Cơ quan báo chí của Hạm đội Biển Bắc Nga cho biết, một nhóm tàu chiến Nga, do tàu khu trục Đô đốc Gorchkov dẫn đầu, đang tiến vào Biển Đông. Các tàu này dự kiến đến bán đảo Sơn Đông để tham gia lễ kỷ niệm 70 năm của Hải quân Trung Quốc.
Tàu khu trục Đô đốc Gorchkov của Nga
Tàu chiến khủng của Nga sẽ tham dự lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Hải quân Trung Quốc
Theo thông tin trên, tàu khu trục Đô đốc Gorchkov của Nga đã vượt qua eo biển Malacca và Singapore để tiến vào Biển Đông để đến cảng Thanh Đảo của Trung Quốc trên bán đảo Sơn Đông. Theo lịch trình dự kiến, đội tàu do tàu khu trục Đô đốc Gorchkov dẫn đầu sẽ tham gia lễ kỷ niệm 70 năm Hải quân Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc vào ngày 23/4 tới.
Đi theo tàu khu trục Đô đốc Gorchkov còn có tàu kéo cứu hộ Nikolai Tchiker, tàu hậu cần đa chức năng Elbrus và tàu chở dầu Kama. Tất cả đều thuộc Hạm đội Biển Bắc của Nga. Đội tàu này bắt đầu hành trình rời Biển Bắc từ ngày 26/2. Trên hành trình đến Trung Quốc, các tàu đã ghé qua Djibouti và cảng Colombo ở Sri Lanka. Đây là lần đầu tiên tàu khu trục Đô đốc Gorchkov thực hiện chuyến đi dài. Nó đã đi được hơn 20.000 km và đã hoàn thành một số bài tập sử dụng tên lửa và phòng thủ của hải quân.
Trong khi đó, Đô đốc Gorshkov được đặt tên theo cựu tư lệnh hải quân Liên Xô, tướng Sergei Gorshkov. Đây là tàu mặt nước lớn nhất được Nga chế tạo từ sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991 và là tàu khu trục tàng hình mới gia nhập hải quân Nga, có kích thước không quá đồ sộ nhưng sở hữu dàn vũ khí hiện đại, tiên tiến mang lại sức mạnh công, thủ toàn diện cho tàu chiến này. Tàu trên là tàu đầu tiên trong dự án 22.350 (Project 22.350) chế tạo tàu khu trục tàng hình mới của Nga, được bàn giao cho hải quân nước này vào ngày 28/7/2017. Đây là tàu đã được sử dụng động cơ hoàn toàn mới với công nghệ chế tạo tiên tiến của hãng Saturn (Nga), thay vì các động cơ thế hệ cũ do công ty Ukraine Zorya-Mashprojekt chế tạo.
Chiến hạm thuộc Project 22350 lớp Đô đốc Gorshkov thuộc loại tàu hộ vệ hạng nặng, được phát triển trên nền tảng lớp Krivak. Lớp tàu này do Viện thiết kế SPKB phát triển, chiếc đầu tiên của lớp này là Đô đốc Gorshkov đã được bàn giao cho Hải quân Nga thử nghiệm trang bị vũ khí. Đô đốc Gorshkov có chiều dài tới 135m, rộng 16,4m, mớn nước 4,5m, lượng giãn nước 4550 tấn, được trang bị hệ thống động cơ đẩy tuabin khí có công suất 65.000 mã lực, cho tốc độ 29 hải lý/h. Nó có khả năng mang một trực thăng chống ngầm Kamov Ka-27 hoặc các biến thể của nó.
Các tàu lớp Đô đốc Gorshkov được lắp 2 hệ thống phóng đa năng 3S14U1 UKSK, gồm các ống phóng thẳng đứng triển khai ở phần mũi tàu, có khả năng phóng tên lửa Kalibr-NK hay Oniks (Onyx) và cả các tên lửa chống ngầm 91RTE2, có tầm phóng 50km. Đô đốc Gorshkov có khả năng mang mỗi tàu 16 tên lửa hành trình Kalibr-NK (phiên bản tàu nổi), bao gồm phiên bản chống hạm 3M-54T có tầm phóng 660km và tên lửa hành trình tấn công mặt đất 3M-14T, có phạm vi tấn công lên tới 3500km.
Ngoài hệ thống tên lửa hành trình, tàu Đô đốc Gorshkov còn được trang bị một pháo hạm Armat A-192M 130mm, hệ thống ống phóng ngư lôi chống tàu ngầm Paket-NK, tổ hợp tên lửa phòng không hạm Redut-Poliment hoặc hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-400 Triumf hay S-350E Vityaz. Hệ thống tên lửa phòng không hạm đa năng thế hệ mới nhất là Redut (hay còn gọi là Polyment-Redut, đặt theo tên lửa Redut và radar Polyment), là hệ thống phóng tên lửa hạm đối không tiên tiến nhất của Nga, với các tầm phóng và độ cao bắn hạ mục tiêu khác nhau.
Trong mỗi ống phóng có thể bố trí 1 tên lửa tầm trung М96Е (40-50km) hay tầm xa 9М96Е2 (120-150km), hay các tên lửa tầm ngắn 9М100 (10-15km). Các tên lửa phòng không này, có thể tạo thành các tầng lớp phòng không khác nhau, từ tầm xa đến tầm gần, từ tầm cao đến tầm thấp.
Các hệ thống phòng không hạm này được coi là nhỉnh hơn so với hệ thống tên lửa phòng không kiểu châu Âu là Aster-30, hiện đang được trang bị đại trà trên các tàu khu trục tiên tiến nhất của hải quân các nước NATO ở châu Âu như Anh, Pháp, Đức…
Không chỉ có khả năng phòng không và đánh chặn tên lửa hành trình, khi cần, hệ thống phòng không hạm đa năng Polyment-Redut còn có khả năng tiêu diệt cả mục tiêu mặt nước (chống hạm). Tính năng chống hạm đã được thử nghiệm thực tế trên tàu hộ tống Soobrazitelny, thuộc Project 20380 của Hạm đội Baltic. Còn vào đầu tháng 6-2014, chiến hạm này cũng đã dùng hệ thống tên lửa phòng không đa năng Redut tiêu diệt thành công các tên lửa hành trình.
Trước đây, Hải quân Nga đang có kế hoạch đóng tới 20 tàu hộ vệ lớp Đô đốc Gorshkov, tuy nhiên sau đó đã rút xuống còn 10 chiếc. Tính đến thời điểm này mới có 2 chiếc là Đô đốc Gorshkov và Đô đốc Kasatonov đã được hoàn tất, ngoài ra, còn 2 chiếc nữa đang được đóng.
Với những tính năng trên, tàu hộ vệ hạng nặng lớp Đô đốc Gorshkov được đánh giá là tàu hộ vệ mạnh nhất, tiên tiến nhất thế giới, sánh ngang các khu trục hạm hạng nặng của các nước châu Âu.
Lễ kỷ niệm “hoành tráng” của Bắc Kinh
Bộ Quốc phòng Trung Quốc thông báo hơn 60 quốc gia sẽ gửi phái đoàn hải quân để tham dự cuộc thao diễn kỷ niệm 70 năm thành lập lực lượng Hải quân Trung Quốc. Dự kiến tàu hải quân từ nhiều nước, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Philippines… sẽ tham gia. Hải quân Trung Quốc được cho là sẽ sử dụng cuộc thao diễn năm nay để cố tiếp xúc với các đối tác trên toàn cầu nhằm thể hiện một hình ảnh thân thiện, trong bối cảnh lực lượng này bị cộng đồng quốc tế theo dõi sát sao về những động thái của họ ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
Tờ South China Morning Post nhận định, cuộc thao diễn hải quân sẽ mang lại cơ hội cho hải quân Trung Quốc đánh bóng hình ảnh là lực lượng quân sự hiện đại, thân thiện và yêu hòa bình. Trong khi đó, giới chuyên gia quân sự cho rằng Bắc Kinh sẽ khoe các trang thiết bị khí tài mới tại cuộc thao diễn 70 năm thành lập Hải quân. Nhà phân tích hải quân ở Bắc Kinh Lý Kiệt cho rằng đây sẽ cuộc thao diễn lớn nhất trong lịch sử quân đội Trung Quốc, thể hiện những thành tựu về hiện đại hóa của hải quân trong vài thập niên qua; dự đoán Trung Quốc sẽ điều tàu sân bay Liêu Ninh, tàu sân bay Type 001A, tàu khu trục thế hệ mới Type 055, tàu đổ bộ thế hệ mới Type 075, tàu ngầm bằng năng lượng hạt nhân phóng tên lửa đạn đạo (SSBN) Type 094 tham gia cuộc thao diễn hải quân. Được biết, tàu đổ bộ thế hệ mới có thể là Type 075 là tàu đổ bộ hiện đại và lớn nhất của Trung Quốc từ trước đến nay, với lượng giản nước lên tới 40.000 tấn, tàu này có thể chở 30 trực thăng có khả năng tấn công tàu, lực lượng trên bộ và tàu ngầm. Tàu ngầm hạt nhân SSBN Type 094 nổi tiếng là ồn ào và dễ phát hiện, nhưng Bắc Kinh hiện đang phát triển một SSBN tiên tiến hơn là Type 096, nó được thiết kế mang tên lửa JL-3, với tầm bắn lên tới 12.000 km, có thể tấn công các mục tiêu ở Mỹ.
Được biết, năm 2019 sẽ là năm trọng điểm với nhiều dấu mốc kỷ niệm quan trọng và nhiều khó khăn, thách thức của Trung Quốc như 70 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, 70 năm thành lập hải quân, 40 năm thiết lập quan hệ Trung – Mỹ, 40 năm chiến tranh biên giới Việt – Trung… Giới chuyên gia cho rằng thông qua việc phô diễn sức mạnh hải quân sắp tới cũng là cách để ông Tập Cận Bình định hướng dư luận trong nước và kích thích tinh thần, lòng trung thành của người dân với Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Ngoài ra, trong bối cảnh Trung Quốc liên tục gây sức ép, tìm mọi cách ép buộc thống nhất với Đài Loan, việc hải quân phô diễn sức mạnh sẽ là cơ hội để Bắc Kinh gia tăng sức ép và thị uy quân sự đối với Đài Bắc. Giới quan sát cho rằng, trong bối cảnh quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan đang leo thang căng thẳng trước những tuyên bố đối chọi nhau của chính quyền hai bên thì việc tổ chức rầm rộ kỷ niệm 70 năm thành lập hải quân sắp tới sẽ như một sự thị uy nhằm vào chính quyền Đài Bắc, cũng như một cách để phô trương sức mạnh quân sự của PLA.