khí nhưng ít công ty nước ngoài nào tỏ ra có hứng thú. Từ năm 2005 đến nay mới có 5 lô do các công ty nước ngoài nhận thầu, gồm Husky Energy Inc. (HSE.T) của Canada, BG Group PLC (BG.LN) của Anh, Devon Energy Corp. (DVN) của Mỹ và Eni SpA (E) của Ý. Thế nhưng, kết quả thăm dò đều đáng thất vọng.

Để đạt được mục tiêu đề ra, Trung Quốc đã sử dụng nhiều thủ đoạn nguy hiểm, khó lường nhằm ngăn cản (phi pháp) các nước thăm dò, khai thác dầu khí hợp pháp ở Biển Đông:

Đầu tiên, Trung Quốc tăng cường thăm dò dầu khí ở Biển Đông, bao gồm cả những khu vực tranh chấp mà một số quốc gia ASEAN tuyên bố chủ quyền, trong đó có Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei.

Thứ hai, Bắc Kinh sử dụng sức mạnh kinh tế, quân sự, ngoại giao… để ngăn chặn các nước khai thác dầu khí ở Biển Đông. Trung Quốc (7/2014) chỉ trích việc Bộ Năng lượng Philippines đã gia hạn thêm một năm cho Forum Energy, một công ty dầu khí của Anh, tiến hành các hoạt động dầu khí ở khu vực Bãi Cỏ Rong (tên quốc tế là Reed Bank) thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc và Philippines cũng tuyên bố chủ quyền với bãi đá này. Trong khi đó, Bắc Kinh cũng dùng ảnh hưởng và sức mạnh của mình để gây sức ép khiến PetroVietnam buộc phải dừng khoan thăm dò với các đối tác nước ngoài ở các lô 07.03 và 136.03 hồi tháng 3/2018 và 7/2017. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nhiều lần ngang ngược tuyên bố: “Không có sự cho phép của Trung Quốc, việc khai thác dầu khí của bất kỳ công ty nước ngoài nào trong vùng biển dưới quyền thực thi pháp lý của Trung Quốc là phi pháp và không có giá trị”; tiếp tục nhắc lại lập luận ngang ngược rằng Trung Quốc “có chủ quyền không tranh cãi” đối với quần đảo Trường Sa của Việt Nam và các vùng biển lân cận.

Thứ ba, Chính phủ Trung Quốc thực hiện nhiều chủ trương, chính sách ủng hộ đối với các hoạt động phi pháp của doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động trên Biển Đông, như hỗ trợ trên các phương tiện chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao, đưa ra chính sách ưu đãi khác thác như vốn đăng ký, thu thuế, thuế quan và tài chính, thiết lập quỹ khai thác rủi ro Biển Đông, đưa ra các chính sách phát triển ngành nghề hỗ trợ cần thiết để đẩy nhanh việc khai thác phi pháp ở Biển Đông.

Nhìn chung, để đáp ứng nguồn cung năng lượng phục vụ phát triển kinh tế trong nước, Trung Quốc sẽ bất chấp các thủ đoạn, dù là phi pháp và bị cộng đồng quốc tế phản đối, để khai thác nguồn dầu khí ở Biển Đông. Hiện nay, với ưu thế vượt trội về trình độ khoa học kỹ thuật, Bắc Kinh sẽ mở rộng việc thăm dò phi pháp ở những khu vực biển xa, vùng biển sâu, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác. Hành động này của Trung Quốc là để ăn cắp nguồn tài nguyền của các nước. Trong khi đó, Trung Quốc chủ trương hạn chế khai thác dầu khí ở các vùng biển nông, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của mình, coi đầy là nguồn dầu khí dự trữ chiến lược, chỉ được khai thác khi đã lấy hết dầu khí của các nước khác ngoài Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới